Home / Chia Sẻ / CÁCH CƯ XỬ

CÁCH CƯ XỬ

Cach CuXuTrước tiên, có lẽ chúng ta phải tự xác định điều này: Không than phiền về cách đối xử của người khác dành cho mình, mà phải xem tự lại cách đối xử của mình dành cho người khác. Thật chí lý khi tiền nhân khuyên: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Còn Thánh Phaolô chân thành nhắn nhủ: “Hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1 Tm 4:12).

Ai cũng muốn được ưu ái, nhưng hầu hết chúng ta không biết cách để đạt được điều đó. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người với ngành nghề khác nhau, người ta đưa ra kết luận với 5 bí quyết khả dĩ giúp cư xử hợp lý:

  1. LỊCH SỰ

Luôn biết dùng các từ ngữ “đẹp”. Chẳng hạn: làm ơn, cảm ơn, xin lỗi,… Giản dị mà hiệu quả, bạn sẽ thu hút nhân tâm. Thật vậy, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

  1. CHUẨN BỊ

Yêu cầu mơ hồ dẫn đến kết quả không rõ ràng. Nếu là người đi du lịch, bạn phải biết kỳ nghỉ của mình thuộc loại nào – một nơi nóng thì hẳn không có lợi. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị đầy đủ. Người ta thường than phiền về ngày nghỉ không thỏa mãn. Hãy biết những gì mình thích để không phải hối tiếc.

  1. TRUNG TÍN

Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn. Bạn có thể nhanh hoặc chậm nhưng quan trọng vẫn là thành thật, đáng tin cậy. Việc càng nhỏ càng phải giữ uy tín, vì “một sự bất tín, vạn sự không tin”.

  1. HỢP LÝ

Phục vụ tốt thường là vấn đề thời gian. Chúng ta thường có khuynh hướng xài “giờ dây thun”. Thời gian là vàng bạc, đừng lãng phí. Đã hứa hẹn thì phải giữ lời bằng mọi cách, mình đúng giờ để làm gương và mới khả dĩ hy vọng người khác đúng giờ.

  1. KIỀM CHẾ

La hét chẳng kết quả gì. Tự kiềm chế để có thể làm người khác phản ứng đúng mực. Cần biết cách than phiền để làm người khác vừa nể phục vừa sẵn sàng làm theo ý mình. Tránh động thái áp đặt, vừa để tự kiềm chế vừa để đắc nhân tâm.

VĨ NGÔN

Sống ở đời với danh nghĩa con người, cách cư xử rất quan trọng. Chính cách cư xử khả dĩ làm cho người khác nhận ra chúng ta là người tốt hay không: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Trong dụ ngôn “con nợ không biết thương xót” (Mt 18:23-35), Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18:35).

Thánh Phaolô cho biết về cách cư xử với tha nhân: “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2 Cr 1:12).

Ước gì mỗi Kitô hữu đều hãnh diện mà xác định như Thánh Phaolô: “Chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được” (1 Tx 2:10). Chắc chắn rằng chúng ta đang thực sự là những vị thánh sống ngay trên cõi tạm trần gian này. Và hẳn là Thiên Chúa rất vui mừng về điều đó!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN