Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 23–29/08/2016: Chung quanh bức điện Đức Thánh Cha gởi nữ Tổng thống Brazil

Video: Giáo Hội Năm Châu 23–29/08/2016: Chung quanh bức điện Đức Thánh Cha gởi nữ Tổng thống Brazil

1. Tổng thống Brazil nhận được điện văn của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một điện văn cá nhân cho Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil, người đang phải vất vả đối phó với khả năng bị truy tố ra tòa vì vi phạm luật ngân sách.

Với 55 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Thượng viện Brazil ngày 12 tháng 5 đã thông qua quyết định đưa Tổng thống Dilma Rousseff ra tòa. Trước đó, ngày 17 tháng 4, với 367 phiếu thuận, 137 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Hạ viện Brazil đã chính thức thông qua việc luận tội Tổng thống Rousseff vì những cáo buộc liên quan tới thao túng công quỹ để tái đắc cử vào năm 2014.

Bà Dilma Rousseff nói:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết cho tôi một lá thư, tôi sẽ không tiết lộ nội dung. Tôi chỉ có thể nói đó không phải là một lá thư chính thức.”

Một công văn chính thức từ Đức Giáo Hoàng có thể gây ra những khiếu nại về sự can thiệp của Vatican vào tình hình chính trị của Brazil nơi đang rộ lên các nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống. Những nỗ lực này đã làm tăng cao các chia rẽ chính trị, và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài và sâu sắc.

Dù sao, các nhà phân tích ở Brazil vẫn cứ cho rằng điện văn của Đức Giáo Hoàng là một dấu chỉ ủng hộ cá nhân cho bà Rousseff.

2. Đức Thánh Cha gởi thông điệp cho Tuần Phụng Vụ toàn quốc Italia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Cha Claudio Maniago, giám mục giáo phận Castellaneta, Italia nhân Tuần Phụng Vụ Toàn Quốc Italia thứ 67 đang diễn ra ở Gubbio.

Trong thông điệp, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi nhân danh ngài, Đức Thánh Cha nói rằng toàn bộ phụng vụ là một nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được “thể hiện, công bố, cử hành, và truyền đạt.”

Riêng về Bí Tích Hòa Giải, ngài nhấn mạnh rằng: Hối nhân là những người đang hòa giải với Thiên Chúa cần được khích lệ để hòa giải với những người khác, trút bỏ sự hằn thù, và tỏ lòng thương xót với những ai đang túng thiếu.

3. Tại cuộc gặp gỡ ở Rimini, tượng Đức Mẹ bị che đi vì sợ khủng bố Hồi Giáo

Cuộc gặp gỡ tại Rimini hàng năm được tổ chức bởi phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng. Cuộc gặp gỡ năm nay được tổ chức từ 19 đến 25 tháng 8.

Trong cuộc gặp gỡ này một người bán sách đã dùng một miếng vải để che một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria. Bà giải thích là “để tránh đụng độ” với những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Francesco Curridori, đại diện cho nhà xuất bản Shalom tại cuộc gặp gỡ ở Rimini, nói với các phóng viên truyền hình rằng ban tổ chức cuộc gặp gỡ Rimini không yêu cầu bà che đi bức tượng. Bà tự quyết định làm như vậy “Bởi vì nếu bất cứ điều gì xảy ra, tôi sẽ cảm thấy có trách nhiệm.”

4. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Nam Sudan cầu nguyện cho hòa bình

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Nam Sudan đã tập trung tại một nhà thờ Anh giáo ở thủ đô Juba hôm 18 tháng 8 để cầu nguyện cho hòa bình trong vùng đất bị tàn phá bởi các cuộc xung đột.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của thủ đô kêu gọi các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô khác nhau “làm việc cùng nhau để vãn hồi hòa bình và tình huynh đệ.”

Một nhà lãnh đạo Anh giáo Kenya nói “Ở Nam Sudan, có 64 bộ lạc. Và Chúa đã không tạo ra các bộ lạc ở châu Phi để chúng ta thù ghét nhau nhưng là để xây dựng sự đoàn kết mạnh mẽ và tình yêu trong bản thân chúng ta.”

5. Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Bạch Nga

Đức Tổng Giám mục Gábor Pintér, là tân sứ thần Tòa Thánh tại Belarus, hay còn gọi là Bạch Nga, đã đến Minsk để bắt đầu sứ mệnh của ngài. Trong cuộc phỏng vấn với giới báo chí, Đức Tổng Giám Mục cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước có dịp đến thăm quốc gia Đông Âu này.

Hãng tin Interfax cho biết Đức Tổng Giám Mục tiết lộ rằng:

“Đức Giáo Hoàng nói chúng ta nên tìm một thời gian và một cơ hội thuận lợi cho chuyến thăm này. Tôi không thể nói khi nào và như thế nào, nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng đánh giá tích cực về Belarus.”

Belarus có 9.5 triệu dân trong đó 80% là Chính Thống Giáo Đông Phương và 14% là người Công Giáo.

6. Hồi giáo cực đoan tấn công các Kitô hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Các nhóm Hồi giáo cực đaoan đã tăng cường các vụ tấn công vào các làng Kitô giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sau khi thất bại trong một nỗ lực để lật đổ chính phủ của nước láng giềng Uganda, Lực lượng Liên Minh Dân chủ Hồi giáo đã tập trung sức mạnh của họ vào vùng Đông Bắc Cộng Hoà Dân Chủ Congo, khiến hàng trăm người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 600 người đã bị giết chết trong khu vực này trong hai năm vừa qua. Tổ chức Open Doors International báo cáo rằng “nhiều làng mạc đã bị xóa sạch và khó tìm thấy bất cứ cuộc sống dân sự nào còn lại.”

Trong cuộc tấn công gần đây nhất, vào tuần trước, các nhóm Hồi giáo giết chết ít nhất 36 người, và con số nạn nhân có thể lên đến 50 người trong một vụ thảm sát tàn bạo khác ở Bắc Kivu.

7. Điện Văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Sau chuyến tông du tại Ba Lan từ ngày 27 đến 31 tháng 7, 2016, nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn dân tộc Ba Lan vì đã đón tiếp ngài nồng hậu.

Trong hai điện văn gửi cho Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan và Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, tổng Giám Mục Krakovia, Đức Thánh Cha ngợi khen “đức tin vững mạnh” và “niềm hy vọng không lay chuyển” của họ, mặc dầu họ đã gặp phải “nhiều khó khăn và thảm trạng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến khích các tín hữu Ba Lan “luôn luôn làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa”

Trong thư đề ngày 22 tháng 8 gửi Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Tổng Giám Mục Poznań, và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Đức Thánh Cha viết:

“Sau chuyến viếng thăm mục vụ của tôi tại Ba Lan, một lần nữa tôi muốn bầy tỏ lòng tri ân của tôi đối với chính các hiền huynh giám mục, linh mục, các tu sĩ và các giáo dân, vì đã đón tiếp tôi rất mồng hậu, và về việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi hết sức cảm động về đức tin mạnh mẽ của các bạn và về niềm hy vọng không lay chuyển của các bạn mặc dầu phải đối phó với biết bao khó khăn và thảm trạng, và về tình yêu nồng cháy của các bạn đã hun đúc hành trình nhân lọai và tôn giáo của các bạn.

Tôi rất trân quý kỷ niệm về phụng vụ đặc biệt của Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Częstochowa, nhân dịp kỷ niệm 1050 năm ngày Ba Lan được chịu Phép Rửa, cũng như giây phút cầu nguyện tại Trại Tập Trung Auschwitz. Tôi rất vui mừng nhớ lại cuộc gặp gỡ với các người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các bạn, để cho Giáo Hội Ba Lan có thể tiếp tục theo đuổi hành trình đức tin một cách kiên trì và can đảm, và làm chứng cho tất cả mọi người về lòng thương xót của Thiên Chúa. Về phần các bạn, xin cầu nguyện cho tôi, tôi chúc lành cho các bạn với hết cả tấm lòng.

Thân mến trong tình bằng hữu,

Phanxicô

8. Điện Văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Tổng Giáo Phận Krakovia

Trong một điện văn khác gửi Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakovia, Đức Thánh Cha viết:

Sau chuyến viếng thăm mục vụ tại Krakovia, trong đó tôi đã có dịp bầy tỏ lòng kính nhớ và tri ân vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan Phaolô II, được sống những giờ phút hiệp thông sâu xa với Cộng Đồng Tổng Giáo Phận, và cảm nghiệm sự sốt sắng của đông đảo giới trẻ đến từ khắp năm châu, tôi muốn bầy tỏ với hiền huynh và với các linh mục, các tu sĩ và giáo dân của toàn thể Cộng Đồng Tổng Giáo Phận lòng tri ân chân thành của tôi về sự đón tiếp nồng hậu của hiền huynh, và về sự tử tế Đức Hồng Y đã dành cho tôi và các cộng sự viên của tôi. Ký ức về Thánh lễ cảm động, với sự tham dự đông đảo và đầy tràn đức tin sống động, vẫn còn hiện diện trong tim tôi.

Tôi cảm tạ hiền huynh, ban điều hành của Tổng Giáo Phận, tất cả các cộng sự viên của hiền huynh, và tất cả những ai đã giúp cho những ngày của đức tin và cầu nguyện được diễn ra trôi chẩy. Tôi cũng tri ân sự quý mến các giới chức đạo đời và các tín hữu đã dành cho người kế vị Thánh Phêrô: tất cả những điều này là dấu chỉ của tình yêu dành cho Giáo Hội, đàng sau tình yêu trường kỳ và kính mến dành cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong khi khuyến khích Tổng Giáo Phận Krakovia kiên trì tiến bước, và thường xuyên làm chứng cho lòng thương xót Chúa, tôi cầu xin Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Mẹ Maria, ban tràn đầy ân sủng cho hiền huynh và tất cả những ai hiền huynh chăm sóc mục vụ, nhất là cho các người trẻ, để họ có thể ngày càng tăng trưởng trong sự cam kết vững chắc đối với Phúc Âm. Với những tâm tình này, tôi cũng xin hiền huynh cầu nguyện cho tôi, và tôi cũng ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Thân kính,

Phanxicô

9. Đức Thánh Cha gửi sứ diệp chào thăm các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu mong các khác biệt giữa các tín hữu Công Giáo và các tín hữu tin lành Methodist và Valdese không cản ngăn tìm ra các hình thức cộng tác trong lãnh vực loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo, người bệnh, các người di cư và bảo vệ môi sinh.

Đức Thánh Cha đã bầy tỏ như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên Công nghị Tin Lành Methodist và Valdese tại Torre Pellice trong các ngày từ 21 tới 26 tháng 8 này. Trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, Đức Thánh Cha bảo đảm sự gần gũi tinh thần và lới cầu nguyện của ngài cho các tham dự viên. Ngài cầu xin Chúa ban ơn cùng nhau bước tới sự hiệp nhất tràn đầy với con tim chân thành để làm chứng tá cho Chúa Kitô một cách hữu hiệu trước gia đình nhân loại, bằng cách gặp gỡ con người ngày nay và thông truyền cho họ cốt lõi của Tin Mừng. Với các lời cầu chúc trên Đức Thánh Cha khẩn nài Chúa Thánh Thần trợ giúp các kitô hữu sống sự hiệp thông đi trước mọi đối chọi và được sự thương xót và hoà bình của Chúa Kitô.

Hồi tháng 3 năm nay lần đầu tiên trong lịch sử một phái đoàn chính thức của các Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vaticăng. Năm trước đó ngày 22 tháng 6 2015 Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm nhà thờ Tin Lành Valdese tại Torino. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ tin lành Valdese.

Tham dự Công nghị có 180 đại diện của hai Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese gồm các mục sư và giáo dân. Trong số các tham dự viên có mục sư Benjamin Boni, thủ lãnh Giáo Hội tin lành Methodist Cote d’ Ivoire, mục sư Laurent Schlumberger thủ lãnh Giáo Hội tin lành thống nhất Pháp, mục sư Manfred Rekowski, thủ lãnh Giáo Hôi tin lành vùng Renania bên Đức, bà Carola Tron, đại diện các Giáo Hội Valdese Rio de la Plata Uruguay và Argentina. Đại diện HĐGM Italia có ĐC Ambrogio Spreafico, chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết, và Linh Mục Cristiano Bettega giám đốc văn phòng đối thoại đại kết toàn quốc Italia. Thông cáo của ban tổ chức cho biết Công nghị đã khai mạc với một cuộc rước và buổi cử hành phụng vụ long trọng giữa tiếng chuông đổ dồn của nhà thờ Valdese tại Torino.

Trong các ngày họp Công nghị các tham dự viên sẽ thảo luận ba đề tài chính là: các làn sóng di cư tỵ nạn, kỷ niệm 500 cải cách và con đường đại kết. Đặc biệt sẽ có một cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề các hành làng nhân đạo do Liên hiệp các Giáo Hội tin lành và Cộng đồng thánh Egidio điều hành.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …