Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM.

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM.

(2 Mcb 1,1-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38)

Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

lc-20-27-38Tin Mừng Luca 20,27-38:

          27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai,31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? “

34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

          Suy Niệm:

          Phụng vụ lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về sự sống đời  sau, sự sống lại qua cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađốc là những người không tin linh hồn bất tử, không tin có thưởng phạt đời sau, không tin có thiên thần, không tin có sự sống lại.

          Sách Maccabê thuật lại biến cố bắt đạo của Vua Antiochus. Chính niềm tin vào cuộc sống mai sau, vào sự sống lại đã thúc đẩy bà mẹ đạo đức và 7 người con can đảm, anh dũng chịu cực hình cho đến chết, đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống để được sự sống đời đời mai sau:

          “Chúng tôi chết vì luật pháp của vua vũ trụ, nên Thiên Chúa sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

          Người con thứ tư sắp tắt thở đã nói:

          “Thà chết vì tay người đời, đang khi cậy dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được người cho sống lại. Còn nhà vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu”.

          Anh  em nhà Maccabê đã xin dâng lễ đền tội cho người đã chết để họ được giải thoát. Họ tin rằng người chết sẽ sống lại. Vì thế, cầu nguyện cho người chết là một việc làm đạo đức và thánh thiện.

          Niềm hy vọng vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu được thấy rõ nét trong cuộc đời ông Giob. Giữa bao tai họa khủng khiếp, Giob đã reo lên: “Tôi biết có Đấng toàn năng hằng sống sẽ cho tôi sống lại”.

          Vào thời Chúa Giêsu, mọi người Do thái đều tin có sự sống lại, chỉ có nhóm Sađốc không tin. Vì thế họ mới tranh luận với Chúa Giêsu về việc kẻ chết sống lại. Họ đưa ra những lý luận mỉa mai, chế giễu, lố bịch để phủ nhận giáo lý của Chúa Giêsu về sự sống lại. “Có 7 anh  em trai cùng lấy một người đàn bà làm vợ. Khi sống lại, người đàn bà đó là vợ của ai?

          Đức Giêsu đã khẳng định rằng kẻ chết sẽ sống lại. Cuộc sống bên kia thế giới khác hẳn cuộc sống trần gian: không còn cưới vợ lấy chồng nữa, người ta sống lại như các thiên thần, sống thân mật với Thiên Chúa. Kẻ lành sống lại để được hưởng hạnh phúc với Chúa, họ được gọi là con Thiên Chúa. Kẻ ác sống lại sẽ bị luận phạt:

          “Những người đã làm điều thiện sẽ phục sinh để được sống, còn những người làm điều ác sẽ phục sinh để chịu án phạt” (Ga 5,29).

          Người Kitô hữu mỗi khi đọc kinh Tin Kính tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”. Nghĩa là chúng ta xác tín chân lý Chúa Giêsu dạy: chắc chắn có sự sống lại, có sự sống đời sau.

          Mặc dù tin có sự sống đời sau, nhưng nhiều người sống như không có đời sau. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi họ là “những người Công Giáo vô thần”.Họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Thêm Sức… Họ sống như không có Thiên Chúa, lo tìm kiếm danh vọng, tiền bạc, lạc thú, hưởng thụ… Họ chỉ lo cho đời này, xây dựng Thiên đàng trần gian. Những nhà Thần học gọi họ là những người vô thần thực dụng.

          Nếu chúng ta tin vào cuộc sống đời sau, thì khi còn sống ở đời này, chúng ta không chỉ lo tìm kiếm những giá trị trần thế, mà còn phải khôn ngoan tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu: Nước Trời, biết đầu tư cho Nước Trời ngay từ ngày hôm nay bằng những việc lành phúc đức, từ thiện bác ái, sống đạo đức… Đó là những của không hư nát cho đời sống vĩnh cửu mai sau.

          Một nhà phú hộ suốt đời chỉ là thu gom tiền bạc, của cải vật chất, keo kiệt, không dám tiêu xài. Khi chết, ông ôm túi vàng theo mình sang bên kia thế giới. Đi một hồi lâu ông thấy đói. Bỗng thấy một quán ăn bên vệ đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi chủ quán:

–         Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

–         Chỉ một đồng thôi.

–         Còn tô cơm lớn?

–         Cũng chỉ một đồng thôi!

Thấy vậy, ông ta gọi 2 tô lớn. Ông chủ quán bảo:

–         Ở đây chỉ xài loại – tiền – cho – đi thôi. Ông có không?

Người phú hộ chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:

–         Đó là thứ tiền – lấy – vào. Ở đây không xài được.

–         Thề thì tiền – cho – đi là tiền gì?

–         Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng, thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng tiền – cho – đi.

Ông phú hộ lục lọi khắp nơi trong mình chẳng có đồng nào thuộc loại tiền – cho – đi cả. Thế là ông phải nhịn đói. Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

Chúng ta tin rằng cái chết là khung cửa mở vào đường đi lên trời. Chúng ta không ở trên con đường đi đến sự chết, mà đang đi trên con đường đi đến sự sống. Mỗi người chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận cho cuộc sống đời sau. Việc thiện hôm nay sẽ bào đảm cho hạnh phúc  ngày mai. Đúng như câu hát của nhạc sĩ Hoàng Văn: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.

Ngạn ngữ Pháp có câu:

“Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tế. Nếu bạn muốn hạnh phúc muôn đời, hãy làm người có đạo đức”.

Hãy sống niềm tin yêu và hy vọng vào Đức Giêsu Kitô phục sinh. Chính sự phục sinh từ cõi chết của Đức Giêsu là bằng chứng và nền tảng vững mạnh nhất cho niềm tin về cuộc sống mai sau và cuộc sống đời đời: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM.

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN