Home / Học Hỏi Linh Đạo / Bài 11: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Bài 11: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

 

Dẫn vào

Với bầu khí sốt sắng của Tháng Mân Côi trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, nếu có dịp may được đọc lại các tước hiệu của Đức Mẹ trong Kinh Cầu Đức Bà (Litaniae Lauretanae), thì chúng ta sẽ có cơ hội thật tốt để suy gẫm thêm về một tước hiệu nữa đã được dâng kính Đức Mẹ:[1] “Mẹ của Lòng Thương Xót” (Mother of Mercy, Mère de la Miséricorde).[2]

Thật vậy, trong Kinh Cầu Đức Bà, Ðức Ma-ri-a đã được xưng tụng cách đặc biệt bằng rất nhiều tước hiệu.[3] Chẳng vậy mà từ lời kinh ấy, có khá nhiều văn nhạc sĩ bậc thầy, thần đồng và thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791) chẳng hạn, đã từng viết ra các nhạc phẩm danh tiếng để ca tụng Chúa, để cùng Mẹ của Lòng Thương Xót ca tụng Chúa (per Mariam ad Jesum).[4]

Theo bối cảnh thần học đương đại, tước hiệu “Mẹ của Lòng Thương Xót” trong cuộc sống của chúng ta có thể được coi là một sự “hiện tại hóa” (actualization) với ý nghĩa rất cụ thể, thật đầy đủ và vô cùng súc tích. Theo đó, những hoạt động mục vụ về đề tài này có thể góp phần tích cực vào việc cùng Mẹ ca ngợi lòng Chúa xót thương.

Một số tước hiệu của Mẹ Ma-ri-a

Trong Kinh Cầu Đức Bà, Ðức Ma-ri-a “Mẹ của Lòng Thương Xót” đã được xưng tụng cách đặc biệt qua ít là bốn mươi chín tước hiệu sau đây:

(1) Rất thánh Đức Bà Maria, (2) Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, (3) Rất thánh Nữ Đồng Trinh Trên Hết Các Kẻ Đồng Trinh, (4) Đức mẹ Chúa Ki-tô, (5) Đức mẹ Thông Ơn Thiên Chúa, (6) Đức mẹ Cực Thanh Cực Tịnh, (7) Đức mẹ Cực Tinh Cực Sạch, (8) Đức mẹ Tuyền Vẹn Mọi Đàng, (9) Đức mẹ Chẳng Vướng Bợn Nhơ, (10) Đức mẹ Rất Đáng Yêu Mến.

(11) Đức mẹ Cực Mầu Cực Nhiệm, (12) Đức mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, (13) Đức mẹ Sinh Chúa Tạo Thiên Lập Địa, (14) Đức mẹ Sinh Chúa Cứu Thế, (15) Đức nữ Cực Khôn, Cực Ngoan, (16) Đức nữ Rất Đáng Kính Chuộng, (17) Đức nữ Rất Đáng Ngợi Khen, (18) Đức nữ Có Tài, Có Phép, (19) Đức nữ Có Lòng Khoan Nhân, (20) Đức nữ Trung Tín Thật Thà.

(21) Đức bà Là Gương Nhân Đức, (22) Đức bà Là Tòa Đấng Khôn Ngoan, (23) Đức bà Làm Cho Chúng Con Vui Mừng, (24) Đức bà Là Đấng Trọng Thiêng, (25) Đức bà Là Đấng Đáng Tôn Trọng, (26) Đức bà Là Đấng Sốt Mến Lạ Lùng, (27) Đức bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm, (28) Đức Bà Như Lầu Đài Đa-vít, (29) Đức bà Như Tháp Ngà Báu, (30) Đức bà Như Đền Vàng.

(31) Đức bà Như Hòm Bia Thiên Chúa, (32) Đức bà Là Cửa Thiên Đàng, (33) Đức bà Như Sao Mai Sáng, (34) Đức bà Cứu Kẻ Liệt Kẻ Khốn, (35) Đức bà Bầu Chữa Kẻ Có Tội, (36) Đức bà Yên Ủi Kẻ Âu Lo, (37) Đức bà Phù Hộ Các Giáo Hữu, (38) Nữ vương Các Thánh Thiên Thần, (39) Nữ vương Các Thánh Tổ Tông, (40) Nữ vương các Thánh Tiên Tri.

(41) Nữ vương Các Thánh Tông Đồ, (42) Nữ vương các Thánh Tử Vì Đạo, (43) Nữ vương Các Thánh Hiển Tu, (44) Nữ vương Các Thánh Đồng Trinh, (45) Nữ vương Các Thánh Nam Cùng Các Thánh Nữ, (46) Nữ vương Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, (47) Nữ vương Hồn Xác Lên Trời, (48) Nữ vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi, (49) Nữ vương Ban Sự Bình An.

Tuy nhiều là vậy mà vẫn còn có thể thêm. Trong Tông chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương, Ðức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã xướng lên một tên gọi “rất tượng hình và rất sống động” về Ðức Ma-ri-a: “Mẹ của Lòng Thương Xót”.[5] Thật ra không thêm gì cho Mẹ. Chỉ là cách diễn tả thêm. Nhưng rất có ý nghĩa.

Trong Tông chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Ðức Ma-ri-a, “Mẹ của Lòng Thương Xót” là Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, Mẹ minh chứng lòng thương xót không có giới hạn của Chúa Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Xót Thương. Và Mẹ, Rất thánh Đức Bà Ma-ri-a, Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Mẹ Rất Thánh của Chúa Ki-tô… được xưng tụng cách “tượng hình” và “sống động” là Mẹ của Người Con ấy, “Mẹ của Lòng Thương Xót”.

Nghĩa là, “Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài”.[6] Chẳng vậy mà, cả chúng ta nữa, một khi cảm nghiệm được “phần nào” chiều sâu của lòng Chúa xót thương nhân loại,[7] thì ai nấy có thể cũng sẽ như Mẹ để tham dự vào mầu nhiệm của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, cũng sẽ như Ðức Giáo hoàng mà…

… hướng đến Mẹ của Lòng Thương Xót. Cầu xin sự dịu ngọt trên thánh nhan Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm thánh Lòng Thương Xót này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa.[8]

Tước hiệu “Mẹ của Lòng Thương Xót” minh định một khẳng quyết sâu sắc. Đó là lời mời gọi các tín hữu bước sâu hơn vào mầu nhiệm cao cả của Lòng Chúa xót thương. Đó cũng chính là sự cần thiết được chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Ki-tô, biểu hiện tuyệt hảo nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Đấng Ki-tô ấy là Con của Mẹ, Đấng Ki-tô ấy có lòng thương xót không giới hạn. Và Mẹ, là Mẹ của Đấng Ki-tô có lòng xót thương ấy, chính là “Mẹ của Lòng Xót Thương”.

Vì thế, nếu thỉnh thoảng ta lại được nghe những cụm từ xưa cũ như “Lạy Bà Ma…”, “muôn hộc từ bi…”, “cơn lâm lụy…” trong văn từ của một bài nào đó – tuy có thể hơi khó hiểu đối với một số người trẻ, nhưng rất thi vị – thì thực tế, ý nghĩa của những cụm từ này có lẽ cũng đã được rất nhiều người đón nhận, thậm chí khen ngợi…. Tuy nhiên, nếu sơ ý, những cụm từ kiểu “Giê-su quả có phước con lòng Mẹ…” sẽ phải bị coi là khó hiểu hoặc không chính xác.[9] Bởi lẽ, Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, là nguồn mạch mọi ân sủng, chính Người là Đấng trao ban ân sủng cho người khác.

Trong Kinh Kính Mừng “Ave Maria, gratia plena, Dominus te cum…” (Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…) mà chúng ta vẫn quen xưng tụng thì Mẹ là đấng “đầy ơn phúc” đấy thôi; và Đức Giê-su Con lòng bà thì… “gồm phúc lạ” chứ không phải là “Giê-su quả có phước…”. Nói khác đi, Mẹ là đấng “đầy ân phúc”, “đầy ơn phước” vì Đức Giê-su Con lòng Mẹ thì… “là nguồn mọi phúc lạ”, “gồm mọi phước lạ”.

Hay khi sánh ví Mẹ là đấng “đầy ân phúc”, “Mẹ của Lòng Thương Xót” với “cây trắc bá trên đồi Si-on”, với “cây thiên tuế xứ Ca-des”, với “vườn hồng Jê-ri-cô”, với “cây hương nam Li-ba-nô”… thì đó là cách nói nổi tiếng của Cựu ước và vì thế, rất thánh thiêng. Còn khi so sánh Mẹ Ma-ri-a, vốn là “Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài”[10] là “Mẹ của Lòng Thương Xót” thì cũng vậy, mà thật ra phải nói là hơn vậy, là cực kỳ thiêng thánh.

Tạm kết

Với Tông chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương, Ðức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã dâng lời khẩn cầu lên Mẹ Maria, đã xưng tụng Mẹ là “Mẹ của Lòng Thương Xót”.[11] Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa vì lời chuyển cầu của Mẹ, vì gương sống của Đức Giáo hoàng, ghé mắt nhìn đến đoàn con cái Mẹ trên khắp hoàn cầu. Dưới chân thánh giá, Mẹ đã nghe và chứng kiến “lời nói và hành động” Chúa Giê-su thực hiện để tha thứ cho nhân loại lỗi lầm. Lòng thương xót đạt đến tuyệt đỉnh! Vậy lời kinh kính Mẹ sau đây hãy là lời cầu của chúng ta:

Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính chào Lẽ Cậy Trông, này con cháu E-và, thân phận người lưu lạc…[12]

Lạy Mẹ là “Mẹ của Lòng Thương Xót”, xin cầu cho chúng con khi hoàn tất cuộc đời dương thế, được về chiêm ngưỡng muôn đời khuôn mặt của lòng xót thương, là Chúa Giê-su Con của Mẹ.[13]

Lm Giuse Tạ Huy Hoàng

GTHH

——————————-

[1] Kinh Cầu Đức Bà – Kinh Cầu Maria Loreto (Ý Đại Lợi) – được Đức Giáo hoàng Xít-tô V phê duyệt vào năm 1587. Loreto là địa danh xuất xứ của lời kinh (năm 1558).

[2] X. MV, số 24.

[3] Kinh Cầu Đức Bà nêu lên rất nhiều tước hiệu – cả tước hiệu chính thức lẫn không chính thức – của Đức bà Ma-ri-a (có một số tước hiệu mang ý nghĩa “chưa chuẩn lắm” lắm về phương diện thần học).

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh…

[5] X. MV, số 24.

[6] MV, số 24.

[7] Tông chiếu Dung nhan lòng xót thương mời gọi “hãy để cho Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên, Chúa là Ðấng không bao giờ mỏi mệt trong việc mở rộng cánh cửa tâm hồn của Ngài cho nhân loại” (MV, số 22).

[8] MV, số 24.

[9] Xem lại ca từ của một số bài thơ, bài hát.

[10] MV, số 24.

[11] X. MV, số 24.

[12] CGKPV, Ca vãn kính Đức Mẹ (Sau Giờ Kinh Tối).

[13] MV, số 24.

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN