Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 01 – 07/03/2017: Câu Chuyện Gương của dân biểu Carol Monaghan ngày thứ Tư Lễ Tro

Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 01 – 07/03/2017: Câu Chuyện Gương của dân biểu Carol Monaghan ngày thứ Tư Lễ Tro

1. Ăn chay đúng nghĩa là gì?

Ăn chay đúng nghĩa chính là giúp đỡ người thân cận; còn ăn chay giả dối là việc trộn lẫn giữa điều có vẻ là tôn giáo với thứ kinh doanh nhơ bẩn và kiểu hối lộ của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 03 tháng 03 tại nhà nguyện Santa Marta

Các bài đọc trong ngày nói về việc ăn chay. Ăn chay là việc mà chúng ta được mời gọi thực hành trong Mùa Chay. Làm như thế để chúng ta có thể tiến lại gần Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn sám hối. Tác giả Thánh Vịnh là người có tâm hồn cảm thấy được tội lỗi của mình, và nhận biết được rằng mình chỉ là một tội nhân.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa chê trách những kẻ giả hình. Họ ăn chay nhưng lại ăn bẩn trong kinh doanh và đối xử tệ bạc với người làm công. Họ có đôi tay xấu xa. Một tay họ làm việc đền tội, tay kia họ làm những điều bất công. Vì thế, Chúa kêu gọi thực hiện việc ăn chay đích thực.

Có kiểu ăn chay giả dối, có thói đạo đức giả. Đó là kiểu ăn chay để cho người khác thấy mà khen, trong khi lại hành xử đầy bất công và khai thác con người. Ví như có người nói: “Tôi sẽ dâng tặng điều tốt đẹp này cho Giáo Hội”. Thử hỏi lại người ấy rằng: “Hãy nói cho tôi, bạn có đối xử tốt với gia đình bạn không? Bạn có trả lương xứng đáng cho nhân viên của bạn không? Bạn có thực thi như luật pháp và lẽ phải, để các nhân viên có thể nuôi con cái của họ không?”.

Có một câu chuyện diễn ra ngay sau thời chiến tranh thế giới thứ hai, khi ấy cha Pedro Arrupe Dòng Tên đang là nhà truyền giáo tại Nhật Bản. Có một doanh nhân giàu có nọ muốn dâng tặng cho công cuộc truyền giáo, nhưng đi cùng anh ta, có một nhiếp ảnh gia và một nhà báo. Trong khi đó, chiếc phong bì mà anh doanh nhân tặng chỉ chứa 10 đôla.

Kiểu ăn chay giả dối cũng giống như việc chúng ta không đối xử phải lẽ với người thân cận. Chúng ta thực hiện việc đền tội, ăn chay, bố thí, và rồi chúng ta cũng làm việc hối lộ. Đó là sự giả hình giả dối của những thứ phù vân hư ảo. Đó không phải là chân thực mà chỉ là đạo đức giả. Vì vậy Chúa Giêsu nói: khi cầu nguyện thì chọn nơi kín đáo, khi ăn chay thì đừng làm bộ buồn sầu, khi bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói cho những kẻ giả hình biết thế nào là ăn chay đúng nghĩa: “Nào ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao? Là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ gánh nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, chia cơm sẻ bánh cho người đói, tiếp rước người nghèo vô gia cư, mặc áo cho kẻ trần truồng, đừng kinh khi những người cũng là con người như ngươi”. Chúng ta hãy ngẫm suy những lời này, chúng ta hãy để tâm những lời ấy mỗi khi chúng ta ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí. Điều ấy sẽ giúp chúng ta nghĩ xem người ta cảm thấy điều gì, khi người ta ăn bữa tối với giá 200 euro xong và trên đường trở về nhà, người ta nhìn thấy một người đang đói, và rồi người ta tiếp tục bước đi. Thật là tốt cho chúng ta để nghĩ suy về những điều này.

2. Câu chuyện: Gương của dân biểu Carol Monaghan trong ngày thứ Tư Lễ Tro

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những câu chuyện thời sự được đài BBC đưa tin trong tuần qua là câu chuyện của nữ dân biểu Quốc Hội Anh Carol Monaghan.

Sáng ngày thứ Tư Lễ Tro mùng 1 tháng Ba vừa qua, dân biểu Carol Monaghan của Glasgow trên đường đến dự cuộc họp Quốc Hội nhằm tuyển chọn các thành viên vào ủy ban đối ngoại Quốc Hội Anh, đã ghé vào một nhà thờ để tham dự lễ Tro.

Sau khi dự lễ, với vết tro còn nguyên trên trán cô đến Quốc Hội tham dự buổi họp quan trọng được trực tiếp truyền hình.

Carol Monaghan nói:

“Khi tôi đi vào ủy ban, những thành viên trong ủy ban nhao nhao hỏi tôi về dấu thánh giá bằng tro trên trán. Tôi nói ‘đó là Thứ Tư Lễ Tro’. Đáp lại họ nói, nhưng cuộc họp này sẽ được phát hình trực tiếp đấy”.

“Tôi cảm nhận là họ e rằng tôi sẽ xấu hổ – nhưng tôi đã để yên không bôi dấu thánh giá đi” Monaghan nói.

Cô nói thêm rằng hầu hết tín hữu các tôn giáo thể hiện niềm tin của họ rõ ràng thông qua các biểu tượng và quần áo, cho nên tại sao người Công Giáo lại cảm thấy xấu hổ trước các biểu tượng niềm tin của mình?

Trước khi trở thành một dân biểu vào năm 2015, Monaghan từng là một giáo viên dạy vật lý tại một trường công lập. Cô đã có kinh nghiệm khi người ta hỏi cô về ý nghĩa đằng sau vết tro trên trán ngày Thứ Tư Lễ Tro.

“Tôi cảm hạnh phúc để trả lời câu hỏi của họ. Đối với tôi đó là một cơ hội truyền giáo.”

Năm 2011, một giám mục Anh khuyến khích người Công Giáo không nên bôi vết tro trên trán của họ sau khi họ nhận được phép lành này bởi vì nó cung cấp cho các Kitô hữu một cơ hội để rao giảng Tin Mừng.

Lời Chúa theo Tin Mừng Thánh Mátthêu:

“Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

3. Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Chiếc la bàn định hướng của người Kitô hữu chính là việc bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài là Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mang lấy những thương tích của chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm mùng 2 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Mở đầu mùa chay với tiếng vang gọi mời sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào thực tại với ba nét: thứ nhất là con người, thứ hai là Thiên Chúa, thứ ba là con đường.

Thực tại là con người phải lựa chọn giữa thiện và ác. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do, và chúng ta phải thực hiện việc chọn lựa. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, Ngài ban cho chúng ta các điều răn để dẫn đường chỉ lối. Tiếp đến, thực tại về Thiên Chúa là điều rất khó hiểu đối với các môn đệ. Các ông không hiểu được con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân chỉ trừ tội lỗi. Nếu không có Thiên Chúa thì đã không có Chúa Kitô. Nếu tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Kitô, thì vị Chúa ấy không thực.

Thực tại về Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa nơi Đức Kitô, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với thực tại này, chúng ta cũng quay lưng lại Thập giá Chúa Kitô, và khi đó chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đi ra khỏi con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường của Thiên Chúa là thế này: Ngài đã đến với chúng ta, đến bên chúng ta để cứu chúng ta, và chết vì chúng ta. Đó là thực tại về Thiên Chúa.

Có một cuộc đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu. Người theo thuyết bất khả tri với thiện ý, đã hỏi người tín hữu rằng: “Đối với tôi, bằng cách nào mà có thể… Vấn đề là bằng cách nào mà Đức Kitô là Thiên Chúa, điều này tôi không hiểu. Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao?”. Người tín hữu đáp lại: “Vâng, với tôi, đây không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao Thiên Chúa lại không là Đức Kitô”.

Thực tại về Thiên Chúa là: Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô. Chúng ta đều biết rằng, không thể sống mùa chay mà không sống thực tại này. Tất cả chúng ta cần thay đổi bản thân, không phải với một Đức Kitô kiểu trừu tượng mông lung, nhưng là với một Đức Kitô cụ thể bằng xương bằng thịt, Đấng là Thiên Chúa làm người.

Thực tại thứ ba là con đường. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Con đường ấy chính là con đường của Chúa Kitô, là bước theo Đức Kitô để thực thi ý muốn của Chúa Cha như Đức Kitô đã làm, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Không làm những gì mình muốn, nhưng là làm những gì Đức Kitô muốn, đó là theo Đức Kitô. Ngài đã nói về con đường từ bỏ, con đường liều mất mạng sống để rồi được lại sự sống. Đó là con đường hy sinh mạng sống, hy sinh những gì mình muốn, hy sinh những tiện nghi, để phục vụ tha nhân, để phụng thờ Thiên Chúa. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường phải lẽ.

Như thế, chỉ có một con đường chắc chắn, là bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường thập giá. Đó là thực tại với ba nét đặc thù: thực tại về con người, thực tại về Thiên Chúa, thực tại về con đường. Đó là chiếc la bàn giúp người Kitô hữu không bị lạc lối.

4. Chọn Thiên Chúa thì vui tươi, chọn giàu sang thì sầu buồn

Thiên Chúa là Đấng ban cho chúng ta tất cả. Đi theo Chúa, chúng ta không kiếm tìm sang giàu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 28 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng một ngày trước đó, Chúa Giêsu nói: không ai có thể làm tôi hai chủ, không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. Và khi anh thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi, Chúa còn nói: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, nơi bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô hỏi Chúa: Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?

Ông Phêrô không biết phải nói gì. Ông đã nói theo kiểu: Vâng, chúng con đã bỏ lại mọi sự, vậy chúng con thì sao? Chúa Giêsu đáp lại rất rõ ràng: “Thầy bảo thật anh em, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đồng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ không được gấp trăm cùng với sự sống đời đời.” Thế đó, chúng ta bỏ tất cả, và Chúa ban cho tất cả. Lòng quảng đại của Ngài vượt xa lòng quảng đại của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta tất cả. Khi Ngài ban một cái gì đó, cái gì đó có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, đừng quên một cụm từ mà Chúa nói, một thứ mà Chúa ban, đó là “cùng với sự bắt bớ”. Lời này làm chúng ta suy nghĩ.

Đây là việc bước vào một lối nghĩ khác, một cung cách hành động khác. Chúa Giêsu đã trao ban trao tặng chính Ngài cách hoàn toàn trên Thập giá.

Quà tặng của Thiên Chúa là thế, là sự tự hiến hoàn toàn. Đây là phong cách của Kitô giáo. Đó là tìm thấy sự hoàn thiện trong việc nhận lấy sự tự hiến hoàn toàn, và rồi đi theo con đường tự hiến này. Điều ấy chẳng hề dễ dàng, thực sự không dễ chút nào. Đâu là dấu chỉ cho biết tôi đã cho đi tất cả và nhận lấy tất cả? Chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất rằng: “Hãy tôn vinh Chúa với ánh mắt vui tươi. Khi dâng của lễ lên Thiên Chúa, ngươi hãy vui nét mặt và hân hoan thánh hiến một phần mười của ngươi dâng. Ngươi hãy dâng lên Thiên Chúa Tối Cao tùy theo như Người đã ban cho ngươi.” Ánh mắt vui tươi, nét mặt hạnh phúc, niềm vui… Đó chính là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang tiếp bước trên con đường của tất cả và không gì cả, con đường của tự hiến hoàn toàn, con đường của niềm vui.

Nếu như anh thanh niên giàu có sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, thì chính thánh Phêrô đã vượt qua và bước tiếp. Giữa những thách đố và khó khăn, cần có nét mặt vui tươi và ánh mắt hạnh phúc và niềm vui của tâm hồn. Đó là gương sáng của thánh Alberto Hurtado.

Thánh nhân luôn làm việc, cho dù khó khăn nối tiếp khó khăn, dù thách đố tiếp nối thách đố… Ngài đã luôn làm việc để phục vụ người nghèo… Ngài đã làm việc theo phong cách của ngài… Đó là các hoạt động bác ái để trợ giúp người nghèo… Thế nhưng Ngài bị bách hại. Ngài phải chịu nhiều đau khổ. Trong những lúc cùng cực ấy, Ngài sống sự tự hiến của thập giá với lời cầu nguyện: “Con mãn nguyện trong lòng, lạy Chúa, con mãn nguyện trong lòng”. Ngài có thể dạy cho chúng ta con đường này. Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ơn để vững bước trên con đường này, con đường tự hiến của Chúa Kitô. Và giữa những khó khăn thách đố, xin cho chúng con biết cầu nguyện với niềm vui nội tâm như thánh Alberto Hurtado.

5. Trong Chúa công bằng là thương xót

Trong hành trình của người Kitô hữu, sự thật không phải là sự thật kiểu thương lượng, và chúng ta phải sống công bằng với đầy lòng thương xót, như Chúa Giêsu dạy. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 24 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta

Các luật sĩ hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ không?” Chúa không trả lời cho họ là hợp pháp hay không hợp pháp. Chúa không đi vào lối suy diễn, lối suy nghĩ của họ. Bởi vì họ chỉ nghĩ đến niềm tin theo kiểu có thể hoặc không thể, có thể đến chỗ này, không thể đến chỗ kia. Kiểu luận lý ấy, nếp nghĩ ấy, Chúa không đi vào. Chúa hỏi lại họ rằng: “Ông Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ nói: ông Môsê cho phép ly dị vợ. Chúa đáp lại họ: ông Môsê viết điều luật ấy vì các ông lòng chai dạ đá. Chúa nói sự thật. Đó là sự thật.

Chúa Giêsu luôn nói sự thật. Khi các môn đệ hỏi thêm, Chúa giải thích: “Ai bỏ vợ mình mà lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình, và ai bỏ chồng mà lấy chồng khác thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Nếu sự thật là như thế và ngoại tình là điều nghiêm trọng, thì nên hiểu thế nào khi có nhiều lần Chúa Giêsu cũng nói chuyện với người phụ nữ phạm tội ngoại tình hoặc với người ngoại. Chúa nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu. Chị về đi và đừng phạm tội nữa.” Có thể như thế chăng?

Con đường của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rõ ràng: đó là con đường của sự thật và lòng thương xót. Chúa Giêsu vượt lên trên luật lệ. Đối với những ai muốn thử Người, muốn gài bẫy Người vào cái vòng luận lý lệ luật theo kiểu có thể không thể, thì họ đều thất bại. Họ không thể, bởi lẽ họ sống giả hình. Họ giữ luật chi li và chính xác. Họ càng giữ luật nghiêm ngặt hơn thì họ lại càng gian ác hơn. Đó là kiểu sống lừa dối.

Hành trình của người Kitô hữu không dựa trên những kiểu sự thật thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng sự thật là sự thật, và cùng với sự thật ấy là sự phản ứng của lòng thương xót. Đó là cung cách của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha giàu lòng thương xót, và Chúa Giêsu cũng là Sự Thật của Chúa Cha. Con đường của sự thật và lòng thương xót, là con đường Chúa Giêsu dạy chúng ta, nhưng thật khó thực hiện vì có biết bao cám dỗ của cuộc sống.

Khi con tim của chúng ta bị cám dỗ, thật chẳng dễ chút nào để sống công bằng và thương xót. Thế nên, chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa đổ vào cõi lòng mình. Và chúng ta luôn cần nài xin ơn ấy: “Lạy Chúa, con phải lẽ, nhưng cần phải lẽ với lòng thương xót”. Nhưng mà điều ấy không đúng trong các trường hợp đã được nghiên cứu. Nhưng lại đúng trong lòng thương xót. Đúng như bạn là. Đúng trong lòng thương xót. Sau đó, một loạt suy nghĩ có thể ập tới: “Nhưng, trong Thiên Chúa, điều gì quan trọng hơn?” Công bằng hay là thương xót? Có thể có một suy nghĩ tệ, cố gắng được khơi lên: chỉ có một mà thôi, không thể cả hai.

Thế nhưng, trong Thiên Chúa, công bằng chính là thương xót và thương xót là công bằng. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được con đường này, một con đường không hề dễ dàng, nhưng giúp chúng ta hạnh phúc và làm cho bao người hạnh phúc.

Nguồn: VietCatholic

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN