Home / Chia Sẻ / TÌNH YÊU LÀ GÌ?

TÌNH YÊU LÀ GÌ?

 

Chúng ta thường nghe nói là người ta có thể nghĩ ngợi những việc trên trời nhưng lại kém cỏi những việc dưới đất.  Đó là điều mà chúng ta không thể qui trách Thiên Chúa được.  Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa quan tâm đến trần thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3, 16).  Đó là Chúa Giêsu và “Ngài đã trở nên xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).

Tình yêu bằng xương bằng thịt

 

Chúa kêu gọi chúng ta sống một tình yêu có tính cách trần thế, hữu hình, bằng xương bằng thịt và mang đặc tính thiết thực.  Tình yêu đó không bị gò bó trong khuôn khổ luật lệ.  Bạn có thể tuân giữ mọi luật lệ mà bạn bắt buộc phải giữ, nhưng rồi bạn cũng sa ngã trong những tội trọng.

Ân ái trong hôn nhân là một thí dụ.  Ân ái trong hôn nhân được luật lệ cho phép.  Trong thực tế, chính đó là thời gian duy nhất được phép, miễn là người ta không tìm kiếm sự khoái lạc “thái quá”!  Tôi thiết tưởng đó là từ ngữ được sử dụng trong những sách thần học luân lý cổ xưa.  May mắn thay, quan điểm đó đã được duyệt xét lại.

Trong hôn nhân, ân ái có thể bị cưỡng chế.  Như vậy, tuân giữ luật lệ cũng chưa đủ.  Tình yêu, chứ không phải luật lệ, mới là trắc nghiệm của hôn nhân.  Nói theo ngôn từ của Chúa Giêsu: cứ dấu nầy mà thế gian biết được anh là chồng của em, do bởi tình yêu của em đối với anh; hay ngược lại.

Điều có ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể thực thi trong cuộc sống hằng ngày, theo như Chúa Giêsu, là “thực thi tình yêu.”  Nhờ có thực hành mới nên trọn hảo.  Tuy nhiên, chúng ta phải rất thận trọng trong việc “thực hành như thế nào.

Đa số trong chúng ta sống với những người mà chúng ta không bao giờ nói với họ là chúng ta yêu thương họ.  Chúng ta không bao giờ nắm tay họ.  Chúng ta không bao giờ làm cho họ cảm thấy thoải mái với chính họ.  Chúng ta không bao giờ khen họ một tiếng.  Mark Twain đã nói: “Tôi có thể viết một lời khen tặng trong hai tuần lễ.

TinhYeuLaGiNhững bức thư tình

 

Có lần tôi nói chuyện ở sân trường học với một chị có chồng.  Chị là mẹ của hai em học sinh nhỏ tuổi.  Trước đó chị rời xa thành phố để thăm viếng mẹ già.  Chị nói về chồng của chị như sau: “Khi con mở va-li ra, con thấy một bức thư tình ngắn mà anh đã nhét vào trong đó để cho con đọc mà thôi.  Bức thư tình đó làm con sung sướng nhất trong ngày.”

Rồi bằng một cái chớp mắt, chị nói thêm: “Trước khi rời nhà, con cũng để lại cho anh một bức thư tình ngắn, dưới cái gối được quấn lại trong bộ đồ ngủ của anh, cùng với một gói sôcô-la mà anh ưa thích.

Tôi thiết nghĩ anh chị đó đã thắng cuộc.  Họ đang thực thi tình yêu và đã thành công.  Đó là một tình yêu đang mang dấu ấn của một tương giao vợ chồng thắm thiết.

Hẳn bạn đã kết hôn?  Lần cuối cùng bạn viết thư tình cho chồng hay vợ đã xảy ra bao lâu rồi?  Có phải đó là lần trước khi bạn sắp làm đám cưới?  Một tình yêu không mang sắc thái cá nhân và có tính cách thiết thực thì không phải là một tình yêu đậm đà cho lắm.

Nhiều đôi vợ chồng ngày nay gọi nhau bằng “Ba” hay “Mẹ’ hoặc “Ông” hay “”.  Họ không gọi nhau bằng chính tên riêng của người đó.  Thật là kỳ dị và chói tai biết bao, bởi vì chúng ta thích nghe người khác gọi đích danh chúng ta.  Tôi chắc chắn không âm thanh nào đầy xúc động và có tác dụng tâm lý mạnh mẽ cho bằng khi gọi người phối ngẫu bằng chính tên thật của họ.

Chúng ta có thể gọi người phối ngẫu bằng “cưng” hay “mìmh”, nhưng không có một chút căn bản nào để gọi bằng “Ba” hay “Mẹ”, “Ông” hoặc “Bà”.  Nếu quí bạn có thói quen gọi như thế, tôi đề nghị bạn làm như sau:

Trước khi bạn ngủ, bạn hãy quay sang người phối ngẫu nằm bên cạnh và thay vì nói “Ba”, “Mẹ”, “Ông” hay “Bà”… “ngủ ngon!” thì hãy vỗ vào lưng người đó và nói: “Humphrey, ngủ ngon!” hay “Cathy, ngủ ngon!”  Bạn chỉ làm như thế khi bạn thực sự ngủ với một người tên là “Humphrey” hay “Cathy”.

Hy vọng bạn hiểu ý tôi muốn nói.  Điều nầy xem ra không phải linh thiêng cho lắm nhưng nếu bạn càng suy tư, bạn sẽ thấy thật linh thiêng trong đó.  Thiên Chúa là tình yêu và ở đâu có tình yêu thì Thiên Chúa hiện diện nơi đó.

Một chút chú ý

 

Điều trên đây cũng áp dụng cho trẻ con nữa.  Bạn thường nghe người ta nói: “Hết mọi trẻ con đều muốn được chú ý.”  Vậy thì một chút chú ý có gì sai lầm trong đó?  Chú ý là khởi điểm đưa vào tình yêu.  Tình yêu là chú ý đến những nhu cầu và ước muốn của trẻ con.

Các trẻ con cũng phải chú ý đến cha mẹ.  Cha mẹ bạn là song thân duy nhất mà bạn có trên đời.  Bao lâu bạn lưu tâm tới điều đó thì bạn sẽ thấy cha mẹ bạn là những người tốt nhất trên trần thế.  Vậy bạn nên nói với họ: họ là những người tuyệt vời nhất.  Ít ra bạn hãy nói với họ mỗi ngày một lần như thế.  Điều đó không làm mất mát gì cho bạn nhưng khiến cha mẹ bạn vui sướng khôn tả.

Hãy quan tâm đến những nhu cầu của những người làm chung sở với bạn.  Chẳng hạn dịp sinh nhật của một đồng nghiệp!  Bạn hãy gởi cho họ một tấm thiệp.  Cũng không phải chuyện gì to tát lắm đâu.  Điều đó không làm thâm thủng trương mục ngân hàng của bạn.  Nhưng, Chúa biết, điều đó mang lại một sự khác biệt lớn lao.

Gỏi một tấm thiệp trong những trường hợp tương tự có thể không phải là một việc linh thiêng cho lắm, nhưng đó là một cử chỉ đơn giản, thanh lịch mà trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khuyên bảo và thối thúc.

Tình yêu là thực tiễn, chứ không phải trừu tượng

 

Phúc Âm không kêu mời chúng ta đi vào một ý hướng mang nặng tính chất trí thức để vươn tới một ý niệm thiêng liêng.  Phúc Âm mời gọi chúng ta yêu thương trong những cảnh ngộ thường tình xảy ra hằng ngày.  Chúng ta được mời gọi yêu thương những người đối diện chúng ta trong cuộc sống thường nhật.

Không phải ai cũng dễ dàng trong việc bộc lộ tình cảm.  Đối với nam giới xem ra khó khăn hơn nữ giới.  Vậy nếu nam giới bộc lộ tình cảm trở thành một vấn nạn thì nên đánh rơi hình ảnh của một “đại trượng phu” và chấm dứt việc cư xử có tính cách câm nín thờ ơ.

Thoạt đầu, không dễ dàng gì để biểu lộ tình cảm.  Có thể bạn xem ra vụng về lúng túng.  Nhưng cứ tiếp tục, đừng buông xuôi.  Hãy cố thực tập.  Thực tập giúp trở nên hoàn hảo, nhất là khi bạn thực tập đúng cách.

Bất cứ ai cũng có thể nói: “Tôi tin tưởng Chúa.”  Điều đó thật dễ dàng.  Nhưng sống với tình yêu đó mới khó!  Trên bình diện nhân sinh, chúng ta yêu nhau một cách hiện thực, hữu hình và có thể đụng chạm được thì chắc chắn chúng ta đang ở một cao tầng, tốt đẹp nhất và cao quí nhất, đồng thời “cùng hòa nhịp với cuộc sống” nữa.

LM Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN