Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay 1/2/2017

TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay 1/2/2017

1. Phó tổng thống Hoa Kỳ nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cung lòng của người mẹ phải là biển thái bình, là nơi an toàn nhất cho thai nhi. Đáng buồn thay, nó đã trở nên pháp trường, nơi có những người mẹ đang tâm giết chết con mình. Càng đáng buồn hơn nữa khi người ta còn tìm đủ mọi cách để luật pháp phải công nhận việc giết con như thế là một thứ nhân quyền. Không chấp nhận điều đó, trên toàn nước Mỹ hàng triệu người đã xuống đường phản đối.

Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh của cuộc tuần hành phò sinh lớn nhất thế giới diễn ra tại Washington DC. Đặc biệt, trong cuộc diễn hành năm nay, lần đầu tiên, đúng vậy lần đầu tiên trong 44 năm qua, một Phó Tổng Thống đã đến tham dự với người biểu tình.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, Kellyanne Conway, đã tham dự và phát biểu tại cuộc tuần hành chống phá thai “March for Life” tại Washington, DC.

Các nhà hoạt động phò sinh đã tập trung tại Washington vào hôm thứ Sáu để tham dự cuộc tuần hành thứ 44 cho sự sống. Họ cảm thấy phấn chấn trước cam kết của Tổng thống Donald Trump hạn chế các hoạt động phá thai tại Mỹ.

Trong diễn từ trước đông đảo những người phò sinh, Phó Tổng thống Pence nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”.

Trong tiếng vỗ tay hoan hô của đông đảo những người biểu tình, ông nói thêm:

“Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta khôi phục một nền văn hóa của cuộc sống ở Mỹ,”

Ông cũng cho rằng, bằng nhiều biện pháp khác nhau bao gồm sự thay đổi quan điểm của các thành viên trong Quốc hội và các tiến bộ khoa học, sự sống đang chiến thắng tại Mỹ.”

Đứng nơi thường được dùng để phát các videos của các chính trị gia phò sinh, ông Pence nói phong trào chống phá thai nên nắm lấy thời điểm này.

Kể từ năm 1974, để phản đối phán quyết Roe chống Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa phá thai, năm nào tại Thủ Đô Washington D.C, cũng đều có cuộc tuần hành phò sự sống, vào khoảng trước hoặc sau ngày 22 tháng Giêng, là ngày kỷ niệm phán quyết này.

Năm nay, cuộc tuần hành phò sự sống diễn ra ngày 27 tháng Giêng, tức là một tuần sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tân Tổng Thống Donald Trump hôm 20 tháng Giêng.

Ngay năm 1974, con số người tham dự đã lên tới 20,000 người. Con số này đến năm 2011, tăng lên 400,000 người, và năm 2013, đạt tới 650,000 người. Người trẻ tham gia rất đông. Theo ký giả Robert McCartney của tờ The Washington Post, khoảng nửa số người tham dự dưới 30 tuổi.

Năm 1987, Tổng Thống Ronald Reagan đã nói chuyện với những người diễn hành qua điện thoại và thề sẽ “kết thúc tấn bi kịch quốc gia này”. Năm 2003, Tổng Thống George W. Bush cũng nói chuyện với những người tham dự qua điện thoại và cám ơn họ đã “tận tụy vì chính nghĩa cao đẹp này”.

Phó tổng thống Mike Pence, là anh hùng lâu năm của phong trào chống phá thai. Trong tư cách là thống đốc của bang Indiana, ông Pence đã ký một số luật chống phá thai nghiêm ngặt nhất tại Hoa Kỳ.

2. Điện văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi những người tham dự cuộc tuần hành phò sinh tại Washington

Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gởi đến những người tham dự March for Life ở Washington DC điện văn nồng nhiệt ủng hộ biến cố phò sinh lớn nhất thế giới này. Toàn văn bức điện như sau:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi lời chào nồng nhiệt và bảo đảm sự gần gũi của ngài trong lời cầu nguyện cho hàng chục ngàn người trẻ từ khắp nước Mỹ tập trung tại Tổng Giáo Phận Washington và Giáo Phận Arlington để tham dự cuộc tuần hành hàng năm cho cuộc sống. Ngài biết ơn sâu xa đối với chứng tá đầy ấn tượng này cho sự thánh thiêng của cuộc sống mỗi con người. Như ngài đã từng nói rõ, “giá trị của sự sống con người là cao cả, và quyền sống của một thai nhi vô tội đang phát triển trong lòng của người mẹ không thể bị chối bỏ, vì thế người ta không thể biện minh cho quyết định chấm dứt cuộc sống một thai nhi” (Amoris Laetitia, 83). Ngài tin tưởng rằng trong sự kiện này rất nhiều người dân Mỹ lên tiếng thay mặt cho những anh chị em có ít phương thế tự vệ nhất của chúng ta, sẽ góp phần khơi dậy lương tâm trong công cuộc bảo vệ quyền được sống và hình thành nên các các biện pháp có hiệu quả nhằm đưa đến sự bảo vệ pháp lý đầy đủ cho các thai nhi. Với tất cả các tham dự viên biến cố này Đức Thánh Cha thân ái ban phép lành Tòa Thánh của ngài, xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho anh chị em.

+ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

3. Các nạn nhân Holocaust sống sót kỷ niệm 72 năm giải phóng các trại tử thần của Đức Quốc xã

Ngày 27 tháng Giêng được chọn là ngày kỷ niệm việc giải phóng các trại tử thần của Đức Quốc xã trên toàn thế giới. Lễ kỷ niệm năm nay, 2017, là lần thứ 72. Tại trại tử thần Auschwitz, hàng ngàn người gồm các nạn nhân chính sách tận diệt người Do Thái của Đức Quốc xã và gia đình đã có cuộc gặp gỡ tại đây.

Giữa năm 1940 và năm 1945, khoảng 1.5 triệu người, hầu hết là người Do Thái, đã bị giết bởi Đức quốc xã tại các trại quân đội Hitler chiếm đóng tại Ba Lan.

Cuộc gặp gỡ năm nay có thêm một cuộc triển lãm có tựa đề đơn giản là “Khảo cổ học”, trong đó trưng bày các đồ dùng của một số nạn nhân Auschwitz. Những vật dụng này đã được phát hiện vào năm 1967 trong một cuộc khai quật tại khu vực xung quanh các phòng hơi ngạt và những lò thiêu.

Trong những thứ được trưng bày, người ta thấy có các nhiệt kế, các lọ thuốc và nước hoa, cũng như mảnh vỡ của giày dép và đồ trang sức.

Các tòa nhà đã được sử dụng làm nơi giam giữ các tù nhân cũng đang được phục hồi để bảo rằng đảm rằng chúng có thể đứng vững theo thời gian để tiếp tục làm các chứng tá im lặng cho nỗi kinh hoàng đã xảy ra tại đó.

4. Các nhà khảo cổ khai quật phòng hơi ngạt tại trại tử thần Sobibor

Cũng trong khuôn khổ ngày kỷ niệm việc giải phóng các trại tử thần của Đức Quốc xã trên toàn thế giới, 27 tháng Giêng, chính phủ Ba Lan cho biết các nhà khảo cổ đang làm việc tại khu vực các trại tập trung của Đức Quốc xã tại Sobibor, ở miền đông Ba Lan đã phát hiện ra các phòng hơi ngạt nơi ước tính có 250,000 người Do Thái đã bị giết tại đây.

Đức Quốc xã đã cố gắng xóa tất cả các dấu vết của trại này khi chúng đóng cửa nó sau một cuộc nổi dậy của các tù nhân vào ngày 14 tháng Mười, năm 1943. Quân Đức quốc xã đã được lệnh phá bỏ tất cả các phòng hơi ngạt và làm một con đường trải nhựa san bằng toàn bộ khu vực.

Các nhà khảo cổ dò tìm bên dưới con đường và đã tìm thấy các hàng gạch của các bức tường. Khai quật lên, họ thấy rõ đó là các phòng hơi ngạt.

Những thông tin này sẽ giúp xây dựng một hình ảnh chính xác hơn về số lượng người đã bị giết tại trại này.

“Cuối cùng, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình là khám phá ra các phòng hơi ngạt. Chúng tôi đã ngạc nhiên trước kích thước của các phòng này”, Yoram Haimi, một trong những nhà khảo cổ học cho biết.

Haimi cho biết hai người chú của mình, là những người đã từng sống ở Paris trong thời chiến và bị Đức Quốc xã bắt, đã bị giết tại Sobibor.

Các nhà khảo cổ học cho biết một trong những vật dụng cá nhân mà họ tìm được trong lòng đất gần các phòng hơi ngạt là chiếc nhẫn cưới mang dòng chữ bằng tiếng Hebrew có nghĩa là: “Nầy, em được thánh hiến cho anh”.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Công Nghị Do Thái Âu Châu

Ký ức về cuộc diệt chủng người Do Thái giúp chúng ta chống lại sự lặp lại thảm họa này, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lập trường trên với một nhóm người Do Thái trong Công Nghị Do Thái Âu Châu.

Một phái đoàn thuộc Công Nghị Do Thái Âu Châu đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến hôm 25 tháng Giêng trong khuôn khổ kỷ niệm biến cố giải phóng trại tử thần Auschwitz.

Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều quan trọng là giữ cho sống động ký ức về cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã trong thế chiến thứ hai. Ký ức về Holocaust có thể chống lại khả năng một sự kiện như vậy có thể xảy ra một lần nữa.

Moshe Kantor, chủ tịch Công Nghị Do Thái Âu Châu, đã nói về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, và sự cần thiết là các Kitô hữu và các tín hữu Do Thái làm việc với nhau để củng cố gia đình.

Ngày 29 tháng Sáu năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm các trại tử thần tại Auschwitz. Đặc biệt, ngài đã vào thăm căn phòng nơi cha Massimilano Kolbe bị bỏ cho chết đói. Đức Thánh Cha đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lạy Chúa xin thương xót dân Ngài, Lạy Chúa xin tha thứ cho biết bao tàn ác”.

6. Hoa Kỳ có tân đại sứ tại Liên Hiệp Quốc

Hôm thứ Sáu, 27 tháng Giêng, bà Nikki Haley, tân đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã đến nhận nhiệm sở. Trong bài nói chuyện đầu tiên, bà Nikki Haley hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ đến với tổ chức này với “ đôi mắt mới, sức mạnh mới, và tầm nhìn mới”

Bà Haley nói với các phóng viên, “hôm nay có một Hoa Kỳ mới tại Liên Hiệp Quốc” và hứa sẽ “chứng tỏ sức mạnh của Hoa Kỳ, thể hiện rõ ràng ý chí của người Mỹ, với sự ủng hộ của các đồng minh và bảo đảm với các đồng minh sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ.”

Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu gần như nhất trí để chuẩn y việc bổ nhiệm bà Nikki Haley là thống đốc South Carolina làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc; qua hoạt động này các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gửi một ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa đại diện cho Tổng thống Trump tại một tổ chức mà ông thường xuyên chỉ trích.

Hoa Kỳ và các đối thủ thường xuyên là Nga và Trung Quốc đều giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cùng với các đồng minh của Hoa Kỳ là Anh và Pháp.

Bà Haley được hoan nghênh nhiệt liệt tại buổi điều trần đầu tiên khi bà hứa sẽ chống lại các hành động quân sự gây thiệt mạng cho nhiều thường dân của Nga và đồng ý rằng hành động của Nga, bao gồm việc đánh bom một bệnh viện ở Syria, phải được coi là một tội phạm chiến tranh.

7. Đức Thánh Cha kêu gọi tìm giải pháp cho nạn tu sĩ bỏ dòng

Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 28 tháng Giêng, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ các dòng tu, Đức Thánh Cha phân tích các nguyên nhân khiến nhiều tu sĩ bỏ dòng và ngài đề nghị một số phương dược chữa trị.

Trong số các tham dự viên có hơn 20 Hồng Y, 16 Giám Mục và 8 linh mục là thành viên của bộ dòng tu. Khóa họp diễn ra dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Tổng trưởng João Braz de Aviz, người Brazil.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói đến sự kiện có nhiều tu sĩ rời bỏ dòng vì thấy mình không có ơn gọi, sau một thời gian phân định nghiêm túc, nhưng cũng có cả những người khác rời bỏ dòng vài năm sau khi đã khấn trọn đời.

Theo Đức Thánh Cha “sự xuất huyết” như thế làm suy yếu đời sống thánh hiến và chính Giáo Hội: “Những vụ bỏ dòng làm cho chúng ta rất lo âu!”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thế giới ngày nay, tuy có những người quảng đại, liên đới và dấn thân, nhưng cũng có nhiều người là nạn nhân của tinh thần thế tục, tìm kiếm thành công với bất kỳ giá nào, say sưa tìm kiếm tiền bạc và lạc thú. Ngoài ra, cuộc sống “đều đều theo thói quen” (routine), mệt mỏi, cơ cấu nặng nề, chia rẽ nội bộ, tìm kiếm quyền hành, sự thi hành quyền bính độc đoán, hoặc tháo thứ cũng góp phần gây xuất huyết.

Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi việc chăm sóc đời sống huynh đệ cộng đoàn, nuôi dưỡng đời sống ấy bằng kinh nguyện chung, nguyện gẫm Lời Chúa, tích cực tham dự thánh lễ và bí tích hòa giải, đối thoại huynh đệ và chân thành chia sẻ giữa các phần tử, sửa lỗi trong tinh thần huynh đệ, từ bi đối với anh chị em phạm lỗi, chia sẻ trách nhiệm. Tất cả những điều đó được đi kèm với chứng tá hùng hồn và vui tươi về một cuộc sống đơn sơ cạnh người nghèo, và một sứ vụ dành ưu tiên cho những “miền ngoại ô của cuộc sống”.

8. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức thảo luận về chống khủng bố Hồi Giáo

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin hôm 27 tháng Giêng, trước khi đến thăm địa điểm xảy ra cuộc tấn công vào khu chợ Giáng sinh năm ngoái.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cùng với thủ tướng Đức Angela Merkel đặt vòng hoa để tỏ lòng tưởng nhớ các nạn nhân của khủng bố Hồi Giáo. Tháng trước, một người Tunisia cảm tình viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đã lái một chiếc xe tải tông vào khu chợ Giáng Sinh đông đúc giết chết 12 người và làm 49 người khác bị thương.

Khi đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm này, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã tránh không đưa ra bất kỳ một tuyên bố công khai nào. Tuy nhiên, trước khi đến viếng địa điểm này, hai vị nói với các phóng viên là Âu châu cần phải duy trì tình đoàn kết khi đối diện với các mối đe dọa đang gia tăng từ bên ngoài và bên trong. Những mối đe dọa từ bên ngoài là chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo; trong khi mối đe dọa từ bên trong là chủ nghĩa mị dân, và chủ nghĩa cơ hội đang có khả năng gây ra những xáo trộn xã hội và khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Các vị cũng thừa nhận rằng họ đang phải đối diện với những thách thức kinh tế và chính trị ngày càng tăng từ quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

9. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê thị sát các nhà thờ vừa được giải phóng tại Mosul

Hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng, Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê đã đến thăm các nhà thờ trong thành phố Mosul vừa được giải phóng khỏi tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Quân Iraq chỉ mới chiếm được phần phía Đông thành phố Mosul. Tuy nhiên, về cơ bản, tổng giáo phận Mosul đã được hoàn toàn giải phóng.

Đức Thượng Phụ và các giáo phận Công Giáo Iraq khác đã đóng góp hơn 400,000 Mỹ Kim cho việc xây dựng lại các nhà thờ bị phá hủy bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong khu vực bình nguyên Nineveh. Chuyến viếng thăm của Đức Thượng Phụ đã tập trung vào Batnaya, là nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất.

10. Trường học được mở cửa trở lại tại các quận phía Đông Mosul

Các trường học trên khắp các quận phía đông thành phố Mosul đang bắt đầu mở cửa trở lại sau hai năm bị đóng cửa hoặc bị trưng dụng để giảng dạy về chiến tranh khủng bố trong đó bao gồm các khóa học về chế tạo vũ khí, đánh bom tự sát và các tư tưởng Hồi Giáo cực đoan.

Trong khi cuộc chiến tại Mosul vẫn còn tiếp tục, tại phía đông, nơi vừa được quân Iraq tái chiếm, cuộc sống đã bắt đầu quay trở lại bình thường. Các trường học được mở cửa trở lại sau hai năm dưới quyền kiểm soát của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Phần lớn các bậc cha mẹ không cho con cái đến trường trong suốt hai năm qua. Các giáo viên và các bậc phụ huynh có con cái vẫn đến trường trong 2 năm qua nói thanh niên bị buộc phải theo học các kỹ thuật khủng bố và bị xung vào các nhóm thiếu sinh quân. Nhiều em phải tham gia chiến đấu và một số phải đánh bom tự sát.

Các bậc phụ huynh và giáo viên lo ngại rằng nhiều trẻ em phải mất nhiều năm để phục hồi tâm lý và quên đi những tư tưởng quá khích Hồi Giáo, nếu không các tư tưởng cực đoan sẽ có những tác dụng tiêu cực lâu dài.

11. Đức Thánh Cha tiếp Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương

Đức Thánh Cha liên đới với những đau khổ của các tín hữu Chính Thống Đông phương và đề cao vai trò của các vị tử đạo thuộc các Giáo Hội này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 27 tháng Giêng dành cho 31 Giám Mục và thần học gia thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương.

Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống này được thành lập hồi năm 2003 và đã nhóm họp được 14 lần.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ghi nhận nhiều tín hữu thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương phải chịu nạn bạo lực và những hành vi kinh khủng của những kẻ cực đoan cuồng tín gây ra. Những tình trạng đau khổ bi thảm ấy càng dễ trở nên sâu đậm hơn trong những bối cảnh nghèo đói, bất công, và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Đức Thánh Cha ca ngợi hoạt động của các Giáo Hội Chính Thống Đông phương hằng ngày gần gũi với những người đau khổ và ngài cũng khẳng định rằng: ‘Nếu một chi thể đau khổ, thì toàn thể các chi thể khác cũng cùng đau khổ, như thánh Phaolô đã viết (1 Cr 12,26). Những đau khổ này của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi. Tôi hiệp ý với anh chị em trong kinh nguyện, cầu xin cho các cuộc xung đột chấm dứt và xin Chúa gần gũi những người đang chịu thử thách, nhất là các trẻ em, bệnh nhân và người già..

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Ước gì sự chuyển cầu và tấm gương của bao nhiêu vị tử đạo và các vị thánh của chúng ta đã can đảm làm chứng cho Chúa Kitô là một nâng đỡ mạnh mẽ cho các cộng đồng Kitô. Các vị tỏ cho chúng ta thấy trọng tâm đức tin của chúng ta không hệ tại một sứ điệp hòa giải và hòa bình chung chung, nhưng hệ tại chính nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và sống lại: Người là an bình và sự hòa giải của chúng ta” (Xc Ep 2,14; 2 Cr 5,18). Trong tư cách là môn đệ của Chúa, chúng ta được kêu gọi làm chứng khắp nơi, với lòng can đảm của Chúa Kitô và tình yêu khiêm tốn của Chúa, cho sự hòa giải con người ở mọi thời đại”

12. Nghề thổi sáo cho rắn múa đang mai một nhanh chóng tại Ấn

Toàn cầu hóa đang làm cho thế giới ngày càng trở nên giống nhau. Các dân tộc đang mất dần những nét đặc sắc của mình. Các nhà văn hóa nhận thấy cơ cấu kinh tế rập khuôn phương Tây tại Ấn, và các quy định bảo vệ động vật hoang dã giống hệt như Tây phương, đang làm cạn kiệt các cơ hội và cuối cùng đặt một dấu chấm hết cho nghề thổi sáo cho rắn múa tại Ấn.

Mê hoặc đám đông với khả năng kiểm soát các nguy hiểm của những con rắn từ lâu là một nghệ thuật nổi tiếng của Ấn Độ. Hôm nay các trẻ em trong ngôi làng nhỏ Jogi Dera vẫn còn theo đuổi việc học môn nghệ thuật này nhưng càng lúc càng ít dần.

Buti Nath, một sư phụ trong nghề này nói:

“Bảy thế hệ trong gia đình chúng tôi đã làm nghề này. Chúng tôi biểu diễn và bất cứ khi nào có một con rắn nguy hiểm trong nhà dân hoặc khu vực, chúng tôi đi và bắt chúng.”

Anh cho biết thêm:

“Trung bình, người làm nghề này có thu nhập khoảng ba Mỹ Kim một ngày. Cùng với mức thu nhập chết đói này, những ai theo đuổi môn nghệ thuật truyền thống đặc trưng cho Ấn Độ còn phải đối diện với một cuộc đàn áp ngày càng lớn của chính quyền. Điều này khiến một số trẻ em lưỡng lự khi suy tính về tương lai của chúng.”

Kuldip Nath, 14 tuổi, con một người trong nghề, nói: “Đôi khi tôi cảm thấy rằng tôi nên theo học các nghành nghề khác, để có được một công việc thích hợp hoặc là tham gia vào kinh doanh, để tôi có thể thi hành trách nhiệm của mình với gia đình.”

Mangal Nath, một người còn trẻ nhưng làm nghề này khá lâu cho biết các viên chức lâm nghiệp muốn những người như anh phải bị vào tù, và rắn của họ phải bị lấy đi.

Anh nói: “Nếu chúng tôi không còn rắn để mưu sinh thì chúng tôi sẽ làm gì đây? Chúng tôi không còn gì khác. Chúng tôi không có việc gì khác, chúng tôi không có đất, không có phương tiện sinh kế, chúng tôi sẽ chết đói.”

Những người hoạt động vì quyền của động vật nói rằng những người làm nghề này đang mạo hiểm cuộc sống của các con rắn cũng như của chính họ. Trong khi các quan chức địa phương đang tìm mọi cách ngăn chặn môn nghệ thuật truyền thống lâu đời này.

13. Nhân viên Radio Vatican choáng váng trước những cắt giảm chương trình

Theo tờ La Croix, các nhân viên Tòa Thánh làm việc tại Radio Vatican đã bị choáng váng trước những thay đổi đột ngột trong lịch phát sóng.

Từ ngày 1 tháng Giêng năm nay, Radio Vatican đã ngừng không còn tồn tại như một cơ quan độc lập của Tòa Thánh; nhưng đã được gom vào Vụ Truyền thông Vatican. Ngân sách cho chương trình phát thanh đã bị cắt giảm mạnh, với rất nhiều chương trình bị loại bỏ và các chương trình khác đang phải đối mặt với ngân sách eo hẹp.

Một nhân viên trong chương trình Pháp Ngữ của Radio Vatican nói với tờ La Croix:

“Chúng tôi sửng sốt trước sự thực hiện ‘tàn bạo’ những quyết định này.”

Trước đây, Radio Vatican phát thanh bằng 40 thứ tiếng trên làn sóng ngắn, đến tận những nơi bị cấm triệt để như ở Siberia trong những năm dưới chế độ tàn bạo của Stalin, hay như ngày hôm nay đây ở Bắc Triều Tiên hay Ả Rập Saudi.

Tuy nhiên, để làm được như thế, Tòa Thánh phải chi tiêu rất nhiều cho Radio Vatican. Không có quảng cáo, không một doanh thu đáng kể nào, và vì phát trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất Tòa Thánh phải trả lương cho hơn 200 người trong đó có 35 nhà báo làm việc toàn thời. Tổng chi ngân sách cho Radio Vatican dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu euro mỗi năm.

Vụ Truyền Thông của Tòa Thánh muốn khai thác triệt để các tiềm năng của Internet trong một cố gắng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về thông tin và truyền giáo bằng một ngân sách thấp nhất có thể được.

14. Israel bật đèn xanh cho việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Đông Jerusalem

Đức Cha William Hanna Shomali, Giám Mục Phụ Tá Tòa Thượng Phụ nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem lên tiếng bày tỏ các quan ngại của ngài về một lệnh mới do thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ban hành hôm 27 tháng Giêng trong đó bãi bỏ lệnh cấm xây dựng các khu định cư mới ở Đông Jerusalem.

Theo Đức Cha Shomali, quyết định này là một hành động “thêm dầu vào lửa” cho tình hình vốn đã rất căng thẳng tại Thánh Địa.

Trong chương trình truyền hình tối thứ Sáu 27 tháng Giêng, thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng ông có ý định sẽ cho phép xây dựng nhà ở cả Bờ Tây.

Chính quyền địa phương tại Jerusalem đã phê duyệt giấy phép xây dựng hàng trăm ngôi nhà mới. Việc xây dựng trên đất Palestine được coi là một trở ngại lớn cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng cách đây 2 tuần một giám mục Mỹ nói với đài phát thanh Vatican rằng “sự căng thẳng là sờ thấy được” tại Thánh Địa trong những ngày này khi triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine đang ngày càng mờ nhạt.

Đức Giám Mục Oscar Cantu Las Cruces, của giáo phận New Mexico, đã cho biết như trên sau khi tham dự chuyến thăm Thánh Địa trong một chương trình gọi là Holy land Coordination, được tổ chức hàng năm để quy tụ các giám mục châu Âu, Nam Phi, và Bắc Mỹ muốn đến thăm các Kitô hữu trong khu vực này.

Ngài nói rằng có “một số dấu hiệu rất nhỏ” cho xu hướng hòa bình, nhưng “có một bước về phía trước thì lập tức lại có hai hoặc ba bước giật lùi lại phía sau”.

Đức Giám Mục Cantu bày tỏ sự bất bình đặc biệt đối với sự tăng trưởng liên tục của các khu định cư người Do Thái ở các vùng lãnh thổ Palestine, trong đó rõ ràng “chỉ là một sách lược dần dần chiếm lấy đất đai của người Palestine và đóng lại những khả năng cho một giải pháp hai nhà nước.”

Ngài than thở rằng “người dân Palestine đang trở thành những người không có đất, và họ chắc chắn là những người không có quyền”.

15. Đức Thánh Cha ra lệnh xem xét lại việc dịch các bản dịch phụng vụ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh xem xét lại các nguyên tắc hướng dẫn việc dịch các văn bản phụng vụ, tạp chí American cho biết như trên.

Tờ này cho biết Đức Thánh Cha đã thành lập một ủy ban để tái xét tài liệu Liturgiam Authenticam, là tài liệu do Vatican công bố vào năm 2001, trong đó mời gọi các dịch giả các bản dịch phụng vụ phải gắn bó với phiên bản Latinh của Sách Lễ Rôma.

Tài liệu này tuy dẫn đến một bản dịch tiếng Anh mới và chính xác hơn về phụng vụ, đã tiếp tục thu hút những chỉ trích từ các nhà nghiên cứu Phụng Vụ, là những người ủng hộ một nhiều cách hiểu “sáng tạo” hơn ngôn ngữ của Thánh Lễ.

Quyết định của Đức Thánh Cha khởi động việc rà soát như vậy đã được đồn đãi rộng rãi, nhưng chưa bao giờ được chính thức công bố.

Tờ American nhìn nhận là ủy ban này chưa có một cuộc họp nào, và danh sách các thành viên trong ủy ban cũng chưa được công bố. Tuy nhiên, tờ American cho biết ủy ban sẽ được chủ trì bởi Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, thư ký của bộ Phụng tự – thay cho Đức Hồng Y Robert Sarah, là người từ lâu đã được xem là ủng hộ một cách tiếp cận với Phụng Vụ bảo thủ hơn.

16. Đức Hồng Y Etchegaray, Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, nghỉ hưu ở tuổi 94

Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Phó Niên Trưởng Hồng Y đoàn, sẽ rời Roma ở tuổi 94, để dành những ngày cuối cùng trong cuộc đời tại quê hương Pháp của mình.

Từng là tổng giám mục Marseilles, Đức Hồng Y Etchegaray đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa về Rôma giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình (từ 08/04/1984 đến 24/06/1998) và Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum trước khi ngài từ chức vào năm 1998 ở tuổi 75. Sau đó, ngài đã thực hiện nhiều nhiệm vụ ngoại giao đặc biệt của Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã thay ngài trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình từ 24/06/1998 đến 16 tháng 9 năm 2002.

Vào đêm Giáng sinh năm 2009, Đức Hồng Y Etchegaray bị gãy chân khi một người phụ nữ phá rối tấn công Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Người đàn bà này húc vào ngài trong Đền Thờ Thánh Phêrô khi đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ.

Trong một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên, cũng tại chính Đền Thờ Thánh Phêrô, ngài lại bị gãy một chân hồi tháng 10 năm 2015, khi ngài đến gần Đức Thánh Cha Phanxicô để chào sau thánh lễ.

Vị giáo sĩ Pháp đã được Thánh Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y vào năm 1979, và trở thành phó niên trưởng Hồng Y Đoàn. Niên trưởng Hồng Y Đoàn là Đức Hồng Y Angelo Sodano, vẫn còn tại chức ở tuổi 89.

Đức Hồng Y Etchegaray sẽ sống tại Bayonne, Pháp, trong một nhà nghỉ hưu, với một người em gái của mình.

17. Chính quyền thành phố Paris khai trương dịch vụ xe bus tự lái

Trong bối cảnh vẫn còn phải lo ngại về nạn khủng bố, thủ đô nước Pháp đã khai trương dịch vụ xe buýt tự lái đầu tiên trên thế giới như là một thử nghiệm về những gì chính quyền Paris hy vọng sẽ là tương lai của giao thông công cộng.

Hôm thứ Hai 23 tháng Giêng, những chiếc xe buýt không người lái đầu tiên đã ra mắt công chúng. Những chiếc xe này chạy hoàn toàn bằng điện và hoàn toàn tự động. Những chiếc xe buýt, có tên là “EZ 10” này, có thể vận chuyển tối đa là 10 hành khách qua sông Seine giữa hai trạm chính. Những chiếc EZ 10 này sử dụng bộ cảm biến laser để phân tích môi trường xung quanh trên đường đi và tạm thời chúng di chuyển trên một lằn riêng trên đường.

Ông Jose Gomes là người đã lái xe buýt trên tuyến đường này trong 26 năm qua. Ông sẽ giám sát để bảo đảm các hoạt động thông suốt của những xe buýt không người lái này.

Ông cho biết những chiếc EZ 10 này có nhiều thuận lợi. Hành khách cảm thấy thoải mái hơn “vì có ít người trên xe, xe chạy chậm hơn, hoàn toàn bằng điện, không gây ô nhiễm và có thể được bảo quản dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó sẽ không bao giờ thay thế được một chiếc xe buýt truyền thống”.

Các chuyến xe bus như những con thoi trong thành phố Paris đang gây ra một mức độ ô nhiễm đáng chóng mặt. Thị trưởng Anna Hidalgo của Paris muốn giảm số lượng xe hơi, nên chính quyền đặt ra những hạn chế nghiêm nhặt về giao thông.

Hiện nay, trong thời gian thử nghiệm, các xe bus EZ 10 chỉ di chuyển trên một đoạn ngắn khoảng 130m. Khoảng cách này là quá ngắn với một lộ trình xe buýt nhưng đối với Paris, đó là một bước tiến lớn hướng tới việc giải quyết nạn ô nhiễm môi trường do giao thông gây ra.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN