Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 34 Thường Niên C Của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 34 Thường Niên C Của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Chúa Kitô là vua

 

Chúa Giêsu có phải là vua không ? Ngài là vua, nhưng không theo nghĩa trần thế hay nghĩa chính trị mà người đời thường hiểu. Vì thế, nhiều khi dân chúng công nhận, tung hô Ngài là vua, Ngài phủ nhận ngay, vì họ lầm tưởng Ngài là một lãnh tụ, xuất hiện để đánh đuổi thực dân đế quốc Rô-ma, giành lại đất nước, quyền hành như vua Đa-vít xưa. Chúa cũng phủ nhận danh hiệu này, khi tổng trấn Phi-la-tô hỏi Chúa : “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”. Ngài trả lời : “Đúng như ông nói”, nhưng Chúa thêm ngay : “Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”, tức là Ngài không làm vua như chúng ta vẫn nghe, vẫn thấy, không dùng binh lực, không dùng những phương tiện trần thế, không dùng bạo lực đàn áp đối phương để bảo vệ mình, giả như Chúa có dùng binh lực để tự vệ thì cũng chẳng ai làm gì được Ngài. Tuy nhiên, trong ngày Ngài khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, tức là ngày lễ Lá, Ngài đã im lặng, không cải chính, để cho người ta hái lá, lấy áo trải trên đường cho Ngài đi, và chấp nhận để cho họ tung hô Ngài là con vua Đa-vít, vua dân Do Thái.

Như vậy, Chúa Giêsu xác nhận Ngài là vua, nhưng không phải theo nghĩa chính trị, Ngài không âm mưu cướp chính quyền, không muốn tranh ngôi vua với hoàng đế Xê-da. Vậy Chúa làm vua thế nào ? Nước ngài ở đâu và thuộc dân của Ngài là những ai ? Kinh  Thánh cho biết : Đấng Cứu Thế là vua, thế mà Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nên Ngài là vua. Ngài là vua theo nghĩa Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để dẫn dắt loài người đến sự sống thật, Ngài đến để giảng dạy sự thật, làm chứng cho sự thật, biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, và dạy cho loài người biết dự định hay kế hoạch của Thiên Chúa đối với loài người, là muốn giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự chết, muốn cho họ được làm con Thiên Chúa, được thừa hưởng hạnh phúc bền lâu, và được vinh quang đích thực.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đến trần gian không phải với sứ mạng giải phóng dân Do Thái và nhân loại khỏi ách nô lệ của đế quốc, Ngài cũng không đến để giải thoát chúng ta khỏi đói khát và chiến tranh, tất cả sứ mạng của Ngài là giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, nguồn gốc của đế quốc, đói khát và chiến tranh, giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi, đó mới là điều cần thiết, và đó là sứ mạng độc nhất của Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa đã đi vào tận đáy thân phận con người để bộc lộ vương quyền thật của Ngài, Ngài chỉ muốn cai trị tâm hồn người ta. Do đó, tất cả những ai muốn được giải thoát khỏi tội lỗi và tin theo Ngài, sống theo những lời Ngài dạy, họ sẽ là thuộc dân của Ngài và được hội nhập vào nước của Ngài, như công đồng Va-ti-ca-nô II đã nói : “Nước Chúa Kitô được bảo vệ không phải do bạo lực, nhưng được bền vững do việc đón nghe và làm chứng cho chân lý, được mở rộng nhờ tình yêu. Ai muốn làm thuộc dân của Ngài, ai muốn làm công dân nước Ngài, cần phải ăn năn, hối lỗi, tin cậy vào Ngài, nhận phép rửa tội và chấp nhận làm theo những điều Ngài dạy”.

Một ông vua thường hay cứu giúp thuộc dân của mình khi họ gặp khó khăn, tai ương, hoạn nạn. Chúa Giêsu là vua cũng trong ý nghĩa cứu giúp, Ngài là Thiên Chúa luôn sẵn sàng cứu giúp những ai yêu mến và tin cậy Ngài. Ngài ở bên cạnh họ, nhìn thấy tất cả những nỗi khổ đau trong đời họ, ngay cả những khổ lụy chưa xảy đến Ngài cũng biết hết. Là con người, ai trong chúng ta cũng có lúc gặp khó khăn, có khi còn gặp bước đường cùng, gặp ngõ bí, ngõ cụt với những khó khăn dường như không thể vượt qua, hoặc có những lúc lo âu phiền lụy xâm chiếm hoàn toàn đời mình khiến chúng ta thất vọng, chán nản, nhưng rồi sự gì xảy đến rồi cũng lại qua đi, biết bao người đã kinh nghiệm được sự cứu giúp của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có thể có những lần chúng ta cảm nghiệm được sự cứu giúp của Chúa đúng lúc chúng ta kêu xin, nhưng cũng có lần chúng ta chờ hoài sự trợ giúp của Ngài mà chẳng thấy đâu, chỉ thấy “hát lâu chầu mỏi”. Phải chăng Thiên Chúa đã chậm trễ ? Phải chăng Ngài ở xa không thấy chúng ta ? Phải chăng Ngài ngủ quên ?  Thánh vịnh 121 quả quyết : “Thiên Chúa không hề bao giờ buồn ngủ hay ngủ gật”, Thiên Chúa không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian hoặc hoàn cảnh, bất cứ ở đâu và lúc nào Ngài muốn là Ngài làm được, không có gì có thể ngăn cản được Ngài, sở dĩ Ngài đã không đến cứu giúp chúng ta như chúng ta trông mong, có thể đối với Chúa, đó không phải là lúc chúng ta cần, Ngài biết rõ lúc nào là lúc tốt nhất để Ngài đưa sự trợ giúp đến để chúng ta thêm tin yêu Ngài. Cũng thế, Thiên Chúa chưa cứu giúp cũng có thể vì thời điểm của Ngài khác thời điểm của chúng ta. Chúng ta thì muốn hiện tại lúc này, rồi chúng ta lại bị giới hạn bởi thời gian tâm lý : khi vui thấy thời gian trôi lẹ quá, khi buồn thấy thời giờ chậm trễ. Khi chúng ta chờ đợi là lúc chúng ta thấy thời giờ như thế, chúng ta không dám đối diện với hiện tại, chúng ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi, cho nên cứ thấy Chúa ở xa và xa tắp. Chúng ta hãy nhớ : “Một ngày đối với Chúa như ngàn năm”. Ngoài ra, Thiên Chúa chưa cứu giúp cũng có thể là do chúng ta chưa đủ đức tin, chưa đủ lời cầu nguyện, vì thế, dù hoàn cảnh nào chúng ta cũng hãy nhớ Thiên Chúa là cha, Ngài là vua đầy uy quyền và tình thương để cứu giúp, phần chúng ta hãy luôn tin cậy và phó thác.

 Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN