Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video ĐTC tiếp 200 Đại diện các Tôn giáo & Thánh lễ cầu cho các Linh hồn

Video ĐTC tiếp 200 Đại diện các Tôn giáo & Thánh lễ cầu cho các Linh hồn

Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 đại diện các tôn giáo

Trong buổi tiếp kiến 200 vị đại diện các tôn giáo sáng 3-11-2016, ĐTC cổ võ sự gặp gỡ an bình giữa tín đồ các tôn giáo và một nền tự do tôn giáo đích thực.

Các vị đại diện tôn giáo gặp gỡ và suy tư về đề tài lòng từ bi thương xót. ĐTC nhắc đến chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp kết thúc trong Giáo Hội Công Giáo và nhắc đến sự kiện trong các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác cũng đề cao sự cảm thương, từ bi, bất bạo động, như những giá trị thiết yếu và chỉ dẫn con đường sự sống.

Ngài khẳng định rằng ”mầu nhiệm thương xót không được cử hành bằng lời nói mà thôi, nhưng nhất là bằng hành động, với một lối sống thực sự từ bi thương xót, với lòng yêu thương vô vị lợi, phục vụ anh em, và chia sẻ chân thành. Đó cũng là lối sống mà Giáo Hội rất mong ước đảm nhận, cả trong nghĩa vụ ”cổ võ sự hiệp nhất và tình bác ái giữa con người với nhau” (Nostra Aetate, 1). Lối sống mà các tôn giáo cũng được kêu gọi đón nhận, nhất là thời nay, đó là trở thành sứ giả hòa bình và kiến tạo tình hiệp thông; và khác với những người xách động xung đột, chia rẽ và khép kín, thời nay chính là thời kỳ của tình huynh đệ. Vì thế, điều quan trọng là tìm cách gặp gỡ giữa chúng ta, một cuộc gặp gỡ không có tinh thần tôn giáo hỗn hợp, ”làm cho chúng ta cởi mở đối thoại để biết nhau rõ hơn và cảm thông nhau; loại bỏ mọi hình thức khép kín và khinh rẻ, và mọi hình thức bạo lực và kỳ thị” (Misericordiae Vultus, 23).

ĐTC cũng nói đến sự dấn thân chung giữa tín đồ các tôn giáo trong lãnh vực bảo vệ thiên nhiên. Ngài nói:

”Lòng thương xót cũng mở rộng cho thế giới chung quanh chúng ta, cho căn nhà chung mà chúng ta được kêu gọi gìn giữ và bảo tồn, chống lại sự tiêu thụ vô độ và ham hố. Chúng ta cần dấn thân giáo dục về sự điều độ và tôn trọng, về một lối sống đơn giản và có trật tự hơn, trong đó chúng ta sử dụng các tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan và điều độ, nghĩ đến toàn thể nhân loại và các thế hệ mai sau, chứ không phải chỉ nghĩ đến những lợi lộc của phe nhóm riêng và những lợi lộc của thời nay mà thôi. Đặc biệt ngày nay ”cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi trường đòi tất cả chúng ta phải nghĩ đến công ích và tiến bước trên con đường đối thoại, vốn đòi phải kiên nhẫn, khổ hạnh và quảng đại” (Laudato sì, 201).

”Con đường này thật là tuyệt vời đối với chúng ta; cần loại bỏ những con đường không có mục tiêu, dẫn đến sự đối nghịch nhau và khép kín. Cần làm sao để đừng xảy ra tệ nạn: các tôn giáo, vì thái độ của một số tín đồ, thông truyền một sứ điệp hỗn độn và trái ngược với sự điệp thương xót. Rất tiếc là không có ngày nào chúng ta không nghe nói về bạo lực, xung đột, bắt cóc, tấn công khủng bố, gây ra các nạn nhân và tàn phá. Và thật là điều kinh khủng khi người ta tìm cách biện minh cho những hành động man rợ như thế nhân danh tôn giáo hoặc nhân danh chính Thiên Chúa…”

Đức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời

Ngày mồng 2 tháng 11 toàn thể Giáo Hội tưởng nhớ và cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ vào 4h chiều tại Nghĩa trang Prima Porta của Roma, cách Thành Vatican 15km về phía bắc. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha đăng trên tweet lời mời gọi cầu nguyện ngay cả cho “những người đã qua đời mà không còn ai nhớ tới”.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: nhớ về những người quá cố với niềm hy vọng vào sự phục sinh.

Nỗi buồn và niềm hy vọng

Ông Gióp đã đi trong bóng tối khi ông cận kề cái chết. Trong giây phút đau khổ đau đớn, ông tuyên xưng niềm hy vọng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất! … Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (Gióp 19:25.27).

Khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố, có hai ý nghĩa. Một là cảm giác buồn bã: nghĩa trang gợi nhớ sự buồn bã, buồn vì những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, cũng buồn bã khi nghĩa trang gợi nhắc tương lai về cái chết của mỗi người. Thế nhưng, trong nỗi buồn này, chúng ta mang theo những bó hoa gợi nhắc dấu chỉ niềm hy vọng. Như thế, nỗi buồn và niềm hy vọng đan xen nhau. Và đây là tất cả những gì chúng ta cảm thấy trong ngày hôm nay: một ký ức về những người thân yêu, và hướng tới niềm hy vọng.

Hy vọng vào sự phục sinh

Chúng ta cảm thấy rằng, niềm hy vọng này nâng đỡ chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều phải làm cuộc hành trình này. Tất cả chúng ta sẽ trải qua hành trình này. Kẻ trước người sau, đau buồn ít hay nhiều, nhưng là tất cả mọi người. Thế nhưng chúng ta có bông hoa của niềm hy vọng, niềm hy vọng đặt nơi cái neo của sự phục sinh.

Người đầu tiên đã làm điều này, người đầu tiên đã phục sinh là Chúa Giêsu. Chúng ta bước đi trên con đường mà Người đã đi. Người mở cửa cho chúng ta, và cánh cửa là chính Người. Với Thập giá, Chúa Giêsu mở ra cánh cửa hy vọng cho chúng ta để chúng ta sẽ ở nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất! … Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”

Hôm nay chúng ta trở về nhà với hai điều khắc ghi: một kí ức về quá khứ về những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, và một niềm hy vọng về tương lai về con đường mà chắc chắn chúng ta sẽ đi. Cùng với sự đảm bảo chắc chắn từ lời hứa của Chúa Giêsu: “Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6:40).

Nguồn: VietCatholic News.

Xem thêm

CHIẾC GIƯỜNG ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI - CHÍNH LÀ GIƯỜNG… BỆNH!

CHIẾC GIƯỜNG ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI – CHÍNH LÀ GIƯỜNG… BỆNH!

  Buồn phiền, sầu não trong đời ai chẳng từng trải qua?  Mỗi ngày đi …