Home / Chia Sẻ / LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC (P2)

LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC (P2)

II. NHÂN ĐỨC KHÔN NGOAN
1. Khái niệm về đức Khôn Ngoan.
Trong điều này ta sẽ bàn về : Bản chất và yếu tố đức Khôn Ngoan.
1.1. Bản chất
Khôn Ngoan là nhân đức siêu nhiên, khiến ta biết lựa chọn những phương thế thích hợp với mỗi hoàn cảnh, để đi đến thành công, hầu đạt tới hạnh phúc trường sinh.
Khôn Ngoan đây không phải là khôn ngoan tự nhiên, khôn ngoan xác thịt, nhưng là khôn ngoan siêu nhiên.
Khôn ngoan xác thịt là tìm phương kế gian ngoan để đạt mục đích bất chính, hoặc để mưu lợi ích chính đáng nhưng cách bất chính. Thánh Phaolô đã lên án sự khôn ngoan ấy, vì nó đối nghịch cùng Thiên Chúa.
Khôn ngoan tự nhiên cũng gọi là khôn ngoan thế gian chỉ lo đạt mục đích đời này, không lo gì đến Thiên Chúa và đời sau. Ở đây cần phải nhắc lại Lời Chúa: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Mt 16,26).
Khôn ngoan đây là khôn ngoan siêu nhiên, dựa vào nguyên tắc đức tin và qui hướng mọi sự về Thiên Chúa. Nó chi phối tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của ta để qui hướng đời ta về cùng Thiên Chúa.
Đức Khôn Ngoan là ở tại trí năng, vì trí năng lo việc suy xét, lựa chọn phương tiện thích hợp cho mỗi hoàn cảnh. Ngoài những nguyên tắc chung, người khôn ngoan còn phải biết những chi tiết thực tế, mới trông áp dụng cho nhằm được. Tuy nhiên, ý chí cũng có phần phải đóng góp, vì nó phải truyền cho trí năng tìm tòi phương tiện và quyết định thi hành.
1.2. Yếu tố.
Muốn hành động khôn ngoan phải có ba yếu tố: suy nghĩ cho chín chắn, quyết định cho khôn ngoan và thực hành cho chu đáo.
1.2.1. Suy nghĩ.
Trước hết phải suy nghĩ cho chín chắn, mới tìm ra các phương tiện xứng hợp. Việc càng quan trọng càng phải suy nghĩ kỹ hơn. “Một người lo bằng một kho người làm”. Vậy phải biết suy nghĩ và bàn hỏi.
– Suy nghĩ : Phải suy nghĩ về dĩ vãng, hiện tại và tương lai.
Lịch sử loài người nói chung và kinh nghiệm bản thân nói riêng, là những bài học vô giá, dạy cho ta biết đường xử thế. Hoàn cảnh hiện tại cũng phải được lưu ý, vì mỗi cảnh, mỗi người, mỗi thời, mỗi thế hệ đều có khuynh hướng, tập tục, tâm lý và điều kiện riêng, ta phải biết, để hành động cho đắc lực. Hoàn cảnh tương lai cũng phải được dự phòng, nghĩa là dự đoán các biến chuyển, phản ứng và công hiệu việc làm của ta, để mà phòng bị đối phó, nếu cần.
Tóm lại, phải ngoảnh nhìn dĩ vãng, dự bị tương lai, mới có thể tổ chức hiện tại được.
– Bàn hỏi : Suy nghĩ một mình chưa đủ, còn phải bàn hỏi người khôn ngoan từng trải. Đáo cuộc giả mê. Người đứng ngoài thường nhìn thấy những khía cạnh mà ta không thấy. Đấng ta phải bàn hỏi trước tiên là cha linh hướng, vì ngài vô tư và hiểu thấu ta hơn. Đồng thời phải cầu xin Chúa Thánh Thần, là Cha sự sáng, là Thầy dạy rất khôn ngoan.
1.2.2 Quyết định
Sau khi đã suy nghĩ, phải xét đoán và quyết định những phương thế nào là hiệu nghiệm hơn cả. Muốn phê phán cho đúng, hãy gạt bỏ những thành kiến, đam mê tình cảm, thường làm lệch cán cân lý trí; trái lại phải đứng về phía Đức Tin mà xét đoán mọi công việc. Đừng hời hợt hãy cân nhắc lẽ thuận, lẽ nghịch cho sâu sắc, phân minh. Nhưng cũng không nên lưỡng lự hoài, mà phải biết quyết định điều nào mình thấy là hợp, là tốt hơn cả.
1.2.3.Thực hành
Sau hết, phải thực hành điều quyết định cho chu đáo. Muốn thế phải biết dự phòng, thận trọng và cảnh giới.
– Dự phòng là ước lượng nghị lực cần thiết, dự liệu phương tiện để thắng trở lực có thể xảy đến.
– Thận trọng là ngó trước nhìn sau, để tìm điều thuận mà lợi dụng, điều nghịch mà phòng ngừa.
– Cảnh giới là có sẵn một phương sách để đối phó với sự bất ngờ. Sự khôn ngoan của ta có hạn. Dầu chuẩn bị đến đâu, vẫn có thể có chuyện chẳng lành xảy tới trên đường nhân đức cũng như đường thế sự. Vậy phải cẩn thận đề phòng, để khỏi bị đánh úp mà thua trận.
2. Sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan.
Đức Khôn Ngoan cần thiết cho sự thánh hoá và tông đồ.
2.1. Muốn thánh hoá bản thân, phải tránh lánh tội lỗi và tập tành nhân đức. Muốn tránh tội lỗi cần biết căn nguyên và cơ hội sinh ra tội, đồng thời tìm ra các phương dược thần diệu mà áp dụng cho chu đáo. Những điều ấy, chỉ có đức khôn ngoan mới làm được.
Muốn tập nhân đức và kết hiệp cùng Chúa, cũng cần phải nhờ đức Khôn Ngoan. Đức tại trung dung, nếu không khôn ngoan thì làm sao tránh khỏi thái quá hoặc bất cập ? Nhiều nhân đức lại xem như tương khắc, thí dụ: công bình với nhân hậu, can đảm với hiền lành, thương người với thánh khiết, làm thế nào mà dung hoà được, nếu không có đức khôn ngoan cầm cân nảy mực và chế chẩm cho khéo léo?
2.2. Vả lại, muốn làm tông đồ, càng phải khôn ngoan hơn nữa. Theo nhận xét của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng: làm ích cho các linh hồn, đâu có phải dễ. Người ta ai cũng có lòng tự ái, nhất là vấn đề lương tâm. Đức Khôn Ngoan sẽ dạy cho biết phải tế nhị khi giao tiếp, dè dặt lúc khuyên lơn, biết gây thiện cảm, biết đợi thời đợi dịp, biết áp dụng phương tiện cho mềm mỏng. Một vị linh mục, trong việc cai quản và thánh hoá đoàn chiên, cần phải khôn ngoan mới trông thành công được.
3. Cách thế tập luyện đức Khôn Ngoan.
Phương tiện chung cho mọi nhân đức, luân lý cũng như đối thần, là siêng năng cầu nguyện, để thông cảm với Chúa Giêsu và hấp thụ các đức tính của Ngài. Nguyên tắc chung này sẽ áp dụng cho hết các nhân đức. Sau không cần nhắc lại nữa, muốn nên khôn ngoan, việc trước hết là phải năng cầu xin ơn ấy cùng Chúa, như lời thánh Giacôbê dạy: “trong anh em, ai thiếu khôn ngoan, hãy kêu xin cùng Chúa, tất Ngài sẽ ban cho dư dật” (Gc 1,5).
3.1. Tổng tắc.
Tổng tắc đức Khôn Ngoan là qui hướng mọi sự về cứu cánh siêu nhiên. Đối với khởi sinh, cứu cánh ấy là phần rỗi linh hồn; nhưng đối với đạt sinh cứu cánh ấy là sự vinh danh Chúa. Quan niệm sau quan trọng hơn quan niệm trước, nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
Trong thực tế, ta nên chọn một châm ngôn đạo đức, để hằng ngày chiêm niệm và cố gắng sống theo. Thí dụ: lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì ? Chỉ có sự đời đời là đáng kể. Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến.
3.2. Áp dụng.
3.2.1. Ap dụng cho khởi sinh: Khởi sinh nên dùng tổng tắc trên mà trừ khử những tính xấu nghịch đức Khôn Ngoan, vì thái quá hoặc vì bất cập.
+ Thái quá :
– Sự khôn ngoan xác thịt chỉ tìm thỏa mãn dục tình; bất phân phúc tội. Nên nhớ: lạc thú mau qua, thiên đàng còn mãi.
– Tính quỷ quyệt chuyên dùng mưu mô, gian dối. Nên nhớ: thật thà là cha quỷ quái. Phải khôn ngoan như con rắn, nhưng phải ngay thật như bồ câu.
– Tính lo lắng quá đỗi về tương lai và của cải. Hãy ôn lại bài học quan phòng của Chúa.
– Thành kiến và đam mê làm thiên lệch sự phê phán và lựa chọn. Phải khách quan và bình tĩnh mới được.
+ Bất cập :
– Tính nhẹ dạ, vô tâm, hấp tấp hay làm cho hỏng việc.
– Đi đâu mà vội mà vàng, mà mắc phải lưới mà quàng phải dây!
– Tính do dự, bất kiên, cẩu thả phải diệt trừ bằng sự quyết đáp, chu đáo và cẩn mật.
– Lỗi lời nói: khởi sinh chưa gột rửa được tinh thần thế tục, nên còn hay lỗi sự khôn ngoan trong lời nói. Vậy phải cẩn ngôn, “uốn lưỡi bảy lần rồi mới nói”.
Vàng thì thử lửa, thử than.Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.
3.2.2. Áp dụng cho tiến sinh: Tiến sinh hãy suy gẫm ngôn ngữ và hành vi đầy khôn ngoan của Chúa trong Phúc Âm, để cảm thông và mô phỏng. Giáo lý của Ngài về đức Khôn Ngoan và toát lược trong mấy câu: “Hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính Ngài trước đã. Hãy khôn ngoan như con rắn và thật thà như bồ câu.” (Mt 6,33; 10,16). “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 13,33). Còn gì khôn ngoan bằng cách Chúa đối đáp với kẻ thù, cách Ngài dạy dỗ dân chúng qua các dụ ngôn tài tình linh động, và cách Ngài đào tạo các tông đồ, vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ! Ngắm gương ấy, gẫm lời kia, cầu nguyện cho sốt sắng, đó là cách tối hảo tập đức Khôn Ngoan vậy.[1]

(còn tiếp)

Lm.Châu Diên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN