Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 12– 18/05/2016: Câu Chuyện Cánh Diều

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 12– 18/05/2016: Câu Chuyện Cánh Diều

1. Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng trong Giáo Hội lại có những ‘người thích nói xấu sau lưng’. Họ gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn bằng lời nói, bằng đầu môi chót lưỡi của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 12 tháng 05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Sự hiệp nhất là một trong những điều khó thực hiện nhất

Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người tin được trở nên một. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn các Kitô hữu để họ được trở nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên bài đọc Tin Mừng. Ngài nói:

“Sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các gia đình Kitô hữu là những bằng chứng, chứng thực rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến. Nhưng có lẽ sự hiệp nhất trong một cộng đoàn Kitô hữu, một xứ đạo, một giáo phận, một gia đình Kitô hữu là một trong những điều khó thực hiện. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo Hội, khiến chúng ta nhiều lần phải cảm thấy xấu hổ, vì chúng ta đã gây ra nhiều cuộc chiến với những anh em Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về một trong số đó: Chiến tranh Ba mươi Năm giữa Công Giáo và Tin lành.

Xin tha thứ vì những chia rẽ

Ở đâu những Kitô hữu gây ra chiến tranh, xung đột thì ở đấy không có chứng tá. Chúng ta hãy tha thiết nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì những sự kiện đáng buồn này trong lịch sử. Một lịch sử đã bị ghi dấu nhiều lần bởi các cuộc chia rẽ. Những chia rẽ không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ngày hôm nay nữa. Thế gian nhìn chúng ta chia rẽ và nói rằng: ‘Chúng ta hãy thử xem họ có hợp nhất, yêu thương với nhau được không. Nếu Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và đang sống, tại sao các môn đệ lại không hòa hợp được với nhau?’ Có khi, một tín hữu Công Giáo hỏi một tín hữu Đông phương rằng: ‘Đức Kitô của tôi phục trong ngày thứ ba. Còn Đức Kitô của bạn phục sinh lúc nào?’ Ngay cả phục sinh, chúng ta cũng không hợp nhất. Và khi thế gian nhìn thấy điều đó, họ không tin.

Những người gieo tiếng xấu phá hoại và gây chia rẽ

Chính vì sự ghen ghét, đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đã đi vào thế gian. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh. Thay vì phải cực nhọc đi tìm sự thật, sẽ dễ dàng hơn nếu nói sau lưng người khác và hủy hoại danh dự của họ. Có một giai thoại khá nổi tiếng về Thánh Philip Neri như thế này: Khi có một phụ nữ đến xưng tội đã nói xấu người khác, thánh nhân ra việc đền tội cho bà là hãy nhổ hết lông của một con gà, rồi sau đó đi rải lông mới nhổ xung quanh nhà hàng xóm. Khi rải xong rồi, thánh nhân lại yêu cầu bà hãy đi gom tất những lông ấy lại. Khi nghe thánh nhân ra việc đền tội như thế, bà thốt lên: ‘Điều đó là không thể. Làm sao mà nhặt lại hết được.’ Thánh Philip mới từ tốn trả lời: ‘Buôn chuyện nói xấu người khác cũng như vậy con ạ. Khi nói rồi thì không thu lại được nữa.’

Quả thế, nói xấu sau lưng người khác cũng giống như vậy. Nó làm cho người khác ra xấu xa. Ai nói sau lưng sẽ làm cho mọi sự trở nên xấu xa, nhơ bẩn. Đó là kẻ phá hoại. Họ hủy hoại danh dự người khác, hủy hoại cuộc sống người khác mà chẳng có lý do, thậm chí còn trái với sự thật. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng như cho cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta rằng: ‘Xin cho tất cả được trở nên một’. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng; vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi đẩy chúng ta đến sự chia rẽ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, ban cho chúng ta món quà của sự hiệp nhất. Và món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí để chúng ta có được sự hòa hợp, vì Ngài chính là sự hòa hợp và là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta.

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an, bình an của sự hợp nhất. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho ơn hiệp nhất của tất cả Kitô hữu. Đó là một ơn lớn. Đồng thời, chúng ta cũng xin những ơn nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có thể làm chủ được miệng lưỡi của mình.”

2. Các nhà truyền giáo dâng hiến đời mình vì Đức Kitô

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng những nhà truyền giáo ngoan ngoãn vâng nghe lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn họ đến chỗ bị thiêu đốt bởi một lòng khát khao bùng cháy muốn dâng hiến đời mình cho việc rao giảng Phúc Âm, dẫu có phải đến những nơi xa xôi cách trở. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 10 tháng 05, tại nguyện đường thánh Marta.

Những chia sẻ của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài đọc một, thuật lại việc Thánh Phaolô giã từ cộng đoàn tín hữu ở Mi-lê-tô và được Thánh Thần thúc đẩy đi đến Giê-ru-sa-lem. Đức Thánh Cha đã mô tả tiếng gọi của Chúa Thánh Thần như là một sự thôi thúc không sao cưỡng lại được để dâng hiến đời mình phục vụ Đức Kitô, và thậm chí dám hủy mình đi, làm cho mình hóa ra hư không vì danh Đức Kitô. Thánh Phaolô đã mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết này và các Tông đồ khác cũng thế. Ngọn lửa ấy cũng mãi sống động trong trái tim của rất nhiều người trẻ hôm nay. Họ dám từ bỏ gia đình, quê hương, đất nước để lên đường đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh loan báo về Đức Giêsu.

Được thúc đẩy bởi Thần Khí

“Đề cập đến bài đọc ngày hôm nay, Đức Thánh Cha nói rằng đó là một trình thuật đầy đánh động. Thánh Phaolô biết ngài sẽ không còn gặp lại cộng đoàn Mi-lê-tô nữa. Ngài cũng nói với những người đang lắng nghe rằng Chúa Thánh Thần thúc đẩy ngài về Giê-ru-sa-lem. Thánh Phaolô ý thức quyền năng tối thượng của Thánh Thần trên cuộc đời ngài, luôn thúc đẩy ngài rao giảng Tin Mừng cho dù có gặp phải những khó khăn, thách đố. Tôi tin rằng trình thuật trong bài đọc hôm nay cũng gợi hứng cho đời sống truyền giáo của mỗi người chúng ta qua mọi thế hệ.

Các nhà truyền giáo tiến lên phía trước do Thánh Thần thúc đẩy. Đó là một lời mời gọi. Khi chúng ta đến nghĩa trang, chúng ta thấy những nấm mộ của các vị ấy. Rất nhiều người trong số họ đã chết trước khi bước qua tuổi 40. Lý do là vì họ ngã nước và không thể vượt qua những bệnh tật xảy ra ở những nơi họ đến truyền giáo. Họ đã dâng hiến chính tuổi thanh xuân của mình. Họ đã dâng lên Thiên Chúa lễ toàn thiêu là chính cuộc đời của họ. Tôi nghĩ đến những giây phút cuối cùng của họ trên trần thế này – dù phải xa cách quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn; phải xa cách gia đình và những người thân yêu – nhưng họ vẫn thốt lên: ‘Việc tôi làm thật đáng!’

Các nhà truyền giáo – vinh quang của Giáo Hội

Những nhà truyền giáo sẵn sàng cất bước lên đường mà không hề biết điều gì đang chờ đợi họ phía trước. Chúng ta có hai gương mẫu sáng ngời là Thánh Phaolô và Thánh Phanxicô Xavier. Thánh Phaolô, trong khi từ biệt cộng đoàn Mi-lê-tô, đã nói rằng: ‘Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.’ Các nhà truyền giáo biết cuộc sống của họ sẽ không dễ dàng nhưng họ vẫn tiến lên phía trước.

Những nhà truyền giáo trong thời đại của chúng ta. Họ là những anh hùng trong việc rao giảng Tin Mừng. Rất nhiều người Âu Châu đã đến các châu lục khác để truyền giáo. Họ đã ra đi và không quay về nhà nữa. Tôi nghĩ thật là chính đáng khi chúng ta biết cảm tạ Chúa vì những chứng tá của họ. Thật là chính đáng khi chúng ta biết vui mừng vì có những nhà truyền giáo là những chứng nhân đích thực. Tôi tự hỏi rằng những giây phút cuối cùng còn được ở trên thế gian của những nhà truyền giáo này như thế nào? Họ đã nói những lời từ biệt ra sao? Thánh Phanxicô Xavie nói: ‘Tôi phải để lại tất cả nhưng điều đó thật đáng!’ Các nhà truyền giáo đã chết đi, có nhiều người trong số họ chẳng được ai nhắc đến tên. Họ là những vị tử đạo đã dâng hiến đời mình vì Tin Mừng. Các nhà truyền giáo là vinh quang của chúng ta! Vinh quang của Giáo Hội chúng ta!”

Những người trẻ dâng hiến đời mình cho những gì cao quý hơn

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói đến một đặc tính quan trọng của nhà truyền giáo. Đó là biết ngoan ngoãn vâng nghe Thánh Thần. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện để ngày hôm nay có nhiều bạn trẻ được lời mời gọi của Chúa Thánh Thần thúc đẩy dâng hiến đời mình cho những gì cao quý hơn.

“Tôi muốn ngỏ lời với các bạn trẻ, nam cũng như nữ, đang cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hôm nay. Tôi đã nghe nhiều bạn nói rằng: ‘Tôi không hạnh phúc với chủ nghĩa tiêu dùng và nền văn hóa tự tôn trong thế giới hôm nay…’ Nếu bạn đang cảm thấy như thế, tôi mời gọi các bạn hãy nhìn về phía chân trời! Ở đó, có những nhà truyền giáo.

Chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy để các bạn trẻ dám bước đi, dám dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa. Truyền giáo là một cuộc sống đầy khó khăn nhưng cũng là một cuộc sống thật đáng giá. Chúng ta cần phải sống trong một cách thức đúng đắn, biết dâng hiến để phục vụ, để rao giảng Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng sẽ mang lại cho chúng ta niềm hoan hỷ không gì có thể so sánh được.”

3. Câu Chuyện Cánh Diều

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:

Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.

Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: “Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi”. Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa tước nguyện như sau: “Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng”.

Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: “Ít ra mình cũng làm cho người vui”.

Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.

Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.

Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.

Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng”. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.

Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người.

Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.

4. Thánh Thần giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu ‘đích thực’ chứ không phải chỉ trên ‘lý thuyết’

Chúa Thánh Thần thúc đẩy trong lòng Giáo Hội, nhưng đáng tiếc là có nhiều Kitô hữu ngày hôm nay không nhận biết Ngài hay thậm chí xem Ngài là một ‘tù nhân cấp cao’. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 09 tháng 05, tại nguyện đường thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu ‘đích thực’ chứ không phải những Kitô hữu ‘lý thuyết’. Từ đó, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các tín hữu hãy để cho Thần Khí thúc đẩy và hướng dẫn ngõ ngầu có thể bước đi trên con đường tự do, hạnh phúc. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cũng nhắc tới cách đặc biệt các nữ tu Dòng Thánh Vinh sơn đang làm việc tại Nhà trọ Thánh Marta, nhân dịp hôm nay mừng kính thánh nữ Luisa di Marillac, Đấng sáng lập Dòng.

‘Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.’ Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình từ cuộc đối thoại giữa nhưng môn đệ đầu tiên tại Ê-phê-xô và Thánh Phaolô về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống các Kitô hữu. Ngay cả ngày hôm nay cũng có phần giống như với các môn đệ xưa kia, có những người tin vào Đức Giêsu nhưng lại không biết Chúa Thánh Thần là Đấng nào.

Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội và giúp chúng ta làm chứng về Đức Giêsu

“Có nhiều người nói mình đã được học giáo lý và biết rằng Chúa Thánh Thần là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và chỉ như thế thôi. Họ không biết thêm gì về Ngài nữa. Thậm chí họ còn hỏi: Chúa Thánh Thần để làm gì vậy? Xin thưa: Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy Giáo Hội, là Đấng luôn làm việc trong Giáo Hội và trong tâm hồn của chúng ta. Ngài là Đấng làm cho các Kitô hữu tuy rất khác biệt nhau nhưng lại hiệp nhất với nhau trong đoàn kết, yêu thương. Ngài là Đấng thúc đẩy anh chị em tiến về phía trước, dám mở toang cánh cửa và sai anh chị em lên đường làm chứng cho Đức Giêsu.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Chúng ta đã nghe đọc lúc đầu thánh lễ rằng: ‘Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần và hãy làm chứng cho Thầy khắp cùng trái đất.’ Thánh Thần cũng là Đấng thúc đẩy chúng ta ngợi khen Thiên Chúa và cầu nguyện với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Đấng luôn ở bên trong chúng ta, dạy chúng ta biết chiêm ngắm Chúa Cha và thân thưa: Cha ơi’. Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi tình cảnh mồ côi mà tinh thần thế gian muốn áp đặt lên chúng ta.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong Giáo Hội và luôn làm việc trong Giáo Hội. Điều nguy hiểm là khi chúng ta không sống sống sứ mạng của Thánh Thần, khi chúng ta giảm thiểu đức tin xuống thành đạo đức hay một vấn đề luân lý: điều này được làm, điều kia không được làm. Được làm tới đây thôi; còn tới kia thì không được làm. Đó là một sự lệ thuộc vào luật và là một thứ đạo đức luân lý lạnh lùng.

Đừng xem Chúa Thánh Thần là một ‘tù nhân cao cấp’

Đời sống Kitô không phải là một hình thức đạo đức nhưng là một cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Giêsu Kitô. Và chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta bước vào cuộc gặp gỡ này.

Nhưng rất nhiều lần, trong đời sống của mình, chúng ta giam giữ Chúa Thánh Thần giống như một ‘tù nhân cao cấp’. Chúng ta không để cho Ngài thúc đẩy, đánh động chúng ta. Chúa Thánh Thần làm tất cả, biết tất cả và nhắc nhở cho chúng ta tất cả những gì Đức Giêsu đã nói, Ngài giải thích cho ta tất cả những gì Đức Giêsu đã làm. Tuy nhiên, có duy nhất một điều mà Chúa Thánh Thần không làm được. Ngài không biết làm cho chúng ta trở thành những Kitô hữu lý thuyết, chỉ biết nói suông chứ không có đạo đức thật. Nhưng trái lại, Ngài giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu đích thực, mang chúng ta vào đời sống thực tế với những lời ngôn sứ trong việc đọc những dấu chỉ thời đại và không ngừng thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước. Có những lúc, chúng ta đã biến Ngài thành một người tù trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta chỉ biết thốt lên rằng: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và có thế mà thôi.

Hãy phản tỉnh về những điều mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong cuộc sống của chúng ta

Trong tuần này, thật là thích hợp để mỗi người chúng ta phản tỉnh lại những điều mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong cuộc đời chúng ta, và hãy nài xin với Thánh Thần dẫn chúng ta bước đi trên con đường tự do. Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn tôi, thôi thúc tôi hãy bước ra ngoài. Tôi có sợ hãi không? Lòng can đảm mà Thánh Thần đã ban cho tôi, để tôi bước ra khỏi chính mình, ngõ hầu tôi có thể làm chứng cho Đức Giêsu như thế nào? Lòng kiên nhẫn của tôi trong những khó khăn thử thách ra sao?

Những ngày trong tuần này, chúng ta cũng đang chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Chúng ta có thực sự tin không; hay nói cách khác, đối với chúng ta, Chúa Thánh Thần là ai? Chúng ta hãy tập cố gắng để biết thân thưa, trò chuyện với Thánh Thần: ‘Con biết rằng Chúa đang ngự trong tâm hồn còn, Chúa đang ngự trong lòng Giáo Hội, Chúa thúc đẩy Giáo Hội phát triển, Chúa làm cho chúng con hợp nhất với nhau mặc dù chúng con rất khác biệt nhau.’ Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như thế và xin Ngài ơn biết học hỏi đồng thời biết đem ra thực hành trong đời sống những gì Ngài đã dạy. Hãy xin ơn được trở nên ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Ngài. Trong tuần này, chúng ta hãy nghĩ nhiều về Chúa Thánh Thần và tâm sự với Ngài.”

5. Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan với Thiên Chúa là Cha

“Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Sứ mệnh của Chúa Giêsu đạt tột đỉnh với ơn Chúa Thánh Thần đã có mục đích nòng cốt này: đó là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, đã bị tội lỗi làm hư hại; kéo chúng ta ra khỏi điều kiện mồ côi và tái lập điều kiện là con cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm Chúa Nhật 15 tháng 05.

Ngài giải thích như sau:

Khi viết cho kitô hữu giáo đoàn Roma thánh tông đồ Phaolô nói: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “ (Rm 8,14-15). Đó là tương quan được nối lại: chức làm cha của Thiên Chúa được kích hoạt lại trong chúng ta nhờ hoạt đông cứu độ của Chúa Kitô và nhờ ơn Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa Cha ban cho dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Toàn công trình cứu chuộc là một công trình tái sinh, trong đó chức làm cha của Thiên Chúa, qua ơn của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi cảnh mồ côi chúng ta đã bị rơi vào. Cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa cũng gặp thấy nhiều dấu chỉ của điều kiện mồ côi này của chúng ta: sự cô đơn nội tâm mà chúng ta cũng cảm thấy giữa đám đông và đôi khi có thể trở thành sự buồn sầu hiện sinh; yêu sách tự lập khỏi Thiên Chúa, đi kèm một nhớ nhung nào đó về sự gần gũi cuả Ngài; sự mù chữ tinh thần phổ biến khiến cho chúng ta không có khả năng cầu nguyện; cái khó khăn trong việc cảm nhận sự sống vĩnh cửu đích thật như sự hiệp thông tràn đầy đâm chồi và nẩy lộc vượt quá cái chết; sự mệt nhọc trong việc thừa nhận ngườì khác như anh em, trong tư cách là con của cùng một Cha; và nhiều dấu chỉ tương tự khác nữa.

Đối nghịch với tất cả các thứ đó là điều kiện là con, là ơn gọi nguyên thuỷ của chúng ta, là điều vì đó chúng ta đã được tạo dựng nên, là yếu tố di truyền sâu đậm nhất cuả chúng ta, nhưng nó đã bị hư hoại, và để tái lập nó đã cần phải có hy tế của Con Một Thiên Chúa. Từ ơn tình yêu vô biên là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đã nảy sinh ra cho toàn nhân loại như là một thác ơn thánh vô biên, việc đổ tràn đầy Thánh Thần. Ai dìm mình với đức tin trong mầu nhiệm tái sinh ấy thì được sinh lại vào cuộc sống tràn đầy là con cái Thiên Chúa.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Thầy sẽ không để các con mồ côi”. Hôm nay, lễ Ngũ Tuần, các lời này của Chúa Giêsu cũng khiến cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện hiền mẫu của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly. Mẹ Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn các môn đệ tụ họp cầu nguyện: Mẹ là ký ức sống động của Con và là lờì khẩn nài sống động của Thánh Thần. Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Một cách đặc biệt chúng ta hãy phó thác cho lời bầu cử cuả Mẹ tất cả các kitô hữu, các gia đình và các cộng đoàn trong lúc này đây đang cần đến sức mạnh của Thần Khí Ủi An, Bảo Vệ. Thần Khí của sự thật, tự do và hoà bình.

Thần Khí, như thánh Phaolô khẳng định một lần nữa, khiến cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô: “Nếu ai không có Thần Khí của Chúa Kitô thì không thuộc về Ngài” (Rm 8,9). Và khi củng cố tương quan tuỳ thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta, Thần Khí làm cho chúng ta bước vào một năng động huynh đệ mới. Qua Người Anh đại đồng là Chúa Giêsu, chúng ta có thể tương quan với các người khác một cách mới mẻ, không phải như những kẻ mồ côi nữa, nhưng như là con cái của cùng một Cha nhân lành và thương xót. Và điều này thay đổi mọi sư! Chúng ta có thể nhìn nhau như anh em và các khác biệt của chúng ta chỉ gia tăng niềm vui và sự tuyệt diệu thuộc về một chức làm cha và tình huynh đệ duy nhất.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN