Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15/11 -21/11/2013

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 15/11 -21/11/2013

Mafia muốn ám sát Đức Giáo Hoàng?

1. Tin tức về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng của Mafia
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong tuần qua, truyền thông thế giới đã rộ lên tin tức về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng của Mafia. Nguồn tin Đức Giáo Hoàng có nguy cơ bị ám hại đầu tiên xuất phát từ Ý khi thẩm phán Nicola Gratteri trả lời phỏng vấn tờ báo Il Fatto. Ông cho rằng vì quyết tâm lên án tội phạm, gây cản trở cho công việc làm ăn của Mafia, nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể trở thành mục tiêu của các trùm Mafia tại Ý.
Vị thẩm phán Gratteri là người nổi tiếng quyết tâm chống Mafia từ năm 1989. Hiện nay ông được cảnh sát Ý bảo vệ rất cẩn mật 24/24 giờ mỗi ngày.
Nguồn tin trên gây lo ngại cho nhiều người vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người cởi mở, gần gũi, mở rộng vòng tay đón tiếp giáo dân và không chịu dùng xe có lồng kính chống đạn. Sau mỗi buổi triều yết chung sáng thứ Tư hằng tuần, Đức Thánh Cha thường trực tiếp bắt tay với hàng trăm giáo dân. Chính vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dễ bị kẻ xấu hãm hại. 
Trong khi tin Đức Giáo Hoàng có thể bị ám hại đang được loan truyền một cách rộng rãi trên các cơ quan truyền thông thì tại Vatican phát ngôn viên Tòa Thánh cha Federico Lombardi nói chúng tôi “rất bình tĩnh”
Trả lời hệ thống truyền hình ABC tại Mỹ cha Federico Lombardi nói “Không có lý do cụ thể nào làm chúng tôi phải quan tâm, cũng không thấy có lý do gì hỗ trợ cho lời cảnh báo đó.”
Trong buổi triều yết chung Thứ Tư 20 tháng 11 mà chúng tôi sẽ tường trình ngay sau đây, quý vị và anh chị em có thể thấy là Đức Thánh Cha vẫn dùng chiếc xe mui trần như thường lệ, và không có một biện pháp an ninh nào được tăng cường.
Sáng ngày 14 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm chính thức tổng thống Giorgio Napolitano tại điện Quirinale. Ngài di chuyển trên một chiếc xe hơi bình thường không hề có cảnh sát hộ tống bảo vệ. 
2. Mafia là gì?
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Mafia là một thuật ngữ dùng để mô tả một hình thức tội phạm có tổ chức chuyên sử dụng bạo lực đe dọa để thực hiện các hoạt động kinh tế, thương mại bất hợp pháp. Họ có thể có các hoạt động phụ khác như buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, gian lận và bắt buộc phụ nữ hành nghề mãi dâm với doanh thu được ước tính là hơn 100 tỷ Mỹ Kim mỗi năm .
Mafia sống sót được chủ yếu vì các thành viên Mafia bị buộc phải tuân giữ luật im lặng, gọi là omerta, tức là trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù bị bắt, thậm chí bị tra tấn, cũng không được khai báo cho các cơ quan thi hành pháp luật nếu không gia đình họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc.
Trong đoạn phim quý vị đang xem, người thợ lau kính này bị giết chết chỉ vì vô tình xuất hiện vào đúng thời điểm Mafia đang hạ sát một người. Người vô tội này đã bị giết oan ức vì Mafia muốn giữ luật tuyệt đối im lặng.
Kể từ khi xuất hiện vào thập niên 1800, Mafia đã thâm nhập vào cơ cấu kinh tế và xã hội của Ý và bây giờ ảnh hưởng đến thế giới. 
Cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ ước tính Mafia có khoảng 25,000 thành viên hoạt động tích cực trong 4 nhóm, và khoảng 250,000 cảm tình viên trên toàn thế giới. Tại Mỹ, hiện có hơn 3,000 thành viên chủ yếu tại các thành phố lớn ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ , miền Trung Tây, California, và miền Nam Hoa Kỳ. Trung tâm lớn nhất của Mafia tại Mỹ là chung quanh thành phố New York , miền nam New Jersey và Philadelphia .
3. Đức Giáo Hoàng nói về Mafia
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 5 với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói về Mafia và những hậu quả tiêu cực của nó.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi đang suy nghĩ với nỗi buồn về những người nam nữ, thậm chí cả trẻ em, đang bị khai thác bởi nhiều thứ Mafia, là những kẻ bắt họ phải làm công việc khiến họ trở nên nô lệ, như mại dâm chẳng hạn, với rất nhiều áp lực xã hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải trái tim của họ, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa cho những người nam nữ Mafia biết hoán cải”.
Những lời của Đức Thánh Cha có liên hệ đến một linh mục tử đạo là cha Giuseppe Puglisi, là người vừa được phong chân phước vào ngày 25 tháng 5 vừa qua. Cha Giuseppe đã bị nhóm Mafia “Cosa Nostra” giết hại cách đây 20 năm vào năm 1993.
Rất hùng hồn, Đức Thánh Cha nói:
“Cha Giuseppe là một linh mục đầy gương mẫu. Ngài đã dâng hiến cuộc đời một cách đặc biệt cho công việc mục vụ giới trẻ, bằng cách giáo dục những người trẻ theo tinh thần Tin Mừng để mang họ ra khỏi thế giới của tội ác. Vì thế, Ngài đã bị chống đối và giết chết. Tuy vậy, trên thực tế, chính Ngài là người chiến thắng cùng với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tấm gương sáng ngời này, chúng ta hãy gìn giữ gương mẫu của ngài.”
Cha Giuseppe Puglisi sinh ngày 15 tháng 9 năm 1937 tại làng quê nghèo Palermo thuộc đảo Sicily. Năm 1960 ngài được thụ phong linh mục. Trong các hoạt động mục vụ của mình, cha Puglisi đã cố gắng để thay đổi tâm lý giáo dân của ngài đang bị Mafia khống chế bởi sự sợ hãi, thụ động và luật omerta – im lặng áp . Trong bài giảng các thánh lễ Chúa Nhật, ngài khích lệ anh chị em giáo dân tố cáo với các cơ quan công quyền về các hoạt động bất hợp pháp của Mafia trong vùng Brancaccio. 
Ngài đã cố gắng để ngăn cản các trẻ em bỏ học, ngăn ngừa chúng tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy và bán thuốc lá lậu. 
Ngài phớt lờ một loạt các cảnh báo và từ chối một hợp đồng béo bở của một công ty xây dựng được Mafia chỉ định đến phục hồi lại nhà thờ của ngài mà không lấy tiền.
Cha Giuseppe Puglisi đã bị giết đúng vào ngày sinh nhật của ngài là ngày 15 tháng 9 năm 1993. Gần hai mươi năm sau, Giáo Hội đã phong Chân Phước Tử Đạo cho ngài.
4. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 20 tháng 11.
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 20 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự tha thứ tội lỗi qua bí tích hòa giải. Đức Thánh Cha nói rằng ngài đi xưng tội mỗi hai tuần một lần. Ngài cũng lên tiếng yêu cầu tất cả các linh mục, những người không dịu dàng với mọi người, phải thay đổi thái độ trước khi ban phát Bí Tích này.
Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Thánh Thần là “nhân vật chính” trong Bí Tích Hòa Giải, và sứ vụ của các linh mục trong bí tích này là một điều “rất tế nhị” vì qua bí tích này mọi người thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc tha thứ cho loài người.
Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay tôi lại muốn đề cập một lần nữa đến việc thứ tha tội lỗi bằng cách suy tư trên quyền bính của chìa khoá Nước Trời, là một biểu tượng Kinh Thánh khi Chúa Giêsu giao phó nhiệm vụ cho các Tông Đồ.
Trước hết, chúng ta nhớ lại rằng nguồn mạch của ơn tha tội là Chúa Thánh Thần, là Đấng mà Chúa Giêsu Phục Sinh gởi đến với các Tông Đồ. Do đó, Chúa đã biến Giáo Hội thành người giám hộ của chìa khoá Nước Trời. Giáo Hội, tuy nhiên, không phải là chủ tể của ơn tha tội, nhưng chỉ là người đầy tớ phục vụ ơn này. Giáo Hội đồng hành với chúng ta trong hành trình hoán cải diễn ra trong suốt cuộc đời chúng ta và mời gọi chúng ta cảm nghiệm bí tích hòa giải trong chiều kích cộng đoàn và Giáo Hội của bí tích này. Chúng ta nhận được ơn tha thứ thông qua các linh mục. Thông qua năng quyền của vị linh mục, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người anh em để mang đến cho chúng ta ơn tha thứ nhân danh Giáo Hội. Các linh mục, là những người đầy tớ của bí tích này, cần phải nhận ra rằng họ cũng cần ơn tha thứ và chữa lành, và do đó, họ phải thực hiện sứ vụ của mình trong khiêm nhường và với lòng thương xót. Xin Chúa cho chúng ta luôn luôn nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết thực sự đánh giá cao bí tích này và vui mừng trước hồng ân tha thứ và chữa lành mà chúng ta lãnh nhận thông qua thừa tác vụ của các linh mục.
5. Đức Giáo Hoàng nói: Tôi không phải là dược sĩ, nhưng bạn nên dùng “phương dược dành cho linh hồn” này.
Hàng trăm ngàn người đã có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô vào trưa Chúa Nhật 17 tháng 11. Họ thực sự nhận được một món quà và đã ra về với một hộp nhỏ chứa đựng phương dược tâm linh .
Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em hãy cầm lấy! Trong đó có một xâu chuỗi để anh chị em có thể lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa. Đây là phương dược nâng đỡ linh hồn chúng ta, để chúng ta có thể loan truyền tình yêu, sự tha thứ và tình huynh đệ ở khắp mọi nơi. “
Quà tặng này là một cách để đánh dấu sự kết thúc của Năm Đức Tin, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật 24 tháng 11. Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng kinh Mân Côi với 59 hạt , giống như 59 viên thuốc nhằm bổ sức cho linh hồn .
Suy tư trên Tin Mừng Chúa Nhật 33 Mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ về các tiên tri giả, là một lời cảnh báo ngày hôm nay vẫn mang tính thời sự.
Đức Thánh Cha giải thích:
“Ngày nay, có rất nhiều vị cứu tinh giả, là những kẻ đang mưu toan thay thế Chúa Giêsu. Các nhà lãnh đạo trên thế giới này, các thứ thánh nhân giả hiệu và những nhân vật muốn lung lạc con tim và tâm trí của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về điều này. Đừng theo họ!”
Đức Giáo Hoàng cũng cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại. Ngài cảm ơn họ vì chứng tá dũng cảm của họ và lòng trung tín với Chúa Kitô và Giáo Hội, và thêm rằng họ sẽ không đơn độc.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô:
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em bị bách hại vì đức tin Kitô của họ. Hiện có rất nhiều người bị bách hại. Có lẽ thậm chí còn nhiều hơn trong các thế kỷ sơ khai của Kitô Giáo.”
Khi cuộc sống trở nên khó khăn, Đức Giáo Hoàng khích lệ anh chị em tín hữu Kitô đừng mất niềm tin. Thay vào đó, họ phải tin tưởng vào Thiên Chúa và bền đỗ trong đức tin, đức cậy, và đức mến.
6. Đức Thánh Cha tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Vérgez Alzaga
Mặc dù bị cảm và đã phải hủy bỏ tất cả các cuộc tiếp kiến được dự trù vào sáng thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Quốc gia thành Vatican.
Đức Cha Vérgez Alzaga người Tây Ban Nha, thuộc dòng Chiến Sĩ Chúa Kitô, năm nay 68 tuổi, đã từng phục vụ tại Bộ các Dòng Tu và Đời Sống Thánh Hiến, trước khi chuyển sang Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, và sau đó sang phân bộ Internet của Tòa Thánh. Từ năm 2008, ngài là Giám đốc về viễn thông của Quốc gia thành Vatican. Ngày 30 tháng 8 năm nay, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Vatican, một nhiệm vụ tương đương với “thủ tướng” điều hành công việc của quốc gia bé nhỏ này, với khoảng 1900 nhân viên.
Đây là lễ truyền chức Giám Mục thứ hai do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành. Lần đầu tiên cách đây 3 tuần, vào chiều ngày 24 tháng 10 khi ngài truyền chức Giám Mục cho 2 tiến chức là Đức Tổng Giám Mục Jean-Marie Speich, người Pháp, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Ghana bên Phi châu, và Đức Tổng Giám Mục Giampiero Gloder, người Italia, tân Giám đốc Trường ngoại giao Tòa Thánh.
Hai vị phụ phong trong lễ tấn phong là Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống Đốc Vatican, và Đức Cha Bryan Farrell, người Mỹ, cùng thuộc dòng Chiến sĩ Chúa Kitô, và là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có khoảng 40 vị Hồng Y và Giám Mục trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
“Chức Giám Mục là một công tác phục vụ chứ không phải là một vinh dự: Giám Mục có nghĩa vụ phục vụ chứ không phải thống trị. Một trọng trách cao cả của Giám Mục là mang trong mình sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô: Giám Mục là người cha và người anh của tất cả mọi người”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc phục vụ trong khiêm tốn và âm thần của Đức Cha Vergéz Alzaga khi còn là linh mục thư ký của Đức Hồng Y Antonio Quarracino, Cố Tổng Giám Mục Buenos Aires, Á Căn Đình, và Đức Hồng Y Pironio người Á Căn Đình Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân. Ngài khích lệ vị tân Giám Mục chu toàn công tác chăm sóc mục vụ cho các nhân viên tại Vatican, săn sóc họ như người cha, người anh với một tình yêu chân thành và dịu dàng. Ngoài ra hãy quan tâm tới những người không thuộc đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô, vị họ cũng được ủy thác cho con trong Chúa”.
Đức Thánh Cha nói với Đức Tân Giám Mục:
“Đức Cha đã dịu dàng và bác ái đồng hành cùng Đức Hồng Y Pironio. Tôi chắc chắn rằng ngài đang hiện diện giữa chúng ta, trong thời điểm này, và đang mỉm cười.” Cuối thánh lễ truyền chức chiều hôm qua, tại nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi ở cuối Đền thờ thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm vị Tân Giám Mục cùng với 25 thân nhân của ngài.
Sáng ngày 15 tháng 11, lẽ ra Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng một số Hồng Y và Giám Mục, nhưng ngài hơi bị cảm, nên các cuộc tiếp kiến này bị hủy bỏ.
Cha Lombardi cho biết tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha không có gì đáng lo ngại. Cha cũng xác nhận Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về Roma vào ngày thứ Bẩy 16-11, và cư ngụ tại Nhà trọ Thánh Marta, cùng nhà với Đức Thánh Cha. Văn phòng làm việc của Đức Tổng Giám Mục Parolin vẫn ở lầu một trong dinh Tông Tòa.
7. Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chính thức Tổng thống Cộng hòa Italia
Sáng ngày 14 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm chính thức tổng thống Giorgio Napolitano tại điện Quirinale, để đáp lễ cuộc viếng thăm chính thức của Tổng thống tại Vatican hồi tháng 6 năm nay.
Điện Quirinale là dinh của Đức Giáo Hoàng trong 300 năm trời, cho đến ngày 20 tháng năm 1870, khi quân Italia chiếm nước Tòa Thánh và thống nhất bán đảo Italia.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 6 đến viếng thăm tại điện Quirinale và đây là lần thứ 3 ngài gặp Tổng thống Giorgio Napolitano. Ông năm nay đã 88 tuổi và đã mãn 7 năm làm tổng thống. Nhưng hồi tháng 4 năm nay, trước tình thế nguy kịch của đất nước, theo lời khẩn khoản của các đảng phái chính trị, ông đã nhận lời làm nhiệm kỳ hai.
Tháp tùng Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm sáng 14 tháng 11 có 11 người, đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vì Đức Tổng Giám Mục Quốc vụ khanh Pietro Parolin còn dưỡng bệnh cho đến thứ Bẩy 16 tháng 11. Ngoài ra có Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh Dominique Mamberti, Đức Hồng Y Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican, Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia và Đức Hồng Y Giám quản Roma.
Đến điện Quirinale vào lúc gần 11 giờ, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống chào đón nồng nhiệt, trước đoàn quân danh dự, với quốc thiều Vatican và Italia được trổi lên. Tiếp đó, Đức Thánh Cha và Tổng thống đã hội kiến riêng trong thư phòng, trong khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Nicola Letta, và một số vị Bộ trưởng trao đổi với phái đoàn Tòa Thánh do Đức Tổng Giám Mục Becciu hướng dẫn.
Tiếp đến là nghi thức trao đổi tặng vật, và Đức Thánh Cha chào thăm các vị Chủ tịch Thượng Viện, Hạ Viện và tòa bảo hiến của Italia, trước khi viếng nhà nguyện Đức Mẹ Truyền Tin.
Sau đó vào lúc quá 12 giờ trưa, tại sảnh đường Đại Lễ, trước sự hiện diện đông đảo của các quan chức chính quyền và phái đoàn Tòa Thánh, Tổng thống Napolitano đã đọc diễn văn chính thức chào mừng Đức Thánh Cha.
Ông tái bày tỏ tâm tình gần gũi và quí mến, đồng thời nhận xét rằng “Quan niệm của Ngài về Giáo Hội và đức tin đã được chuyển đến tất cả mọi người, dù là tín hữu hay không có tín ngưỡng, qua những lời đơn sơ và mạnh mẽ của Ngài. Điều gây ấn tượng mạnh nơi chúng tôi là sự vắng bóng mọi thái độ giáo điều.”

Tổng thống nói đến những khăn, bầu không khí căng thẳng giữa các lực lượng chính trị khác nhau, và ông nhận xét rằng nhiều lời của Đức Giáo Hoàng có thể soi sáng cho xã hội Italia trong bối cảnh này, đặc biệt là tinh thần đối thoại. Cũng vậy đối với tệ nạn tham ô hối lộ.
Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha nói:
“Thưa Tổng thống, trong hoàn cảnh này, tôi muốn bày tỏ mong ước, được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện: ước gì Italia, kín múc từ gia sản phong phú của mình với các giá trị dân sự và tinh thần, biết tái tìm được sự sáng tạo và hòa hợp cần thiết cho sự phát triển hài hòa, thăng tiến công ích và phẩm giá của mỗi người, và đóng góp phần của mình cho hòa bình và công lý trong bối cảnh quốc tế.
Sau cùng, tôi cũng đặc biệt liên kết với lòng quí chuộng và yêu mến mà nhân dân Italia dành cho Tổng thống, và tái cầu chúc tổng thống những điều tốt đẹp nhất để chu toàn nghĩa vụ cao cả của Tổng Thống. Xin Thiên Chúa bảo vệ Italia và tất cả mọi người dân nước này.”
8. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhân viên phủ tổng thống và gia đình tổng thống Italia.
Sau khi trao đổi diễn văn, Đức Thánh Cha được Tổng thống hướng dẫn đến thăm Nhà Nguyện Paolina trong Điện Quirinale, rồi gặp gỡ 200 người gồm các nhân viên, gia đình và con cái của họ.
Đây là lần đầu tiên trong một cuộc viếng thăm của vị Giáo Hoàng tại dinh Quirinale có một cuộc gặp gỡ như vậy. Trong dịp này Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhân viên tại Phủ Tổng Thống rằng:
“Qua công việc của anh chị em, nhiều khi âm thầm nhưng quí giá, anh chị em tiếp xúc với những biến cố thông thường và ngoại thường, đánh dấu hành trình của một quốc gia. Một số người trong anh chị em có cơ hội tiếp cận những vấn đề xã hội, gia đình và con người, mà các công dân tin tưởng gửi đến Tổng Thống. Tôi cầu chúc anh chị em luôn có một tinh thần hiếu khách, và cảm thông đối với tất cả mọi người. Rất cần có những người dấn thân với khả năng chuyên môn và với tinh thần nhân đạo, cảm thông, với sự quan tâm liên đới đặc biệt với những người yếu thế nhất. Tôi khuyến khích anh chị em đừng nản chí trong những khó khăn, và luôn sẵn sàng nâng đỡ tha nhân”.
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại dinh tổng thống Italia kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Sau nghi thức tiễn biệt, Ngài đã trở về Vatican lúc gần 1 giờ trưa.
9. Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha của tờ Repubblica được gỡ bỏ khỏi trang Web của Vatican
Bài phỏng vấn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Nhật Báo La Repubblica của Ý đã được gỡ bỏ khỏi trang web của Vatican. Trong thời gian qua, bài phỏng vấn này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Cuộc phỏng vấn, đã được thực hiện bởi người sáng lập ra tờ La Repubblica là ông Eugenio Scalfari, là một người vô thần. Theo bản văn bằng tiếng Ý của tờ báo này, có 4 điểm chính trong bài phỏng vấn. Thứ nhất, Eugenio Scalfari nói rằng Đức Giáo Hoàng đã tỏ ra không quan tâm đến việc hoán cải nhà báo vô thần này. Thứ hai, Đức Thánh Cha nói rằng hiện tượng thất nghiệp trong thanh niên là vấn đề nghiêm trọng nhất trên thế giới. Thứ ba, đối với một người không phải là tín hữu, lương tâm là đủ để hướng dẫn suy nghĩ và cách hành xử. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích gay gắt một thái độ đang rất thịnh hành tại Vatican.
Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, nói với các phóng viên rằng quyết định gỡ bỏ khỏi trang Web của Vatican bài phỏng vấn này là không phải là một quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng là một trong những quyết định của Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sau khi ngài chính thức bắt đầu công việc tại Vatican hôm thứ Bẩy 16 tháng 11.
Lý do chủ yếu là vì những lời nói của Đức Giáo Hoàng không được tường trình chính xác, và không thích hợp để đăng tải một văn bản không chính xác, và có thể gây ra nhiều ngộ nhận như thế trên trang web của Vatican. 
Thực tế là ông Eugenio Scalfari đã không ghi chép hay thu âm trong suốt cuộc trò chuyện với Đức Thánh Cha, và những nhận xét được cho là của Đức Giáo Hoàng thực ra chỉ là những lời ông ta nhớ mang máng trong đầu.
10. Chương trình buổi lễ kết thúc Năm Đức Tin
Trong thánh lễ Chúa Nhật 24 tháng 11 tới đây nhân dịp bế mạc Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trao Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm) cho một số đại diện các tầng lớp Dân Chúa.
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 18 tháng 11, để giới thiệu một số hoạt động nhân dịp bế mạc Năm Đức Tin.
Theo Đức Tổng Giám Mục, trong Năm Đức Tin, đã có hơn 8 triệu tín hữu đến hành hương và tuyên xưng đức tin tại Mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Đây chỉ là một dấu hiệu nhỏ bé trong bao nhiêu sáng kiến trên bình diện địa phương để cử hành Năm Đức Tin.
– Lúc 5 giờ kém 15 phút chiều thứ Năm 21 tháng 11, ngày cầu nguyện cho các đan sĩ chiêm niệm, Đức Thánh Cha sẽ đến cử hành kinh chiều với các nữ đan sĩ tại Đan viện Camaldolesi trên đồi Avventino ở Roma, là nơi có những vết tích đầu tiên về đời sống nữ đan tu ở Roma. Sau đó, ngài gặp riêng cộng đồng các nữ đan sĩ tại đây.
Tiếp đến chiều thứ Bẩy 23 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ khoảng 500 dự tòng tại đền thờ Thánh Phêrô. Họ thuộc 47 quốc tịch khác nhau. Ngài đón tiếp 35 dự tòng tại cửa Đền thờ và đặt cho họ những câu hỏi theo nghi thức truyền thống: tên con là gì? Con xin gì với Giáo Hội của Thiên Chúa? Đức tin mang lại cho con điều gì?
– Sau cùng là thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 24-11 để bế mạc Năm Đức Tin.
Tại buổi lễ này, Đức Thánh Cha sẽ trao Tông Huấn “Niềm Vui Phúc Âm” như một quyết tâm mà Giáo Hội được yêu cầu đón nhận. Tin có nghĩa là chia sẻ cho tha nhân niềm vui được gặp gỡ với Chúa Kitô. Tông Huấn này của Đức Thánh Cha trở thành một sứ mạng được ủy thác cho mỗi tín hữu đã chịu phép rửa để họ trở thành người loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha sẽ trao Tông Huấn mới cho 1 Giám Mục, 1 linh mục và một phó tế được chọn trong số những người trẻ nhất được truyền chức. Họ đến từ Lettoni, Tanzania và Australia. Tiếp đến ngài trao cho đại diện tu sĩ nam nữ, rồi những người chịu phép thêm sức, một chủng sinh, một nữ tập sinh và một gia đình, các giáo lý viên, một người mù, Đức Thánh Cha trao cho người này một đĩa CD để sao lại cho người trẻ, các hội đoàn, các phong trào. Cùng được nhận Tông Huấn còn có đại diện của giới nghệ sĩ để làm nổi bật giá trị của thẩm mỹ như một hình thức ưu tiên để loan báo Tin Mừng. Hai đại diện đó là nhà điêu khắc Etsuro Sotoo nổi tiếng của Nhật Bản, đã cộng tác vào việc xây Đền Thờ Thánh Gia ở Barcelona, Tây Ban Nha, và nữ họa sĩ trẻ Anna Gulak người Ba Lan. Ngoài ra có hai đại diện của giới ký giả. Tổng cộng có 36 đại diện các giới đến từ 18 quốc gia năm châu.
Trong thánh lễ sẽ có cuộc lạc quyên để trợ giúp các nạn nhân siêu bão Hayan ở Philippines.
Việc trao Tông Huấn trên đây chỉ có tính cách tượng trưng. Việc công bố Văn kiện này sẽ được trình bày trong cuộc họp báo lúc 12 giờ ngày thứ Ba, 26 tháng 11 tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. 
Thông thường một tông huấn thường là bản tóm tắt các chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cho nên, chúng ta thường nghe những cụm từ như Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng. Thực tế là vào năm 2012 đã có một cuộc họp của Thượng Hội Đồng dành cho việc tân phúc âm hóa. Tuy nhiên, tông huấn này không phải là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hoá. Vào tháng Sáu vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng ngài sẽ đưa ra một tông huấn trong đó trình bày những suy tư của ngài về truyền giáo nói chung, trong khi đưa các chủ đề của Thượng Hội Đồng vào một “khuôn khổ rộng lớn hơn.”
11. Đức Giáo Hoàng tiếp Thủ Tướng Chính phủ Bahamas
Sáng thứ Hai 18 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp thủ tướng nước Bahamas là ông Gladstone Christie tại điện Tông Tòa của Vatican. Ông Gladstone Christie đã đến thăm Vatican sau khi tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo Khối Thịnh Vượng Chung tại Sri Lanka.
Trong cuộc gặp gỡ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các chủ đề như nhập cư và làm thế nào Giáo Hội Công Giáo có thể giúp đất nước Bahamas trong các vấn đề như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Phu nhân thủ tướng và đoàn tùy tùng cũng được Đức Thánh Cha tiếp.
Thủ tướng đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hai cuốn sách, một cuốn nói về nghệ thuật của Bahamas và một cuốn nói về những thành tựu của quốc gia này 40 năm sau đảo quốc này được độc lập khỏi sự cai trị của người Anh.
12. Đức Giáo Hoàng nói hãy nhớ rằng chủ nghĩa tiến bộ ngây thơ kéo dài những hy sinh của con người
Trong Thánh lễ sáng thứ Hai 18 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã nói về sự nguy hiểm của chủ nghĩa thế tục. Ngài đặc biệt lưu ý đến những cách thế tinh vi dẫn dụ các Kitô hữu đến chỗ đánh mất các giá trị và đức tin của họ.
Mong muốn ta đây cũng giống như tất cả mọi người khác thường dẫn đến thứ lý thuyết “tiến bộ vị thành niên”, nghĩa là suy nghĩ cho rằng hễ ta giống như muôn vàn những người khác thì là tiến bộ, là văn minh. Đức Giáo Hoàng nói điều này dẫn đến những hy sinh của con người, thậm chí còn được bảo vệ bởi pháp luật. 
Tân Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin cũng tham dự trong Thánh Lễ
Đức Thánh Cha nói:
“Thiên Chúa trung thành với dân Ngài, mặc dù dân Ngài thường bất tín. Với tinh thần của trẻ thơ, chúng ta hãy xin cho Giáo Hội biết cầu nguyện với Chúa, để nhờ lòng nhân từ và thành tín của Ngài, Chúa sẽ cứu chúng ta khỏi tinh thần thế gian này, là thứ não trạng muốn thương lượng tất cả mọi thứ. Xin Ngài bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta tiến về phía trước, giống như dân Ngài đã làm trong sa mạc khi xưa, khi Ngài cầm tay họ, như cha con tay trong tay. Trong tay Chúa, chúng ta sẽ tiến bước an toàn.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói thêm rằng tinh thần của thế gian, nơi mà bất cứ điều gì cũng có thể thương lượng đang gây ra hiện tượng “thống nhất hoá toàn cầu” làm mất đi sự đa dạng phong phú của các nền văn hóa và vùi dập các giá trị tôn giáo bằng chủ nghĩa thế tục.
13. Đức Thánh Cha tiếp Tổng giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế
Sáng thứ Hai 18 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế, gọi tắt là ILO.
Ông Ryder, cùng đi với hai quan chức của tổ chức ILO, là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc lo về quyền lợi người lao động, và thúc đẩy công bằng xã hội.
Hai vị đã bàn bạc về các chủ đề này. Đức Giáo Hoàng thường xuyên lên tiếng về quyền được có công ăn việc làm, và làm sao để người lao động có thể sống với nhân phẩm. Đức Thánh Cha trong dịp này đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với công việc mà ILO thực hiện nhân danh những người lao động.
14. Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng các ông bà và những người già
Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng các ông bà và những người già. “Dân tộc nào không tôn trọng các ông bà” thì không có ký ức và vì thế không có tương lai”.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 19 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha diễn giải bài đọc trích từ sách Macabê kể lại chuyện cụ Eleázaro thà chết chứ không bỏ đạo và không có thái độ mập mờ hoặc giả hình, trái lại quyết liệt trung thành và nghĩ đến các thế hệ trẻ, để lại cho họ nghĩa cử can đảm, để lại một gia sản cao thượng.
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà người già không được coi trọng, bị gạt bỏ. Nhưng người già là những người mang lại cho chúng ta lịch sử, mang lại đạo lý và đức tin làm gia sản. Họ là những người – như rượu cũ là rượu ngọn, – có một sức mạnh nội tâm để cho chúng ta một gia sản cao quí”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đôi khi tuổi già gây khó chịu vì những bệnh tật đi kèm, nhưng sự khôn ngoan mà các ông bà nội ngoại chúng ta có chính là một gia sản chúng ta phải đón nhận. Dân tộc nào không giữ gìn các ông bà, dân tộc nào không tôn trọng ông bà thì không có tương lai, vì không có ký ức, vì đã đánh mất ký ức.
Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn vì nhiều ông bà bị con cháu bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão. Họ thực là kho tàng của xã hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ông bà chúng ta, bao nhiêu lần họ đã có một vai trò anh hùng trong việc thông truyền đức tin trong thời kỳ bách hại.

nguồn: Vietcatholic

 

h1

Xem thêm

T2Tuan34TNB

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TOẢ SÁNG “Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những …