I. KHÁI NIỆM VỀ CÁC NHÂN ĐỨC |
Nhân đức tự nhiên và nhân đức siêu nhiên. |
1. Định nghĩa. |
Nhân đức là một danh từ rất khó hiểu, nó đã trừu tượng, lại có nhiều nghĩa khác nhau.Theo nguyên tự Hán Việt, nhân đức là điều hay, người ta cứ lòng ngay, lòng tốt mà làm.Theo người Rôma, nhân đức (virtus) là một sức mạnh tinh thần, phải kiên gan trì chí mới tập được.Theo thánh Tôma, nhân đức là tập quán hoàn hảo con người để hành động cho tốt. |
Xét về mặt nhân đức tập thành, thì nhân đức là do thói quen, do tập luyện mà được, khiến ta làm điều thiện cách dễ dàng, mau mắn và thích thú. |
2. Phân loại. |
Người ta phân ra nhân đức tự nhiên và siêu nhiên. |
2.1. Nhân đức tự nhiên: Nhân đức tự nhiên là tập quán của linh hồn, do công luyện tập mà được, khiến ta dễ dàng mau mắn và thích thú làm điều thiện. Phù hợp với lẽ phải. Thí dụ đức ái nhân nơi một người lương dân. |
2.2. Nhân đức siêu nhiên: Nhân đức siêu nhiên không phải là tập quán làm điều thiện cách dễ dàng, nhưng là tài năng Chúa phú vào linh hồn một trật với ơn thánh sủng, khiến ta có khả năng làm việc siêu nhiên, đáng thưởng đời sau. |
Các nhân đức siêu nhiên là do Thiên Chúa phú vào linh hồn nên cũng gọi là nhân đức thiên phú. Thí dụ đức ái nhân của người giáo hữu. |
Hai thứ nhân đức này khác xa nhau lắm. Nhân đức tự nhiên do luyện tập mà có được, còn nhân đức siêu nhiên do Chúa phú vào linh hồn cách nhưng không. |
Nhân đức tự nhiên khi đã tập thành, khiến ta làm việc thiện cách dễ dàng, mau mắn và thích thú. Còn nhân đức siêu nhiên ban đầu mới chỉ là một khả năng, để ta làm được những việc siêu nhiên đáng thưởng đời đời, nhưng phải tập luyện mới trở thành tập quán làm điều thiện cách dễ dàng được. |
Sau hết, nhân đức tự nhiên nhằm sự thiện tự nhiên, và hướng về Chúa tạo thành; còn nhân đức siêu nhiên nhằm sự thiện siêu nhiên, và hướng về Chúa Ân Sủng, như Đức Tin đã mạc khải. |
Khỏi nói về ba nhân đức đối thần, thì các nhân đức luân lý tự nhiên đều hoá nên nhân đức siêu nhiên nơi người giáo hữu, vì chúng được Thiên Chúa phú vào linh hồn, được thực hành bởi lý do đức tin, dưới sự thúc đẩy của ơn hiện sủng. Thí dụ, người lương dân yêu người vì tình nhân đạo và lẽ tự nhiên. Còn người giáo hữu, ngoài lý do đó, thì yêu người nhất là vì tình huynh đệ siêu nhiên và ân sủng thúc giục. |
Có biết như thế ta mới hiểu tại sao người giáo hữu có thể yêu thương thù địch, và giúp đỡ người khác có khi đến hy sinh cả tính mệnh. |
3. Nhân đức luân lý siêu nhiên. |
Xét theo đối tượng, nhân đức chia ra đối thần và luân lý. |
Đức đối thần là qui thẳng vào Thiên Chúa. |
Đức luân lý giúp ta sửa trị tính nết, gạt bỏ chướng ngại, lo liệu phương thế, để tiến tới sự kết hiệp cùng Chúa, nghĩa là hướng về Chúa cách gián tiếp. |
Để hướng dẫn đời sống tinh thần, lý trí và đức tin đã vạch sẵn cho ta những qui tắc phải giữ, cũng như trong đời sống thể xác, lý trí đã vạch cho ta những vệ sinh căn bản (ăn, ngủ, mặc…) mà ta không thể phế bãi được. Những qui tắc căn bản đời sống tinh thần gọi là nhân luân nghĩa là trật tự con người phải giữ. Giữ được nhân luân cho thích trung, đó gọi là nhân đức luân lý hay luân lý vậy. |
Luân đức rất nhiều, nhưng đều qui về bốn đức trụ bản, gọi tắt là bản đức. Gọi là bản đức vì chúng là nền móng cho các đức khác tựa vào. Bốn bản đức là: Khôn Ngoan, Công Bình, Can Đảm và Tiết Độ. |
Đức Khôn Ngoan giúp ta tìm các phương tiện tối hảo để đạt cứu cánh siêu nhiên, là Thiên Chúa. |
Đức Công Bình khiến ta tôn trọng quyền lợi người khác, để bảo tồn sự hoà thuận giữa anh em. |
Đức Can Đảm giúp ta bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của mình, chịu đựng các thử thách, thực hành công việc khó khăn để tới hạnh phúc trường sinh. |
Đức Tiết Độ giúp ta kiềm hãm các dục tình và bắt chúng tuân theo luật Chúa. |
Tóm lại đức Công Bình điều chỉnh bổn phận ta với tha nhân, đức Can Đảm và Tiết Độ điều chỉnh bổn phận ta đối với bản thân. Còn đức Khôn Ngoan thì hướng dẫn các nhân đức khác. |
Mỗi bản đức lại sinh ra nhiều đức khác, không thể đề cập hết được. Ở đây, ta sẽ bàn về các bản đức và mấy đức liên hệ quan trọng mà thôi. |
1. Khôn Ngoan |
2. Công Bình : Thờ Phượng – Phục Tùng. |
3. Can Đảm : Khoát Đạt – Quảng Đại – Nhẫn Nhục – Kiên Nhẫn. |
4. Tiết Độ : Thanh Khiết – Khiêm Nhường – Hiền Lành – Thanh Bần |
5. Ba nhân đức khấn dòng.[1] (còn tiếp) Lm.Châu Diên
|
Tags LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC
Xem thêm
Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh
KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …