Cầu nguyện phải kiên trì không được nản chí (Lc 18,1-8)
Đức Giêsu đã nhiều lần nói về sự cầu nguyện và đã dạy các tông đồ cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn khuyên các ông:”Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18,1) nên đã đưa ra dụ ngôn vị thẩm phán bất lương và người đàn bà quấy rầy để dạy cho các ông một bài học: cầu nguyện phải kiên trì không được nản chí.
Dụ ngôn này nói tới một việc đã thường xảy ra tại Palestine. Có hai nhân vật trong chuyện:
Vị quan tòa: Các vụ tranh chấp thông thường xảy ra giữa người Do Thái được phân xử trước mặt các trưởng lão chứ không bao giờ đem đến các tòa án công cộng. Và theo luật Do Thái, nếu có vấn đề phải phân xử, thì một người không đủ để lập phiên tòa. Bao giờ cũng có ba vị quan án, một vị do bên nguyên cáo chọn, một vị do bên bị cáo chọn, và một vị khác được chỉ định cách độc lập. Vị quan tòa trong chuyện này là một trong những quan tòa ăn lương được bổ nhiệm hoặc bởi vua Hêrôđê hoặc bởi người Rôma. Các vị này nổi tiếng tham ô. Trừ khi bên bị cáo có thế lực về tiền bạc đút lót cho sự việc đi tới kết thúc, còn thì người ta không hy vọng gì được quan tòa xét xử.
Bà góa quấy rầy: Bà góa này tượng trưng cho hết thảy những người nghèo nàn, cô thế, cô thân. Dĩ nhiên, vì không có tiền bạc, bà ta chẳng hy vọng gì được xét theo lẽ công bình bởi một quan tòa như vậy. Nhưng bà ta có khí giới của sự kiên trì. Dụ ngôn không có ý so sánh Thiên Chúa với vị thẩm phán bất lương, nhưng đối ngược lại với con người như thế, Đức Giêsu có ý nói: Vị thẩm phán bất chính còn như thế, lẽ nào Thiên Chúa không xem xét bênh vực những đứa con yêu ngày đêm kêu xin Ngài ? Chắc chắn Ngài sẽ vội vàng cứu giúp họ.[1] Và như vậy, dụ ngôn đưa ra hai nhân vật để nói lên sự tương phản giữa sự bất lương của vị thẩm phán và lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Ở đây, chúng ta nhận thấy, vị thẩm phán tuy chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng kiêng nể ai, thế mà lại chịu thua sự kiên trì của bà góa. Đứng trước sự kiên trì của bà góa, dù có bất nhân như ông thẩm phán trong dụ ngôn chăng nữa, cũng phải xiêu lòng, chịu thua. Như vậy, điều ấy nhắc cho chúng ta rằng cầu nguyện phải kiên trì không được nản chí như câu chuyện của tổng thống Eisenhower:
Khi tổng thống Eisenhower của nước Mỹ còn là một cậu bé 15 tuổi đang chạy chơi trong nông trại của cha thì vấp ngã.
Vết thương lúc đầu không nặng lắm, nhưng vì bất cẩn nên hai ngày sau bị nhiễm trùng. Chân cậu bé sưng lên, phải đưa đến bác sĩ. Bác sĩ thất vọng nói:
Vết thương đã trở nên quá trầm trọng rồi. Nếu muốn cứu cậu bé, phải cưa chân thôi.
Eisenhower lên cơn sốt dữ dội. Bác sĩ cho biết chỉ có phép lạ mới cứu nổi. Nghe vậy, cả nhà hỏang sợ. Nhưng tin vào lời cầu nguyện như Chúa đã hứa: “Xin thì sẽ được”. Thế là mấy người chị bắt đầu cầu nguyện, họ cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ. Họ tha thiết vững tin vào tình thương của Chúa.
Hai ngày sau mấy cậu con trai theo gương bố mẹ và các chị cũng quì gối cầu nguyện cho em.
Sáng ngày thứ ba bác sĩ tới thăm, ông ngạc nhiên khi thấy vết thương bớt hẳn. Cậu bé đã ăn được ngủ được.
Người ta tiếp tục cầu nguyện. Vài ngày sau đó cậu bé lành bệnh hẳn.
Khi bác sĩ tỏ ra hết sức ngạc nhiên về loại thần dược đã cứu sống bệnh nhân cách lạ lùng như thế thì được gia đình cho biết: Chúng tôi cầu nguyện và tin vào lời Chúa hứa: “hãy xin thì sẽ được”.
Trong đời sống đạo, chúng ta cũng cầu nguyện, nhưng nhiều khi thiếu kiên nhẫn, nên hễ thấy lời cầu của mình chưa được đáp ứng thì đâm ra nản lòng có lúc còn trách móc cả Chúa nữa.
Trước hết và trên hết chúng ta hãy xác tín rằng Thiên Chúa là cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta. Ngài có làm cho chúng ta được tọai nguyện hay không, hoặc Ngài nhận lời cầu của ta theo cách nào thì cũng là đều vì lợi ích cho linh hồn chúng ta mà thôi.
Bởi thế, khi cầu nguyện, điều cốt yếu là luôn luôn tin tưởng cậy trông và phó thác cho tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Đây cũng là điều Đức Hồng Y Jaime Sin, tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, thường trích dẫn bài thơ của một tác giả vô danh trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ ấy như sau:
Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.
Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.
Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.
Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.
Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời rằng: “Có”. Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên đàng vì tôi đã tin.
Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi”.
Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.
LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY
[1] William Barclay, CN 29C TN