Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

“Người Samari nhân hậu”

        SAMARITANO (1)Tin Mừng Luca 10,25-37:

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

        Suy Niệm:     

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay trình bày giáo lý căn bản của Kitô giáo: Mến Chúa và yêu thương giúp đỡ anh  em, nhất là những người đau khổ. Chúa Giêsu đã minh họa chân lý này qua dụ ngôn người Samari nhân hậu và trả lời câu hỏi của người luật sĩ: “Ai là người thân cận của tôi?”

Trong dụ ngôn, có 3 nhân vật: Thầy Tư tế, Thầy Lêvi, người xứ Samari.

  • Thầy Tư tế (Linh mục trong Giáo hội) trên đường lên Giêrusalem để thực hiện nghi lễ phụng tự trong đền thánh. Thầy phải giữ mình khỏi bị ô uế theo luật Môisê. Không được đụng tới xác chết, máu huyết… Thầy đã thản nhiên đi qua và không chút thông cảm với nạn nhân nửa sống nửa chết. Thầy tránh đường để khỏi liên lụy, Thầy vô cảm trước nỗi khổ của anh em. Thấy bỏ sót việc phải làm, Thầy không tránh tội được. Thầy không giúp đỡ nạn nhân, thì cũng phải báo cho chính quyền đến cứu nạn nhân, vì mạng sống con người cao quí hơn lề luật, bác ái vượt qua mọi ranh giới của lề luật.
  • Thầy Lêvi (các Thầy phó tế) có lẽ nghĩ rằng nạn nhân đã chết, hơn nữa Thầy không muốn liên lụy tới vụ án, mang họa vào thân… Thầy Lêvi không động lòng trắc ẩn, Thấy đi qua. Thầy không có lòng nhân đạo đối với anh em mắc nạn, không quan tâm tới khổ đau của anh em, không thấy người bên cạnh mình… Ai chết mặc ai! Sống như thế là ích kỷ.
  • Người Samari có mối thù truyền kiếp đối với người Do Thái, không tiếp xúc với người Do Thái và người Samaria đã bị khai trừ khỏi đền thờ Giêrusalem vì bị cho là bội giáo, thờ các thần ngoại lai… Tuy nhiên Đức Giêsu đề cao người Samari này, một người ngoại đạo, vì anh ta đã động lòng thương, giúp đỡ, chạy chữa, phục vụ người lâm nạn một cách tận tình, vô vị lợi bất kể nạn nhân là ai. Không sợ tốn kém tiền bạc, miễn là cứu sống nạn nhân. Người Samari thật là dễ thương, anh có tấm lòng và trái tim nhân đạo, không tính toán, so đo, đó là tình thương đích thực có tính vị tha, không đòi sự đáp trả: “Người đó lại gần, băng bó vết thương”.

Đức Giêsu muốn dạy chúng ta một bài học: yêu thương và phục vụ. Tình thương không phân biệt sắc tộc, ngôn ngữ. Tất cả mọi người lương cũng như giáo đều là thân cận của mình. Cần chúng ta mở rộng bàn tay giúp đỡ.

Khi Đức Giêsu ca tụng, đề cao người Samari nhân hậu như mẫu gương cho Thầy Tư tế, Thầy Lêvi và mọi người Kitô hữu: Sống đạo đích thực là phải thực thi tinh thần yêu thương bác ái xã hội trở nên người thân cận của mọi người, nhất là những người nghèo khổ, khốn cùng đang cần đến chúng ta qua việc giúp đỡ cụ thể.

Bác ái phải được biểu lộ bằng việc làm. Tìm hiểu ai là người thân cận không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận. Dù ở địa vị nào trong Giáo hội: Linh mục, Phó tế, Tu sĩ, giáo dân mà thiếu lòng yêu thương bác ái, không giúp đỡ anh em gặp nạn, khó khăn… thì chưa phải là người Kitô hữu chân chính như Chúa mong ước.

Một Thầy Rabbi khôn ngoan đức độ hỏi môn sinh của mình.

  • Giữa đêm khuya làm sao biết được khi nào bắt đầu một ngày mới.
  • Khi từ xa con nhận ra con cừu khác với con chiên.
  • Khi nhận ra cây vả khác cây đào.

Thầy Rabbi nói:

  • Không phải vậy, ngày mới bắt đầu khi ta nhận ra được những người anh em quanh mình. Nếu không làm được điều đó thì dù mặt trời ở đúng ngọ, chúng ta vẫn ở trong bóng đêm.

Cũng như văn hào Victor Hugo đã nói: “Thế giới không có người biết yêu thương thì mặt trời sẽ tắt”.

Thế giới hôm nay, nhất là xã hội Việt Nam nền đạo đức đang xuống cấp trầm trọng, rất cần những người Samari nhân hậu để giúp đỡ và cứu đời.Người Kitô hữu phải cố gắng phấn đấu trở thành người Samari nhân hậu trong gia đình, xã hội, trong cộng đoàn như Đức Giêsu đã dạy: “Anh hãy đi và làm như vậy”. Cách sống như người Samari trong phúc âm. Đối với Đức Giêsu, cứu người quan trọng hơn cả việc thực thi lề luật “Bác ái là chu toàn mọi lề luật cách trọn hảo”.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM.

Xem thêm

JESUS1

Suy niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

BẤT CHẤP ĐE DOẠ “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn …