Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02-08/02/2017: Viễn tượng của chính nghĩa phò sinh tại Pháp và Hoa Kỳ

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02-08/02/2017: Viễn tượng của chính nghĩa phò sinh tại Pháp và Hoa Kỳ

1. Ứng cử viên Pháp Francois Fillon và vợ bị điều tra

Trong một xã hội thế tục hóa sâu nặng như Pháp, các chính trị gia thường tránh đề cập đến căn cước tôn giáo của mình. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của cựu thủ tướng Francois Fillon. Ông tự hào mình là người Công Giáo và sẵn sàng trình bày các vấn nạn của xã hội Pháp hiện nay dưới ánh sáng đức tin Công Giáo và các học thuyết xã hội Công Giáo.

Francois Fillon là một ứng cử viên tổng thống rất được ưa chuộng và có nhiều khả năng trở thành Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ sắp. Tuy nhiên, trong một diễn biến phức tạp mà ông Francois Fillon gọi là “một chiến dịch bôi nhọ chuyên nghiệp” chống lại cá nhân ông, tạp chí Canard Enchaine của Pháp đã cáo buộc là bà Penelope, vợ ông đã được trả nửa triệu euro từ quỹ nhà nước cho công việc là bí thư tại Quốc Hội cho ông và người kế nhiệm ông, nhưng bà Penelope không thực sự làm công việc đó.

Hôm 30 tháng Giêng, cựu Thủ tướng Francois Fillon và vợ là Penelope đã bị cảnh sát thẩm vấn trong năm giờ. Một cuộc tìm kiếm tại quốc hội Pháp cũng đã diễn ra vào ngày hôm sau 31 tháng Giêng.

Trong một tuyên bố, ông Fillon bác bỏ cáo buộc của tạp chí Canard Enchaine, và cho rằng đây là một phần trong một chiến dịch nhằm hủy hoại danh tiếng của mình, và khuynh đảo cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư và tháng Năm sắp tới. Ông cho biết ông đã cung cấp cho các nhà điều tra các thông tin nhằm giúp “thiết lập sự thật về các công việc được thực hiện bởi bà Fillon.”

Ông nói thêm ông sẽ từ bỏ việc tranh cử tổng thống nếu ông bị đặt dưới sự điều tra hình sự chính thức. Nếu điều đó xảy ra thì thật đáng tiếc, vì thời gian không còn nhiều cho đảng Cộng hòa bảo thủ lựa chọn ứng cử viên khác. Ngày 22 tháng 3 là thời hạn chót để đề cử ứng cử viên tổng thống.

2. Tổng thống Donald Trump giữ lời hứa bổ nhiệm thẩm phán phò sinh

Việc bổ nhiệm thẩm phán Gorsuch là một tin tốt lành cho các tín hữu Kitô tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã giữ đúng lời hứa bổ nhiệm một vị thẩm phán phò sinh vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Trong buổi công bố việc bổ nhiệm này hôm thứ Ba 31 tháng Giêng, tổng thống nói:

“Khi thẩm phán Scalia qua đời đột ngột vào tháng Hai năm ngoái, tôi đã hứa với nhân dân Hoa Kỳ là nếu tôi được bầu làm tổng thống, tôi sẽ tìm một thẩm phán tốt nhất tại quốc gia này cho Tối Cao Pháp Viện. Tôi đã hứa chọn một người tôn trọng luật pháp của chúng ta, người đại diện cho Hiến Pháp chúng ta, yêu mến Hiến Pháp chúng ta, và là người sẽ diễn dịch những điều luật như đã được viết ra.

Đây có thể là một trong sự lựa chọn thẩm phán minh bạch nhất trong lịch sử. Mấy tháng trước, trong tư cách là một ứng cử viên tổng thống, tôi đã công khai đưa ra một danh sách hoàn chỉnh những người ưu tú cho cử tri Hoa Kỳ và cam kết sẽ chọn từ danh sách này. Hàng triệu cử tri nói rằng đây là vấn đề quan trọng duy nhất đối với họ khi họ bầu cho tôi làm tổng thống. Tôi là người giữ lời hứa. Tôi sẽ làm điều tôi nói, là điều mà người Mỹ đã hằng đòi hỏi nơi Washington trong một thời gian, rất, rất là dài. Hôm nay, tôi giữ một lời hứa khác với nhân dân Hoa Kỳ, bằng cách bổ nhiệm thẩm phán Neil Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.”

Trong hơn một thập kỷ qua trong tư cách là một thẩm phán liên bang, Gorsuch đã là một người bảo vệ đáng tin cậy cho quyền tự do tôn giáo theo hiến pháp và luật định. Đáng chú ý nhất, là ông đã chống lại việc chính quyền Obama từ chối xem cộng đoàn các nữ tu dòng Chị em Bé Mọn của Người Nghèo là một tổ chức tôn giáo, và buộc họ phải trả tiền cho các dịch vụ ngừa thai trong bảo hiểm sức khoẻ. Gorsuch cũng là tác giả của một cuốn sách chống lại an tử và việc cho phép các bác sĩ trợ tử, trong đó ông kiên định với nguyên tắc cơ bản là “tất cả mọi người tự bản chất đều có giá trị”. Tuy là người Tin Lành nhưng quan điểm của ông Gorsuch rất gần gũi với đức tin Công Giáo và các học thuyết xã hội Công Giáo.

Theo trình tự pháp lý, việc bổ nhiệm ông Neil Gorsuch còn phải được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua. Hiện nay, đảng Cộng Hòa chiếm được 52 ghế tại Thượng Viện khóa 115. Đảng Dân Chủ chỉ có 46 ghế và phe độc lập 2 ghế. Việc thông qua sẽ không khó khăn gì.

Sau cái chết đột ngột của thẩm phán Antonin Scalia, ngày 16 tháng Ba năm ngoái 2016, Obama bổ nhiệm thẩm phán liberal Merrick Garland. Lúc đó, Thượng Viện khóa 114 với 54 ghế trong tay đảng Cộng Hòa đã quyết định không đưa ra bỏ phiếu vì cho rằng sắp hết nhiệm kỳ, không có nhiều giờ để bàn bạc. Thật ra, còn tới 293 ngày mới hết nhiệm kỳ! Chiến thuật “cù nhầy” đã mang lại thắng lợi. Giấc mơ vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ của thẩm phán liberal Merrick Garland tan theo Quốc Hội khóa 114. Do đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vẫn còn trống một chỗ để ông Gorsuch có cơ hội thay thế thẩm phán Antonin Scalia.

Thẩm phán Gorsuch năm nay mới 49 tuổi, có nghĩa ông sẽ ngồi ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn lâu lắm. Không ai biết trước ngày về hưu hay qua đời của một trong các thẩm phán liberal lớn tuổi, những người ủng hộ “hôn nhân đồng tính”, phá thai, an tử và trợ tử. Nếu một biến cố như thế xảy ra trong thời gian ông Trump còn làm tổng thống thì một tỷ lệ các thẩm phán phò sinh đáng tin cậy ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể là 5-4 hay thậm chí 6-3. Và tỷ lệ tốt lành đó kéo dài hàng thập kỷ. Thật quá là tốt lành.

3. Căng thẳng tôn giáo tại Miến Điện tiếp tục tăng

Một cố vấn pháp lý cho đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Miến Điện đã bị bắn chết bên ngoài một sân bay tấp nập nhất của thủ đô Yangon.

Cảnh sát bắt giữ một tay súng đã giết chết Ko Ni 65 tuổi, một thành viên nổi bật của người Hồi giáo thiểu số tại Miến Điện.

Vụ ám sát xảy ra giữa lúc căng thẳng càng ngày càng tăng cao tại Miến Điện, nơi Phật giáo chiếm đa số, trong khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi đang bị áp lực quốc tế sau các hoạt động quân sự quá nặng tay trong một khu vực ở phía tây bắc Miến Điện nơi dân cư chủ yếu là người Hồi giáo.

San Naing, trợ lý của ông Ko Ni, là nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết như sau:

“Một tay súng đã bắn vị luật sư ở phía trước nhà ga chính của Sân bay quốc tế Yangon vào khoảng 5:00 chiều Chúa Nhật.”

Cô cho biết thêm: “Một người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi màu hồng, quần short, đi dép cầm một khẩu súng lục bắn vào đầu của ông Ko Ni từ phía sau khi ông đang bế một đứa trẻ trên tay.”

San Naing cho biết là ông Ko Ni lúc đó đang bế đứa cháu nội của mình.

Một người lái xe taxi đã cố gắng ngăn chặn tay súng này cũng đã bị giết chết.

Một quan chức cảnh sát nói với Reuters rằng nghi phạm là một công dân Miến Điện 53 tuổi sống ở trung tâm thành phố Mandalay.

Ông Ko Ni chết khi đang ôm đứa cháu nội của mình khi bước ra khỏi nhà ga sân bay trở về từ Jakarta. Ko Ni, một chuyên gia về luật hiến pháp, đã lên tiếng chống lại vai trò quá áp đảo của quân đội, mặc dù các tướng lãnh đã bàn giao quyền lực cho chính quyền dân sự Suu Kyi vào tháng Tư năm ngoái.

Ko Ni đã cùng Bộ trưởng Thông tin Pe Myint đến thăm Indonesia nơi người Hồi giáo chiếm đa số như là một cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm hòa giải dân tộc. Phái đoàn bao gồm một số các nhà lãnh đạo Hồi giáo Miến Điện, và cả một số đại diện của dân tộc thiểu số Rohingya.

Đặc phái viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, là bà Yanghee Lee, đã gặp Ko Ni trong một chuyến thăm nước này hồi tháng Giêng năm nay.

4. Rodrigo Duterte đình chỉ các vụ hành quyết liên quan đến ma túy

Duterte đã đụng độ rất mạnh với các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong thời gian qua. Ông đã thành lập một đội hành quyết bắn bỏ bất cứ ai bị nghi ngờ có dính líu đến việc mua bán ma túy. Các Giám Mục Phi Luật Tân lên án hành động này vì quá nhiều người chết, nhiều người chết oan, và nhiều người tuy có tham gia vào việc mua bán ma túy nhưng chỉ là cò con, còn những tay trùm ma túy vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật. Các Giám Mục tin rằng những người dính líu đến ma túy, tuy có tội, vẫn phải được xét xử cẩn thận, chứ không thể bị giết một cách phi pháp như thế.

Sau khi đã có hơn 7,000 người thiệt mạng sau khoảng 2,250 cuộc hành quân của cảnh sát, Duterte ra lệnh đình chỉ các hoạt động chống ma tuý vì cho rằng cảnh sát Phi Luật Tân “tham nhũng đến tận căn”.

Duterte, từ chỗ kiên định hỗ trợ cho các hành động của cảnh sát, đã quay ra cáo buộc là khoảng 40 phần trăm lực lượng này là một bọn tham nhũng, “tồi tệ không thua gì các tên trùm ma túy”.

Biến cố này đã xảy ra sau khi biệt đội hành quyết của cảnh sát bị cáo buộc đã bắt cóc, đòi tiền chuộc và giết hại một doanh nhân Hàn Quốc để thủ tiêu các tang chứng. Ông Jee Ick-joo, 53 tuổi, đã bị bắt vào tháng 10 năm ngoái và được tin là đã bị biệt đội hành quyết của cảnh sát giết chết. Vụ này đã tạo ra căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Phi Luật Tân và Nam Hàn.

Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở tại New York đã cáo buộc rằng việc đình chỉ chiến dịch chống ma túy chỉ là một động tác giả và lực lượng cảnh sát Phi Luật Tân đã bị đưa ra làm một diễn viên chết thế trong quan hệ với công chúng của Duterte. Tổ chức này nói Duterte phải nhận trách nhiệm về làn sóng các vụ giết người liên quan đến ma túy được tung ra sau khi ông nhậm chức cách đây bảy tháng.

Cuộc chiến ma túy đã đánh động nhiều quốc gia phương Tây. Các nhóm nhân quyền cáo buộc Duterte phải chịu trách nhiệm về làn sóng các vụ giết người ngoài vòng pháp luật của cảnh sát.

5. Một cậu bé Yazidi được đoàn tụ với gia đình sau khi bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bán

Một cậu bé Yazidi đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt cóc và bán lại tại Mosul, đã được đoàn tụ với gia đình của mình sau hai năm lưu lạc.

Một gia đình tan nát vì chiến tranh đã có niềm vui được nhìn thấy đứa cháu trai của họ một lần nữa. Nhưng một cặp vợ chồng khác lại phải đau lòng. Bé trai Ayman là người Yazidi. Chú bé bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt cóc lúc mới 4 tuổi. Trong hai năm qua, cậu bé này đã sống chung với một đôi vợ chồng người Hồi giáo tại Mosul, dưới sự kiểm soát của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Họ đã đấu giá mua lại cậu bé từ một trại trẻ mồ côi, nơi các chiến binh bán trẻ em. Họ đã phải trả 500 Mỹ kim. Bà Umm Ahmed, mẹ nuôi của cậu nói

“Chúng tôi đã lấy nhau được một thời gian dài nhưng chúng tôi không có con, vì vậy tôi muốn nhận một đứa trẻ làm con nuôi, và đặc biệt là một đứa trẻ trong tình huống này, một cậu bé Yazidi, trong một tình huống bi thảm. Tôi muốn làm giảm bớt những đau khổ của nó.”

Nhưng hiện nay hai vợ chồng này lại phải chịu đau khổ khi cậu bé được họ yêu thương và bảo vệ trong một thời gian dài không còn trong căn nhà của họ nữa. Umm Ahmed cho biết:

“Từ ngày nó về với gia đình, tôi đã khóc, cả vào ban đêm”

Khi lực lượng Iraq tái chiếm được Mosul. Hai ông bà Ahmed đã muốn Ayman được đoàn tụ lại với gia đình. Họ đã nhờ các tổ chức Liên Hiệp Quốc tìm kiếm gia đình cậu.

Ayman còn trẻ để hiểu lý do tại sao cậu phải ra đi. Trên đường đến gặp gia đình thật của mình, cậu đã yêu cầu cha mẹ nuôi của mình cùng đi. Cha mẹ thực sự của Ayman vẫn đang mất tích. Cậu hiện sống với người chú và ông bà ngoại.

6. Bên trong khách sạn lớn nhất tại Mosul

Khách sạn Ninivê là khách sạn 5 sao lớn nhất tại Mosul. Khi chiếm được khách sạn này, bọn khủng bố Hồi Giáo IS biến nơi này thành nơi cư ngụ của bọn cầm đầu sau khi nhận ra các máy bay của liên quân vì một lý do nào đó đã không oanh kích vào tòa nhà này. Tại đây cũng diễn ra những bữa tiệc gọi là lễ cưới của các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo với những người phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục. Bên cạnh đó, nơi đây cũng được dùng làm cơ sở để chế tạo các loại bom mìn và vũ khí.

Từ khách sạn này nhìn ra là sông Tigiris. Bờ bên kia, chỉ cách khách sạn này không quá 200m, vẫn còn trong vòng kiểm soát hoàn toàn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Các taay súng bắn tỉa của IS, thỉnh thoảng vẫn nhắm bắn vào bất cứ ai chúng trông thấy nơi các cửa sổ của khách sạn này.

Quân Iraq đang thu dọn khách sạn này. Mặc dù chính thức bọn khủng bố Hồi Giáo IS cấm không được hút thuốc, trong các phòng ốc người ta thấy đầy những bao thuốc lá. Bên cạnh đó là đống rác rưởi và các tử thi của quân khủng bố bốc lên mùi tử khí rất khó chịu.

Giai đoạn hai của chiến dịch giải phóng Mosul được tin là có nhiều khó khăn. Phần phía Tây của thành phố chằng chịt các ngõ hẻm rất nhỏ mà các xe quân sự không thể đi vào. Bên cạnh đó, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã dành nhiều nỗ lực chuẩn bị phòng thủ trong khu vực này.

Lực lượng an ninh Iraq tại miền Đông Mosul khó có thể vượt sông Tigris để tấn công bởi vì tất cả năm chiếc cầu đã bị hư hỏng nặng nề. Các cuộc tấn công sẽ phải xuất phát từ phía nam và phía tây.

7. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện cho Ukraine.

Hôm thứ Năm mùng 2 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Đông Phương tại Ukraine, đã kêu gọi gia tăng áp lực toàn cầu đối với Nga vì phiến quân do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn và lực lượng chính phủ đã đụng độ dữ dội xung quanh thị trấn Avdiivka ở phía Đông Ukraine khiến ít nhất 25 người đã bị thiệt mạng.

Phiến quân đã bắn đạn súng cối và tên lửa vào thị trấn Avdiivka nằm ở phía chính bắc của thành phố Donetsk, là nơi phiến quân thân Nga đã chiếm làm thủ đô.

Việc bùng phát bạo lực từ hôm Chúa Nhật 29 tháng Giêng đã khơi lại nỗi sợ hãi một cuộc chiến tranh toàn diện ở phía đông Ukraine sau một thời gian tạm lắng sau 33 tháng đổ máu ở Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục cũng kêu gọi các tín hữu gia tăng lời cầu nguyện. Ngài nói: “Ukraine cần hòa bình. Chúng ta biết rằng hòa bình đích thực chỉ có thể được Cha trên trời ban cho chúng ta, nhưng không có sự tham gia của chúng ta trong lời cầu nguyện và trong các hỗ trợ tinh thần, không có sáng kiến nào có thể đạt được các mục tiêu đề ra.”

Cho đến nay đã có hơn 10,000 người thiệt mạng trong cuộc chiến đòi ly khai của các phiến quân do Nga ủng hộ.

8. Tổng thống Ukraine bày tỏ quan ngại về các hoạt động leo thang chiến tranh của Nga tại Ukraine

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Việc pháo kích vào Avdiivka khiến hơn 20,000 người không có điện và gas sưởi ấm trong thời tiết băng giá mùa đông. Các hoạt động cứu trợ của các cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng gặp nhiều khó khăn và trở nên nguy hiểm cho các nhân viên cứu trợ.

Cuộc chiến mới nhất tại Ukraine đã xảy ra vào một thời điểm bước ngoặt khi Ukraine mưu tìm sự hỗ trợ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chống lại các hành động gây hấn của Vladimir Putin.

Mạc Tư Khoa và Kiev đã đổ lỗi cho nhau trong vòng bạo lực mới nhất này. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết trong một tuyên bố rằng:

“Thế giới cần phải tích cực hơn nữa trong việc gây sức ép với Nga để kết thúc các cuộc pháo kích”.

Tham mưu trưởng quân đội Ukraina cũng kêu gọi các đại diện của nhóm siêu cường G7 và các vị đại sứ thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chú ý đến tình trạng bạo lực mới nhất tại Ukraine.

“Mạc Tư Khoa đang đặt Avdiivka trên bờ vực của một thảm họa nhân đạo,” ông Poroshenko nói.

Thành phố công nghiệp Avdiivka đã bị phiến quân ly khai thân Nga chiếm khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng Tư năm 2014, sau cuộc lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga tại Kiev. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã chiếm lại được thành phố này vài tháng sau đó.

Thị trấn có một nhà máy than cốc khổng lồ, một nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên để tạo ra nhiệt và điện và cũng có đường giao thông quan trọng.

9. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc lên án hành động gây hấn của Nga ở Ukraine.

Cũng liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc là bà Nikki Haley đã lên án “hành động gây hấn” của Nga ở Ukraine.

Bà Nikki Haley nói:

“Tôi thấy thật không may khi vào lần xuất hiện đầu tiên của tôi ở đây, tôi phải lên án các hành động hiếu chiến của Nga”

“Nó không nên xảy ra như thế, hay không nên như thế. Chúng tôi muốn cải thiện mối quan hệ của chúng tôi với Nga. Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng ở miền đông Ukraine là một trong những đòi hỏi cần lên án rõ ràng và mạnh mẽ các hành động của Nga. “

Nhận xét của bà Haley đã được đưa ra trong bối cảnh có những suy đoán về ý định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Mạc Tư Khoa. Nhiều lần ông Trump đã ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin của Nga và bày tỏ mong muốn quan hệ được cải thiện giữa hai nước.

Bà Haley cũng đã liên kết những căng thẳng tại Đông Ukraine với lệnh trừng phạt Mạc Tư Khoa vì vụ sáp nhập Crimea vào Nga ba năm trước đây. Bà nói:

“Đông Ukraine tất nhiên không phải là phần duy nhất của quốc gia này đang chịu đau khổ vì hành động hung hăng của Nga. Hoa Kỳ tiếp tục lên án và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức sự chiếm đóng của Nga tại Crimea”.

“Crimea là một phần của Ukraine. Lệnh trừng phạt của chúng tôi liên quan đến Crimea sẽ được duy trì cho đến khi Nga trả lại quyền kiểm soát bán đảo này cho Ukraine”.

Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác đã áp đặt lệnh trừng phạt Nga vào năm 2014 khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và hỗ trợ cho người ly thân Nga ở miền đông Ukraine.

10. Đức Tổng Giám Mục Erbil bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump

Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Công Giáo nghi lễ Canđê tại Erbil đã buộc phải hoãn chuyến thăm Hoa Kỳ đã được dự kiến trước sau lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Donald Trump.

Hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng, ông Trump đã ra lệnh cấm công dân của bảy quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo là Iraq, Iran, Syria, Sudan, Somalia, Libya và Yemen không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ ít nhất trong vòng 90 ngày tới.

Tân Tổng thống cũng đình hoãn chương trình tị nạn sang Mỹ trong 120 ngày và cấm việc nhập cảnh từ Syria vào Mỹ vô thời hạn.

Theo dự trù, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda sẽ có các cuộc họp với Đức Cha John Kozar, chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi cho Công Giáo vùng Cận Đông, và dân biểu Chris Smith để thảo luận về tình trạng bị khủng bố của các Kitô hữu Iraq.

Tuy bị ngăn trở không thể sang Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda đã hoan nghênh chính sách mới trong sắc lệnh của Tổng thống Trump nhằm ưu tiên cho các tôn giáo thiểu số khi nộp đơn xin tị nạn.

Đức Tổng Giám mục của Erbil nói rằng chính sách ưu đãi này là một lợi ích cho các tín hữu Kitô đau khổ ở Trung Đông. Tuy nhiên, ngài nói thêm chính sách này chỉ thật sự hữu ích nếu Hoa Kỳ hỗ trợ cho tất cả các tôn giáo thiểu số, chứ không chỉ các Kitô hữu. Đầu tuần này, Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako, bày tỏ lo ngại rằng việc ưu đãi các Kitô hữu cuối cùng lại có thể làm hại các Kitô hữu, vì những chính sách như thế có thể làm tăng lên sự oán ghét trong lòng những người láng giềng Hồi giáo của họ.

Đức Tổng Giám mục Warda nói rằng Kitô hữu Iraq “vui mừng khi thấy ông Trump thắng cử”, và hy vọng rằng nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ thay đổi chính sách từ trước đến nay của Mỹ là phớt lờ những đau khổ của các Kitô hữu Trung Đông.

11. Thánh lễ kính thánh Gioan Bosco tại Turinô

Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh trong thánh lễ kính thánh Don Bosco tại đền thánh Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu tại thành phố Turinô vào ngày 31 tháng Giêng vừa qua. Thánh lễ đã do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia. Lễ kính thánh nhân tại quê hương của ngài luôn được tổ chức tại đền thánh Đức Mẹ Phù Hộ. Và đây là lý do.

Bình thường mỗi khi nghe nói đến tên thánh Don Bosco, sinh năm 1815 và qua đời năm 1889, người ta nghĩ ngay về ngài như là một nhà sự phạm tài ba và một người cha đầy nhân từ và thánh thiện của thanh thiếu niên. Nhưng rất ít người biết được rằng thánh Don Bosco là một vị Tông đồ nhiệt thành của Mẹ Maria, là một vị Linh Mục có lòng tôn sùng Mẹ Maria các đặc biệt.

Trong bài giảng Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia đã tóm lược lại tiểu sử ngài như sau: Don Giovanni Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 ở Becchi thuộc thành phố Turinô bên Ý. Gia đình Bosco là một gia đình nông dân nghèo, chất phác. Vì thế, Gioan đã phải trải qua một tuổi trẻ đầy thiếu thốn chật vật trong đủ mọi lãnh vực. Nhưng tất cả những khó khăn thiếu thốn đó đã không thể ngăn cản cậu trên con đường tiến tới lý tưởng làm Linh Mục mà cậu hằng ấp ủ: Ngày 6 tháng 6 năm 1841 thầy Gioan được thụ phong Linh Mục, một ngày hạnh phúc nhất của đời thầy. Từ nay, cha Don Gioan Bosco được sống gần gũi và kết hiệp với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể hơn và qua đó cha càng yêu mến Mẹ Maria hơn, vì như xưa trong mái nhà Na-da-rét, Chúa Giêsu luôn có Mẹ Thánh của Người bên cạnh, thì nay trong Nhà Tạm trên bàn thờ, Chúa Giêsu Thánh Thể cũng luôn có Mẹ Maria bên cạnh.

Sau khi chịu chức Linh Mục, cha Don Bosco đã hoàn toàn dấn thân cho công tác giáo dục các thanh thiếu niên bị bỏ rơi, sống vất vưỡng lang thang trên các đường phố. Năm 1846 cha đã sử dụng chính ngôi nhà của mình để làm chỗ nuôi dạy các trẻ em mà ngài thu gom được khắp các đường phố. Nhưng để cho công cuộc giáo dục các thanh thiếu niên bất hạnh được bảo đảm lâu bền, cha Don Bosco đã thành lập Tu Hội Salêdiêng vào năm 1859, chọn thánh Phanxicô Salêsiô làm Đấng Bảo Trợ, và năm 1874 cha lại lập thêm một ngành dành riêng cho phái nữ lấy tên là Maria Hilf – (Đức Mẹ Hằng cứu giúp). Ngày nay công tác giáo dục của các Tu Sĩ Dòng Don Bosco lan rộng đến hầu như khắp các nước trên các châu lục và đã, đang và còn tiếp tục đóng góp vào chương trình giáo dục của các nước sở tại một cách hết sức hiệu quả về cả các phương diện trí dục lẫn đức dục, văn hóa, kỹ thuật. Vì thế, vào thế kỷ 9, thánh Don Bosco được coi là một nhà giáo dục vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và một vị thánh thời đại quan trọng nhất của Giáo Hội.

Ngày 31 tháng Giêng năm 1888, Linh Mục Don Giovanni Bosco đã qua đời trong hương thơm thánh thiện tại thành phố Turinô, giữa tiếng khóc thương của hàng ngàn thanh thiếu niên, những đứa con tinh thần mà ngài đã suối đời thương yêu, tận tụy chăm sóc nuôi nấng và giáo dục.

Nhưng điểm đặc biệt và nổi bật nhất trong đời sống thiêng liêng của thánh Gioan Bosco, là lòng sốt sắng tôn sùng Đức Mẹ một cách sâu xa. Chính vì yêu mến Mẹ Maria quá tha thiết, nên thánh nhân càng yêu thương các thanh thiếu niên hơn, nhất là những trẻ em đường phố, những trẻ em bị bỏ rơi bất hạnh.

12. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chống trả sự sa sút của đồng lira

Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc mạnh vào kỹ nghệ du lịch. Nước này có một loạt các di tích lịch sử, trong đó phần lớn là các di tích Kitô Giáo như đền thờ Đức Mẹ Yên Giấc, Vương Cung Thánh Đường Thánh George của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Constantinople, và có những khu nghỉ mát nổi tiếng bên bờ biển Aegean, Địa Trung Hải, và Biển Đông. Ở đỉnh cao vào năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ thu hút khoảng 42 triệu khách du lịch nước ngoài, được xếp hạng thứ 6 trong những nơi thu hút mạnh khách du lịch trên thế giới.

Tuy nhiên con số này đã giảm xuống còn khoảng 36 triệu vào năm 2015 và xuống thấp hơn nữa trong năm 2016, do sự gia tăng bạo lực chính trị, các căng thẳng chính trị với Nga, và các cuộc tấn công khủng bố.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, đã bị mất giá liên tục. Hiện nay, đồng lira là một trong những đồng tiền tệ hại nhất trên thế giới với hối suất sụt giảm liên tục trong 7 năm qua.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ tiếp tục các biện pháp không chính thống để chống lại sự sụt giảm của đồng lira. Ngân hàng này nói rằng việc cố ý hạ giảm lãi suất của họ đang có tác động và họ sẽ tiếp tục làm như thế cho đến khi tình trạng lạm phát được cải thiện.

Thống đốc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, là Murat Cetinkaya, đã từ chối không tăng nhưng còn cố ý hạ giảm lãi suất ngân hàng. Đây là một biện pháp đang gây tranh cãi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tin tưởng phương pháp không chính thống của mình góp phần chống lại việc đồng lira đang rơi tự do.

Ông Murat nói “Các bước mà chúng tôi đã thực hiện, bao gồm chính sách phản ứng của chúng tôi trong tháng Giêng cho thấy các ngân hàng đã đưa ra một mô hình quản lý hiệu quả cho sự ổn định tài chính và ổn định giá.”

Trong thực tế, bất chấp những gì ông Murat tuyên bố, đồng lira đã giảm hơn 7 phần trăm chỉ trong Giêng này.

13. Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Ngày Đời Sống Thánh Hiến

Chiều mùng 2 tháng Hai, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 31, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô và kêu gọi các tu sĩ tránh cám dỗ tìm cách “sinh tồn” bằng mọi giá.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và đi rước tiến lên bàn thờ, do 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đảm trách.

Trong bài giảng, sau khi bình luận bài ca hy vọng của cụ già Simeon và nữ ngôn sứ Anna tín thác nơi lời hứa của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không đánh lừa, niềm hy vọng nơi Ngài không làm chúng ta thất vọng, Chúa đến gặp gỡ dân Ngài.

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Thái độ ấy làm phong phú chúng ta, nhất là giữ gìn chúng ta khỏi một cám dỗ có thể làm cho đời sống thánh hiến của chúng ta trở nên khô cằn, son sẻ, đó là ‘cám dỗ sinh tồn’. Đó là một tai ương có thể dần dần lẻn vào và ở lại trong chúng ta. Thái độ sinh tồn làm cho chúng ta phản ứng chống lại những thay đổi; sợ sệt, và dần dần âm thầm khép kín mình trong nhà, trong các khuôn khổ của mình. Nó phóng dội chúng ta về đằng sau, vào những cử chỉ vinh quang, nhưng thuộc về quá khứ, thay vì khơi lên tinh thần sáng tạo ngôn sứ, xuất phát từ những giấc mơ của các vị sáng lập dòng của chúng ta. Nó làm cho chúng ta tìm những con đường tắt để trốn chạy những thách đố đang gõ cửa nơi chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: “Tâm lý sống còn tước đoạt sức mạnh các đoàn sủng của chúng ta vì nó làm cho chúng ta thuần hóa các đoàn sủng ấy, làm cho các đoàn sủng vừa tầm tay chúng ta, nhưng không còn sức mạnh sáng tạo để làm chúng ta bùng lên.. Cám dỗ sinh tồn khiến chúng ta quên đi ơn thánh, làm cho chúng ta trở thành những nhà chuyên nghiệp về thánh thiêng chứ không phải là những người cha, người mẹ, người anh em của niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi loan báo”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tất cả chúng ta đều ý thức về sự biến đổi đa văn hóa chúng ta đang trải qua, không ai nghi ngờ về điều đó. Vì thế, điều quan trọng là những người thánh hiến phải được tháp nhập với Chúa Giêsu trong cuộc sống, trong trọng tâm của những biến đổi lớn. Sứ mạng, theo mỗi đoàn sủng riêng, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được sai đi để trở thành men, làm cho khối lượng cụ thể này được dậy men. Dĩ nhiên là có thể có những “bột” tốt hơn, nhưng Chúa mời gọi chúng ta hãy làm dậy men ở đây và trong lúc này, với những thách đố được đề ra cho chúng ta. Không phải với một thái độ tự vệ, để cho sự sợ hãi thúc đẩy, nhưng là tra tay cầm cầy, tìm cách làm cho hạt giống được tăng trưởng giữa những cỏ lùng cỏ dại. Đặt Chúa Giêsu ở giữa dân Ngài có nghĩa là có một con tim chiêm niệm, có khả năng nhìn nhận cách thức Chúa bước đi qua những nẻo đường trong thành thị chúng ta, nơi đất nước chúng ta, trong các khu phố của chúng ta. Đặt Chúa Giêsu ở giữa dân Ngài có nghĩa là đảm trách và muốn giúp vác đỡ thánh giá của anh chị em chúng ta, muốn động chạm đến các vết thương của Chúa Giêsu trong các vết thương của thế giới, đang bị thương và khao khát, cầu mong được sống lại”.

14. Đức Hồng Y Gerhard Müller nói: Cho người tái hôn rước lễ là chống lại luật Thiên Chúa

Đức Hồng Y Gerhard Müller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã đưa ra một khẳng định mạnh mẽ nhất của ngài từ trước đến nay liên quan đến vấn đề gây tranh cãi là việc rước lễ của người ly dị rồi tái hôn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Il Timone của Ý, Đức Hồng Y Müller được hỏi là liệu các giáo huấn đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tái khẳng định trong Familiaris Consortio có còn giá trị nữa không.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng những người ly dị và tái hôn không thể rước lễ, trừ khi họ cố gắng để sống “tiết dục hoàn toàn”.

Đức Hồng Y Müller cho biết điều kiện này: “Tất nhiên, vẫn giữ nguyên giá trị, bởi vì nó không chỉ là một luật của Đức Gioan Phaolô II, nhưng ngài đã trình bày một yếu tố thiết yếu của thần học luân lý Kitô giáo và thần học về các bí tích.”

Trong Familiaris Consortio, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng việc cấm rước lễ trong trường hợp những người ly dị và tái hôn được dựa trên Kinh Thánh và các liên kết nội tại giữa Thánh Thể và hôn nhân vì người ấy đang sống trong một mối quan hệ tình dục “mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hiệp trong tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội được biểu thị và chi phối bởi Thánh Thể”.

Đức Hồng Y nói với tờ Il Timone rằng điều này khiến cho việc rước lễ của những người đã ly dị và tái hôn là không thể được: “Đối với chúng ta, hôn nhân là biểu hiện cho sự dự phần trong sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô là chú rể, và hiền thê của Ngài là Giáo Hội. Đây không phải là một sự tương đồng mơ hồ, như một số người đã phát biểu trong Thượng Hội Đồng. Không! Đây là bản chất của bí tích, và không có quyền lực ở trên trời hay dưới đất, dù là thiên thần, hay giáo hoàng, dù là một công đồng, hay một Hội Đồng Giám Mục cũng không có năng quyền để thay đổi.”

Một phần của cuộc phỏng vấn đã được Matthew Sherry dịch sang tiếng Anh và đăng trên tờ L’Espresso. Trong đó, Đức Hồng Y Müller cũng nói rằng Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng phải được đọc “trong ánh sáng toàn bộ giáo lý của Giáo Hội Công Giáo”.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong vài vị giáo hoàng, trong đó có Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã tái khẳng định học thuyết về việc cấm rước lễ đối với người ly dị và tái hôn. Điều này cũng đã được giảng dạy bởi các nhà thần học, các Giáo Phụ, các Công Đồng tiên khởi, và trong những thập kỷ gần đây bởi Bộ Giáo lý Đức tin.

Gần đây, hai giám mục trên đảo Malta nói rằng, những người ly dị và tái hôn cứ việc rước lễ nếu họ thấy rõ rằng họ đã “hòa giải với Thiên Chúa”. Hai vị này tuyên bố rằng ý kiến của họ được dựa trên Amoris Laetitia. Các giám mục Đức, trong tài liệu về Amoris Laetitia – vừa được phê chuẩn, cũng cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ trong một số trường hợp.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Müller nói: “Amoris Laetitia rõ ràng phải được giải thích dưới ánh sáng của toàn bộ giáo lý của Giáo Hội.” Ngài nói thêm: “Thật là không đúng khi nhiều giám mục tuỳ tiện giải thích Amoris Laetitia theo cách họ hiểu giáo huấn của Đức Giáo Hoàng. Điều này không phù hợp với giáo lý Công Giáo.”

Đức Hồng Y nói thêm là nhiều người cần phải học hỏi nhiều hơn về học thuyết của Giáo Hội đối với chức giám mục, chức vụ ấy không phải là để cung cấp các diễn dịch mới lạ về huấn quyền của giáo hoàng. Ngài nói: “Các giám mục, như là thầy dạy Lời Chúa, trước tiên phải là những người được đào tạo tốt để tránh rơi vào nguy cơ người mù dẫn người mù,”. Ngài cũng cảnh báo chống lại những kẻ “ngụy biện” và những “người nhiều quỉ kế” đang cố hạ giảm giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.

15. Cảnh sát Đức khám xét một đền thờ Hồi Giáo bắt giữ một tên khủng bố nguy hiểm

Sáng sớm ngày thứ Tư mùng 1 tháng Hai, lực lượng cảnh sát đặc biệt của Đức đã khám xét ngôi đền thờ Hồi Giáo Bilal tại Frankfurt. Một người Tunisia tị nạn, 36 tuổi, đã bị bắt giữ vì nghi ngờ có dính líu đến một kế hoạch tấn công khủng bố ở Đức và một chương trình tuyển mộ các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo.

Các quan chức Đức cho biết, trong cuộc điều tra sau đó, họ phát hiện ra nghi can này chính là kẻ đã gây ra vụ khủng bố đẫm máu vào năm 2015 tại viện bảo tàng của thủ đô Tunis, là nơi rất được khách du lịch phương Tây ưa chuộng.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 3 tháng Hai, văn phòng công tố viên của Frankfurt cho biết các nguồn tin tình báo của Đức nghi ngờ người tị nạn Tunisia này, từ tháng Tám năm 2015, đã tuyển dụng các chiến binh thánh chiến cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Đức để đưa sang chiến đấu tại Syria và Iraq. Y cũng bị cáo buộc đã xây dựng một mạng lưới những người ủng hộ quân khủng bố Hồi Giáo IS với mục đích thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Tờ báo Đức Die Welt nêu danh tính người Tunisia này là Haikel. Y đã sống tại Đức suốt một thập kỷ cho đến năm 2013, trước khi hồi hương về Tunisia. Tháng Ba, 2015 y tham gia vào vụ tấn công khủng bố tại viện bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis của Tunisia, giết chết 21 du khách nước ngoài. Năm tháng sau đó, tháng Tám năm 2015, y tái nhập cảnh vào Đức để xin tị nạn. Đơn xin tị nạn của y đã được thông qua dễ dàng vì y đã từng sống nhiều năm tại Đức và nói tiếng Đức rất trôi chảy.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN