Home / Giáo Dục Kito Giáo / SỐNG ĐẠO VỢ CHỒNG 

SỐNG ĐẠO VỢ CHỒNG 

PHI LỘ – Theo Hán tự, Đạo là con đường (nghĩa đen), Đạo là phương hướng dẫn con người đến mục tiêu hay lý tưởng (nghĩa bóng). Có nhiều lý tưởng, phương hướng và nguyên tắc khác nhau về Đạo (Thiên đạo, Nhân đạo, Trí đạo, Tâm đạo,…), nhưng tất cả các “con đường” khác nhau đó có chung một nền tảng là dựa trên Chân-Thiện-Mỹ, lành mạnh và chân chính, để mưu cầu hạnh phúc và bình an cho con người. Khi nói đến Đạo, người ta thường cho đó là vấn đề tôn giáo, chủ yếu về tâm linh, dựa vào niềm tin của người để làm lành, tránh dữ. Nhưng “đạo” còn có nghĩa khác ngoài tôn giáo, tín ngưỡng. Một trong các “đạo” đó là “đạo phu thê”. Bạn là người sống bậc vợ chồng nhưng đã biết gì về “đạo” này? Mời bạn tìm hiểu để canh tân đời sống hằng ngày cho hợp Ý Chúa!

Trong một trại bài phong nọ, mọi người đều buốn chán thất vọng, duy chỉ có một người đàn ông nọ vẫn giữ được niềm vui. Người ta không hiểu lý do tại sao. Người đàn ông tâm sự rằng chính nhờ tình yếu lớn lao của vợ mình mà ông còn vui sống đến ngày nay. Vợ ông chẳng những không xa cách hất hủi ông, ngược lại còn tỏ tình yêu thướng thắm thiết với ông. Ngày nào bà cũng tìm một khoảng lành lặn trên mặt để đặt trên đó một nụ hôn cho đến một ngày người ta đến mang ông đến trại. Nhưng bà ấy vẫn không bỏ cuộc, ngày ngày bà vẫn đến thăm ông mang thức ăn đến cho ông xuyên qua một lổ cửa, và không bao giờ quên tặng ông một nụ cười cảm thông dịu dàng.

Điều gì làm cho người đàn ông bị bệnh phong trên đây vẫn còn giữ được niềm vui sống? Phải chăng chính là nhờ sự chăm sóc ân cần và nụ cười cảm thông của người vợ, tình yêu thắm thiết chung thủy của người vợ? Nhờ đâu mà người vợ lại có thể tiếp tục yêu chồng mình trong tình trạng như thế?

Con người ai cũng có nhu cầu yêu và được yêu. Người ta không thể sống được trên đời này nếu không yêu thích một ai đó hay một cái gì đó. Người ta luôn cảm thấy thiếu thốn cô đơn nếu không được yêu. Trong đời sống hôn nhân gia đình, tình yêu lại càng cần thiết hơn để tạo động lực giúp nhau vượt qua những gian nan thử thách và giúp nhau làm tròn bổn phận nuôi sống và thăng tiến gia đình, giáo dục con cái, đặc biệt khi sự thu hút giảm dần, cảm xúc phai tàn. Nhưng thử hỏi người ta cần đến thứ tình yêu nào đây vì trong thực tế, tình yêu có nhiều cấp độ khác nhau.

Trong ngôn ngữ Hy Lạp người ta phân tình yêu thành 4 loại:

– Eros: Tình yêu vừa bao hàm tình cảm và tình dục, là thứ tình lãng mạn, lôi cuốn thường về mặt xác thịt, căng thẳng, lúc nào cũng mong được đáp ứng và thỏa mãn, ít nhiều mang tính vị kỷ.

– Philia: tình bạn, chủ yếu là sự gặp gỡ thu hút về mặt tâm hồn, ít nhiều mang tính vị tha, vô điều kiện, nhẹ nhàng và không cần đến quan hệ thể lý.

Storge: tình yêu trìu mến giữa cha mẹ và con cái, hay giữa đồng loại chủ yếu thể hiện bằng lòng tốt, ước muốn tốt đẹp dành cho tha nhân.

Agape: tình yêu ở mức độ cao nhất, hoàn toàn mang tính vị tha, vô vị lợi, vô điều kiện, vô giới hạn, chỉ nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu.

Tình yêu vợ chồng có thể nói được cấu thành bởi hay cần được cấu thành bởi tất cả bốn loại tình yêu trên.

Trong đời sống hôn nhân, tình yêu giữa hai vợ chồng không chỉ là một cuộc trao đổi tình cảm mà đúng hơn được coi là đạo. Đó là đạo vợ chồng.

Sống đời hôn nhân được coi như một thứ tôn giáo, đạo lý sống, gọi là ĐẠO VỢ CHỒNG, ĐẠO PHU THÊ, giống như đạo TRUNG với vua, HIẾU với cha mẹ.

Đạo là đường, đường thì dẫn tới đích. Vậy đạo vợ chồng là đường đưa con người đến đích, mà đích điểm của hôn nhân là HẠNH PHÚC. Đúng như văn hào Honoré de Balzac nói: ”Hôn nhân là đường đưa ta tới thiên đàng hay địa ngục”.

Trong các đạo giáo gọi đó là “Đạo vợ chồng“. Đạo vợ chồng thường chỉ dạy “bổn phận” (duty, devoir) của vợ chồng. Biết được “bổn phận” cũng là một điều đáng quý rồi, nhưng vẫn chưa đủ đem lại hạnh phúc, nó chỉ giúp cho gia đình sống bình yên, không sóng gió.

I. ĐẠO VỢ CHỒNG THEO CA DAO

“Đạo nào bằng đạo phu thê”.

“Đã rằng là nghĩa vợ chồng

Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời”.

“Đi đâu có anh có tôi

Người ta mới biết là đôi vợ chồng”.

“Chèo ghe vượt sóng qua sông

Đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm ai ơi”.

“Vợ chồng là nghĩa phu thê

Tay ấp, má kề sinh tử có nhau”.

“Yêu nhau trăm sự chẳng nề

Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

“Đốn cây ai nở dứt chồi

Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”.

Tình nghĩa vợ chồng

“Trời hỡi trời có biết hay không

Nghĩa nhân thương quá vợ chồng

Vắng nhau một buổi, ngồi trông sững sờ

Ai làm lửng lửng lơ lơ

Em trông em biết, anh chờ anh hay

Ai làm cho đó xa đây

Ai bảo thiếp cách, ai bày chàng xa”.

▪“Chồng em áo vải em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

▪“Có chồng phải bận bịu theo chồng

Đắng cay em chịu nực nồng em phải theo”.

▪“Chồng khôn vợ đặng đi giày

Vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan”.

Cư xử vợ chồng

▪“Vợ chồng là nghĩa Tào Khang,

Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui,

Sinh con mới ra thân người,

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm vui

Hay “Thuận vợ thuận chồng, tát Bể Đông cũng cạn”

“Chồng giận thì vợ bớt lời,

Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời mà khê”

Hay “Chồng giận thì vợ bớt lời,

Chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng”

Hay “Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười hớn hở thưa anh giận gì?

Thưa anh, anh giận em chi?

Muốn cưới vợ lẽ, em thì cưới cho”

Phụ nữ nết na đúng mực

Người phụ nữ khi đã xuất giá vu qui thì trước hết phải nghĩ về chồng, không được có những cử chỉ, hành động khiến cho thiên hạ lầm tưởng rằng mình hãy còn xuân.

Đó chính là sự thủy chung xét ở góc độ nết na, đoan chính, cho nên:

Có chồng bớt áo hai vai

Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm”.

Chính điều ấy đã làm nên đạo đức, phẩm giá, tiết hạnh của người phụ nữ.

Chia ngọt sẽ bùi

Đức tính của người phụ nữ còn thể hiện ở chỗ: khi đã lấy chồng rồi, dù người chồng âý có  nghèo khổ thế nào đi nữa, cũng không nên lấy đó làm khổ, làm nhục, mà trong hoàn cảnh ấy, vẫn luôn thương chồng, nghĩ về chồng:

“Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”.

Một gia đình hạnh phúc, dù hoàn cảnh sống có thiếu thốn về vật chất, cuộc sống đạm bạc, nghèo khó, vẫn thương yêu nhau hết mực, vẫn thấy hạnh phúc:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”.

Trọn tình thủy chung

Người phụ nữ nắm vai trò rất quan trọng trong việc quyết định hạnh phúc vợ chồng.

Là người vợ đoan chính, thủy chung thì lúc nào cũng nghĩ về chồng, về con, nghĩ đến gia đình, không bao giờ sa đà vào những thói hư tật xấu, những cám dỗ cuộc đời:

“Ai kêu xeo xéo bên sông

Tôi còn vá áo cho chồng tôi đây”.

Khi người chồng có việc phải đi xa, trong thời gian ấy, người phụ nữ chân chính thường nghĩ về chồng, chờ đợi thủy chung, giữ vững niềm tin vào hạnh phúc.

II. ĐẠO VỢ CHỒNG THEO QUAN NIỆM KHỔNG GIÁO

Đạo vợ chồng được tóm tắt trong tam cương ngũ thường đối với người đàn ông và tam tòng tứ đức đối với người phụ nữ.

– Tam cương là ba mối quan hệ: Quân Thần (vua tôi), Phụ Tử (cha con), Phu Phụ (vợ chồng).

– Ngũ thường là năm điều phải hằng có trong khi ở đời, gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

– Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải theo: tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử.

– Tứ đức là bốn tính nết tốt người phụ nữ phải có: Công, dung, ngôn, hạnh.

TAM CƯƠNG

  1. Quân thần: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Nghĩa là dù vua có bảo thần chết đi nữa thì thần cũng phải tuân lệnh, nếu không tuân lệnh thì xem như không trung với vua.
  2. Phụ tử: Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu. Nghĩa là cha bảo con chết, con không chết thì con không có hiếu.
  3. Phu phụ: Phu xướng phụ tùy. Nghĩa là chồng nói ra, vợ phải theo.

NGŨ THƯỜNG

  1. Nhân: Yêu thương vạn vật đặc biệt con người.
  2. Nghĩa: Cư xử với mọi người theo lẽ phải, công bình.
  3. Lễ: Tôn trọng, hòa nhã trong phép giao tế.
  4. Trí: Thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
  5. Tín: Tôn trọng, giữ đúng lời hứa.

TAM TÒNG

  1. Tại gia tòng phụ: Người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha.
  2. Xuất giá tòng phu: Lúc lấy chồng phải theo chồng.
  3. Phu tử tòng tử: Nếu chồng qua đời phải theo con. 

TỨ ĐỨC

  1. Công: Giỏi dang, khéo léo trong việc làm.
  2. Dung: Đẹp đẽ, hài hòa trong diện mạo.
  3. Ngôn: dịu dàng, ý tứ trong lời nói.
  4. Hạnh: Trinh tiết, đạo hạnh trong cách ăn nết ở.

III. ĐẠO VỢ CHỒNG THEO QUAN NIỆM PHẬT GIÁO

Đức Phật dạy 5 điều cho vợ và 5 điều cho chồng

Bổn phận của vợ: Hầu hạ chăm sóc chồng con, dịu dàng khôn khéo trong lời nói và cư xử với chồng, quản lý tiền bạc tài sản, quán xuyến nhà cửa trong ngoài, ần cần tiếp đãi bè bạn của chồng, giữ gìn tiết hạnh trung thành với chồng.

Bổn phận của chồng: Quan tâm yêu thương, gánh vác trụ cột, có trách nhiệm với bản thân gia đình, mua sắm áo quần, nữ trang đầy đủ cho vợ, trung thành với vợ không được ngoại tình.

BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI VỢ:

Hầu hạ

Với người phụ nữ nói chung, tiêu chuẩn nhu thuận chiều chồng, mà kinh gọi là người đàn bà hầu hạ đàn ông được xem là một trong năm tiêu chuẩn đặc thù một khi đã lập gia thất. Kinh văn còn tiếp tục khẳng định, trong các hàng thê thiếp/ Nhu thuận là tối thắng.

Chiều chồng ở đây không mang tính chất dễ duôi, yếu đuối, đớn hèn mà hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Điều này, cũng còn được gọi là sở hành vừa ý chồng.

Nhu mì uyển chuyển

Vì đó chính là biết cách vận dụng tính chất nhu thuận, uyển chuyển riêng có của người phụ nữ, nhằm tạo nên một sự hòa điệu, ấm êm, sinh khí trong gia đình. Sở dĩ gia đình mang nghĩa là mái ấm, cũng khởi phát và nương vào tính chất này.

Ở đây, ví như người chồng đang nóng nảy, bực bội, người vợ phải biết cách lựa lời khuyên can; người chồng đang đam mê vào một trò vui thế tục nào đó thì người vợ phải lựa lúc, lựa lời, khéo léo cảm hóa.

Xử sự đẹp lòng, ăn nói dễ thương

Là phương cách hữu hiệu của một người vợ thông minh, cần được thể hiện trong tình huống này. Chiều chồng còn mang ý nghĩa tích cực vì nhờ sự tùy thuận này, một người phụ nữ khéo léo có thể chuyển hóa một người đàn ông theo chiều hướng tích cực, vươn lên. Kinh Tương Ưng đã chỉ rõ, nếu như một người phụ nữ biết khéo léo vận dụng khả năng sắc đẹp, khả năng giới hạnh… một cách tối ưu thì sẽ tạo nên các sức mạnh.

Với sức mạnh đó, người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì. Kinh gọi rằng, đời này rơi vào tầm tay của nàng, hoặc được khẳng định mạnh mẽ: mong rằng tôi chinh phục được chồng tôi.

Quản lý tiền bạc của cải

Một trong những bổn phận quan trọng của người phụ nữ là phải biết giữ gìn tài sản của gia đình. Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng”. Ở gia đình thuở xưa, mặc dù đàn ông làm chủ, nhưng thực tế điều phối tiền tài, sản vật cũng như các khoản chi dụng… đều do người phụ nữ quyết định.

Truyền thống này, ở một số nước Nam Á ngày nay vẫn còn vận dụng. Tuy thực tế xã hội ngày nay đã có sự phân định rạch ròi và thông thoáng hơn trong việc giữ gìn tài sản giữa chồng và vợ, nhưng ít nhất, việc một người phụ nữ quản lý và sử dụng hợp lý những khoản chi tiêu căn bản của gia đình là việc làm rất mực cần thiết, dù ở thời đại nào.

Nội tướng

Phật dạy: “Này các thiếu nữ, các con cần phải học tập như sau: Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẻ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình”.

Khéo léo trong giao tiếp

Quan tâm đến việc giữ gìn tài sản gia đình, điều hành và ổn định người giúp việc là một trong những bổn phận của người phụ nữ. Thực hiện đúng vai trò này, người phụ nữ quả xứng danh là Nội tướng theo quan niệm của Á Đông.

Một bổn phận cần có của người phụ nữ là khéo léo trong những giao tiếp, khoản đãi liên hệ đến bạn bè cũng như các bậc trưởng thượng của chồng.

Với bạn bè của chồng, phải ứng xử như là thượng khách, với các bậc trưởng thượng, phải cung kính và cúng dường khi có thể. Khéo tiếp đón bà con là một bổn phận mà người nữ cần phải kiện toàn. Do vì bản thân nắm giữ các khoản chi tiêu, người phụ nữ hoàn toàn thuận lợi khi sắp đặt các khoản thù tiếp, khoản đãi.

Với chồng, bạn bè là quan trọng. Thiết đãi bạn bè chính đáng và hợp lý sẽ làm cho người chồng được nể trọng và tôn vinh trong mắt bạn bè. Quan niệm sang vì vợ ở một nghĩa nào đó, thì hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Thực hiện trọn vẹn vai trò này, vị trí người phụ nữ sẽ tỏa sáng trong mắt người chồng thương yêu.

Đạo đức vẫn là nền tảng

Trong các tiêu chuẩn đạo đức căn bản của một người cư sĩ, tiêu chuẩn chánh hạnh là một tiêu chuẩn hết mực quan trọng đối với hạnh phúc gia đình. Một gia đình dù nghèo khó hay vật vã trong việc mưu sinh, nhưng cả hai luôn nghĩ đến nhau và cùng nhìn về một hướng, thì gia đình ấy sẽ đầy ắp chất liệu hạnh phúc, dù rằng hạnh phúc trong giản tiện, đơn sơ.

Là một người phụ nữ, tiêu chuẩn này rất mực quan trọng. Theo kinh văn, người con gái ấy, dù giỏi giang, xinh xắn, hoặc gia sản vững chãi, quan hệ nhân thân tốt… nhưng không có sức mạnh giới hạnh thì sẽ không đem đến hạnh phúc cho gia đình; nặng nề hơn, kinh văn còn mô tả, họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình.

Trang nghiêm tiết hạnh

Trang nghiêm tiết hạnh là một phẩm chất rất mực quan trọng của người phụ nữ ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông phải hội đủ ít nhất năm tiêu chuẩn, và một trong năm tiêu chuẩn đó, phải là trang nghiêm giới hạnh.

Không đi sâu vào phân tích về tiêu chuẩn giới hạnh, tiết hạnh, nhưng ở đây, điều cần thấy rằng, ngoài chồng ra, không được tà ý với bất cứ người nào khác là một bổn phận quan trọng nhằm đem đến hạnh phúc gia đình mà người phụ nữ cần phải thực hiện. Nói theo ngôn ngữ kinh văn là: trung thành với chồng. Trong bảy hạng vợ được nêu ra trong kinh Tăng chi, người phụ nữ không hoàn thiện giới hạnh thì được gọi vợ sát nhân.

Chăm sóc chồng con

Trong việc chăm sóc gia đình, thì việc chăm sóc chồng là một trách vụ cơ bản của một người phụ nữ. Kinh ghi: Săn sóc giúp đỡ chồng/ Như mẹ chăm sóc con/ Tài sản chồng cất chứa/ Biết hộ trì gìn giữ/ Hạng người vợ như vậy/ Ðược gọi vợ như mẹ. Trách vụ nâng khăn sửa túi theo quan niệm phương Đông cũng là cách nói khác về việc chăm sóc cho chồng về ăn uống, sức khỏe, về phục trang… cũng như các việc vô danh khác.

Trong điều kiện bình thường, điều dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa một người đàn ông có vợ và một kẻ độc thân đó là sự tươm tất trong trang phục và ổn định về sức khỏe. Dấu hiệu khác biệt đó phần lớn do người phụ nữ làm nên. Một bổn phận quan trọng của người phụ nữ, đó là người đàn bà phải mang thai, phải sanh con.

BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI CHỒNG

Ðể trả lời một người gia trưởng là làm cách nào để người chồng chăm sóc người vợ mình, Ðức Phật tuyên bố rằng người chồng phải luôn luôn tôn trọng và quan tâm đến vợ mình, phải chung thủy với vợ, trao quyền quản lý công việc trong nhà và tặng vợ những vật trang sức tốt đẹp.

Người chồng phải làm tròn bổn phận và duy trì những bổn phận đối với người vợ, như vậy mới giữ được lòng tin trong mối quan hệ hôn nhân.

Là trụ cột của gia đình thường xa nhà, do vậy anh ta phải giao phó những bổn phận trông coi nhà cửa cho người vợ, người vợ được xem như là người thủ kho, người phân phối của cải và người quản lý kinh tế gia đình. Việc tăng vợ những trang sức tốt quí là biểu tượng tình yêu thương, sự lo lắng và quan tâm của người chồng dành cho vợ.

Nuôi sống gia đình

Tạo dựng tài sản để nuôi sống gia đình là trách vụ chủ yếu của người chồng lý tưởng được Phật dạy trong kinh.

Một nam cư sĩ theo tiêu chuẩn thời xưa là phải “đầy đủ sự tháo vát”, nghĩa là phải làm bất cứ nghề nghiệp gì, miễn làm sao tạo dựng được tài sản để có thể đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng.

Chia sẻ trách nhiệm nuôi con, dạy con và bảo vệ con cái

Là một trách vụ quan trọng đứng thứ hai sau việc tạo dựng tài sản. Theo suy niệm thường tình, việc nuôi dạy con cái phần lớn do người phụ nữ đảm trách.

Mặc dù vậy, việc sẻ chia trách nhiệm trong việc nuôi con, dạy con, chứng tỏ sự trưởng thành lớn của một người nam cư sĩ. Ngay như bản thân Đức Phật, tuy hướng La Hầu La xuất gia với ngài Xá Lợi Phật, nhưng những khi có thể, Ngài đã tùy nghi dạy bảo cũng như bảo hộ La Hầu La, theo nghĩa rộng nhất.

Sống có trách nhiệm

Người chồng lý tưởng cần phải biết trang nghiêm tự thân, nói theo ngôn ngữ kinh văn là biết sống bảo hộ bản thân, bảo hộ gia đình và tài sản. Một người sống có trách nhiệm với bản thân tất sẽ có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, xã hội. Về phương diện bảo hộ bản thân, bảo hộ tài sản, người nam cư sĩ phải tránh xa những thói xấu dễ bị ảnh hưởng như: la cà đình đám hý viện, đam mê các loại rượu, du hành đường phố phi thời, đam mê cờ bạc, giao du ác hữu, quen thói lười biếng. Đây chỉ là sáu trong 36 thói xấu cơ bản mà một người đàn ông dễ mắc phải trong đời.

Từ thực tế, những sóng gió xảy ra trong gia đình, phần lớn bắt nguồn từ những tật xấu, mà người đàn ông phần lớn là kẻ đi đầu.

Tôn trọng và chiều chuộng vợ

Một trách vụ nhằm giữ lửa hạnh phúc lứa đôi là người chồng phải tôn trọng và khéo léo chiều chuộng người thương của mình. Tiêu chuẩn tôn trọng và chiều chuộng vợ có vẻ như không lạ lùng trong thời đại ngày nay, nhưng ở thời xưa, đó là điều cách mạng. Vì ở xã hội Ấn độ thời cổ, người phụ nữ có một vị trí khá khiêm nhường. Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ là động thái tích cực được khẳng định trong kinh.

Ở đây, không bất kính với vợ còn được hiểu là tôn trọng tất cả những người thân liên quan đến vợ như cha mẹ vợ hoặc những người thân bên ngoại. Không chỉ dừng lại ở đó, một người chồng lý tưởng phải biết mua cho vợ những nhu yếu phẩm cần dùng và những vật dụng mà nàng ưa thích.

IV. ĐẠO VỢ CHỒNG THEO KITÔ GIÁO

Điều cốt yếu để tạo quan hệ tốt đẹp trong đời sống vợ chồng là: “Vì lòng kính sợ Ðức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (Ep 5, 21).

Sống tùng phục lẫn nhau là điều kiện không thể thiếu nhằm đạt được trật tự, hài hòa và bình an đặc biệt trong đời sống hôn nhân.

Việc tùng phục lẫn nhau dựa trên lòng kính sợ Chúa, không hẳn dành cho một con người vì quyền hành của người ấy, vì sự trổi vượt của họ, nhưng đúng hơn là dành cho Đức Kitô, Đấng là sự thật và sự thật mà Đức Kitô có thể tỏ lộ qua người bạn đời của mình, bất luận là chồng hay vợ.

Tùng phục là thái độ của người trưởng thành

Sự tùng phục không thuộc về bản tính tự nhiên của nhân loại, không mang tính bộc phát do hậu quả của nguyên tội. Cần phải có một sự trưởng thành tâm sinh lý, tình cảm và tâm lý mới có thể tùng phục lẫn nhau nhằm giúp nhau cùng lớn lên và hiện thực hóa chính mình.

Sự tùng phục không phải xuất phát từ mặc cảm tự ti của người này đối với người kia, do sợ quyền hành vật chất, tình cảm hay tinh thần mà người kia có được trên bản thân mình nhưng xuất phát từ lòng kính sợ Chúa, và sự thật được phản chiếu nơi người bạn đời mình.

Tùng phục thể hiện sự cao thượng của tâm hồn

Trật tự, hài hòa, hòa bình thực sự chỉ có thể ngự trị không phải do chiến thắng của người này trên người nọ, mà đúng hơn là sự chiến thắng của sự thật, của Đức Kitô.

Biết nhận ra người khác có lý và mình sai lầm luôn luôn là một thách thức. Biết vâng lời vợ/chồng mình vì người ấy nghe theo tiếng nói của chân lý không bao giờ thể hiện sự thua thiệt của bản thân, ngược lại thể hiện sự cao thượng và ngay thẳng của tâm hồn mình, chẳng những không hạ thấp phẩm giá của mình mà còn làm bạn đời nể phục mình hơn nữa mà thôi.

Tùng phục nhau là khiêm tốn đón nhận Chân lý

Điều  quan trọng là không phải là hơn thua, dành phần thắng về mình mà làm sao để chân lý được chiến thắng, là giúp nhau nhận ra chân lý. Khi chân lý thắng thì chẳng có ai thua mà cả hai đều thắng.

Vì vậy, cần phải thực sự khiêm tốn để nhận ra chân lý và vâng theo chân lý bất luận chân lý đến từ ai. Chính ở đây mà ta thấy được lòng khiêm tốn là nhân đức căn bản vì không có khiêm tốn làm sao đón nhận được chân lý khi chân lý phản đối chính mình?

Ta có nhiệm vụ tùng phục nhau khi ý thức người bạn đời của mình tượng trưng cho sự thật và ta chỉ có thể xứng đáng với sự tùng phục mà bạn đời dành cho mình bằng việc quy chiếu đến giáo huấn của Đức Kitô, đến sự thật.

Lời khuyên dành cho người vợ

“Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa” (Cl 3, 18).

“Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.

Như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Vợ hãy kính sợ chồng” (Ep 5, 22-24).

“Chị em là những người vợ, hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em” (1Pr 3, 1-2).

Sống nội tâm kín đáo, thùy mị, hiền hòa

Phúc thay kẻ được chung sống với người vợ thông minh, kẻ không lỗi lầm trong lời ăn tiếng nói“ (Hc 25, 8).

Ước chi duyên dáng của chị em không hệ tại ở cái mã bề ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa, nhưng là con người nội tâm kín đáo, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng đó là tính thùy mị, hiền hòa” (1Pr 3, 3-4).

“Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt, phận may dành cho những người kính sợ Đức Chúa: Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười (Hc 26, 1-4).

Tùng phục là biểu hiện của tin yêu

Người phụ nữ được khuyên dành cho người chồng mình một sự tùng phục đặc biệt, không phải chỉ là mang tính hình thức, giả hình nhưng một sự tùng phục thực sự, thể hiện sự tôn kính, vâng lời tương xứng với trật tự tạo dựng và với con người của phụ nữ.

Sự tùng phục được người chồng mong đợi hơn và coi như biểu hiện của sự thán phục, tin tưởng và tình yêu từ phía vợ mình. Để tùng phục chồng mình, người vợ phải xem chồng mình như là đầu của mình bằng việc quy chiếu đến Đức Kitô, đầu của Hội Thánh.

Tùng phục để được yêu hơn

Việc thể hiện tin tưởng, thán phục và tôn kính của người vợ đối với chồng mình tạo điều kiện cho chồng mình đóng vai trò là người chồng tốt hơn, tạo điều kiện cho chồng mình thể hiện một  tình yêu quảng đại và bao dung hơn.

Điều đó thể hiện rõ nhất nữ tính của mình, có khả năng thu hút một sự quan tâm lớn lao hơn, một sự che chở thắm thiết hơn nơi chồng, từ đó dành được một  tình yêu lớn lao hơn nơi chồng mình .

Lời khuyên dành cho người chồng

“Người làm chồng hãy yêu thương vợ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3, 19).

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình.

“Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh” (Ep 5, 25-29). 

Anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban” (Pr 3, 7).

Yêu thương vô vị lợi và vô hạn

Người chồng được khuyên dành cho vợ mình một  tình yêu tuyệt đối, vô vị lợi, vị tha đi đến mức độ trao ban chính mình, quên mình, lấy cảm hứng từ tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh và quy chiếu đến khuôn mẫu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh.

Để xứng đáng với một sự tùng phục tuyệt đối từ phía vợ mình, người chồng phải dành cho vợ mình một tình yêu tuyệt đối, bao dung, quảng đại, kiên nhẫn, cảm thông nhờ đó có thể nhận được từ vợ mình một sự tùng phục hoàn toàn.

Yêu thương là thánh hóa

Theo gương Đức Kitô, người chồng được kêu mời trao ban chính mình trọn vẹn cho vợ mình với một tình yêu không tính toán, vô giới hạn, vô điều kiện, mang tính cứu độ theo nghĩa thánh hóa, thanh tẩy, làm đẹp và hoàn thiện hóa vợ mình với một sự quan tâm chu đáo.

Người chồng không chỉ yêu thương vợ như chính thân thể mình mà còn có nhiệm vụ làm cho vợ mình trở nên “xinh đẹp lộng lẫy”, thánh hóa vợ mình bằng tình yêu trọn hảo của Đức Kitô.

Liên hệ giữa tình yêu và tùng phục

Có một mối tương quan giữa tình yêu và sự tùng phục. Sự tùng phục tạo điều kiện thuận lợi cho tình yêu và ngược lại, tình yêu thực sự sẽ đón nhận được sự tùng phục hoàn toàn đặc biệt trong mối liên hệ vợ chồng.

Sự tùng phục tuyệt đối và thành thật của người vợ sẽ dành được tình yêu của chồng mình. Và tình yêu nhưng không và quảng đại của người chồng sẽ được đáp trả bởi sự tùng phục của vợ mình.

Sống đạo vợ chồng là sống chứng tá

Cả hai phải ý thức và cố gắng sống yêu thương và hiệp thông sâu xa để có thể phản chiếu cho nhau và cho mọi người, qua tình yêu của mình, tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, qua mối tương quan của mình, mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, được lấy làm khuôn mẫu và nguồn cảm hứng.

Như thế đối với chúng ta, những người có gia đình, ngoài việc sống đạo làm người làm con Chúa, ta còn phải tiên vàn sống trọn đạo nghĩa vợ chồng. Đó không chỉ là nhiệm vụ căn bản gắn liền với ơn gọi sống đời hôn nhân mà còn là sứ mạng làm chứng tá Tin Mừng tình yêu cho Đức Kitô.

Sống đạo vợ chồng là con đường dẫn đến hạnh phúc viên mãn

Đôi vợ chồng chỉ có thể kinh nghiệm được trật tự, hài hòa, và bình an trong gia đình và từ đó đạt đến sự hạnh phúc, sự viên mãn mà Chúa muốn khi mỗi người giữ nghiêm chỉnh khuôn vàng thước ngọc này: sống trọn vẹn bổn phận với tư cách là vợ, là chồng trong sự kính sợ Chúa, tùng phục lẫn nhau, tôn trọng và yêu thương nhau chân thành và tha thiết trong bất cứ mọi hoàn cảnh và điều kiện dù cho phải trải qua nhiều gian truân thử thách như lời hứa khi cử hành Bí tích Hôn phối.

Làm sao có thể sống trọn đạo nghĩa vợ chồng?

Như chúng ta đã nói, sống đạo vợ chồng thôi mãi mãi là một thách đố, huống gì là sống trọn vì hậu quả của nguyên tội và những khủng hoảng giá trị những cạm bẫy của thời hiện đại ảnh hưởng bởi nền văn minh sự chết.

Nhưng là Kitô hữu, chúng ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng và cậy trộng vì sức mạnh của ta không phải nơi chính mình mà là ở chính Chúa, như thánh Phaolô nói: “Chính lúc tôi yêu là lúc tôi mạnh” hay “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng làm cho tôi nên mạnh”. Nghĩa là khi ta biết khiêm tốn nhận ra yếu đuối giới han và bất toàn của mình để chỉ biết cậy dựa vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa.

Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến là then chốt

“Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải, anh em có thể khiến cho núi non chuyển dời”.

“Đối với con người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”.

“Đức tin của con đã cứu con. Hãy đứng dậy vác chõng mà về!”.

“Khi Tôi bị treo lên, Tôi sẽ kéo mọi người đến với Tôi”.

“Thầy đây, đừng sợ! Chính Thầy đã thắng thế gian!”.

Vun trồng các nhân đức

Chúa đã ban tất cả cho ta qua Đức Giêsu Kitô, Người Con Chí ái của Người và Thánh Thần, quà tặng lớn lao nhất mà chúng ta có thể đón nhận. Ta cần phải vun trồng nhân đức qua:

  – Con đường thanh luyện (voie purgative) bằng việc xét mình, tập từ bỏ chính mình và thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

  – Con đường minh ngộ (voie illuminative) bằng việc chuyên cần học hỏi, lắng nghe, chiêm niệm Lời Chúa (Lectio divina) và các sách tu đức.

  – Con đường thần hiệp (voie unitive) qua việc cầu nguyện, đặc biệt tâm nguyện chiêm ngắm và tham dự thánh lễ lãnh Bí tích Thánh thể và sống bác ái.

Kết hợp mật thiết với Chúa là chìa khóa để sống đạo vợ chồng

“Thiên Chúa là tình yêu”, một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện và vô giới hạn.

Kết hiệp với Chúa là múc lấy nguồn tình yêu không bao giờ cạn để sống trọn đạo vợ chồng.

Lạy Chúa, tình yêu của chúng con thường mang tính vụ lợi, có điều kiện và giới hạn. Chúng con có khuynh hướng chỉ yêu những người làm cho chúng con thích, làm vừa lòng chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được một cách sâu xa tình yêu bao la vô hạn của Chúa để chúng con có thể yêu thương mọi người, quên mình hiến thân cho nhau đặc biệt trong đời sống gia đình như Chúa đã nêu gương trên thập giá. Amen.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN