Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 08/11 -14/11/2013

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 08/11 -14/11/2013

Chủ đề Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2016 

Giáo Hội trước siêu bão Hayan

1. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 13 tháng 11
    Trong buổi tiếp kiến chung với 60 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ Tư, 13 tháng 11 Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của bí tích rửa tội đối với đời sống Kitô.
Đức Thánh Cha quảng diễn về đề tài rút từ một câu trong kinh Tin Kính: “Tôi tin có một phép rửa để tha tội”. Sau khi chào thăm mọi người, Đức Thánh Cha nói:
“Trong kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc mỗi ngày Chúa Nhật, chúng ta khẳng định: ‘Tôi tin có một phép rửa để tha tội’. Đây là lần duy nhất trong kinh Tin Kính nói minh thị về một bí tích. Thực vậy, bí tích rửa tội là ‘cánh cửa’ dẫn vào đức tin và đời sống Kitô. Chúa Giêsu Phục Sinh đã để lại cho các Tông Đồ lệnh truyền này: ‘Các con hãy đi khắp thế gian và công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu thoát” (Mc 16,15-16). Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng và tha tội qua bí tích rửa tội. 
Tôi tin là từ ngữ long trọng và cho thấy tầm quan trọng rất lớn của bí tích rửa tội. Thực vậy, khi tuyên xưng lời này, chúng ta khẳng định căn tính đích thực của chúng ta là con cái Thiên Chúa. Có thể nói, Bí tích rửa tội là thẻ căn cước của Kitô hữu, là giấy khai sinh của họ. 
Bí tích Hòa Giải hay phép giải tội giống như một phép rửa tội thứ hai, luôn tham chiếu bí tích thứ nhất, để củng cố và đổi mới bí tích ấy. Khi chúng ta đi xưng tội, xưng ra những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, chúng ta đi xin Chúa Giêsu tha thứ, nhưng chúng ta cũng đi canh tân bí tích rửa tội nhờ sự tha thứ ấy. Cũng giống như chúng ta mừng ngày chịu phép rửa mỗi khi chúng ta đi xưng tội vậy. Như thế việc xưng tội không phải là ngồi trong một phòng tra tấn, nhưng là một đại lễ để mừng ngày chịu phép rửa tội. 
Trong bí tích rửa tội, tất cả các tội lỗi được tha thứ, tội nguyên tổ cũng như tất cả các tội lỗi cá nhân, cũng như mọi hình phạt của tội lỗi. Với phép rửa tội, cánh cửa được mở ra cho một đời sống mới thực sự, không còn bị đè nén vì gánh nặng của quá khứ tiêu cực, nhưng cảm thấy được vẻ đẹp và sự tốt lành của Nước Trời. Đây là một sự can thiệp quyền năng của lòng từ bi Chúa trong đời sống chúng ta để cứu thoát chúng ta. Nhưng sự can thiệp cứu độ này không loại bỏ sự yếu đuối trong bản tính loài người của chúng ta, tất cả chúng ta đều yếu đuối, tất cả đều là ngừơi tội lỗi, và sự can thiệp ấy không tước bỏ trách nhiệm của chúng ta phải xin tha thứ mỗi khi chúng ta lầm lẫn! Điều này thật là đẹp. Tôi không thể chịu phép rửa tội hai lần, ba lần, bốn lần, nhưng tôi có thể đi xưng tội, canh tân ơn bí tích rửa tội. Như thể chúng ta chịu bí tích rửa tội thứ hai vậy. Chúa Giêsu rất tốt lành, không bao giờ ngài mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta. Anh chị em hãy nhớ rõ điều đó. 
2. Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10 tháng 11
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự phục sinh và thế giới bên kia. Ngài nói vĩnh cửu chiếu sáng và mang lại hy vọng cho mọi cuộc sống con người trên trái đất.
Ngài đã giải thích về quan niệm của Kitô Giáo đối với cái chết. Không phải cái chết đón đầu chúng ta, nhưng là một sự sống mới, vĩnh cửu trong Thiên Chúa:
“Nếu chúng ta chỉ nhìn bằng cặp mắt con người, chúng ta cũng sẽ nói rằng hành trình của con người đi từ sự sống đến cái chết. Đức Giêsu đã đảo ngược cái nhìn này và nói rằng cuộc hành trình của chúng ta là đi từ cái chết đến sự sống: một sự sống viên mãn!” !
Vì thế, cái chết nằm ở sau, chứ không phải ở trước chúng ta. Phía trước chúng ta là một vị Thiên Chúa của kẻ sống, là một sự chiến thắng chung cuộc tội lỗi và cái chết, là khởi đầu của một kỷ nguyên mới của niềm vui và ánh sáng không bao giờ tàn.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm:
“Nhưng ngay từ bây giờ, trên trái đất này, trong lời cầu nguyện, bí tích, tình huynh đệ, chúng ta có thể gặp gỡ Đức Giêsu và tình yêu của Người, và như thế chúng ta có thể nếm trước một chút gì đó sự sống phục sinh. Kinh nghiệm mà chúng ta đã có về tình yêu và lòng trung tín của Người sẽ bừng sáng lên như ngọn lửa trong con tim chúng ta và làm cho đức tin của chúng ta lớn lên hơn nữa trong sự phục sinh. Thực ra, nếu Thiên Chúa là Đấng trung tín và yêu thương, thì Người không thể giới hạn sự trung tín và yêu thương ấy trong thời gian được” 
Sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha nhắc đến việc tôn phong chân phước của chị Maria Teresa Bonzel ở Đức. Ngài cho biết, chính Thánh Thể là nguồn mạch đã ban cho chị sức mạnh thiêng liêng để chị có thể dấn thân không mệt mỏi, phục vụ người những người yếu thế.
Ngài cũng bày tỏ sự gần gũi của mình đến nhân dân Philipin và đất nước này. Do ảnh hưởng của cơn bão, nhiều người đã chết và những tổn thất nghiêm trọng khác đi kèm theo. Ngài kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ cách thiết thực.
Ngài cũng nói về biến cố 75 năm kỷ niệm sự kiện “Đêm kính vỡ” diễn ra vào tối mùng 9 và mùng 10 tháng 11 năm 1938, một cuộc bạo hành chống lại người Do Thái, các hội đường, tư gia, cửa hàng, đánh dấu một thảm kịch là cuộc thảm sát có tên là Holocaust. Ngài mời gọi mọi người cùng nâng đỡ và liên đới với các anh chị em Do Thái và cầu nguyện cùng Thiên Chúa giúp chúng ta biết nhìn về ký ức của quá khứ với một sự tỉnh thức chống lại mọi hình thức ghen ghét và bất bao dung.
3. Đức Thánh Cha gởi giúp nạn nhân bão lụt tại Phi Luật Tân 150,000 Mỹ Kim
Hôm thứ Hai 11 tháng 11, Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) đã nhân danh Đức Thánh Cha gửi giúp phần đóng góp đầu tiên là 150 ngàn mỹ kim, qua Giáo Hội tại Phi Luật Tân để nâng đỡ các nạn nhân bão lụt. Cử chỉ này là sự biểu lộ cụ thể tâm tình gần gũi và liên đới của Đức Thánh Cha.
Mặt khác, Hội Đồng Giám Mục Italia dành 3 triệu Euro để cứu trợ các nạn nhân bão Hayan ở Phi Luật Tân.
Trong thông cáo công bố tại Roma, Đoàn Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10 tháng 11. Ngài nói: “Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Phi Luật Tân và dân chúng tại miền này bị bão kinh khủng. Rất tiếc là con số các nạn nhân rất cao và thiệt hại rất lớn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người anh chị em chúng ta bị nạn, và tìm cách chuyển sự trợ giúp cụ thể của chúng ta cho họ”.
Đáp ứng tình liên đới đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ, Đoàn Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia đã dành ngay ngân khoản 3 triệu Euro rút từ số tiền “8 phần ngàn” (tiền các tín hữu đóng cho Giáo Hội), để cứu trợ khẩn cấp.
Ngoài ra, linh mục Francesco Soddu, Giám đốc Caritas Italia, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trợ giúp cụ thể và cấp thời. Giờ đây bão đó gây thiệt hại tại các nước khác nữa như Việt Nam và Lào. Caritas Italia đã dành 100 ngàn Euro cho việc cứu trợ khẩn cấp.
Cũng tại Italia, Quỹ Di dân của Công Giáo kêu gọi cầu nguyện và liên đới với những đau khổ và lo âu của Cộng đoàn Công Giáo Phi Luật Tân tại Italia. Hiện nay có 150 ngàn người Phi Luật Tân sinh sống và làm việc ở Italia, phần lớn là tín hữu Công Giáo. Roma có 34 ngàn và Milano có 35 ngàn người Phi Luật Tân và là hai thành phố có cộng đoàn kiều dân này đông đảo nhất.
Theo thống kê sơ khởi có khoảng hơn 10 ngàn người thiệt mạng vì siêu bão tại Phi Luật Tân, nhất là tại các đảo Leyte và Samar; 800 ngàn người phải di tản, phần lớn bị mất hết sản nghiệp và gia cư. Các nạn nhân khác ở cấp độ khác nhau vào khoảng hơn 9 triệu 500 ngàn người. Ngoài ra, sở khí tượng Phi Luật Tân cho biết bão Zoraida sẽ thổi đến miền bắc thành phố Tacloban ở nước này với sức gió 50 cây số giờ.
Tổ chức Caritas của Công Giáo Thụy Sĩ đã dành 500 ngàn quan, tương đương với gần 550 ngàn mỹ kim để góp phần cứu trợ các nạn nhân siêu bão tại Phi Luật Tân. Tổ chức bác ái Misereor của Hội Đồng Giám Mục Đức dành ngay ngân khoản 50 ngàn Euro để góp phần cứu trợ.
Hôm 11 tháng 11 Đức Tổng Giám Mục José Palma, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân cũng mời gọi các tín hữu toàn quốc cầu nguyện và quảng đại đóng góp để trợ giúp các nạn nhân. 
4. Dồn dập hoạt động ngoại giao giữa Vatican và Moscow.
Hôm thứ Tư 12 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Trưởng Hilarion của Volkkolams. Ngài là bộ trưởng ngoại giao của Toà Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa.
Tòa Thánh không đưa ra tuyên bố chính thức nào về cuộc thảo luận giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Hilarion . Nhưng giới quan sát tại Vatican cho rằng hai vị đã thảo luận đến vấn đề quan hệ giữa Vatican và Mạc Tư Khoa và chuyến viếng thăm sắp tới của Tổng Thống Nga Vladimir Putin được dự trù vào ngày 25 tháng 11.
Một sự kiện khác đáng chú ý và rất có ý nghiã là cùng ngày thứ Tư tại Mạc Tư Khoa, Đức Hồng Y Angelo Scola của Milan đã gặp Đức Thượng Phụ Chính Thống Kirill của Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. 
5. Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi các Giám Mục Hoa Kỳ truyền lại kho tàng đức tin bằng đời sống thánh thiện rạng ngời.
Phát biểu tại Phiên Họp Thường Niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đang diễn ra tại Baltimore, sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ đã lên tiếng mời gọi các Giám Mục nước này “làm chứng triệt để cho đức tin của các ngài nơi Chúa Giêsu Kitô” như các thánh tông đồ khi xưa đã làm.
Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò nói rằng “con người hiện đại sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu có nghe các thầy dạy, thì đó là vì các thầy dạy ấy đồng thời cũng là những chứng nhân… Chủ yếu là thông qua hành vi và cuộc sống hàng ngày của mình mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nói cách khác Giáo Hội rao giảng thông qua các chứng tá sống động và trung thành với Chúa Giêsu, chứng tá của sự thanh bần và không ràng buộc với của cải, chứng tá của tự do khi đối mặt với cường quyền thế gian, nói tắt một lời là, chứng tá về sự thánh thiện”
Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ hôm 12 tháng 11 đã bầu Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Kentucky làm chủ tịch Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong bối cảnh những ưu tiên mục vụ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề ra.
Đức Tổng Giám Mục Kurtz, người đứng đầu Tổng Giáo Phận Louisville, đã được hơn một nửa số phiếu bầu chọn trong 10 ứng cử viên được đề nghị trong cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ. Tổng Giám Mục Kurtz sẽ thay thế Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York vừa kết thúc nhiệm kỳ ba năm của mình. Phó chủ tịch mới là Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Tổng Giáo Phận Galveston – Houston, Texas.
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là phát ngôn viên chính về các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ và là đại diện của Giáo Hội Hoa Kỳ với Tòa Thánh Vatican và Đức Giáo Hoàng.
Tổng Giám Mục Kurtz năm nay 67 tuổi, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thời điểm khi các giám mục Hoa Kỳ đối diện với những ưu tiên và đường hướng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxiô được bầu lên ngôi vị Giáo hoàng và hồi tháng Ba năm 2012, đã nhắc nhở rằng các vị mục tử không nên nhấn mạnh vào ý thức hệ nhưng nên đặt trọng tâm vào lòng thương xót liên quan tới các vấn đề xã hội từng gân chia rẽ. Các giám mục Hoa Kỳ đã từng tranh đấu cho ưu tiên chống lại hôn nhân đồng tính và phá thai, nói rằng các ngài đã bị buộc phải làm như vậy trong một xã hội mà các vị cho là thù địch với đức tin. Các giám mục đã chiến đấu mạnh mẽ đối với chính quyền Obama đòi hỏi các tổ chức Công Giáo phải cung cấp bảo hiểm y tế bao gồm các biện pháp tránh thai nhân tạo cho nhân viên của mình. Hàng chục tổ chức từ thiện và các giáo phận Công Giáo, cùng với các trường đại học và các doanh nghiệp thuộc Tin lành Evangelical, đang kiện đòi các tổ chức này được miễn đòi hỏi nêu trên. Vấn đề này dự kiến sẽ được Tòa án Tối cao phán quyết.
Trong ba năm qua, Tổng Giám Mục Kurtz đã từng là phó chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, và thường thì vị Phó chủ tịch sẽ được bầu lên làm chủ tịch.
Đức Tổng Giám Mục Kurtz là người gốc Pennsylvania,Ngài có bằng thạc sĩ về Tôn giáo và thạc sĩ về Công tác xã hội. Ngài coi sóc Giáo phận Allentown thuộc TB Pennsylvania trong hơn hai thập kỷ, trước khi trở thành giám mục của Knoxville, TB Tennessee. Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bổ nhiệm ngài làm TGM giáo phận Louisville vào năm 2007. TGP Louisville có 200.000 người Công Giáo.
Đức DiNardo được Đức Thánh Cha Bênêđictô bổ nhiệm Hồng Y trong năm 2006. Ngài hiện là Tổng Giáo Phận Galveston – Houston phục vụ 1,3 triệu người Công Giáo.
6. Đức Thánh Cha đề cập đến vai trò các vị bảo hệ trong các tòa án tiêu hôn 
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8 tháng 11, dành cho các thành viên của Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao vai trò của các vị bảo hệ, tiếng Anh gọi là “Defender of the Bond”, tức là những người có nhiệm vụ làm mọi cách để bảo vệ mối dây hôn phối trong các vụ án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 55 vị đang tham dự khóa họp toàn thể của Tối Cao Pháp viện Tòa Thánh về vai trò của vị bảo hệ. Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Raymond Burke, người Mỹ, và trong số các tham dự viên có 16 Hồng Y và 6 Giám Mục thành viên.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đề cao một chức năng của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh là giúp các tòa án trong toàn thể Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ thi hành công lý của Giáo Hội cho các tín hữu.
Đức Thánh Cha nói: 
“Nghĩa vụ của anh em liên quan đến việc giúp cho các hoạt động của Tòa Án Giáo Hội, được triệu tập để đáp ứng thích đáng nguyện vọng của các tín hữu đang trông đợi nơi công lý của Giáo Hội một bản án công bằng”.
Khi đề cập đến các trường hợp xin tiêu hôn, tức là tuyên bố rằng hôn nhân ngay từ đầu là không thành sự, Đức Thánh Cha đã đề cập cụ thể đến các vai trò khác nhau của những người tham gia, bao gồm những người yêu cầu hủy việc kết hôn và các vị bảo hệ.
Ngài nói:
“Điều cần thiết là các vị bảo hệ phải chu toàn phần vụ của mình một cách hữu hiệu, để giúp đạt tới sự thật trong phán quyết chung kết, mang lại thiện ích mục vụ cho các phe liên hệ”.
Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng công lý là một cam kết của đời sống tông đồ. Ngài nói thêm rằng đó là một nền công lý tập trung vào vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng tìm kiếm các con chiên lạc và các chiên bị thương tích.
7. Đức Thánh Cha công bố chủ đề cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow
Chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2016 tại Krakow sẽ tập trung vào lòng thương xót, là một trong những chủ đề Đức Thánh Cha Phanxicô thường đề cập đến. 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow sẽ diễn ra từ ngày 25 Tháng Bảy đến ngày 1 tháng 8 với chủ đề là “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương.”
Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 diễn ra tại Rio De Janeiro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các thanh niên Á Căn Đình đọc lại Tám Mối Phúc Thật, và coi đó như ngọn hải đăng hướng dẫn họ trong cuộc sống hàng ngày.
Đức Thánh Cha nói:
“Các bạn hỏi chúng con phải làm gì, thưa Cha? Đọc lại Tám Mối Phúc Thật sẽ có ích cho các con. Và nếu các con muốn biết những điều thực tế các con phải làm, thì hãy đọc Phúc Âm Thánh Matthêu chương 25 về cách thức mà chúng ta sẽ được phán xét. Với hai điều này, các con có một kế hoạch hành động cụ thể: Tám Mối Phúc Thật và Phúc Âm Thánh Matthêu chương 25.”
Đức Thánh Cha cũng đã công bố chủ đề cho hai ngày giới trẻ cấp giáo phận. 
Ngày Giới Trẻ năm 2014 có chủ đề là “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3).
Ngày Giới Trẻ năm 2015 có chủ đề là “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)
8. Đức Thánh Cha tiếp kiến các bệnh nhân và những người tháp tùng
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng ca ngợi tổ chức Unitalsi ở Italia và khích lệ việc mục vụ cho các bệnh nhân trong các giáo xứ và hội đoàn.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 9 tháng 11 tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở Nội Thành Vatican dành cho 7 ngàn người thuộc Hiệp hội toàn quốc Italia chuyên chở các bệnh nhân đến Lộ Đức và các Đền thánh quốc tế, gọi tắt là Unitalsi, nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có một số Hồng Y, Giám Mục, các bệnh nhân, người khuyết tật và hàng ngàn người thuộc tổ chức Unitalsi tháp tùng và săn sóc họ.
Tổ chức này do Ông Giovanni Battista Tomassi thành lập sau khi được Đức Mẹ hoán cải ở Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức và trở về Italia. Thực vậy, năm 1903, Ông bị bệnh nặng và đến Lộ Đức với ý định tự sát trước hang đá Đức Mẹ như một hành vi nổi loạn. Nhưng chính tại đó ông đã được ơn ánh sáng nội tâm và hiểu sâu rộng về giá trị sứ điệp Kitô. Hiện nay hàng chục ngàn người thiện nguyện, từ các bác sĩ, đến Italia, LM, tu sĩ, và giáo dân nam nữ, gia nhập tổ chức UNITALSI để giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt trong các cuộc hành hương.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi sự dấn thân của hội Unitalsi cũng như của các thành viên và nhấn mạnh rằng: “Hoạt động của anh chị em không phải chỉ là một công việc từ thiện, nhưng là một sự loan báo chân thực Tin Mừng bác ái, là một sứ vụ an ủi.. Như người Samaritano nhân lành, đứng trước sau khổ, anh chị em không ngoảnh mặt đi, trái lại, anh chị em tìm cách trở thành một cái nhìn đón nhận, một bàn tay thoa dịu và tháp tùng, một lời an ủi, một vòng tay thân ái dịu dàng. Anh chị em đừng nản chí vì những khó khăn và mệt nhọc, nhưng hãy tiếp tục dành thời gian, trao tặng nụ cười và tình thương cho các anh chị em khác đang cần đến. Ước gì mỗi bệnh nhân và những người mong manh có thể thấy nơi khuôn mặt của anh chị em tôn nhan của Chúa Giêsu và cả anh chị em cũng có thể nhận ra nơi người đau khổ thân xác của Chúa Kitô”.
Nhắc đến bối cảnh văn hóa và xã hội ngày nay có xu hướng che đậy sự yếu ớt và bệnh tật thể lý, để rồi có thái độ cam chịu hoặc gạt bỏ con người, Đức Thánh Cha nói: “Tổ chức Unitalsi được kêu gọi trở thành dấu chỉ ngôn sứ và đi ngược lại xu hướng trần tục đó, bằng cách giúp đỡ những người đau khổ trở thành người giữ vai chính trong xã hội, trong Giáo Hội và cả trong chính hội đoàn nữa. Để giúp bệnh nhân thực sự hội nhập vào trong cộng đồng Kitô và khơi dậy nơi họ cảm thức mạnh mẽ thuộc về Giáo Hội, cần có một nền mục vụ bao gồm mọi người trong các giáo xứ và hội đoàn. Vấn đề ở đây là thực sự đề cao giá trị sự hiện diện và chứng tá của những người yếu đau, không những như đối tượng việc loan báo Tin Mừng, nhưng như những chủ thể tích cực của hoạt động tông đồ này”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các anh chị em bệnh nhân, đừng chỉ có mình là đối tượng của tình liên đới và bác ái của người khác, nhưng hãy hội nhập vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, cầu nguyện, dâng đau khổ hằng ngày trong niềm kết hiệp với những đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đanh để cứu độ thể giới, kiên nhẫn và vui tươi chấp nhận hoàn cảnh của mình.. Anh chị em đừng xấu hổ vì là một kho tàng quí giá của Giáo Hội”.
Tại buổi tiếp kiến, các em bé đã chào mừng Đức Thánh Cha và trao tặng ngài một cuốn sách vĩ đại với những hình vẽ của các em.
Sau buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha còn dành hàng tiếng đồng hồ để chào thăm các anh chị em bệnh nhân, những người khuyết tật và một số người thiện nguyện tháp tùng họ.
9. Tòa thánh sẽ trưng bày thánh tích của thánh Phêrô lần đầu tiên
Nhân dịp kết thúc Năm Đức Tin vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, tức lễ Chúa Kitô Vua, Tòa Thánh sẽ cho trưng bày trước công chúng thánh tích của thánh Phêrô. Thánh tích là một từ ngữ khảo cổ chỉ hài cốt hay vật dụng của một vị thánh. 
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa công bố tin trên và được tờ Quan Sát Viên Rôma, cơ quan ngôn luận chính thức của Tòa Thánh, đăng tải. 
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục đã không cho biết thêm chi tiết về những gì sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm.
Được biết mộ phần thánh Phêrô nằm dưới bàn thờ của của đền thờ thánh Phêrô, đã được các chuyên viên khảo cổ của Tòa Thánh khai quật để khảo sát vào giữa thế kỷ 20. Vào năm 1968, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và thử nghiệm, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tuyên bố thánh tích khai quật được là của thánh Phêrô.
Từ đó các thánh tích trên được lưu trữ trong hầm dưới đền thờ Thánh Phêrô và chưa một lần được trưng bày cho công chúng. Đây là lần đầu tiên công chúng được nhìn thấy thánh tích của thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
10. Đức Thánh Cha cử hành lễ an táng Đức Cố Hồng Y Domenico Bertolucci
Trưa Thứ Tư 13 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự các nghi lễ Commendatio và Valedicto trong lễ an táng cho Đức cố Hồng Y Domenico Bertolucci tại Đền Thờ Thánh Phêrô tại Vatican. 
Mở đầu, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự Thánh Lễ an táng, với sự tham dự của các Hồng Y và Giám Mục đang có mặt tại Vatican. Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, mà Đức Cố Hồng Y Bertolucci đã hướng dẫn trong nhiều năm, đã hát trong buổi lễ. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì các nghi thức Commendatio và Valedictio.
Đức Hồng Y Bertolucci qua đời vào hôm thứ Hai 11 tháng 11 vừa qua ở tuổi 96. Ngài là một nhà soạn nhạc đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 tấn phong Hồng Y ngày 20 tháng 11 năm 2010.
11. Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm các con chiên lạc
Trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 7 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về dụ ngôn các con chiên lạc. Ngài giải thích rằng Thiên Chúa có một “tình yêu mềm yếu” với những người bị lạc. Ngài cũng nói thêm rằng một khi những con chiên trở về nhà, họ không nên bị đàn chiên đánh giá, nhưng thay vào đó là sự vui mừng chào đón “một thành viên của mình” nay đã trở về chung một đàn.
Đức Thánh Cha nói:
“Thiên Chúa không muốn ai lạc mất. Ngài không phải là một người dễ thua cuộc, và để không bị thua Ngài bôn ba tìm kiếm. Ngài là một Thiên Chúa tìm kiếm: Ngài tìm kiếm tất cả những người lạc xa Ngài, như mục tử tìm kiếm con chiên lạc. Niềm vui của Thiên Chúa không phải là cái chết của các tội nhân, nhưng là sự tái sinh của những người đã phạm tội. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Nhưng có người sẽ nói , ‘nhưng tôi là một kẻ tội lỗi, tôi đã làm điều này điều nọ.’ Nhưng Thiên Chúa nói, bất kể những điều đó, Cha vẫn yêu thương con. Cha sẽ ra ngoài tìm kiếm và đưa con về nhà. Đây là Thiên Chúa của chúng ta! “
Đức Giáo Hoàng cũng nói về những kẻ đạo đức giả. Ngài giải thích rằng những người chỉ trích Chúa Giêsu lầm tưởng rằng là tôn giáo chỉ đơn thuần là việc có hành vi tốt và giả vờ tỏ ra lịch sự.
12. Nhà soạn nhạc người Á Căn Đình mang Thánh Lễ Bueno Aires đến Rome
Các hòa âm và giai điệu truyền thống của Á Căn Đình đã được tấu lên trong ngôi Thánh Đường Thánh Inhaxiô Loyola của dòng Tên tại Rôma. Các bài hát tất cả đều bằng tiếng Latinh, nhưng theo một lối hòa âm nhạc đặc biệt của Mỹ Châu Latinh, cụ thể là của Á Căn Đình.
Lối hoà âm này đã biến đổi âm nhạc cổ điển này thành một sự pha trộn độc đáo giữa đức tin và văn hóa thường được dùng trong các thánh lễ gọi là “Misa a Buenos Aires”, Thánh Lễ của thủ đô Buenos Aires.
Nhà soạn nhạc Martin Palmeri nói:
“Rõ ràng, tôi rất tự hào về loại nhạc này. Đó là một phần tôi sáng tác hơn 15 năm trước. Và từ từ nó được phát triển và được dùng tại các địa điểm lớn hơn. Đối với tôi đây là một khả năng đáng kinh ngạc. Nó giống như một giải thưởng dành cho một sáng tác âm nhạc và là một giải thưởng đối với tôi.”
Martin Palmeri đã có cơ hội được trình bày tác phẩm của mình tại buổi lễ khai mạc Liên hoan quốc tế về Âm Nhạc và nghệ thuật Thánh ở Rome. Phiên bản năm nay được viết riêng tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
13. Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc của Vatican: Thế giới không thể bỏ qua bất cứ nỗ lực nào khả thi để tái khởi động các cuộc đàm phán Israel-Palestine
Phát biểu hôm mùng 7 tháng 11 tại phiên họp của Liên Hợp Quốc tại New York, quan sát viên thường trực của Tòa thánh Vatican nói rằng các nhà lãnh đạo quốc tế không nên “bỏ qua bất cứ nỗ lực nào trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel.”
Đức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt nói rằng mục tiêu của các cuộc đàm phán như vậy “là nhằm đảm bảo thông qua thương lượng và các thỏa hiệp hợp lý tình trạng hai quốc gia cùng tồn tại trong ổn định, mỗi bên đều độc lập và có thể mang lại an ninh cho nhân dân mình.”
Đức Tổng Giám mục Chullikatt đưa ra nhận xét của mình trong bài diễn văn của ngài tại một phiên họp về cứu trợ của Liên Hợp Quốc và các Cơ quan về người tị nạn Palestine. Ngài chỉ ra rằng Giáo Hội Công Giáo có một sự quan tâm đặc biệt đối với hoàn cảnh của người Palestine vì “hiện tượng thu hẹp sự hiện diện của các cộng đồng Kitô giáo truyền thống ở ngay chính nơi đã phát sinh ra Kitô giáo đang ngày càng trầm trọng.”
14. Nguy cơ diệt chủng giữa người Hồi giáo và Kitô giáo tại Cộng hòa Trung Phi
Cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về phòng chống tội diệt chủng gần đây cho biết ông lo ngại bạo lực ở Cộng hòa Trung Phi có thể phát triển xoáy trôn ốc thành tội diệt chủng.
“Chúng tôi đang nhìn thấy các nhóm vũ trang giết chết nhiều người dưới chiêu bài tôn giáo của họ,” Adama Dieng nói. “Cảm giác của tôi là điều này sẽ dẫn đến việc các cộng đồng Kitô giáo, và Hồi giáo giết hại lẫn nhau. Nếu chúng ta không hành động ngay và dứt khoát tôi không loại trừ khả năng một cuộc diệt chủng xảy ra.”
Các giám mục của Cộng Hòa Trung Phi đã lên án những trường hợp bạo lực chống Kitô giáo được lặp đi lặp lại từ các thành viên của Séléka, một phong trào nổi dậy Hồi giáo nắm quyền từ tháng Ba vừa qua.
15. Tổng thống Iran xác quyết chống lại chủ nghĩa khủng bố
Tân Tổng Thống Iran nói với Đức Tổng Giám mục Leo Boccardi, là sứ thần mới được bổ nhiệm tại Iran, rằng Iran phản đối chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Tin này dựa theo một báo cáo của Press TV, là chương trình truyền hình nhà nước của Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Đức Tổng Giám Mục Boccardi trước đây từng là sứ thần Tòa Thánh tại Sudan và Eritrea.
Tân Tổng thống Hassan Rouhani, người vừa nhậm chức vào tháng Tám nói: “Ngày nay chúng ta có những mục tiêu chung và các kẻ thù chung. Chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố là hai kẻ thù chung của chúng ta. Theo lời Chúa dạy, sự tương tác và hợp tác nhân bản giúp giảm thiểu sự nghèo đói và bất công phải là những mục tiêu chung.”
Ông nói thêm rằng: “Một số nước trong khu vực của chúng tôi đang gặp khó khăn với vấn đề an ninh và nội chiến và kết quả là cả người Hồi giáo lẫn người Kitô Giáo phải chịu nhiều đau khổ” 
Mohammad Javad Zarif, bộ trưởng ngoại giao của Iran kể từ tháng Tám vừa qua, nói với Đức Tổng Giám Mục Boccardi rằng “đối với chủ nghĩa cực đoan đang diễn ra tại Syria, tình trạng của người dân và các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu ở đất nước này, là mối quan tâm cuả chúng tôi”. 
16. Biểu tình chống lại ách cai trị độc tài của Hamas tại Gaza
Thông tấn xã Công Giáo AsiaNews cho biết những người trẻ tuổi ở Dải Gaza đang có kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt để chống lại “chế độ độc tài khủng bố” do chính quyền Hamas đề ra.
Các nhà lãnh đạo của một nhóm mới gọi là Tamarud Gaza, là những người ủng hộ các nguyên tắc dân chủ ở Gaza, nói với AsiaNews rằng hơn 500,000 người ủng hộ chính nghĩa của họ. Các cuộc biểu tình của họ, lấy cảm hứng từ cuộc nổi dậy Ả rập hay còn gọi là “Mùa xuân Ả Rập”, và các cuộc biểu tình ở những nơi khác tại Trung Đông, được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 nhân kỷ niệm cái chết của nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat .
Các nhà lãnh đạo Tamarud Gaza tố cáo rằng Hamas đã tổ chức một “triều đại khủng bố” trong khu vực. “Con người sống trong tình trạng hoàn toàn không có các quy định của pháp luật bảo vệ”. 
Mặc dù phải đối mặt với những đe dọa và khả năng những ủng hộ viên Hamas sử dụng bạo lực để chống lại họ, nhóm đã được hình thành nhờ phương tiện internet, và lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận với những người ủng hộ họ ở phương Tây.
17. Đức Thánh Cha chỉ trích những Kitô hữu không có lòng hoán cải
Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Hai 11 tháng 11 tại nhà nguyện Thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những người Kitô hữu sống một cuộc sống hai mặt. Trong khi những người tội lỗi phải được tha thứ, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa việc là một tội nhân và là một kẻ băng hoại. Ngài nói rằng những người không thực sự ăn năn đang gây tổn hại nặng nề cho Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói:
“Tất cả chúng ta nên tự nhận mình là kẻ có tội. Thật thế, tất cả chúng ta ở đây đều là những kẻ có tội. Nhưng chúng ta không băng hoại. Kẻ băng hoại thấy mình tốt rồi và không biết khiêm nhường. Chúa Giêsu, vạch trần những kẻ này. Ngài nói: chúng có bề ngoài xinh đẹp, nhưng chỉ là mồ mả tô vôi, bên trong thì đầy xương người chết và thối tha.”
Trong khi các tội nhân ăn năn và khẩn khoản xin tha thứ, những kẻ băng hoại không hành động như thế. Đó là những loại người gây ra những thiệt hại nhất đối với Giáo Hội.
18. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Costa Rica 
Trong buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu 8 tháng 11, Tổng thống Costa Rica đã mời Đức Thánh Cha đến thăm đất nước của mình. Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí sau đó, Nữ Tổng Thống Laura Chinchilla thừa nhận rằng bà chưa nhận được một lời hứa cụ thể của Đức Thánh Cha nhưng sẽ không mất hy vọng.
Tổng thống Laura Chinchilla của Costa Rica nói:
“Tất nhiên, như tất cả các bạn đã biết, chúng tôi luôn luôn cố gắng mời Đức Giáo Hoàng đến thăm, với hy vọng rằng trong chuyến đi Mỹ Châu Latinh sắp tới ngài sẽ ghé thăm đất nước chúng tôi. Nhưng chuyến viếng thăm Mỹ Châu không nhất thiết sẽ sớm xảy ra, vì ngài vừa đến thăm châu lục này. Thực tế, Đức Thánh Cha nói với tôi về các chuyến đi khác mà ngài đang xem xét tại các phần khác nhau của thế giới. Nhưng hy vọng ngài sẽ nhớ đến chúng tôi trong tâm trí và sớm trở lại thăm châu Mỹ Latinh.”
Trong cuộc họp kéo dài 25 phút, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận làm thế nào họ có thể cộng tác chung với nhau để giải quyết các vấn đề như nạn buôn bán người, vấn đề người di cư và vấn đề môi trường.
Tổng thống đã nhấn mạnh đến vai trò của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh trong vai trò hòa giải các cuộc xung đột trên thế giới, như tại Syria.
Tổng thống Costa Rica nói:
“Chúng tôi đánh giá cao vai trò này và cảm ơn Đức Thánh Cha về điều đó. Chúng tôi cũng xin Đức Thánh Cha tiếp tục gióng lên tiếng nói của ngài vì hòa bình thế giới.”
Tổng thống Chinchilla đã tặng Đức Giáo Hoàng một khăn choàng thủ công được thực hiện bởi các phụ nữ Costa Rica. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng cho bà một bản sao tài liệu Aparecida và một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài.
Tổng thống cũng nói thêm rằng bà sẽ không tham dự được lễ phong thánh cho Chân Phước Gioan Phaolô II, nhưng dù không có sự hiện diện của bà, Costa Rica chắc chắn sẽ gởi một phái đoàn tham dự. 
Tưởng cũng nên nhắc lại là phép lạ dẫn đến án phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã diễn ra ở Costa Rica. Bà Floribeth Mora Diaz đã được chữa khỏi bệnh nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Gioan Phaolô II.
Tổng thống Laura Chinchilla nói:
“Floribeth là người phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong chuyện này. Bà và gia đình được đánh giá rất cao ở Costa Rica. Vì vậy, tôi cũng đã thảo luận điều này với Đức Giáo Hoàng, về những ảnh hưởng tích cực của phép lạ này trên xã hội Costa Rica. Và chắc chắn sẽ có rất nhiều người bay từ Costa Rica đến Rôma trong dịp này.”
Đây là lần thứ hai, tổng thống viếng thăm Vatican. Lần đầu tiên là vào tháng 5 năm 2012 khi bà gặp Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, khoảng 10 tháng trước khi ngài tuyên bố thoái vị.

Nguồn: Vietcatholic

h

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …