I. Thiên Đàng là nơi các thánh được ở với Chúa
1) Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu đề cập đến Trời như là cuộc sống vĩnh cửu trong câu nói: “Ta là Bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).
2) Chúa Giêsu nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56).
3) “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34).
4) “Hôm nay, anh sẽ ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
5) “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu thì họ cũng ở đó với Con” (Ga 17, 24).
6) Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo Ladarô, Chúa Giêsu nói đến số phận của hai người đều khác nhau: Người nghèo khó Ladarô được đưa vào lòng ông Abraham tức là Thiên Đàng, còn người phú hộ kia phải vào âm phủ chịu cực hình (Lc 16, 22-25).
7) “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng ngươi không hề nghĩ, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” ( 1 Cor 2, 9-10).
– Cần phải có điều kiện nào để được vào Thiên Đàng?
Rất đơn giản: “Đây là điều răn Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 17).
– Giáo huấn của Giáo hội cũng cho chúng ta biết về Thiên Đàng:
“Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Kitô, họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt” (1Ga 3, 2)… Mầu nhiệm này vượt quá mọi hiểu biết và mọi biểu trưng: Sức sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu thiên quốc, nhà Cha, Giêrusalem trên trời, Thiên Đàng…” (GLCG số 1023-1029).
– Ngoài ra, chúng ta có thể biết được vài nét về Thiên Đàng, qua thị kiến của Thánh nữ Faustina:
“Hôm nay ngày 27/11/1936, tôi được ở Thiên Đàng cách thiêng liêng. Tôi thấy những sự đẹp đẽ không thể diễn tả và những hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta sau khi chết. Tôi thấy các tạo vật đang dâng lời ca tụng tôn vinh Chúa không ngừng. Tôi thấy hạnh phúc trong Chúa lớn lao chừng nào, hạnh phúc lan ra mọi thụ tạo, làm cho họ sung sướng. Rồi tất cả vinh quang, ca ngợi dâng lên từ hạnh phúc này trở về nguồn là Chúa, nhập vào chiều sâu của Chúa, chìm vào cuộc sống trong Chúa Ba Ngôi, mà không bao giờ có ai hiểu hết hoặc đo lường hết được”…
Chúa cho tôi hiều rằng, chỉ có một sự có giá trị vô cùng trong mắt Người, đó là Lòng yêu mến Chúa: “yêu, yêu và yêu. Không gì có thể so sánh với một tác động kính mến Chúa cách tinh ròng” (Thánh Faustina, Nhật ký Tình Thương số 777).
II. Hỏa ngục là nơi những người không có tình thương tha nhân và người tội lỗi không sám hối bị giam cầm. Họ phải xa cách mặt Chúa mãi mãi.
1) “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn, Ta khát, các ngươi đã không cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp nước, Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc, Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp…” (Mt 25, 41-46).
2) Sách Khải Huyền 21,8: “Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng và mọi kẻ nói dối, thì phần dành sẵn cho chúng ta là hố lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt”. Lửa này có thể hiểu là lửa thiêng liêng sâu xé vì phải xa cách nhan thánh Chúa đời đời.
Kết: Nếu người ta không tránh hỏa ngục, mà cứ coi thường, cứ nghe theo xác thịt, ma quỷ, thế gian dụ dỗ phạm tội, rồi không ăn năn sám hối, không cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa, để liều mình sa Hỏa ngục, thì không còn nỗi khổ nào bằng. Đã phạm tội thì đừng ngại ăn năn, xưng tội, đền bù để được Chúa thứ tha.
III. Nơi thanh luyện: Đa số chúng ta sau khi chết, thường không quá tội lỗi đến nỗi đáng chịu hình phạt Hỏa ngục, nhưng cũng không tốt lành đủ để được nhận ngay vào Thiên Đàng, vì thế cần một nơi để để chịu đựng sự thanh luyện. Nơi ấy gọi là Luyện ngục, người đang chịu thanh luyện rất cần sự cầu nguyện của người còn sống để cứu thoát mình.
1) Sách Macabê quyển 2, chương 12, 38-46: Có Vị anh hùng Giuđa đã ra lời khuyên nhủ đạo quân giữ mình sạch tội, vì họ đã thấy nhãn tiền sự việc xảy ra vì tội những người đã thiệt mạng. Đoạn ông quyên tiền nơi mọi người và gởi về Giêrusalem lối hai ngàn quan để dâng lễ đền tội. Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quý vì ông đã xin lễ xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi, mà về Thiên Đàng.
2) Tin Mừng Matthêu 5, 25-26: Chúa Giêsu phán: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa và anh sẽ bị tống ngục và anh sẽ không ra khỏi nơi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng”. Câu này có thể hiểu là ra khỏi Luyện ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.
Kết: Chúa ban cho chúng ta nhiều phương tiện để cứu các linh hồn nơi Luyện ngục:
1- Xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.
2- Lần chuỗi Mân Côi có thể cứu nhiều linh hồn nơi Luyện ngục.
3- Ăn chay hãm mình đền tội thay cho các linh hồn.
4- Thực thi nhiều việc Bác ái có thể đền tội cho nhiều linh hồn.
5- Lãnh ơn Đại xá nhường cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Nên nhớ “Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6, 38).
Lm. JB. Võ Văn Ánh