Chuyến xe 11 chỗ khởi hành từ sân nhà thờ giáo xứ Đakao lúc 8 giờ sáng thứ Hai ngày 04 tháng 07 qua. Chúng tôi là một nhóm cựu Phan Sinh khóa tu1966 (CPS 66), có cả vợ chồng người bạn Nguyễn Mạnh Hồ từ Mỹ về, trực chỉ hướng Bà Rịa-Vũng Tàu trong chuyến đi dài ngày thăm lại các cha thầy trước đây từng dạy dỗ chúng tôi trong mái trường chủng viện Phanxicô Thủ Đức. Dưới sư hướng dẫn của vị linh mục đồng môn Giuse Nguyễn Văn Huân, chúng tôi dừng chân chặng đầu tiên ở Làng Hai Bình Gĩa, cùng nhau bước lên đồi Đức Mẹ Gia Hòa trong khu vực giáo họ Gia Hòa, giáo xứ Vinh Châu, giáo hạt Bình Gĩa, giáo phận Bà Rịa, đứng dưới tượng Mẹ làm dấu đọc kinh cầu nguyện Mẹ chúc lành và phù trợ cho chuyến đi được bình an.
Chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi gặp lại các cha, thầy ở hai cộng đoàn Bình Gĩa và Xuân Sơn. Thầy Charles Triều cặp mắt vẫn sáng, nụ cười tươi khi gặp lại các cựu chủng sinh. Chúa thương năm nay đã 82 tuổi nhưng thầy còn khỏe, vẫn lao động, đang loay hoay ngoài vườn cà phê khi chúng tôi đến thăm. Trong giờ ăn và giải lao trưa tại cộng đoàn Xuân Sơn, chúng tôi bất ngờ tái ngộ với cha Ambroise Sỹ. Cha là linh hướng lớp chúng tôi niên khóa 1973-1974. Sau niên khóa này mỗi người mỗi ngã, một số tiếp tục đường tu phan sinh, số khác rẽ sang dòng tu khác, số khác hồi tục. Cha Sỹ qua Ý tu học thêm và ở lại giảng dạy tại Thần học viện Antôniô. Cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa chúng tôi cảm nghiệm chặng đường theo Chúa trong bốn bức tường nhà tu kham khổ nhưng thật êm đềm.
Tiếp tục chặng đường dài lên Đà Lạt, chúng tôi ghé ăn tối và nghỉ đêm tại nhà anh chị Trạch gần thị trấn Bảo Lộc. Có thêm vài anh em lớp trên và lớp dưới. Mối tình huynh đệ phan sinh tối đó bùng nổ với những câu chuyện truyền giáo của Trạch (CPS 66) và Bắc (CPS 69). Trạch đã lên kế hoạch và góp nhiều công sức xây dựng một nhà nguyện cho giáo dân đồng bào người Chu Mạ. Nhà ngyện mang tên Dà Lơ-Nghết, rất đỗi dân tộc! Bắc thì bôn ba đây đó thăm hỏi, động viên các giáo hữu vùng sâu, vùng xa, đặc biệt lâu lâu ghé thăm cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Viết Đoàn đang quản một giáo xứ nghèo đồng bào dân tộc. Trạch và Bắc xứng danh là những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo mênh mông giáo phận Đà Lạt.
Sáng hôm sau theo chỉ dẫn trước của Bắc, Trạch hướng đạo nhóm lần mò lên thăm cha Đoàn. Lúc này khoàng 11 giờ trưa. Cha ngỡ ngàng nhận diện, chỉ tay lên trán, moi trí nhớ kêu tên từng người một. Đa phần anh em trong chuyến đi lần này xa vắng Đoàn đã hơn 40 năm rồi còn gì! Đoàn cho biết đây là giáo xứ Ka Ming, thuộc giáo hạt Di Linh, với khoảng 2000 giáo dân người Kơ Ho. Chúng tôi mạnh dạn đẩy cửa bước vào căn phòng sinh hoạt của người bạn cùng lớp ngày xưa học chung dưới mái trường chủng viện Phanxicô nay là một linh mục triều, và rất đỗi sửng sốt khi nhìn thấy căn phòng vừa là nơi ngủ nghỉ của Đoàn, chơ vơ một chiếc ghế bố, những quả chuối và những lon đồ hộp. Dường như đây là hai món ăn chính của Đoàn. Không máy vi tính, không radio, đầu đĩa, chỉ là những cuốn sách mục vụ bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc bày biện sơ sài trên một chiếc bàn. Cha Huân buột miệng nói: “Cha Đoàn sống như cha Gioan Vianney”, có ý ví von cuộc sống nghèo khó, thầm lặng của cha Phanxicô Xaviê Đoàn ở xứ thượng du này tương tự như cha sở Gioan Vianney xứ Ars, nghèo nàn nước Pháp vào thế kỷ 18. Tôi thoáng thấy vẻ mặt đầy cảm xúc của chị Bích, vợ Hồ. Khó mà tưởng tượng cuộc sống sinh hoạt của một vị linh mục như vậy. Không cha phó, không ông từ, bà bõ. Vài ngày trước, anh Phùng Khắc Toàn (CPS 64) sau khi xem những hình ảnh và những lời tôi chia sẻ về cha Đoàn trên facebook đã từ Mỹ gởi về dòng bình luận: “Lúc còn làm cha phó Di Linh, Đoàn có tham gia CPS Đà Lạt, nay Đoàn ‘làm vua một cõi’ mà sống nghèo vậy sao?”. Thôi thì cha Đoàn đã chọn cho mình cuộc sống như vậy. Chúng tôi chỉ biết cảm phục và sẽ cầu nguyện nhiều cho ngài.
Lên tới Di Linh không thể không ghé tham quan trại phong Di Linh và viếng mộ Đức cố giám mục người Pháp Gioan Cassaigne, người lúc sinh thời được mệnh danh là vị cha hiền của người dân tộc và của người phong cùi. Năm 1924 lúc còn làm linh mục, ngài thành lập làng cùi với những chòi nhà sàn đơn sơ trên khoảng đất trống cách nhà thờ xứ đạo Ka La của ngài gần cây số. Ngài mời các nữ tu dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn cùng ngài chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 24 tháng 06 năm 1941, linh mục Gioan Cassaigne được tấn phong giám mục giám quản tông tòa giáo phận Sài Gòn. Nhưng đến cuối năm 1955 ở tuổi 60, ngài xin từ chức quay lại trại cùi Di Linh sống và tiếp tục chăm lo cưu mang các bệnh nhân cùi cho đến lúc được Chúa gọi về vào ngày 31 tháng 10 năm 1973. Cùng các bạn đứng trước mộ phần vị mục tử nước ngoài cả một đời dấn thân phục vụ những người dân tộc nghèo khổ và những bệnh nhân cùi lở trên miền sơn cước Di Linh nước Việt bị xã hội thời đó ruồng bỏ, tôi thầm cầu xin ngài ban ơn cho tôi có được một tấm lòng quảng đại, biết thương xót và hy sinh phục vụ những người bất hạnh tôi bắt gặp trong đời.
Xế chiều chúng tôi lên tới thành phố Đà Lạt, đến cộng đoàn Du Sinh thăm các cha, thầy. Chụp hình lưu niệm với cha phụ trách Irênê Minh và cha bạn cùng lớp Antôn Kính từ Thủ Đức lên trước vài ngày. Trước khi ăn tối và tìm nơi nghỉ đêm gần chợ Hỏa Bình, anh tài xế đánh xe một vòng cho mọi người thưởng ngoạn các phong cảnh thiên nhiên của “Đà Lạt Hoàng Hôn”.
Rời Đà Lạt, xe chúng tôi men theo con đường mới mở xuyên rừng xuống địa phận tỉnh Khánh Hòa, dừng bánh ở cộng đoàn Khánh Vĩnh vào khoảng 3 giờ chiều. Đã được báo trước anh bạn “tu thầy” Lê Huy Mỹ đón chúng tôi ở cổng nhà thờ giáo xứ Khánh Vĩnh, dẫn vào phòng khách trò chuyện với cha quản xứ Gioan Xuân Qúy. Ngài cho biết nhà thờ giáo xứ Khánh Vĩnh được chọn làm trung tâm hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót của giáo phận Nha Trang. Cha Qúy dẫn chúng tôi đến đài Đức Mẹ Nhân Lành được khánh thành vào ngày 15 tháng 12 năm ngoái. Ngước nhìn Mẹ, mỗi người chúng tôi thầm thì khấn nguyện theo ý chỉ riêng của mỗi người. Nha Trang có nhiều cộng đoàn Phanxicô, chúng tôi tranh thủ đến Cư Thịnh thăm cha Charles Lý và thầy Martinô Thành. Với tính cách con người Nam Bộ, cha Lý chuyện trò xưng hô “tao-mày” với chúng tôi rất tự nhiên. Thầy Thành học trên chúng tôi ba lớp, là một nhạc sỹ thánh ca. Thầy khiêm nhường trong đời sống thánh hiến, noi gương cha thánh tổ phụ Phanxicô Assise, không muốn làm linh mục mà chọn ơn gọi trợ sỹ tương tự như thầy Mỹ, lớp chúng tôi. Ghé vào cộng đoàn Vĩnh Phước, chúng tôi mừng rỡ gặp lại cha Matthêu Phúc. Đã hơn 42 năm cha con mới gặp lại nhau, từ lúc cha chuyển từ Thủ Đức về Nha Trang. Ngài mừng rỡ huyên thuyên trò chuyện với các học trò Pháp Văn năm xưa của mình. Chúng tôi tìm một phòng trọ yên tĩnh ngoại ô, nghỉ ngơi chút xíu sau quãng đường dài rồi đi ăn tối. Phố đêm Nha Trang náo nhiệt, bãi biển về đêm xa xa rực rỡ muôn ánh đèn điện, không như trong bài hát “Nha Trang Ngày Về” của cố nhạc sỹ Phạm Duy “Nha Trang ngày về một mình tôi trên bãi khuya…”. Theo lộ trình, sáng thứ Năm chúng tôi đến cộng đoàn Thanh Hải thăm cha Saviô Chức. Xưa kia trong chủng viện ngài làm giám học và tập hát cho các chủng sinh. Tâm tính ngài vẫn đôn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ như ngày nào.
Sáng thứ Sáu tôi dậy sớm rủ hai anh bạn cùng phòng Hiền và Hường đi uống cà phê gần bãi Dương. Đây là bãi cách đây đúng 50 năm về trước cha giám thị Đamiên Lữ dẫn tôi và các bạn ký túc xá Phanxicô mỗi chiều thứ Năm hàng tuần đến tắm biển suốt trong hai năm trước khi tôi được tuyển vào chủng viện Phanxicô Thủ Đức. Ngồi nhâm nhi ly cà phê đen nóng. Sáng sớm quán vắng, tôi ngắm nhìn xa xa những triều sóng nhấp nhô dạt dào, chợt nhớ lại bài thơ sáng tác trong một lần dạo biển Nha Trang đúng vào ngày lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 08 năm 2006. Bài thơ có đoạn:
Lại về đây ngắm biển cả mênh mang
Chợt thấy mình như thân phận thuyền nan
Thầm mơ ước lúc biển đời dậy sóng
Có bàn tay Mẹ che chở đỡ nâng.
Chúng tôi tham dự Thánh Lễ riêng do cha Huân chủ sự trong nhà nguyện nhỏ cộng đoàn Vĩnh Phước. Cha Huân dâng lời cảm tạ Chúa đã phù hộ cho chuyến đi được bình an. Và mọi người bình an trở về Sài Gòn khoảng 6 giờ tối hõm đó. Kết thúc một chuyến đi dài ngày gặp gỡ và tri ân các cha thầy. Chuyến đi cho chúng tôi thêm nhiều trải nghiệm về những con người đã và đang hết lòng thương xót, hết mình phục vụ tha nhân khốn cùng.
Gioan Long Vân,
giáo xứ Nhân Hòa