Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53)

“Thầy không đến để đem hòa bình,

nhưng là đem chia rẽ”.

        images  Tin Mừng Luca 12,49-53:

          “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

          Suy Niệm:

 Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XX  hôm nay hướng chúng ta về số phận và sứ mạng đặc biệt của Đức Kitô đến trần gian để cứu chuộc nhân loại bằng cuộc thương khó, đau khổ, thánh giá và đồng thời Người đòi hỏi những ai theo Chúa thì cũng phải cùng chia sẻ số phận ấy. Đòi hỏi này gây chia rẽ, xung đột giữa người chọn kẻ từ chối, người tin nhận tin mừng và người không tin: “Các con tưởng Thầy đến đem bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”.

          Ngôn sứ Giêrêmia vạch rõ những tội lỗi của người Do Thái, đe dọa họ nếu tiếp tục con đường tội lỗi, có ngày Thiên Chúa sẽ phạt và cho quân thù xâm chiếm xứ sở, tàn phá đền thờ, bắt dân đi lưu đầy… Vì những lời nói thật đó, Giêrêmia bị coi là kẻ quấy rối, tên phản quốc. Dân chúng đã bắt ông quẳng xuống giếng sâu, nhưng Chúa đã cho người cứu ông lên.

          Bài đọc II: Thánh Phaolô hướng chúng ta về Đức Giêsu, Ngài cũng trải qua muôn vàn khó khăn, chống đối, nhưng Ngài đã kiên trì chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng tất cả: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Người Kitô hữu noi gương Đức Giêsu và dựa vào sự trợ giúp của Ngài mà chiến đấu.

          Trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã tuyên bố “Thầy còn một phép rửa phải chịu”. Phép rửa ám chỉ cuộc khổ nạn và cái chết mà Chúa Giêsu sẽ phải lãnh nhận để hoàn tất sứ mạng cứu thế của Người trên trần gian. Đức Giêsu xuống trần gian là để đem bình an cho nhân loại, nhưng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói:”Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Lời nói này thật khó chấp nhận và lạ thường vì đi ngược lại sứ mạng của Ngài. Thực ra, Chúa Giêsu không đến để gây chia rẽ và xáo trộn. Tuy nhiên, nhiều khi chính vì Ngài và tin mừng của Ngài mà chia rẽ và xáo trộn xảy ra. Nghĩa là khi đứng trước con người của Đức Kitô, người ta phải lựa chọn dứt khoát: Tin hoặc không tin, người theo kẻ chống đối. Người đón nhận tin mừng, người từ chối. Sự lựa chọn tương phản này là nguyên nhân gây ra chia rẽ trong gia đình, xã hội. Đúng như lời tiên tri của ông Simêon năm xưa nói về hài nhi Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng”. (Lc 2,34).

          Sự chia rẽ này xảy ra ngay trong cộng đoàn, trong gia đình, trong nhà của mình:

          “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại hai, hai chống lại ba; cha chống lại con trai, con trai chống lại cha…”

          Ngay trong gia đình mà tự bản chất là nguyên lý của sự hiệp nhất, là cộng đoàn của tình yêu cũng xuất phát mối bất hòa, bất thuận, chia rẽ vì sự tương phản trong việc đón nhận hay từ chối Tin Mừng của Đức Kitô.

          Lời Chúa nói trong bài tin mừng vẫn còn mang tính thời sự hiện thực trong xã hội hôm nay. Thánh Phanxicô Assisi khi còn thiếu niên, ngài muốn dâng mình cho Chúa, cha mẹ ngài phản đối quyết liệt, đánh đập đe dọa, đưa ra tòa để áp đặt, khống chế ngài… bắt ngài đi vào con đường sự nghiệp của người cha. Sau cùng vì lựa chọn con đường theo Chúa, ngài đã bị cha mẹ từ bỏ. Chia rẽ bất bình xảy ra trong nhà “Cha chống lại con trai”.

          Perpetua là một thiếu nữ vừa sinh được một đứa con trong một gia đình thế giá. Chị sống vào thời hoàng đế Septimô Sevêrô. Perpetua đang học giáo lý với Satunô thì bị bắt. Thấy học trò của mình bị bắt, Satunô cũng tự ra nộp mình. Cha của Perpetua là người thờ ngẫu tượng, ông đến yêu cầu con bỏ đạo Chúa mà tôn thờ ngẫu tượng. Perpetua đưa tay chỉ vào một cái bình rồi nói: “Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không? Đối với con cũng vậy, con không thể cho con một cái tên nào khác ngoài cái danh hiệu là kitô hữu của con”. Tức giận quá, ông đánh Perpetua một trận đòn nhừ tử rồi bỏ đi. Sau đó Perpetua không thấy cha trở lại. Chính trong thời gian này Perpetua được rửa tội cùng với một số bạn bè khác. Ngày được làm con Chúa, Perpetua chỉ xin Chúa một điều: xin Chúa ban đủ sức mạnh để chịu đựng nổi những đau khổ của cuộc tử đạo. Trong nhà giam, Perpetua nhớ đứa con của mình. Chị đau khổ vì phải xa con. Nhưng rất may, đứa bé vì không có mẹ nên kiệt sức. Người ta phải trả đứa bé cho mẹ nó. Nhận lại được con, Perpetua vui mừng, quên hết mọi khổ đau.

          Vì biết con mình sắp bị án tử hình, cha của Perpetua đến gặp con và năn nỉ tha thiết: “Con ơi! Hãy thương mái tóc bạc của cha. Hãy nhớ đến đôi tay này đã nuôi dưỡng con bao ngày. Hãy thương mẹ của con, anh em con và con nhỏ của con đang bồng ẵm trên tay, không có con, cháu sao sống được. Con hãy bỏ đạo, bỏ điều con đã quyết định làm cho chúng ta mất tất cả”. Cảm động và đau khổ trước những lời của cha, nhưng Perpetua chỉ biết trả lời:

          “Thưa cha, tại tòa án sẽ xảy ra điều Chúa muốn, bởi chúng ta không thuộc về mình”.

          Qua bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chọn lựa dứt khoát và chọn Chúa để được hưởng phúc mai sau. Muốn được cứu độ phải chấp nhận thánh giá, mọi đau khổ, dứt khoát chọn Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN