Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Lời Chúa Lễ các Đẳng Linh Hồn 02-11, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Lời Chúa Lễ các Đẳng Linh Hồn 02-11, của Trầm Thiên Thu

MONG CHỜ

CHỐN LUYỆN HÌNH KHẮC KHOẢI HỒN ĐAU KHỔ

NƠI TRẦN THẾ RÂM RAN TIẾNG KHẤN CẦU

mong-choSự mong chờ và niềm hy vọng có liên quan lẫn nhau. Mong chờ hoặc ước mơ điều gì đó là hy vọng có được điều đó. Chờ đợi người nào đó là hy vọng gặp được người đó.

Văn sĩ Alexandre Dumas (1802-1870, Pháp quốc) đúc kết: “Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ: Chờ Đợi và Hy Vọng”. Trong cuộc sống, có những nỗi mong chờ kèm theo niềm hy vọng, có nỗi mong chờ đằng đẵng trong niềm vô vọng. Dù là nỗi mong chờ nào cũng khiến người ta bồi hồi, thao thức, khắc khoải khôn nguôi.

Nỗi mong chờ khắc khoải nhất là nỗi mong chờ của các linh hồn nơi Luyện Hình. Nhưng nỗi mong chờ này chan chứa niềm hy vọng, vì chắc chắn có ngày họ sẽ được vào Cõi Vĩnh Hằng, được hưởng Thánh Nhan Chúa đời đời kiếp kiếp.

Các linh hồn rất đau khổ vì phải xa cách Thánh Nhan, nỗi khao khát của họ vô cùng cháy bỏng: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng” (Tv 84:3). Cực hình ở Luyện Hình cũng tương tự ở Hỏa Ngục, chỉ khác là cực hình ở Luyện Hình có thời hạn, còn cực hình ở Hỏa Ngục là vô hạn. So với lửa ở Luyện Hình và Hỏa Ngục, lửa ở trần gian chỉ như “làn gió hiu hiu” mà thôi. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi!

Kiếp phàm nhân quá yếu đuối, có những điều ước muốn mà không làm, có những điều không mơ ước lại cứ làm. Hồn và xác cứ giằng co nhau không ngừng. Đôi khi ta cũng cảm thấy ghét mình. Thánh Phaolô cũng đã từng than thở: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu” (Rm 7:15). Cái tôi đáng ghét ghê đi! Các linh hồn cũng đã một thời như thế, do đó mà giờ đây họ càng ray rứt – vì không còn có thể làm gì để cải thiện tình trạng của mình, chỉ còn trông chờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và mong chờ từng lời cầu nguyện của chúng ta như những giọt nước thần làm mát linh hồn họ.

Các linh hồn có quyền chờ lãnh “visa” vào Thiên Đàng, trở thành công dân vĩnh viễn của Nước Trời, vì họ là những người đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (Rửa Tội) để trở nên con cái của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nói về hiệu quả của Bí tích Thánh Tẩy: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người” (Rm 6:3). Kỳ diệu quá! Nước bình thường mà có tác dụng thánh thiêng, đặc biệt là được tẩy rửa bằng chính cái chết của Đức Kitô, tức là được rửa bằng Bửu Huyết của Ngài. Thánh Phaolô giải thích: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Kỳ diệu nối tiếp diệu kỳ, mầu nhiệm nối tiếp nhiệm mầu. Tạ ơn Thiên Chúa vô cùng!

Thánh Phaolô lý giải thêm: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, chúng ta cũng sẽ nên một với Người nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6:5-7). Chết là được giải thoát khỏi đau khổ, và chết là một mối lợi (Pl 1:21).

Cái chết là thất bại lớn nhất của con người, cũng là mối sợ hãi kinh khủng nhất, nhưng đối với Kitô hữu, cái chết không đáng sợ như vậy. Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6:8-9).

Thiên Chúa là ĐẤNG CẦM QUYỀN SINH TỬ (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13), chúng ta sống hay chết là do Ngài quan phòng và tiền định. Phó thác cuộc đời cho Ngài thì chúng ta sẽ thanh thản và xác tín: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3).

Thiên Chúa là CON ĐƯỜNG, là SỰ THẬT và là SỰ SỐNG (Ga 14:6), tin tưởng như vậy thì chúng ta sẽ an tâm và vui sống, vui mừng tín nguyện: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:4-6). Thật vậy, Thánh Phaolô đã xác tín: Thiên Chúa là ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT và RẤT MỰC YÊU MẾN chúng ta(Ep 2:4). Ngài tốt lành nên không bao giờ gây hại cho chúng ta. Tất cả là Hồng Ân, tất cả là của Chúa, những gì chúng ta có cũng không là vật sở hữu của chúng ta, mà chúng ta chỉ được quyền quản lý. Chúng ta chỉ sở hữu một thứ duy nhất: TỘI LỖI.

Và cũng chỉ vì tội lỗi mà chúng ta phải chết. Đó là gen di truyền từ Ông Bà Nguyên Tổ. Nhưng may mắn là Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta chết trong tội lỗi, Ngài đã cưu chúng ta bằng chính giá Máu của Đức Giêsu Kitô. Thân xác phải có lương thực để duy trì sự sống, linh hồn cũng cần có thần lương để sống: Thánh Thể.

Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51).

Khi nói điều đó, Chúa Giêsu đang giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um. Nghe vậy, người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Quả là khó nghe quá. Nếu chúng ta có mặt trong hội đường hôm đó và nghe Chúa Giêsu nói vậy, chúng ta cũng phản đối thôi. Thật vậy, trí tuệ con người không thể hiểu nổi thần ngữ của Thiên Chúa và cách làm của Ngài.

Đức Giêsu biết họ lùng bùng lỗ tai và ngứa miệng, thế nên Ngài đã xác nhận với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịtuống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:53-59). Một chuỗi-liên-kết-sự-sống vô cùng kỳ diệu!

Là hậu sinh, chúng ta diễm phúc được đón nhận đức tin tông truyền nên chúng ta khả tín khi nghe những lời đó. Không chỉ vậy, ngày nay chúng ta còn được đón nhận Thần Lương Thánh Thể hằng ngày, chứ không như trước đây, tiền nhân của chúng ta chỉ được lãnh nhận Thánh Thể mỗi tháng hoặc mỗi tuần. Hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta “may mắn” hơn tiền nhân, và cũng vì thế mà chúng ta phải “ăn cây nào rào cây nấy”, đó là tha thiết cầu nguyện cho những người đã xong cuộc lữ hành trần gian trước chúng ta, đặc biệt trong Tháng Mười Một này. Và đó là bổn phận, là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Nhớ tới các linh hồn nơi Luyện Hình là tự nhắc nhở mình về một sự thật minh nhiên và bất biến: “Hãy nhớ mình phải chết – Memento mori”. Đó là “nghệ thuật chết” – Ars moriendi. Và đừng làm ngơ lời van xin của các linh hồn: “Xin Đừng Quên Tôi!”.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin Ngài đại lượng mà giảm án phạt cho các linh hồn nơi Luyện Hình, xin cho họ được sớm về hưởng phúc trường sinh trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Ngài. Xin cho chúng con cũng được ở nơi nào có Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …