Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09-15/02/2017: Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25 tại Lộ Đức

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09-15/02/2017: Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25 tại Lộ Đức

1. Đức Thánh Cha nói về ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe

Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đã dẫn đến “một tình huống có cả ánh sáng lẫn bóng tối,” Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết như trên trong bài phát biểu ngày 10 tháng 2 gởi ủy ban y tế của Hội Đồng Giám Mục Italia.

Dịp này, Đức Thánh Cha cũng ca ngợi các nhân viên y tế chăm sóc tận tụy cho các bệnh nhân, mỗi ngày “động chạm đến thân xác đau khổ của Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Nghiên cứu khoa học chắc chắn đã tiến triển,” và những bước tiến lớn đã được thực hiện trong “việc chạy chữa, nếu chưa đánh bại được một số bệnh lý” Tuy nhiên, ngài bày tỏ mối quan tâm rằng những tiến bộ như thế chưa được đi kèm với những quan tâm đúng mức “về chi phí mà các bệnh nhân phải trả”.

Người nghèo chưa thực sự được hưởng nhiều các tiến bộ về y học.

“Có những bóng tối đang đe dọa sẽ làm trầm trọng thêm những kinh nghiệm của các anh chị em đang đau ốm của chúng tôi”

Trong các khía cạnh đáng quan ngại của nền văn hóa gạt bỏ ngày nay, khía cạnh trong đó người ta dễ thấy nhất những hậu quả đau đớn của thứ văn hóa này chính là việc chăm sóc sức khoẻ. Khi một người bệnh không được đặt ở trung tâm và không được nhìn nhận đúng phẩm giá của họ, nhiều thái độ xấu sẽ phát sinh, thậm chí có thể dẫn đến việc trục lợi trên nỗi bất hạnh của người khác.

2. Đức Thánh Cha tiếp Liên Đoàn Chống Phỉ Báng

Hôm thứ Năm mùng 9 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn của Liên Đoàn Chống Phỉ Báng khuyến khích họ vun trồng công lý và nuôi dưỡng sự hài hòa trong xã hội và nói với họ rằng “cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bài Do Thái có thể được hưởng lợi từ các công cụ hiệu quả, chẳng hạn như các phương tiện truyền thông và giáo dục.”

Liên Đoàn Chống Phỉ Báng được thành lập vào năm 1913 “để ngăn chặn các hành vi phỉ báng người Do Thái và bảo đảm có sự đối xử công bằng cho tất cả những người Do Thái”.

Theo truyền thống của các vị tiền nhiệm là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn của tổ chức này. Được biết, Liên Đoàn Chống Phỉ Báng đã duy trì mối quan hệ rất tốt đẹp với Tòa Thánh từ Công đồng Vatican II.

Phát biểu với những người hiện diện Đức Thánh Cha nhắc lại chuyến thăm của ngài hồi năm ngoái tại các trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau. Ngài nói: “Không có lời nói hay những suy nghĩ nào có thể cho là đủ khi đối diện với nỗi kinh hoàng như vậy của sự độc ác và tội lỗi; ngoài lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa rũ lòng thương xót và xin cho các bi kịch như thể không bao giờ xảy ra nữa.”

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Giáo Hội Công Giáo cảm thấy một cách đặc biệt bắt buộc phải làm tất cả những gì có thể cho những người bạn Do Thái của chúng tôi để đẩy lùi khuynh hướng bài người Do Thái”.

Sau buổi tiếp kiến này, ông Jonathan Greenblatt, giám đốc điều hành của tổ chức đã ra một thông cáo ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô về lập trường mạnh mẽ của ngài chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Ông Greenblatt cũng ca ngợi Đức Giáo Hoàng về những vận động của ngài thay mặt cho những người tị nạn.

3. Caritas mô tả tình trạng của Aleppo là “hậu tận thế”

Phát ngôn viên của Caritas quốc tế, là liên minh của các cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo Hội, đã mô tả tình hình ở phía đông Aleppo là “hậu tận thế” và “ngoài sức tưởng tượng của con người.”

Patrick Nicholson nói với đài phát thanh Vatican rằng, 1.8 triệu người ở thành phố đông dân nhất Syria này đang thiếu nước và tình hình là đặc biệt ảm đạm ở phía đông Aleppo, nơi quân đội Syria đã tái chiếm sau những cuộc giao tranh đẫm máu với phiến quân.

Aleppo là một thành phố nằm ở phía tây bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là thủ phủ của tỉnh Aleppo, và là thành phố đông dân nhất của Syria trước chiến tranh. Nơi đây từng là chiến trường quan trọng nhất trong cuộc xung đột ở Syria giữa một bên là quân đội của tổng thống Bashar al-Assad, được Nga và Iran hỗ trợ; và bên kia gồm phe nổi dậy gồm nhiều nhóm khác nhau; trong đó có những nhóm được Hoa Kỳ và các nước phương Tây yểm trợ, và cả những nhóm được các quốc gia theo Hồi Giáo Sunni trong vùng Vịnh đỡ đầu. Quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng có mặt tại Aleppo.

Cuộc chiến tại Aleppo đã kéo dài từ 19 tháng 7 năm 2012 đến 22 tháng 12 năm 2016, tức là 4 năm, 5 tháng và 3 ngày. 31,183 người bị giết trong cuộc chiến tại đây và hàng trăm ngàn người khác bị thương. Phần phía Đông Aleppo gần như bị san bằng thành bình địa.

4. Lịch sử Ngày thế giới các bệnh nhân lần thứ 25

Hôm 11 tháng 2, toàn thể Giáo Hội Công Giáo đã cử hành ngày thế giới các Bệnh Nhân lần thứ 25. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết định ngày này để kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và kêu gọi toàn Giáo Hội cầu nguyện cho các bệnh nhân.

Chủ đề của sứ điệp ngày thế giới các Bệnh Nhân lần thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô được lấy từ kinh Magnificat: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.”

Trong tự sắc thiết định ngày thế giới các Bệnh Nhân Thánh Gioan Phaolô đã viết rằng ngày này là “một thời gian đặc biệt để cầu nguyện và chia sẻ, dâng các đau khổ của bệnh nhân cho lợi ích của Giáo Hội và nhắc nhở mọi người nhìn thấy nơi những anh chị em của mình đang đau ốm khuôn mặt của Đức Kitô, là Đấng qua đau khổ, sự chết, và sống lại, đã mang đến sự cứu rỗi cho nhân loại.”

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, đã chủ sự thánh lễ trọng thể quốc tế lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 2 tại Vương cung Thánh Đường Thánh Piô 10 ở Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25.

Thánh lễ đã được đài truyền hình Lộ Đức và nhiều đài phát thanh Công Giáo tiếng Pháp trực tiếp truyền đi.

Ban chiều cùng ngày, vào lúc 3 giờ rưỡi, đã có buổi lần hạt Mân Côi bằng tiếng Pháp trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, và lúc 6 giờ chiều có kinh Mân Côi bằng tiếng Ý. Sau cùng, vào lúc 9 giờ tối có cuộc rước đuốc kính Đức Mẹ.

Trước đó, trong hai ngày 9 và 10 tháng 2, có Hội nghị thường niên của các ban tổ chức các cuộc hành hương Lộ Đức, cũng như các chủ nhà trọ đón tiếp các khách hành hương tại Trung Tâm Thánh Mẫu quốc tế này. Trong hai ngày hội nghị, ngoài các buổi thuyết trình và chia sẻ, còn có những buổi cầu nguyện và thánh lễ. Đặc biệt tối ngày 9 tháng 2, có buổi chiếu cuốn phim mới với tựa đề “Các cuộc khỏi bệnh và phép lạ ở Lộ Đức”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm đến việc cử hành Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25 tại Lộ Đức năm nay. Trong thư bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Đặc Sứ, ngài chào thăm các bệnh nhân trên toàn thế giới và bày tỏ sự gần gũi với những người đang chịu đau khổ, đồng thời mời gọi các tín hữu kiên trì cầu xin sự chuyển đầu của Mẹ Maria, là Sức Khỏe của các bệnh nhân, để Mẹ xin Con của Mẹ ban dồi dào ân sủng, nhất là ơn kiên nhẫn trong sầu muộn, lòng tín thác nơi Thiên Chúa, và lòng biết ơn vì những ơn lành đã nhận lãnh cũng như lòng yêu mến đối với tất cả mọi người.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng đã công bố một sứ điệp để chuẩn bị các tín hữu thế giới cử hành Ngày Thế Giới các bệnh nhân sốt sắng và chân thành.

5. Giám mục Nigeria chỉ trích nạn tham nhũng và bạo lực

Một giám mục Nigeria đã công khai chỉ trích nạn tham nhũng và bạo lực ở quốc gia lớn nhất châu Phi này. Tờ Guardian có trụ sở tại Lagos cho biết như trên.

Đức Tổng Giám Mục Augustine Akubeze của tổng giáo phận Benin City thúc giục người Công Giáo cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria “giúp chúng ta vượt qua những vụ giết hại người dân vô tận và vô nghĩa”

Ngài nói:

“Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta chấm dứt những vụ cướp vũ trang, những vụ bắt cóc và tình trạng tham nhũng đang ngày một lan tràn. Chúng tôi hãy lắng nghe và vâng theo các mệnh lệnh của Đức Mẹ tại Fatima.”

Nigeria có 186 triệu dân trong đó 50% là người Hồi giáo. Các tín hữu Kitô chiếm 40% dân số, và 10% người Nigeria vẫn giữ các tín ngưỡng bản địa.

6. Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia cảnh báo: Âu Châu cần “tái khám phá linh hồn” của mình

Trong các cuộc vận động tranh cử tại Pháp và Đức gần đây, người ta thấy rõ một xu hướng đang nổi lên tại Âu Châu là chủ nghĩa mị dân.

Trước làn sóng nhập cư ồ ạt chưa từng có, nhiều người châu Âu ngày nay đang sống chung với nỗi sợ hãi và những cảm giác khó chịu, trong khi lo lắng về việc mất đi bản sắc dân tộc của mình. Nhiều đảng phái chính trị mới đang mọc nên như nấm, khai thác triệt để tâm lý bất mãn của dân chúng và đưa ra các chiêu bài mị dân.

Trong cuộc phỏng vấn hôm mùng 9 tháng Hai dành cho RAI, cơ quan truyền hình của Italia, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Ý và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu cảnh báo rằng đường lối mị dân không phải là câu trả lời cho vấn đề.

Ngài nhấn mạnh rằng cộng đồng châu Âu phải phục hồi định hướng tinh thần và đạo đức của mình nếu không muốn đối mặt với các thảm họa xã hội.

Ngài nói: “Âu Châu chỉ có hai lựa chọn. Một là tái khám phá linh hồn của mình, không phải nơi những thành công về kinh tế và tài chính, nhưng là nơi các giá trị đạo đức, và tinh thần. Hai là Âu Châu sẽ ngày càng khó tiến bước.”

Đức Hồng Y cũng lặp lại một nhận xét của ngài rằng đường lối mị dân “không phải là câu trả lời cho các vấn đề và các thách đố trong thời đại chúng ta. Nó lợi dụng và nuôi dưỡng sự bất mãn, nhưng không thể kiểm soát được sự bất mãn. Thay vào đó, chúng ta cần một phân tích tổng hợp mới, một tầm nhìn toàn cầu để nhìn về tương lai với niềm hy vọng”.

7. Quốc Hội Do Thái thông qua dự luật hợp pháp hóa việc chiếm đất của người Palestine

Trong một diễn biến gây ra nhiều quan ngại, Quốc Hội Israel, hay còn gọi là viện Knesset, đã thông qua một dự luật nhằm hợp pháp hóa khoảng 3,000 đơn vị gia cư xây dựng trái phép trên đất tư nhân Palestine ở Bờ Tây.

Cái gọi là “Luật hợp thức hóa” đã được thông qua tại Quốc hội Israel với tỷ số khít khao là 60-52.

3,000 đơn vị gia cư này đã được xây dựng ở Bờ Tây trong hơn 20 năm qua. Không giống như các khu định cư, các đơn vị gia cư này không được công nhận, không được Israel cấp giấy chứng minh quyền sở hữu mặc dù nhiều căn nhà này nằm sát ngay bên cạnh các khu định cư người Do Thái.

Can thiệp này của Quốc Hội Do Thái làm phức tạp thêm những nỗ lực để đạt được một giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel-Palestine từ lâu vẫn dậm chân tại chỗ vì những tranh chấp về đất đai.

8. Đức Giám Mục William Shomali tố cáo việc Israel chiếm dụng đất của người Palestine là một sự chà đạp công lý

Một luật mới của Israel có giá trị hồi tố đã hợp pháp hóa việc chiếm đất của người Palestine để làm các khu định cư cho người Do Thái là một hành vi phạm tội chống lại công lý. Đức Giám Mục William Shomali, đại diện Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem đã tố cáo như trên.

Theo Đức Cha Shomali, chính sách mới của Israel khiến giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel-Palestine trở thành “hầu như là không thể thực hiện được”.

Ngài nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc:

“Nếu người ta chân thành trong các tuyên bố đã được nói ra là tiến hành theo hướng cùng tồn tại hòa bình giữa hai quốc gia, Palestine và Israel, vì lợi ích của nhân dân hai nước, thì người ta không thể nào có những chính sách và các biện pháp hoàn toàn đi theo hướng ngược lại, chẳng hạn như việc chiếm đất của người Palestine, và dời Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Giêrusalem”.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã lên án ý định di dời Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đến Giêrusalem.

9. Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Dục Công Giáo

Trong buổi tiếp kiến sáng 9 tháng 2, dành cho Bộ Giáo dục Công Giáo, Đức Thánh Cha khuyến khích Bộ này tiếp tục giúp các trường học và đại học Công Giáo góp phần vào sứ mạng của Giáo Hội phục vụ sự phát triển trong tình người, trong sự đối thoại và hy vọng.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 80 người, trong đó có nhiều Hồng Y và Giám Mục thành viên của Bộ giáo dục, cùng với các cố vấn và nhân viên. Trong Đại hội tiến hành những ngày này, Bộ kiểm điểm hoạt động trong 3 năm qua, và vạch ra hướng đi cho các hoạt động tương lai.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha khích lệ Bộ giáo dục Công Giáo dấn thân trong 3 chiều hướng, thứ nhất là nhân bản hóa việc giáo dục. Để được vậy các nhà giáo dục cần nhắm giúp người trẻ trở thành những người xây dựng một thế giới liên đới hơn và an bình, đồng thời cống hiến cho người trẻ những chân trời cởi mở đối với siêu việt.

Thứ hai là cần làm gia tăng nền văn hóa đối thoại. Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thời đại chúng ta, rất tiếc là có nhiều hình thức bạo lực, nghèo đói, bóc lột, kỳ thị, gạt ra ngoài lề xã hội, những đường lối tiếp cận giới hạn các tự do cơ bản của con người gây ra một thứ văn hóa gạt bỏ. Trái lại, việc đối thoại giáo dục khi con người quan hệ với nhau trong niềm tôn trọng, quí chuộc, chân thành lắng nghe và diễn tả trung thực, không che đậy hoặc giảm bớt căn tính của mình được tinh thần Tin Mừng soi sáng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích Bộ giáo dục Công Giáo giúp xây dựng một nền giáo dục gieo vãi hy vọng. Con người không thể sống mà không hy vọng và giáo dục chính là kiến tạo nên niềm hy vọng, làm nảy sinh, tăng trưởng và dẫn tới một cuộc sống tràn đầy hy vọng.

10. Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Bán Nguyệt San Văn Minh Công Giáo

Sáng 9 tháng, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Cha Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa Abascal và 60 người thuộc Cộng đoàn bán nguyệt san Văn minh Công Giáo, nhân dịp kỷ niệm số báo thứ 4 ngàn được xuất bản.

Báo “Văn Minh Công Giáo” do các cha dòng Tên Italia xuất bản được coi là thuộc hàng có uy tín bậc nhất tại nước này, và các bài thường được Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh duyệt trước khi xuất bản.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến quá trình hoạt động trong 167 năm qua của Báo Văn Minh Công Giáo từ khi được thành lập. Ngài vẫn để tờ báo này trên bàn làm việc của ngài. Ngày nay tạp chí này vượt qua các biên cương ngôn ngữ và Đức Thánh Cha vui lòng chúc lành cho các ấn bản Tây Ban Nha, tiếng Anh, Pháp và tiếng Đại hàn.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng từ lâu, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh vẫn gửi báo Văn Minh Công Giáo tới tất cả các tòa Sứ Thần Tòa Thánh trên thế giới. Giờ đây thế giới ngày càng được liên kết chặt chẽ với nhau hơn, sự vượt qua các hàng rào ngôn ngữ sẽ giúp phổ biến rộng rãi hơn sứ điệp của báo này.

Đức Thánh Cha cầu chúc báo Văn Minh Công Giáo ngày càng có thêm độc giả và ngài nói: “Dòng Tên cần hỗ trợ công trình kỳ cựu và quí giá này, đúng hơn đây là công trình duy nhất để phục vụ Tòa Thánh. Dòng hãy tỏ ra quảng đại chấp nhận việc phục vụ này qua các tu sĩ dòng Tên có khả năng và phổ biến báo này tại những nơi thích hợp hơn, như tại các trung tâm giáo dục, các trường học, đặc biệt tại những nơi đào tạo các giáo chức và huấn luyện các phụ huynh, các trung tâm huấn luyện tu đức.

11. Các Giám Mục Brazil âu lo về tình trạng tội phạm gia tăng chóng mặt tại quốc gia này

Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Brazil trong thông cáo hôm 9 tháng Hai đã bày tỏ quan ngại của các Giám Mục nước này về tình hình an ninh xuống dốc thê thảm.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em thấy đây là cảnh quân đội được điều vào các thành phố lớn tại Brazil để duy trì an ninh trật tự sau những vụ đình công của cảnh sát. Vụ đình công này khiến Brazil rơi vào một tình trạng hỗn loạn chưa từng có.

Thật vậy, ngay ngày đầu năm mới, vào chiều Chúa Nhật 1 tháng Giêng, một vụ nổi loạn đã diễn ra tại nhà tù Anisio Jobim tại Manaus, thủ phủ của bang Amazon, Brazil khi hai băng buôn bán ma túy tìm cách thanh toán nhau. Ít nhất 56 tù nhân đã bị thiệt mạng, trong đó có nhiều người bị chặt đầu. Đây là cuộc bạo loạn đẫm máu nhất tại Brazil trong hai thập kỷ qua.

Từ đó đến nay, một loạt các vụ nổi loạn khác đã diễn ra. Vụ mới nhất là tại nhà tù Rio Grande khiến 26 người bị thiệt mạng. Tổng số các tù nhân bị thiệt mạng trong các vụ nổi dậy đã lên đến con số 140 người.

Bên cạnh đó, hàng trăm tù nhân trốn thoát khỏi nhà tù và những câu chuyện tàn sát kinh hoàng trong đó nhiều tù nhân bị phanh thây và chặt đầu đã dẫn đến nhiều vụ bạo động. Trong bối cảnh đó, cảnh sát lại đình công đòi tăng lương.

12. Phương pháp ép tóc quái đản tại dải Gaza

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là một sáng kiến đáng kinh ngạc nhưng đang rất phát tài tại Gaza.

Người thợ hớt tóc này bôi một chất keo lên đầu khách hàng, rồi dùng bình phun lửa phun lên tóc. Trong khi lửa cháy sèo sèo trên đầu khách hàng, anh thợ hớt tóc dùng lược chải tóc theo kiểu dáng mong muốn.

Anh bạn trẻ này tấm tắc khen ngợi kỹ thuật mới này. Anh nói:

“Đây là một kinh nghiệm mới lạ tại Palestine và rất hay. Tôi thường làm tóc thẳng bằng cách dùng keo nhưng chỉ trong tuần lễ đầu là đẹp và độc đáo, sau đó thì tàn tạ đi.”

Dải Gaza là một khu tự trị Palestine trên bờ phía đông của biển Địa Trung Hải, có 11 km đường biên giới với Ai Cập về phía tây nam 51km đường biên giới với Israel ở phía đông và phía bắc. Gaza, cùng với khu vực Tây Ngạn sông Jordan tạo thành lãnh thổ của quốc gia Palestine. Tuy nhiên hai vùng lãnh thổ Gaza và Bờ Tây bị ngăn cách với nhau bởi các vùng đất của Israel. Cả hai vùng đều thuộc thẩm quyền của chính quyền Palestine, nhưng kể từ tháng 6 năm 2007, Gaza được cai trị bởi Hamas, một tổ chức Hồi giáo Palestine lên nắm quyền trong cuộc bầu cử tự do vào năm 2006. Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây coi Hamas là một tổ chức khủng bố nên vùng đất này bị cấm vận kinh tế về chính trị. Đồng thời Israel cấm không cho tàu bè của người Palestine ra khơi đánh cá.

Cuộc sống cơ cực khiến người dân trong vùng nảy sinh nhiều sáng kiến rất táo bạo.

13. Rumani đang trải qua khủng hoảng chính trị lớn nhất sau ngày cộng sản sụp đổ

Giữa những tin đồn là chính quyền muốn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Rumani đứng ra làm trung gian hòa giải ngõ hầu chấm dứt các cuộc biểu tình hiện nay, hôm 8 tháng 2, Tòa Thượng Phụ ra tuyên bố cho biết không có thương lượng gì hết, “cuộc chiến chống tham nhũng phải được tiếp tục, và người phạm tội phải bị truy tố vì các hành vi trộm cắp và gian lận làm cho xã hội xuống cấp về tinh thần lẫn vật chất.”

Có tới 660,000 người đã xuống đường biểu tình tại Bucarest kêu gọi thủ tướng Sorin Grindeanu từ chức ngay tức khắc. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Rumani kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vào năm 1989.

Thoạt đầu, vào ngày 31 tháng Giêng khoảng 25,000 người đã tụ tập trước văn phòng chính phủ ở trung tâm thủ đô Bucharest để chống tham nhũng.

Số người biểu tình đã tăng vọt lên hàng trăm ngàn người sau khi chính phủ đưa ra một nghị định theo đó hàng chục chính trị gia sẽ không thể bị truy tố. Làn sóng biểu tình rầm rộ tại thủ đô và tất cả các thành phố lớn trên toàn cõi Rumani đã khiến đảng Dân chủ Xã hội, là đảng cầm quyền hiện nay rúng động và đã thu hồi lại nghị định này vào hôm Chúa Nhật 5 tháng Hai.

Tuy nhiên, tình hình đang trở nên tuyệt vọng cho thủ tướng Sorin Grindeanu. Càng ngày càng có nhiều người xuống đường trong một cuộc tranh đấu kéo dài hơn 2 tuần lễ liên tục.

Cristian, một người biểu tình nói với Reuters

“Chúng tôi muốn thủ tướng ra khỏi tòa nhà đó và không bao giờ quay trở lại. Ông ta là một thất bại lớn nhất trong thời gian qua,”

Rumani, một đất nước 20 triệu dân là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Washington, nơi Hoa Kỳ đặt một căn cứ phòng thủ với các tên lửa đạn đạo hướng về Nga. Tuy nhiên, đây là quốc gia nghèo nhất trong Liên Hiệp Âu Châu.

Trong tổng số 21.6 triệu dân, các tín hữu Chính Thống Giáo chiếm 82%. Người Công Giáo tại quốc gia này chỉ có 4%.

14. Một nữ tu Colombia bị bắt cóc tại Mali

Một nữ tu Colombia truyền giáo tại Mali đã bị bắt cóc hôm mùng 8 tháng Hai.

Sơ Gloria Cecilia Narvaez là một trong bốn nữ tu hiện diện trong một cứ điểm truyền giáo tại Karangasso khi bọn khủng bố tấn công vào căn nhà của chị. Những người khác trốn thoát, nhưng chị Narvaez đã bị bắt cóc bởi những kẻ tấn công và bị chở đi trong một chiếc xe bị đánh cắp từ các nữ tu. Chiếc xe sau đó đã được tìm thấy bị bỏ lại cách đó vài chục cây số.

Theo các chị em khác, những người đã có mặt khi xảy ra vụ tấn công, những kẻ bắt cóc tự nhận mình là các chiến binh thánh chiến. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng có thể bọn này chỉ đơn giản là các tên tội phạm, tìm kiếm tiền chuộc, chúng tự xưng là Hồi giáo cực đoan để đánh lạc hướng sự chú ý.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN