ĐỨC GIÊSU KÊU GỌI ÔNG GIAKÊU
(Lc 19,1-10)
Bài Tin Mừng hôm nay nhằm nói lên sứ mạng của Đức Giêsu là “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Ông Giakêu đã là người được cứu chữa. Ông là thủ lãnh những người thu thuế ở Giêricô, nhờ gặp được Đức Giêsu nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm biết Đức Giêsu, nên ông đã được gặp và còn được Ngài đến thăm nhà mình nữa. Trước tình thương của Đức Giêsu, ông đã tỏ ra quảng đại, chia nửa phần tài sản cho kẻ khó và đền bù gấp bốn những ai ông đã làm hại. Vì thế Đức Giêsu đã tuyên bố :”Hôm này, nhà này được ơn cứu độ”.
Thành Giêricô có biệt danh thật thơ mộng và đẹp đẽ là “Moon city”: thành phố Nguyệt Nga, một thành phố quan trọng ở phía Bắc của Biển chết, ở cách Giêrusalem 37 km, thấp hơn mặt biển 256 mét.
Giêricô có rừng chà là rất lớn. Giêricô lại còn có những vườn cây thuốc thơm nổi tiếng. Từ đây người Rôma chở trái chà là và thuốc thơm đi bán khắp nơi trên thế giới, khiến Giêricô trở thành một trong những trung tâm lớn nhất trong xứ Palestine. Hơn nữa trong nước Palestine lại có nhiều lọai thuế và cách tính thuế của họ là một cơ hội thuận lợi cho những nhân viên thu thuế làm giầu một cách mau chóng. Ở đây Giakêu không phải chỉ là một nhân viên thu thuế bình thường, nhưng là người đứng đầu những người thu thế, cho nên chắc chắn Gia kêu phải giầu và rất giầu nữa là khác. Rồi một khi người ta giầu có thì đương nhiên có quyền lực ảnh hưởng trên các tầng lớp xã hội. Giakêu, một con người không thiếu gì cả, ấy thế mà lại mong muốn được gặp Chúa Giêsu.
Trên con đường dẫn vào thành phố Giêricô có hai hàng cây đổ bóng mát. Loại cây thường được trồng có tên là sycamore – cây sung. Sung là một loại cây kết hợp hình thù của cây vả và cây dâu, với những cành to lớn không cách xa khỏi mặt đất, rất dễ trèo lên, dù người thấp bé và lùn như Giakêu. “Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy” để đi lên Giêrusalem và đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình. Ngài lên Giêrusalem và chịu tử nạn ở đó. Trong cuộc hành trình này, tình cờ Ngài đã gặp ông Giakêu.[1]
Đứng trên cây sung, Giakêu đang trố mắt nhìn xuống Đức Giêsu, nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng trố mắt nhìn lên Giakêu. Bốn con mắt nhìn nhau thật thắm tình. Đức Giêsu lên tiếng gọi :”Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Một lời kêu gọi bất ngờ đối với Giakêu vì Ngài gọi tên riêng ông, nhưng đối với Chúa thì không. Ta nhận thấy Đức Giêsu biết rõ con người của ông, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên, Chúa đã gọi đúng tên ông như đã quen biết ông từ lâu rồi. Chúa tỏ ý muốn vào nhà thăm và ở lại với ông như người bạn thân.
Nghe được lời mời gọi này, Giakêu quá sung sướng nên vội vã tụt xuống. Vì quá lòng mong ước, nên Giakêu cũng có một lòng hiếu khách, một đức tính sẵn có trong dòng máu Do Thái, ông đã mời Đức Giêsu vào nhà và tiếp đãi rất ân cần.
Việc Đức Giêsu vào nhà ông Giakêu ăn tiệc, lại còn muốn trọ tại nhà ông mấy bữa làm cho mấy người biệt phái ưa chỉ trích rất bất mãn; vì theo quan niệm của người Do Thái, việc giao thiệp với người tội lỗi đưa đến sự dơ bẩn (Lc 5,30; 7,34; 15,2). Việc lẩm bẩm chỉ trích như vậy tỏ thái độ khắt khe của con người đối với tội nhân, nhưng cử chỉ đón nhận của Đức Giêsu đối với tấm lòng ngay thẳng và thiện chí của Giakêu lại là thái độ đầy tình thương và cứu độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Chính ở nơi đây Giakêu mở lòng ra để chia sẻ: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo và nếu tôi đã chiếm đọat của ai, tôi xin đền gấp bốn”(Lc 19,8).
Quả thật ông đã làm hơn cả luật dạy:
- Phải đền 1+1/5 nếu là của vớ được hay ăn gian của kẻ khác. (Lv 5,22-24)
- Phải đền gấp đôi (1+1) khi ăn trộm chiên, bò cừu mà chưa giết hay chưa bán đi, hoặc ăn trộm của gì mà chưa tẩu tán (Xh 22,3-6)
- Phải đền gấp bốn (1+3) khi ăn trộm chiên cừu đã giết hay bán đi.(Xh 21,37).
- Phải đền gấp năm (1+4) khi ăn trộm trâu bò đã giết hoặc bán đi.
Dù chưa biết mình sai lỗi đức công bằng đích xác ở mức độ nào, nhưng ở đây và lúc này, Giakêu hứa với Chúa không những xin đền “gấp bốn và còn cộng thêm nửa tài sản của ông”. Một sự thay đổi tuyệt vời khi gặp gỡ Chúa Giêsu.
Thấy thái độ thành thực của Giakêu, Đức Giêsu đã tuyên bố:”Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Giakêu trở thành kiểu mẫu đón nhận ơn cứu độ và là cơ hội để Đức Giêsu khẳng định sứ mạng của Ngài:”Con Người đến đi tìm và cứu những gì đã hư mất”. Những gì hư mất ở đây, cụ thể chính là Giakêu. Amen.
Lm. Giuse Đỗ văn Thụy