Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM TIN MỪNG CÁC NGÀY TRONG TUẦN 05 THƯỜNG NIÊN 2017, CỦA TU SĨ GIUSE – VINH SƠN NGỌC BIỂN, S.S.P.

SUY NIỆM TIN MỪNG CÁC NGÀY TRONG TUẦN 05 THƯỜNG NIÊN 2017, CỦA TU SĨ GIUSE – VINH SƠN NGỌC BIỂN, S.S.P.

TUẦN 05 THƯỜNG NIÊN

Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

THỨ HAI

GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO

(Mc, 6, 53-56)

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc… Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành…”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.

Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

THỨ BA

ĐỪNG VỤ LUẬT MÀ XA LẠ VỚI TIN MỪNG!

(Mc 7, 1-13)

Tại đất nước Philippines hay tại Ấn Độ, người ta có thói quen ăn cơm bằng tay thay vì dùng muỗng nĩa như người Tây Phương hay đũa như người Việt Nam.

Khi dùng tay để ăn, họ buộc phải dùng tay phải để lấy cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tay trái là điều cấm kỵ vì họ cho rằng tay trái là biểu tượng của sự dơ bẩn; hay tay trái là dấu chỉ của những người khó có thể được cứu độ! Chính vì vậy, mà những người thuận tay trái thường bị cho rằng sau này khó có thể được vào Nước Trời!

Tin Mừng thánh Máccô được trích đọc hôm nay ghi lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu về vấn đề rửa tay trước khi ăn.

Theo luật, buộc khách dự tiệc phải rửa tay trước khi ăn. Việc rửa tay trước khi ăn có ý nghĩa tôn giáo rất tốt lành, đó là ý muốn nói hay nhắc nhở mỗi người về sự trong sạch trong tâm hồn. Trước khi họ dâng lời chúc tụng, tạ ơn Chúa thì họ phải thanh tẩy tâm hồn cho xứng đáng. Còn về mặt xã giao, thì đây là biểu lộ sự kính trọng với người đồng bàn với mình.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, khi người ta chỉ còn biết hình thức bên ngoài mà không hề khám phá hay sống ý nghĩa, giá trị bên trong, thì tập tục này trở nên thuần túy phô trương, hình thức. Chính vì lý do này mà khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn, nên những người Pharisêu đã thắc mắc!!! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại lời ngôn sứ Isaia nói về sự giả hình nơi những người này, vì họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì không. Vì thế, họ như cái thùng rỗng. Những lời dạy của họ trở nên trò hề khi họ chỉ cậy dựa vào tập quán của phàm nhân.

Ngày nay, nơi nhiều cộng đoàn, vẫn còn đó những lối suy nghĩ như những người Pharisêu khi xưa, đó là: tập trú vào hình thức bên ngoài quá nhiều mà không để ý đến ý nghĩa, sứ điệp ngang qua những hoạt động tôn giáo.

Nhiều khi chỉ biết đọc kinh mà không hề biết ý nghĩa của lời kinh! Hoặc nhiều khi giữ đạo từ nhỏ, nhưng nói về tinh thần huynh đệ, bác ái thì xem ra quá xa vời, bởi bấy lâu nay ta sống theo kiểu: “Đèn ai nấy rạng”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta thấy rằng: lời nói phải đi đôi hành động. Việc bề ngoài chỉ có giá trị khi nó được toát ra từ bên trong. Đừng chỉ lo loay hoay hình thức mà đánh mất đi nét đẹp của tâm hồn. Mất đi ý nghĩa này, mọi sự trở nên giả dối, trống rỗng và vô ích.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì đã dạy cho chúng con bài học về việc giữ luật. Xin cho chúng con ngày càng gắn bó với Chúa mật thiết để được sống trong tình yêu và chiếu tỏa tình yêu ấy cho tha nhân cách chân thành. Amen.

THỨ TƯ

SỐNG ĐẠO THẬT TÂM

(Mc 7, 14 – 23)

Ở đời người ta hay nói: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; hay: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường. Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu tuyên bố một sự thật, đó là: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15).

Thật vậy, chính tận sâu thẳm cõi lòng, người ta mới thấy được cội rễ của sự thiện hay ác!

Khi nói về điều xấu xa xuất phát từ cõi lòng, Kinh Thánh kể ra 12 thứ tội được coi là khởi đi từ trong tâm con người: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng đãng, ghen bì, gièm pha, kiêu hãnh, bất lương.

Thật vậy, tâm của những người Pharisêu chính là tâm ác gian tà, vì thế họ luôn đối đầu với Đức Giêsu. Sự đối đầu của họ với Ngài chính là cuộc đối đầu về: lòng đạo đức đích thực và thái độ giả hình; giữa lương tâm và vụ hình thức; giữa công bằng và bất công; giữa lòng bác ái và sự ích kỷ.

Đức Giêsu thì coi trọng tình huynh đệ, người Pharisêu thì coi trọng hình thức; Đức Giêsu thì nhấn mạnh và tập trung vào chiều sâu nội tâm, trong khi họ lại coi trọng bề ngoài không khác gì cái máy! Đức Giêsu thì coi trọng con người, đặt con người vào trung tâm sứ vụ, còn những người Pharisêu thì coi trọng luật lệ, hình thức, đến nỗi khiến họ trở thành nô lệ cho luật.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết xác định nguyên nhân gây nên điều xấu là cõi lòng, ý hướng từ bên trong; đồng thời biết tập trung vào việc cốt lõi của Đạo Thánh chính là tình yêu thương. Không có tình yêu thương chủ đạo, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa là tình yêu, và gặp được con người là trung tâm của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn thánh thiện, đạo đức, để từ nơi đó phát xuất ra tình yêu thương chân thành. Amen.

THỨ NĂM

NIỀM TIN CẦN ĐƯỢC TÔI LUYỆN QUA THỬ THÁCH

(Mc 7,24-30)

Trong đời sống đức tin của mỗi người, nhiều khi chúng ta phải mần mò đi trong đêm tối! Có những lúc tưởng chừng như Chúa đang bỏ rơi chúng ta! Có khi cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt với biết bao thách đố mà chúng ta khó hòng vượt qua.

Tuy nhiên, khi chúng ta không còn biết cậy dựa vào ai, thì lúc đó Chúa có mặt và giải thoát chúng ta cách nhiệm mầu. Điều quan trọng là chúng ta có dám lỳ trong đức tin hay không mà thôi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại gương sáng của người đàn bà dân ngoại. Một mẫu gương về niềm tin tuyệt đối vào Đức Giêsu. Bà thừa biết mình là người dân ngoại, nên không thể có lý do gì để xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà. Thế nhưng, niềm tin và sự hy vọng đã làm cho bà vượt qua hàng rào ngăn cách đó, nên bà đã mạnh dạn đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà.

Quả thật, Đức Giêsu đã không chữa ngay, mà ngược lại, Ngài đã nói một câu rất nặng để thử thách đức tin của bà, Ngài nói: “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà mà nén cho lũ chó con” (Mc 7,27). Người phụ nữ này đã không nản lòng, nhưng qua câu nói đó, bà lại càng khiêm tốn và đức tin mỗi lúc lại mãnh liệt hơn, bà thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con” (Mc 7, 28).

Chính đức tin mãnh liệt như thế, nên phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và cứu thoát con gái bà khỏi Quỷ ám.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì, trung thành và vững tin nơi Chúa. Bởi lẽ đức tin chỉ có thể trưởng thành khi chúng ta trải qua đau khổ và được tôi luyện bằng nghịch cảnh. Nhờ thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng thời xứng đáng trở nên chứng nhân về niềm hy vọng cho con người hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa. Amen.

THỨ SÁU

HÃY BIẾT NHẠY BÉN VỚI NHỮNG DẤU CHỈ

(Mc 7, 31- 37)

Ngày nay, người ta nói nhiều về sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của con người. Họ đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự dửng dưng và vô cảm đang trở thành phổ quát trong xã hội hôm nay.

Nguyên nhân mấu chốt, căn bản có lẽ chính là thiếu sự nhạy bén!

Thật vậy, nếu người ta có một chút nhạy bén thì hẳn họ đã không hờ hững khi thấy một người phải đói lả trong khi mình lại quá dư thừa; hay thiếu trách nhiệm khi xả rác cách bừa bãi trong khi hằng đêm vẫn có những người phải thức trắng để dọn dẹp đường phố; hoặc vô tâm đến mất nhân tính khi cướp đi từng gói mỳ tôm, từng nắm gạo của những người vô gia cư, nghèo khổ, đói khát đang thoi thóp mong chờ chút lương thực cho ấm lòng…! Tệ hơn nữa, đó là nhiều khi chúng ta lại phủi tay đến lạnh lùng trước tấm lòng của những người làm việc tốt, để rồi tung ra những lời nói không thật gây nên một sự hoang mang làm cho người ta bị khổ tâm!

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu ra tay cứu chữa cho một người điếc và nói ngọng được nghe và nói rõ ràng. Đây là niềm vui mừng của người bị bệnh và cũng là niềm vui của những người đã dẫn anh ta đến gặp Đức Giêsu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc lui lại các chương trước thì chúng ta sẽ thấy rõ giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu luôn có sự đối kháng, và họ luôn cho rằng: Đức Giêsu lấy quyền của tướng Quỷ mà trừ Quỷ. Như vậy, họ không hề có chút nhạy bén với điều thiện, mà ngược lại, họ luôn lạnh lùng, vô cảm và vô tâm trước những nghĩa cử tốt lành của Đức Giêsu.

Lối sống và cái nhìn của những người Pharisêu khi xưa có thể cũng chính là quan điểm và lựa chọn của chúng ta! Nhiều khi vì thành kiến cá nhân, mà chúng ta không thể thấy được điều tốt nơi anh chị em mình. Lòng ích kỷ nơi bản thân nó đã làm cho lương tâm bị che khuất, sự thật bị bóp méo, vì thế, hậu quả chính là sự chia rẽ, bất công và không thể nhận ra chân lý.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm tình như đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là luôn biết ca ngợi và chúc tụng những điều tốt đẹp Chúa đã làm chung quanh và cho bản thân chúng con. Amen.

THỨ BẨY, NGÀY 11-02

LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC, NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN

XIN MẸ CỨU GIÚP CHÚNG CON

(Is 66, 10-14c; Ga 2, 1-11)

Hôm nay, trong tâm tình của những người con, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Khi mừng lễ này, Giáo Hội muốn tôn vinh Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội như chính Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và mặc khải cho thánh nữ Bernadette từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2, năm 1858.

Mặt khác, Giáo Hội muốn làm toát lên sự kết hiệp mật thiết giữa Đức Mẹ với Thiên Chúa trong vai trò là nhịp cầu thông hiệp giữa Thiên Chúa và con người.

Đồng thời, Giáo Hội cũng không ngừng mời gọi con cái mình năng chạy đến với Mẹ, để cậy nhờ Mẹ trong vai trò là người thông chuyển ơn Chúa cho nhân loại.

  1. Sự can thiệp của Mẹ Maria rất tế nhị và hữu hiệu

Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trình thuật việc Mẹ Maria và Đức Giêsu được mời đi dự tiệc cưới tại làng Cana. Mẹ Maria và Đức Giêsu đã nhận lời mời để đến chia vui với gia chủ trong ngày trọng đại.

Tuy nhiên, khi đám tiệc còn đang diễn ra, thì không may cho gia chủ vì sự cố hết rượu. Chắc chắn khi thấy hết rượu, chủ tiệc sẽ bối rối và lo lắng vô cùng, bởi vì nếu rượu hết lúc đám tiệc còn đang dang dở, thì chủ tiệc sẽ bị quan khách khinh thường và chê bai cũng như đôi tân hôn sẽ bị dè bửu… và đương nhiên, nỗi buồn sẽ ập đến với mọi người.

Tuy nhiên, mặc dù Mẹ Maria không phải là người uống rượu, cũng chẳng phải là chủ tiệc, nhưng Mẹ rất hiểu thấu đáo diễn tiễn tâm lý của gia chủ và đôi tân hôn cũng như của mọi người dự tiệc. Vì thế, Mẹ rất tế nhị và đầy tin tưởng vào quyền năng của Con mình, nên đã kịp thời can thiệp bằng cách đến bên Đức Giêsu và nói nhỏ: “Họ hết rượu rồi!”.

Sự can thiệp kịp thời này cho thấy Mẹ Maria rất chu đáo và đầy tình thương. Mẹ không hề dửng dưng trước nỗi khốn cùng của người xung quanh.

Giữa Mẹ Maria và Đức Giêsu có một sự kết hợp rất nhịp nhàng và kết quả. Mẹ rất ý thức vai trò của mình chỉ là cầu thay nguyện giúp chứ không phải là người ban phát, người thi ân giáng phúc chính là Đức Giêsu. Vì thế, Mẹ đã rất âm thầm và tế nhị khi đến báo cho Con của mình biết nỗi khó khăn của gia chủ và nỗi bất hạnh của đôi tân hôn nếu sự kiện hết rượu đến với họ.

Tuy nhiên, thay vì Đức Giêsu hào hứng để làm phép lạ, thì ngược lại, Ngài phản ứng xem ra có vẻ không đồng thuận với Đức Mẹ: Ngài nói: “Chuyện đó có can chi đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến”.

Nhưng Mẹ vẫn hy vọng và cuối cùng Đức Giêsu đã thi hành phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai của mình do lời cầu xin của Mẹ Maria. Điều này cho thấy Đức Giêsu rất quý trọng và kính nể Mẹ Maria.

  1. Tình mẫu tử nơi Mẹ Maria và chúng ta

Người Việt Nam chúng ta từ lâu đời đã có lòng yêu mến Đức Maria cách đặc biệt. Vì thế, nhiều nơi và nhiều cách, chúng ta tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ như: lần hạt Mân Côi; rước kiệu; dâng hoa; xây dựng tượng đài; nhiều người đã chọn Mẹ làm bổn mạng; nhiều hội đoàn mang danh Mẹ; nhiều nhà thờ được xây dựng mang tước hiệu của Mẹ…

Tất cả những việc làm ấy biểu lộ tâm tình yêu mến Mẹ. Vì thế, ở đâu có người Công Giáo Việt Nam, ở đó có hình ảnh và dấu ấn của Mẹ Maria.

Thế nên chúng ta dễ hiểu rằng: mỗi khi gặp thấy những chuyện vui buồn, sướng khổ, mỗi người thường hay chạy đến với Mẹ để van xin Mẹ thương cứu khổ cứu nạn cho mình, cho gia đình và mọi người.

Một trong những động lực thúc đẩy chúng ta chạy đến với Đức Mẹ trong niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác chính là biến cố tiệc cưới Cana. Nếu nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã thể hiện tình thương đặc biệt đối với gia chủ trong cảnh túng quẫn bần cùng như vậy, thì trong cuộc đời của chúng ta, chắc chắn Mẹ sẽ không thể không thi thố vai trò cứu khổ cứ nạn của mình cho con cái Mẹ đang ngày đêm cầu khấn Mẹ.

Hơn nữa, suốt cả cuộc đời của Mẹ đã kết hợp cách chặt chẽ với Đức Giêsu từ lúc nói lời xin vâng đến khi đứng dưới chân thập giá, đủ cho thấy nơi Mẹ có uy thế biết chừng nào!  

  1. Sứ điệp ngày lễ

Qua những gì chúng ta vừa chia sẻ, có lẽ chúng ta rất tự hào vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ tuyệt vời: vừa uy quyền lại đầy tình thương. Vừa tế nhị, kín đáo, âm thầm nhưng lại thấu hiểu rõ nỗi khổ của con cái.

Tuy nhiên, chắc chắn Đức Mẹ sẽ không muốn chúng ta chỉ ngửa tay đón nhận ơn lành mà không biết mở tay để trao ban. Vì thế, mỗi người chúng ta cũng hãy biết noi gương Mẹ, để sẵn sàng thi hành những điều tốt lành cho anh chị em mình, ngõ hầu xứng đáng với những gì mà mình đã nhận được.

Một trong những cách cần thiết và cấp bách hơn cả, đó là biết học nơi Mẹ bài học về sự liên đới và trách nhiệm.

Liên đới với người nghèo, người sống bên lề xã hội, người ốm đau bệnh tật để ra tay nâng đỡ. Liên đới với những người không có tiếng nói để bênh vực, nhằm tìm được công lý và công bằng cho những người thấp cổ bé họng.

Khi liên đới như thế, chúng ta noi gương Mẹ về tinh thần trách nhiệm qua sự kiện tiệc cưới Cana. Nếu xét theo nghĩa chặt, thì trong tiệc cưới năm xưa, chuyện hết rượu hay còn rượu sẽ không can dự gì tới Mẹ và Đức Giêsu. Tuy nhiên, là người được mời đến dự tiệc, Mẹ đã không vô trách nhiệm khi thấy người thân của mình lâm vào cơn nguy khốn, vì thế Mẹ đã lên tiếng cầu khẩn Đức Giêsu.

Cũng vậy, chúng ta không được phép tự cho mình vô trách nhiệm với những người kém may mắn hơn mình. Chúng ta cũng không bao giờ được phép ngụy trạng bằng những thứ đạo đức hão huyền một chiều, để tự cho mình được phép khước từ những người cùng đinh trong xã hội đến xin chúng ta nâng đỡ. Cần tránh thói dùng nhà thờ, hội đoàn, hay danh dự gia đình hoặc cá nhân để làm bình phong cho sự vô tâm của mình đối với người tội lỗi đang cần đến sự liên đới của chúng ta.

Chúng ta cũng đừng bao giờ lấy làm hạnh phúc trong chăn ấm nệm êm hay tiện nghi sang trọng, mà bên cạnh mình còn biết bao người đói khát, rét mướt và không có nhà ở.

Thật vậy, lương tâm con người tự nhiên cũng không cho phép ta an nhiên tự tại với những gì đang diễn ra trước mắt, huống hồ là Lương Tâm Công Giáo nơi chúng ta!

Vì thế, noi gương Mẹ, chúng ta hãy ra khỏi nội vi của những nơi an toàn để đến với những nơi đầu chiến tuyến của mặt trận để hiệp thông, an ủi và nâng đỡ anh chị em chúng ta cách thiết thực chứ không chỉ đầu môi chóp lưỡi trong những lý luận văn chương hay những khái niệm trừu tượng…

Khi ra khỏi biên cương và tiến ra những nơi nguy hiểm, chắc chắn sự an toàn của chúng ta sẽ không được đảm bảo! Nhưng ngày nay, Giáo Hội sẽ rất cần đến những con người mà trên thân mình mang đầy thương tích và đau khổ của những anh chị em đồng loại khi dám dấn thân để đem ánh sáng Tin Mừng đích thực ngang qua chính hành động của bản thân mình. 

Hôm nay cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho các bệnh nhân. Chúng ta cùng cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho những anh chị em đang đau bệnh được an ủi nâng đỡ bởi ơn thánh của Chúa. Đồng thời cũng xin Mẹ thúc đẩy cho nhiều người biết sống tinh thần liên đới, trách nhiệm như Mẹ để biết sẵn sàng ra tay nâng đỡ anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương, quý trọng Mẹ Maria, nên Chúa đã không nỡ không nhận lời Mẹ chuyển cầu mà ra tay ban ơn cứu giúp gia chủ trong cảnh thiếu rượu giữa chừng. Xin Chúa cũng thương nhận lời Mẹ Maria chuyển cầu, mà ban cho cuộc đời của chúng con được dồi dào rượu của lòng liên đới, sẻ chia và trách nhiệm với nhau, ước gì từ nguồn năng lực rượu mới ấy mà tâm hồn chúng con được say nồng tình mến với Chúa và tha nhân. Amen.

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN