Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm A của Linh mục Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm A của Linh mục Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Chúa sẽ đến, hãy sẵn sàng

Hôm nay bắt đầu một năm phụng vụ mới. Cũng như một năm của trời đất có các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì một năm phụng vụ cũng có các mùa : Vọng, Giáng Sinh, Chay, Phục Sinh, Thường Niên. Mùa đầu tiên của năm phụng vụ là Mùa Vọng. Hai tiếng “Mùa Vọng” cũng đã phần nào cho chúng ta thấy ý nghĩa của mùa này : mùa hy vọng, mùa trông đợi, mùa chờ mong. Hi vọng, trông đợi, chờ mong cái gì ? Chờ mong Chúa Giêsu giáng sinh và chờ mong Chúa Giêsu tái giáng, có nghĩa là từ xa xưa, từ những thế kỷ đầu, Mùa Vọng chỉ có nghĩa là một thời gian chuẩn bị đạo đức để xứng đáng mừng lễ Giáng Sinh. Nhưng từ thế kỷ thứ VII, Mùa Vọng lại thêm một ý nghĩa nữa : trông đợi Chúa Giêsu quang lâm, tức là Chúa tái giáng để phán xét trần gian.

Do đó, đối với chúng ta ngày nay, Mùa Vọng là mùa nhắc lại thời gian dân Chúa xưa kia chờ đợi Đấng Cứu Thế và cũng nói lên niềm chờ đợi của Giáo Hội hôm nay : đợi Chúa Giêsu đến lần thứ hai khi lịch sử kết thúc để phán xét nhân loại. Vì thế, chúng ta thấy lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng này, Chúa Giêsu bảo cho chúng ta biết về ngày Chúa quang lâm, Chúa tái giáng, Chúa trở lại, Chúa đến lần thứ hai, ngày cánh chung, ngày tận thế. Như vậy, chắc chắn Chúa sẽ quang lâm, Chúa sẽ trở lại, có ngày cánh chung, có ngày tận thế. Đây là điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : “Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, và chúng ta cũng tuyên xưng trong thánh lễ sau truyền phép : “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

Nhưng có lẽ điều mà mọi người muốn biết là khi nào Chúa đến ? Khi nào ngày ấy xảy ra ? Thưa : không ai biết được. Cho nên, bất cứ ai nói ngày nào, năm nào tận thế, thì chỉ là phỏng đoán, không đáng tin một chút nào, nếu không muốn nói là nhảm nhí. Bởi vì Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng : không ai biết điều đó. Thiên Chúa Cha giữ độc quyền bí mật về ngày ấy. Ngày ấy sẽ xảy ra bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ, bằng chứng là bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện lụt hồng thủy thời ông Nô-ê trong Cựu Ước để làm thí dụ so sánh và để làm giáo huấn cụ thể. Trước khi nạn hồng thủy xảy đến, mọi sự đều xảy ra bình thường, không có dấu hiệu gì báo trước, không có ai nhắc nhở cảnh cáo, chẳng ai nghĩ rằng tai họa có thể xảy đến. Cho nên, người ta vẫn mở tiệc ăn uống, vẫn lo cưới vợ lấy chồng, nhưng rồi mọi người, mọi sự đều bị nước cuốn trôi đi hết, trừ gia đình ông Nô-ê vì đã chuẩn bị sẵn sàng nên được cứu thoát. Cuộc quang lâm của Chúa cũng sẽ như vậy, nghĩa là hết sức bất ngờ, không ai dự đoán được. Như vậy, điều làm cho số phận của ông Nô-ê và thiên hạ khác nhau là sự sẵn sàng của ông Nô-ê và sự “không hay biết gì” của những người khác. Cũng vậy, khi Chúa đến phán xét, thì sự khác biệt sẽ xảy ra giữa người này với người khác. Cái làm nên sự khác biệt ấy là sự sẵn sàng và không sẵn sàng của họ, như Chúa đã nói : hai người đàn ông đang cùng làm việc ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang cùng xay một cối bột, một người được đem đi, một người bị bỏ lại, tức là một người được thưởng và một người bị phạt.

Rồi Chúa Giêsu lại lấy một thí dụ trong đời sống hằng ngày để nhấn mạnh thêm về sư khẩn trương phải sẵn sàng : “Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình”. Đó là điều dĩ nhiên, chúng ta có thể ngạc nhiên ve cách ứng dụng thí dụ này : “Cho nên, anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Điểm đặc biệt ở đây là chính Chúa Giêsu được ví như kẻ trộm đến bất ngờ, chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng sẽ đến bất ngờ, nên phải tỉnh thức và sẵn sàng.

Như vậy, bài học của Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: Chúa sẽ đến phán xét toàn thể nhân loại trong ngày tận thế, và Chúa sẽ đến gọi chúng ta ra khỏi đời này khi chúng ta chết. Nhưng chúng ta không biết khi nào, ngày nào, nên chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Nếu chúng ta sống trong thái độ như thế, thì bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta ra khỏi đời này, dù có bất ngờ và đột ngột, chúng ta vẫn không lo sợ. Trái lại, chỉ những ai không tỉnh thức và không sẵn sàng mới đáng lo sợ mà thôi.

Cái chết thường bất ngờ, lời Chúa hôm nay cũng nói lên điều đó. Bất ngờ như vậy, có thể là hoàn toàn tự nhiên, bình thường, không phải là số mệnh, không phải là Chúa định, cũng không phải Chúa có ý chơi xấu chúng ta, chỉ nhằm nhè lúc chúng ta lơ là thì Ngài đến. Thật ra tính cách bất ngờ đó có lợi cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta : đừng miệt mài trong cõi đời tạm mà quên đi cõi phúc trường sinh; đừng để cho những đam mê lạc thú bất chính, những tiện nghi vật chất, những nhu cầu thể xác cơm áo gạo tiền chi phối, khiến chúng ta quên mất mục đích cuối cùng là trở về nhà Cha trên trời. Đàng khác, tính cách bất ngờ ấy lại tốt cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức, và do đó luôn cố gắng sống tốt lành. Bởi vì nếu biết thời điểm đích xác, chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng, hoặc tệ hại hơn, tự ru ngủ mình để rồi tiếp tục ngồi lì trong con đường tội lỗi với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng. Chính vì tính cách bất ngờ ấy mà nhiều lần Chúa bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Nếu chúng ta luôn sống như vậy thì chúng ta cứ an tâm vui sống.

Chúng ta còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn lâu mới chết ư ? Điều đó đúng thôi, nhưng điều quan trọng là chúng ta hiện đang sống thế nào ? đang tỉnh thức hay mê ngủ ? đang sẵn sàng hay không sẵn sàng ? đang sống tốt đẹp hay bê tha tội lỗi ? Nếu chúng ta đang sống tốt đẹp, chúng ta cứ vui sống.

Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …