Home / Giáo Dục Kito Giáo / Thách đố của đời sống hôn nhân

Thách đố của đời sống hôn nhân

 

PHI LỘ – Saint Exupéry định nghĩa: “Yêu nhau không là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng”. Động thái “cùng nhìn” và định rõ một “hướng” rất quan trọng, không chỉ trong hôn nhân mà còn trong các lĩnh vực khác nữa. Nhưng “cùng nhìn về một hướng” là một thách đố, một vấn nạn, một việc khó thực hiện, nó xuất phát từ chính bạn. Vậy làm sao có thể vượt “rào cản” để chân thành và tự nguyện đến với nhau, cùng xây dựng một gia đình mới, cùng ăn đời ở kiếp? Ca dao đơn giản mà thâm thúy: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Hãy cùng nhau “kê” cho đúng Tôn Ý của Thiên Chúa!

     h1Hôn nhân không chỉ là tiếp nối thời gian tìm hiểu mà đúng hơn là khởi đầu của đời sống lứa đôi. Bước vào đời sống hôn nhân là bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới với nhiều thay đổi mà đương sự khó thể lường trước cho dù là đã được khai tâm và chuẩn bị tinh thần đối phó. Vì thế, để chấp nhận và thích nghi với cuộc sống mới từ thói quen sở thích đến cách ăn nói xử sự, sinh hoạt, tổ chức cuộc sống hằng ngày, mỗi người phải từ bỏ những thói quen cũ hay nói đúng hơn là bỏ đi con người cũ, cái tôi của mình. Chính vì chưa được chuẩn bị tinh thần, chưa đủ trưởng thành và chín chắn, nhiều người bước vào đời sống hôn nhân hoàn toàn với con người cũ, với chiếc áo cũ xưa của thời độc thân giống như thể người đi dự tiệc cưới mà không mặc trang phục lễ cưới.

     Vì thế thất bại là chuyện dễ hiểu, nhất là đối với những cậu ấm cô tiên, quá quen được cha mẹ chìu chuộng, quá quen với cuộc sống tiện nghi dễ dãi. Họ chưa được chuẩn bị và rất khó chuẩn bị để chấp nhận thích nghi với cuộc sống mới vì thói quen cũ đã bám rễ sâu vào con người họ. Càng nguy hiểm hơn nếu như thói quen lại hình thành nơi họ một nếp nghĩ, một quan niệm sống vì điều này càng khó thay đổi, làm cho việc thích ứng với cuộc sống mới trở nên vô cùng nặng nề đối với bản thân họ.

  1. Những thay đổi phát sinh trong đời sống lứa đôi:

     Sống đời lứa đôi là sống đời sống chung: chung cha chung mẹ, chung anh chung em, chung nhà chung cửa, chung ăn chung chi, chung mâm chung giường… và nhiều chung đụng khác nữa. Ta chỉ đơn cử hai vấn đề tiêu biều sau:

   1.1. Nội trợ: nhiệm vụ bất khả kháng đối với bạn gái

     Nấu nướng, rửa chén, giặt giũ,… Là bổn phận hằng ngày gắn liền với người phụ nữ. Dù có đi làm, thu nhập cao có thể thuê người giúp việc thì trước tiên bạn gái vẫn phải là người biết làm những công việc này. Không có người đàn ông nào lại không ước ao vợ mình là một người giỏi nội trợ, giữ nhà cửa sạch sẽ tươm tất, nấu ăn ngon, biết chăm sóc con cái đàng hoàng.

     Nhiều chị em phụ nữ do lúc còn độc thân được bố mẹ cưng chìu giành làm hết nên đến khi lập gia đình, không quen, vụng về, mọi sự trở nên khó khăn vất vả, nhất là khi người chồng có óc gia trưởng phong kiến không chia sẻ và cảm thông.

   1.2. Đưa tiền cho vợ quản lý: một thách thức đối với bạn trai

     Khác với những ngày còn độc thân, bây giờ các bạn trai phải đóng góp các khoản chi tiêu chung với vợ mình, phải bàn bạc trước khi chi tiêu, thậm chí còn phải trao cả “gia tài” của bạn cho vợ quản lý theo lẽ thường không còn thoải mái vung tiền qua cửa sổ, tiêu xài tùy hứng, xả láng với bạn bè, chơi đẹp với em út như trước đây… Điều này không dễ dàng chút nào đối với bạn nam, thậm chí đôi khi còn là một thách thức quá lớn lao không thể vượt qua, nhất là đối với các cậu ấm quen xài tiền như nước, hoặc chắt chiu tiền bạc khi còn độc thân. Do đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

     Vì thế, tốt nhất dù là của chồng công vợ hay thế nào đi chăng nữa cũng nên rõ ràng công khai chuyện tài chánh và thống nhât chuyện quản lý để tránh sự hiểu lầm, ngờ vực đáng tiếc giữa vợ chồng.

     Trên đây chỉ là hai ví dụ tiêu biểu về sự khó khăn gặp phải khi bước vào cuộc sống lứa đôi. Trong thực tế người ta còn phải đương đầu với biết bao vấn đề khác nữa.

     Thích nghi là quy luật sống còn. Chính vì thế, trước khi bước vào cuộc sống lứa đôi, ta phải hạ màn với những thói quen, lối nghĩ, nếp cũ của mình. “Hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới”. “Rượu mới phải để vào bình da mới”.

     Muốn mặc chiếc áo mới, mặc lấy con người mới thì trước tiên phải cởi bỏ chiếc áo cũ, chết đi với con người trước đây của mình cũng như nghi thức vĩnh khấn của những đan tu diễn tả vậy.

  1. Chấp nhận tha tính (chấp nhận vợ mình/chồng mình)

     “Hỏa ngục là kẻ khác” J.P.Sartre phải chăng đã có lý khi nói như thế?

     Có ai trong chúng ta khi phải lòng người nào đó lại nói với người đó: Anh là hỏa ngục của em hay Em là hỏa ngục của anh không? Không bao giờ. Vậy bắt đầu từ khi nào người ta mới nghĩ về vợ/chồng của mình như thế? Mỗi người trong chúng ta, những người đã lập gia đình có thể trả lời. Trước hôn nhân, có ai lại nói với người mình yêu: Anh chấp nhận em. Em chấp nhận anh. Mà chỉ nghe Anh yêu em, Em yêu anh mà thôi. Nhưng sau khi lấy nhau với năm tháng dài dẳng, động từ yêu chuyển sang động từ chấp nhận, thâm chí là động từ ghét, thù, hận…

     Chẳng khác nào chuyện của ông bà Adam Eva. Kinh Thánh nói rằng dù Adam có muôn thú xung quanh, nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, phòng không chiếc bóng, nhìn lui nhìn tới thấy không có gì thực sự đáp lại mong mỏi của mình: người trợ tá tương xứng. Đến khi Chúa rút từ xương sườn của ông tạo nên Eva, Adam mừng rỡ reo lên “Ôi phen này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nhưng niềm vui có được người bạn đời tương xứng chẳng kéo dài bao lâu, cũng chính Adam sau đó lại hận Eva đổ tội cho Eva: Chính người đàn bà này đã xúi giục tôi… Tại sao cũng cái người đó, trước đây tôi lại yêu giống như bản thân mình, bây giờ lại phải đành chấp nhận như một ai đó khác với mình?

   Tha tính chỉ thể hiện rõ sau hôn nhân

     Ai cũng biết rằng lúc đầu mới gặp nhau do sức hút mạnh mẽ, người ta chỉ thấy cái hay cái đẹp của nhau. Hơn nữa, ai cũng chỉ thể hiện cái hay cái đẹp, làm mọi sự để chìu người kia. Sự khác biệt vẫn luôn tồn tại nhưng chưa được thể hiện mà thôi. Nói nôm người ta chưa thực sự thể hiện bản thân mình mà chỉ muốn chìu chuộng làm hài lòng người yêu mà thôi. Cho đến khi sống thành vợ thành chồng, người ta dần dần thể hiện con người thật của mình. Người ta dần dần hiện nguyên hình. Và lúc bấy giờ người ta mới khám phá ra tha tính của người bạn đời với những khác biệt với bản thân mình.

   Không chấp nhận tha tính là không chấp nhận chính mình!

Không ai có thể sống cô đơn. Đó là kinh nghiệm của Adam. Ai cũng cần đến người khác. Con người được tạo ra để sống với. Tôi chỉ là tôi vì có ai đó khác với tôi. Nếu ai cũng giống tôi thì tôi đâu còn là tôi nữa. Vì thế không chấp nhận kẻ khác cũng có nghĩa là không chấp nhận chính bản thân mình. Không tôn trọng kẻ khác cũng là không tôn trọng chính bản thân mình. Không nhìn nhận tha tính cũng có nghĩa là không nhìn nhận Thiện Chúa, Đấng tạo nên những khác biệt.

Vì thế thay vì nhìn kẻ khác như là đồng loại, được tạo ra để làm phong phú hóa chính bản thân mình, bổ túc cho mình,

Chính vì tội lỗi làm cho con người trở thành ích kỷ, không nhìn nhận kẻ khác. Người ta chỉ nghĩ đến bản thân mình. Chính vì thế, người ta bảo khi có hai người trở lên sống với nhau là phải có luật lệ.

“Cái tôi thật đáng ghét” (Pascal). Ta thử hình dung một cuộc sống hôn nhân mà cả hai vợ chồng đều khư khư bám lấy cái tôi của mình, thì mầm mống của chia tay đã hiện hữu ngay từ đầu, chỉ còn là chuyện thời gian mà thôi. Đúng như thế cái tôi là nguyên nhân sâu xa của mọi xào xáo, bất hòa, chia rẽ, rạn nức và thậm chí có thể hủy hoại cuộc sống lứa đôi. Nhưng có nhiều người bảo rằng cái tôi của người khác mới đáng ghét còn cái tôi của mình thật đáng thương. Người ta lầm tưởng khi nghĩ rằng người khác là nguyên do của tất cả những nổi khổ đau, buồn phiền, thiệt thòi của bản thân nhưng quên rằng chính cái tôi của mình mới thực sự làm khổ mình.

Ta thường không công bang, xử sự bất công với người khác. Tại sao ta lại bắt kẻ khác chiều theo cái tôi của mình trong khi mình không chiều cái tôi của người khác.

Nhưng nói cho cùng, chỉ cần một trong hai khư khư bám lấy cái tôi của mình thì cuộc sống chung sẽ không bao giờ có niềm vui, hạnh phúc và sự hài hòa đích thực. Huống gì là cả hai.

Cuộc sống chung sẽ đẹp hơn nhiều khi người ta biết lại trừ cái tôi và thay vào đó là cái chúng ta

Chấp nhận tha tính, tôn trọng kẻ khác với những khác biệt là quy luật của đời sống xã hội, đặc biệt của đời sống hôn nhân, nhưng mãi mãi là một thách thức đối với mọi cặp vợ chồng, là thước đo của sự trưởng thành .

  1. Bận tâm lo âu về cuộc sống

Sống trên đời này chẳng được bao lâu. Lo nghĩ nhiều, tận hưởng chẳng bao nhiêu. Cuộc sống vốn đã có nhiều lo toan nhưng khổ nhất là cái bệnh hay lo. Có người đêm ngáy vo vo, có người thì cứ lo âu đêm ngày…

Có những người đánh mất cả cuộc sống vì lo âu, phập phồng: Hồi nhỏ thì lo cha mẹ bỏ đói. Đi học thì lo thi rớt. Học xong lại lo thất nghiệp. Có việc lại lo bệnh tật. Chưa chồng thì sợ hổng có. Có rồi lại sợ chồng ngoại tình trăng hoa, sợ hổng có con, sợ mất chồng…

Ngồi ăn nhà hàng mà chẳng thấy ngon vì đầu óc lo toan công việc còn dang dỡ. Đang làm việc thì lại chia trí bởi lo âu sợ chồng hẹn hò với ai đó. Lên giường nhắm mắt mà cái đầu lại nghĩ đến núi công việc chờ mình ngày mai. Thậm chí lúc ái ân cũng lo: lo dính thai, lo mất hứng, lo không thỏa mãn hay không được thỏa mãn…

Chẳng phải Chúa đã khuyên sao: “Hãy xem hoa huệ ngoài đồng…Hãy xem chim trời…”

Nhưng Chúa nói thì kệ Chúa, tôi lo thì tôi cứ lo.

Thật ra, Chúa đâu có bảo mình sống như cây cỏ, muôn thú. Nhưng Chúa bảo mình tin tưởng phó thác vào sự quan phòng yêu thương của Ngài.

Ta cần phải lo toan chứ không lo âu bởi “ngày nào đều có cái lo của ngày nấy”.

Lo toan hợp lý là đề phòng, sắp xếp, chuẩn bị tốt mọi sự, là làm mọi sự trong khả năng Chúa ban cho mình. Còn lại để Chúa định đoạt “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Chúa cho cây mọc lên”.

“Con bận tâm bối rối về quá nhiều chuyện. Chỉ có một điều cần thiết mà thôi”

Anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài cuộc sống của mình thêm được một gang tấc không?…Cả đến tóc trên đầu anh em cũng đã được đếm rồi

Lời lãi cả và thế gian mà mất sự sống (linh hồn) mình thì được ích gì?”

Chính vì thiếu suy nghĩ, thiếu đức tin mà con người lo lắng những chuyện đâu đâu phí công vô ích, làm hại sức khỏe của mình và ảnh hưởng đến bầu khí chung của đời sống vợ chồng, đời sống gia đình.

“Hãy đến với tôi, tất cả những ai vất vả, mang gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Vậy thái độ cần có là:

– Làm những gì mình có thể làm trong khả năng cho phép.

– Chuẩn bị dự phòng trước những gì có thể.

– Chia sẽ với bạn đời mình về những lo lắng bận tâm.

– Chiêm ngắm thiên nhiên, sống với thiên nhiên là một phương thuốc hiệu quả cho những lo âu bận tâm.

– Đến với Chúa, cầu nguyện với lòng tin tưởng phó thác, trao gánh nặng nề cho Chúa để ngài biến nên gánh nhẹ nhàng là phương thuốc thần kỳ.

  1. Áp lực và căng thẳng do công việc và cuộc sống xã hội.

Cuộc sống ngày càng vội vã, chạy theo lợi nhuận, nhịp độ làm việc ngày càng cao ngày càng tạo ra những áp lực và cẳng thẳng đối với cá nhân, và gia đình.

Stress ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần của mỗi người. Không những vậy, stress còn là kẻ thù thầm lặng gặm nhắm tương quan tình cảm vợ chồng. Nó có sức “huỷ diệt” thầm lặng đời sống chăn gối vợ chồng. Stress ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp trong đời sống vợ chồng đến 40% Stress bào mòn mối quan hệ thân mật một cách tinh vi đến nổi vợ chồng không để ý.

Để có được trạng thái thoả mãn trong đời sống vợ chồng cần sự tổng hoà rất nhiều yếu tố. Trong đó, ham muốn bạn đời được coi là yếu tố mang tính quyết định. Tuy nhiên, với sự len lỏi của “kẻ thù thầm lặng” mang tên stress, ham muốn tình dục ở cả vợ và chồng đều có nguy cơ tụt dốc thảm hại.

Đối với phụ nữ, áp lực con cái và một núi các công việc không tên khác là yếu tố gây stress. Thậm chí, nỗi lo toan tiền bạc, con cái, sức khoẻ…đôi khi còn trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí họ. Không thể đạt trạng thái thăng bằng thoải mái về tâm lý, nữ giới thường rơi vào trầm cảm và trở nên lãnh cảm trong chuyện chiều chồng.

Nhiều bạn gái muốn chiều chồng, gần gũi chồng  nhưng do cơ thể đã quá mỏi mệt, họ chẳng còn sức khỏe và hứng thú để nghĩ đến chuyện ấy. Mức độ trầm trọng hơn, nhiều phụ nữ mất hẳn hứng thú với “chuyện ấy”, không còn ham muốn, không thể hưng phấn, “cô bé” của chị em không sẵn sàng tiếp nhận chồng. Hệ quả là quá trình giao hợp rất khó khăn, cảm xúc đau, rát xảy ra. Trạng thái này đối với nhiều chị em lại càng tăng thêm mức độ trầm trọng của stress do cảm xúc tự ti, chưa làm tròn nghĩa vụ của người vợ.

Đối với nam giới, chức năng tình dục cũng không tránh khỏi tác động mạnh của tình trạng stress. Giống phụ nữ, khi stress, ham muốn bạn đời của nam giới cũng bị ức chế, suy giảm. Chức năng tình dục vì thế bị rối loạn. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến nơi những người có cường độ làm việc căng thẳng và thường xuyên lo lắng, mất ngủ. tress thường gây ra sự rối loạn khả năng cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn. và chính tình trạng rối loạn cương dương lại làm tăng thêm mức độ stress.

Nghiên cứu cho thấy có đến 29% nam giới bị rối loạn cương dương do stress, phổ biến là đàn ông tuổi 35-49 tuổi đã lập gia đình, lao động trí óc thường xuyên và giữ trọng trách lớn trong công việc. Những rối loạn này không phụ thuộc vào lứa tuổi mà phụ thuộc vào bản thân mỗi người và khả năng kiểm soát stress của họ. Trạng thái mạnh yếu về tâm lý của từng người quyết định thời gian bị rối loạn cương dương ngắn hay dài.

Một hệ luỵ nữa của chứng rối loạn cương dương do stress là chuyện yêu đương không thoả mãn gây tâm lý nặng nề. Đa số nam giới đều có cảm xúc xấu hổ, vô tích sự, nghi ngờ về “bản lĩnh đàn ông” của chính mình.

Stress có thể tạo mặc cảm và gây trầm cảm. Trạng thái tâm lý này làm stress tăng cao, lâu dần làm thay đổi tính cách của họ.  90% nam giới bị rối loạn chức năng cương dương có biểu hiện trầm cảm. Trầm cảm và rối loạn cương dương tạo ra một vòng luẩn quẩn tồi tệ nhất đối với nam giới. Từ đó, đời sống vợ chồng đã không thể thoả mãn chuyện “yêu” lại thêm bất đồng do không thể thông cảm, thấu hiểu nhau hoặc do không thích nghi được với sự thay đổi tâm lý của đối tác dẫn đến nguy cơ tan vỡ hạnh phúc.

Thật ra, có nhiều nguyên nhân gây stress, Nhưng thông thường xảy ra khi: có con lần đầu; công việc hay công tác nặng nề; quá sức gấp rút; thiếu ngủ; bắt đầu sự nghiệp; tài chính bất ổn; thay đổi chổ ở do công việc; mất việc hay công việc không ổn định; giờ làm việc thất thường hay việc làm ngoài giờ; bất đồng trong giáo tiếp, hay gặp khó khăn trong quan hệ vợ chồng; gặp khó khăn trong việc giáo tiếp và giáo dục con cái.

Để ứng phó với kẻ thù thầm lặng này, cả hai cần phải lượng sức mình, tổ chức công việc và cuộc sống cho thật hợp lý, đối thoại chân thành, cùng nhau tìm hiểu phân tích nguyên nhân để giải quyết tận gốc nguyên nhân gây stress hoặc có cách thức phòng tránh cơ thể rơi vào trạng thái này.

– Cần phải giảm tải áp lực công việc, tránh lo âu, xua đuổi những suy nghĩ tiêu cực đến trong đầu mình, suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, quan tâm hơn đến chăm sóc sức khoẻ bản thân và vẻ đẹp cơ thể, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, và giải trí lành mạnh, tập luyện một môn thể thao ưa thích hoặc tìm một thú vui khác để tăng hưng phấn, dần đạt trạng thái thăng bằng trong tâm lý, tập thiền , yoga, ưu tiên sống siêu thoát, sống gần thiên nhiên.

– Cần phải tự điều chỉnh cuộc sống của bản thân mình, tổ chức lại cuộc sống chung.

Nếu cần, phải sử dụng thuốc hay trị liệu tâm lý. Dùng thuốc trị rối loạn cương dương là biện pháp khá hiệu quả trong việc phục hồi đời sống vợ chồng. Nhưng phương thuốc quan trọng hơn hết đối với cả hai là sự cảm thông, nâng đỡ tinh thần, tình cảm từ người bạn đời.

Điều quan trọng nhất là sự khôn ngoan, điều độ trong mọi sự, quan tâm chia sẻ, nâng đỡ và cảm thông với bạn đời, và cầu nguyện phó thác mọi sự trong tay Chúa.

  1. Sự xuất hiện của con cái

Ai cũng biết rằng một gia đình bình thường, đúng nghĩa bao gồm vợ chồng và con cái. Con cái là kết quả, bằng chứng tình yêu rõ ràng nhất giữa cha và mẹ, xuất phát từ ý định của Thiên Chúa, hợp với quy luật tự nhiên.

Đương nhiên vì sự bất toàn của thiên nhiên và con người có những gia đình không có con cái. Nhưng sẽ là một bất thường nếu có một cặp vợ chồng nào từ khi lập gia đình quyết định là không sinh con vì điều đó đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên, của tao hóa, của Thiên Chúa được thể hiện trong ý định tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ đâu, trong ý nghĩa phong nhiêu của tình yêu, và trong chính cơ chế tâm sinh lý của con người.

Con cái là nguồn vui hay gánh nặng? Người ta bảo con cái là nguồn vui, là sự sống của gia đình. Nhà nào có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ nhà đó có sự sống hiện diện.

Tuy nhiên xét về một khía cạnh nào đó, con cái cũng là một cái gánh (nặng hay nhẹ còn tùy, là cục nợ, một nổi bận tâm lo lắng của gia đình.

Thật éo le nếu con cái ra đời vào lúc nó không được chờ đợi (vì vỡ kế hoặch) vào lúc tài chánh eo hẹp, công việc nhà ở chưa ổn định, quan hệ vợ chồng đang lục đục.

Chưa nói đến thể trạng, và sức khỏe của con cái. Con cái sinh ra có bình thường không, thân hình thế nào, sức khỏe ra sao… Biết bao vấn đề có thể tác động đến đôi vợ chồng nhất là khi đôi vợ chồng còn son trẻ, chưa trưởng thành, chưa được chuẩn bị để đón nhận, dưỡng dục con cái.

Và chính vì thế sự ra đời của con cái có thể mang lại niềm vui, hãnh diện, hạnh phúc nhưng cũng có khi là nổi sầu muộn, sự tủi hổ, và những mối căng thẳng cho gia đình. Đó là chưa nói đến những nổi vất vã lo lắng mà con cái đem lại cho cha mẹ: những tiếng khóc thâu đêm, bệnh tật triền miên, tính tình ngang bướng…

Con cái chia sẽ tình cảm vợ chồng?

Hai vợ chồng quen dành thời giờ, quan tâm chăm sóc cho nhau lúc chưa có con cái giờ đây có thể hụt hẫng vì con cái xen vào giữa cha mẹ nó, dành lấy phần lớn thời gian, quan tâm chú ý và chăm sóc mà hai vợ chồng dành cho nhau.

Dù muốn hay không, sự xuất hiện của con cái tạo nên sự chuyển hướng quan tâm chú ý. Gia đình bây giờ không phải là hai như trước đây: chỉ có vợ với chồng mà là ba: cha mẹ và con.

Đây là bước ngoặc mới trong đời sống vợ chồng có thể sẽ gây ra ít nhiều xáo trộn, thay đổi và đôi khi  còn gây bất đồng hụt hẫng.

Phải chăng vấn đề chính là con cái?

Dĩ nhiên có con là thêm một mối bận tâm lo lắng, thêm một đối tương phải quan tâm chăm sóc. Nhưng phải chăng con cái là thủ phạm gây ra bất đồng, chia rẽ, hụt hẫng cho vợ chồng?

Thật ra, con cái là bằng chứng, là hoa trái của tình yêu vợ chồng, là nền tảng, mối dây liên kết và hiệp nhất của vợ chồng vì nơi con cái, người ta tìm được mẫu số chung giữa hai người, không còn là tôianh/em mà là chúng ta.

Theo lẽ thường người ta phải nói là con của chúng mình, của chúng ta, chứ không ai bảo con của tôi, con của ông/bà trừ vì lý do ích kỷ, đố kỵ hay nghi ngờ.

Điều quan trọng là xử thế

Con cái chỉ là duyên cớ gây ra vấn đề khi người ta yêu theo kiểu ích kỷ, vị kỷ, khi người ta xử sự theo cảm tính và đam mê chứ không theo lý trí sáng suốt và khôn ngoan.

Cần phải phân biệt rạch ròi giữa tình yêu vơ chồng và tình yêu phụ tử/ mẫu tử. Tất cả tùy thuộc vào việc xử sự khôn khéo và tế nhị của hai vợ chồng làm sao cho người bạn đời mình thấy con cái ra đời không phải để chia cắt tình cảm của cha mẹ mà là vun đắp và tạo thêm sự ấm cúng cho gia đình.

  1. Cảm giác thu hút mất dần

Thông thường, người ta đến với nhau bằng cảm giác thu hút của sự phải lòng, trở nên khắng khít và trở nên vợ chồng sinh con đẻ cái cũng cảm giác thu hút.

Vậy mà …cảm xúc đến rồi đi, đi rồi đến, và có khí lại biến mất luôn.

Phải chăng cảm giác thu hút mất đồng nghĩa với tình yêu đã cạn, đã hết, đã chết?

Yêu người, hay yêu cảm xúc?

Rất thường yêu một ai đó, là yêu cái cảm xúc mà người ấy mang lại cho mình, nghĩa là yêu cái cảm xúc yêu và được yêu. chứ không hẳn yêu chính con người đó tuy người ta vẫn bảo “I love you”. Và như thế yêu một người nào đó cũng chẳng khác nào yêu thích một đóa hoa.Ta nuôi dưởng, chăm sóc nó không phải vì chính nó và vì chính mình, để thụ hưởng khoái cảm mà nó mang lại cho ta qua thị giác và khứu giác.

Cảm xúc, thật mà không thật

Nhưng tiếc thay có hoa nào mà lại không mất hương, úa sắc, héo tàn với thời gian. Có ai lại đi giữ lại một đóa hoa héo tàn, mất hương hết sắc chưa nói là thối rữa? Như thế nó chỉ có giá trị bao lâu nó còn có khả năng mang lại cho ta khoái cảm mà thôi.

Kinh nghiệm cho ta thấy cảm xúc không có thực nghĩa là lúc thế này lúc thế khác và không thể kéo dài lâu. Cho nên tình yêu theo cảm xúc sẽ chết rất mau khi cảm xúc không còn hay thay đổi.

Cảm xúc dẫn đến tình yêu nhưng cũng có thể hủy diệt tình yêu

Cảm xúc là đòn bẩy nhưng cũng là cạm bẩy của tình yêu. Chính cảm xúc là điều làm cho bạn thưởng thức được sự ngọt ngào của tình yêu, và rơi vào cái bẩy tình.

Cảm xúc là kẻ thù nguy hiểm có thể hủy hoại tình yêu. Kích thích, thỏa mãn,nuôi dưỡng cảm xúc để thỏa mãn nó sẽ là tạo cơ hội cho nó lên ngôi. Và khi nó lên ngôi, nó sẽ biến ta trở thành nô lệ đáng thương của nó. Nó sẽ tự cho nó cái phép, cái quyền quyết định hạnh phúc và bất hạnh của ta dựa vào việc ta có thể đáp ứng được thỏa mãn của nó hay không. Và nếu không đạt được thỏa mãn theo yêu cầu, nó sẽ tạo ra nơi ta một sự hụt hẫng tương ứng với cái khoái cảm mà nó tạo nên cho ta trước đây.

Cảm xúc: thỏa mãn và hụt hẫng

Chạy theo việc tìm kiếm thỏa mãn cảm xúc không sớm thì muộn sẽ dẫn đến sự hủy hoại tâm hồn và thể xác. Vì nó sẽ làm cho ta rơi vào một tình trạng không bao giờ được thực sự thỏa mãn, không bao giờ đạt được khoái cảm trọn vẹn, sự viên mãn mà cứ rơi vào một chuổi bức xúc, thỏa mãn và hụt hẫng không ngừng. Bởi kinh nghiệm thực tế cho thấy cảm xúc không có thực nghĩa là lúc thế này lúc thế khác, biến hóa không ngừng và không thể kéo dài, không bền vững. Cho nên tình yêu theo cảm xúc sẽ chết rất mau khi cảm xúc không còn hay thay đổi.

Cảm xúc đến rồi đi!

Cảm giác thu hút ban đầu sẽ mất dần với năm tháng, nhanh hay chậm là tùy từng cặp, tùy mối tương quan giữa hai người và nghệ thuật yêu đương của họ và do ảnh hưởng của cuộc sống bên ngoài, thường chậm lắm cũng là sau năm năm.

Cảm giác thu hút mất càng sớm, nếu thu hút chỉ xuất phát từ thân xác, sự thu hút thuần tính xác thịt. Sự thu hút ban đầu càng mãnh liệt, và cường độ thỏa mãn khoái cảm càng nhiều lúc ban đầu thì nguy cơ hụt hẫng và mất đi cảm giác thu hút lại càng sớm và càng cao.

Mất cảm xúc, thử thách quá lớn!

Việc cảm giác thu hút mất dần là một thách thức vô cùng lớn đối với đời sống vợ chồng vì đa số sống dựa vào, chạy theo cảm xúc, yêu nhau bằng cảm xúc và dựa tình yêu của mình trên cảm xúc .

Và như thế cảm giác thu hút mất đi, đồng nghĩa với tình yêu đã cạn, tình yêu đã hết, tình yêu đã chết?

Chính đây là lúc hôn nhân bị đe dọa bởi nhàm chán, lãnh cảm, sa ngã, ăn chơi sa đọa, bất trung, ngoại tình, ông ăn chả bà ăn nem…

Thanh luyện tình yêu!

Vấn đề chỉ thực sự nguy hiểm đối với những ai sống theo cảm xúc, đặt nền tảng tình yêu của mình trên cảm giác thu hút.

Đây chính là lúc tình yêu được thử thách, thanh luyện để hoặc nó sẽ tàn rụi hoặc nó sẽ lớn lên, được nâng cấp, đạt một tầm cao mới, trở nên sâu sắc hơn.

Điều quan trọng là phải nhận thức đó là quy luật của đời sống hôn nhân, phải thực tế, bình thản chấp nhận, và khám phá những chiều kích sâu xa hơn của tình yêu chứ đừng hụt hẫng, kỳ vọng, hay mơ tưởng viễn vông hối tiếc quá khứ hay có những suy nghĩ sai lạc.

Cảm xúc chỉ là cửa dẫn đến cảm thông, tình yêu đích thực.

  1. Nhàm chán: Chuyện tình ngày đó nay còn đâu.

Mới ngày nào gặp nhau, quen nhau, phải lòng nhau, người ta cứ quấn quít mãi bên nhau, mong ước ở luôn bên nhau. Không gặp nhau một ngày dài bằng cả thế kỷ. Gặp nhau cả ngày chỉ như một phút giây. Mới gặp nhau đây lại muốn gặp nữa. Không gặp được thì nôn nóng mong ngóng. Gặp được rồi thì muốn thời gian đừng trôi. Gặp nhau bao lâu cũng không lấy làm đủ. Xa nhau một ngày ăn ngủ không ngon.

Nhàm chán quy luật của cuộc sống?

Chưa lấy được nhau thì nôn nóng muốn sớm lên xe hoa để không bao giờ phải xa nhau. Lấy nhau rồi, ngày nào cũng bên nhau, chung nhà, chung bàn, chung giường ngày nay qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ riết rồi chán. Từ khi còn bé, chưa có thì đòi, thì giành. Giành được chơi chẳng bao lâu thì quăng. Con người khi chưa có, thì mơ ước, mong đợi làm sao có được. Nhưng khi có rồi, thích chưa bao lâu lại thấy thường, rồi từ thường đến chán. Đó là quy luật của cuộc sống, là thân phân của con người. Thật nghịch lý!

Chưa lấy thì nôn, lấy rồi lại chán!

Khi đặt câu hỏi với các cô cậu sinh viên, học sinh… trong Câu lạc bộ tiền hôn nhân quận 5: “Theo các bạn, cuộc sống hôn nhân có buồn tẻ không”? Họ tròn mắt:”Ơ, sao lại buồn tẻ, còn gì sung sướng bằng luôn được sống bên cạnh người mình yêu”.

Thế nhưng các ông chồng, bà vợ hay lui tới các trung tâm tư vấn, lại than: “Ngày nào cũng đi làm về, trò chuyện vài câu, lặp lại các thói quen sinh hoạt hằng ngày, 1001 ngày yêu đương, sẽ đem lại 1000 ngày bớt mới mẻ hơn so với ngày đầu. Một ngày như mọi ngày” – cũ mèm. (Trường Sơn, Kiến thức gia đình, số 105, tr 18-19)  

Quen quá riết chán!

Người ta nói:”Tình yêu bị chết đi do sự nhàm chán vì người yêu bị chôn vùi bởi sự lãng quên”. Không nhàm chán sao được khi mà lúc nào cũng phải tiếp xúc với con người ấy, với tính tình ấy, với cách xử sự ấy và cuộc sống dần dần trở nên như cái máy.

Vợ chồng ăn ở với nhau quen quá riết rồi cũng có lúc cảm thấy nhàm chán, không ai có thể thoát được.

Vợ chồng cãi cọ lục đục suốt ngày thì mõi mệt nhưng nếu lúc nào cũng phẳng lặng lại có khi trở nên nhàm chán.

Phải chăng “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu”?

Đây là kinh nghiệm của nhà thơ ngụ ngôn Pháp, ông La Fontaine khi ông nói:

“Nơi bạn, tất cả đều tha thứ, bỏ qua.

Nơi tình nhân, tất cả đều hài lòng, hoàn hảo.

Nơi vợ chồng, tất cả đều nhàm chán, mệt mỏi.

Phải chăng ông Chamfort có lý khi ông nói: “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu”? Hay như người ta thường nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, tình hết vui khi vẹn câu thề”?

Nhàm chán, do đâu?

không còn gì để khám phá. Trong tình yêu có nhiều điều nghịch lý, ví dụ sự bí ẩn của đối tượng khiến người ta say mê, khao khát khám phá. Nhưng khi khám phá được rồi thì họ lại chán và do không tìm được cái mới nơi người bạn đời, người ta đi tìm cái mới ấy nơi người khác. Thật ra không bao giờ người ta có thể khám phá hết về một con người, nhưng do thành kiến.

phải thủy chung suốt đời với con người cũ rích không có gì thay đổi từ cách ăn mặc, đến lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xữ, thói quen sống, phản ứng, chưa nói đến những thói quen xấu thâm căn cố đế kéo dài năm nay đến năm nọ mà không có chút gì thay đổi.

Thiếu nghệ thuật

– Do tiếp xúc quá thường xuyên, gặp nhau quá thường xuyên.

– Do sự đơn điệu của cuộc sống vợ chồng với những sinh hoạt hằng ngày lặp đi lặp lại mỗi ngày như mọi ngày.

– Do không gian quá quen thuộc thiếu sự lãng mạn với những cách bài trí không có gì mới lạ.

– Do không biết nghệ thuật yêu đương: cường độ quan hệ quá nhiều, không có gì mới lạ, thiếu nhạy bén, tinh tế, cảm thông trong cách thức quan hệ vợ chồng.

Làm sao chống lại sự nhàm chán?

Nếu nhàm chán là do sự lặp đi lặp lại, sự đơn điệu, không có gì thay đổi, không có gì mới mẻ, thì để tránh hay chống lại sự nhàm chán thì phải tránh sự lặp đi lặp lại hay đúng ra lặp đi lặp lại theo một cách khác, là tạo nên những mới mẻ đổi thay, ví dụ về không gian xung quanh, cách bài trí phòng ốc, đặc biệt là không gian riêng của hai người, phòng ngủ, thay đổi thời khóa biểu sinh hoạt về thứ tự, thay đổi về hình thức bên ngoài, tóc tai, cách ăn mặc, trang điểm, nước hoa, thay đổi cách ăn nói, ứng xử, tạo nên những bất ngờ thú vị trong đời sống vợ chồng, về thời điểm, cách thức quan hệ ái ân…

Nhiều nhà tâm lý học khuyên cần “làm mới mình” để phòng chống lại sự nhàm chán trong hôn nhân.

Nhàm chán là thân phận con người

Nhưng dù có tạo nên những thay đổi, tạo nên những bất ngờ cũng khó có thể tranh khỏi sự nhàm chán vì đó là thân phận của con người. Thậm chí, ta có thể nói điều đó phản ánh ý muốn của Thiên Chúa, là cách thế để Thiên Chúa làm cho con người không thể dừng lại, hài lòng với bất kỳ tạo vật nào mà chỉ có thể tìm thấy sự no thỏa thực sự nơi Ngài, Đấng tạo dựng, mà thôi, theo cách nói hình nhân (anthropomorphique) của Kinh thánh Cựu ước, “Thiên Chúa hay ghen”.

Đó chính là kinh nghiệm của Augustino khi ngài tâm sự: “Linh hồn con mãi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Điều chính yếu là đừng ảo tưởng

Thường khi nói đến nhàm chán là người ta nghĩ ngay đến sự đơn điệu, lặp đi lặp lại, không thay đổi (routine), và người ta chỉ nghĩ đến việc tạo nên những thay đổi bên ngoài. Điều này cũng tốt thôi nhưng chưa đủ. Thật ra, trong đời sống vợ chồng để tránh sự nhàm chán, đều quan trọng nhất là phải thay đổi nội tâm.

Người ta nhàm chán vì người ta đến với vợ chồng như thể là đối tượng của sự thỏa mãn, chứ không phải là đối tượng của tình yêu, và vì người ta thần thánh hóa nhau. Nếu người ta nhận ra rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể lấp đầy khao khát của mình và biết nhìn người bạn đời mình không phải là đối tượng để thỏa mãn mà là đối tượng để yêu thương thì vấn đề đã được giải quyết.

  1. Nỗi cô đơn

Con người sinh ra vốn cô đơn. Đó là tình trạng nguyên thủy của con người và cũng là thân phận của con người. Khi Chúa tạo dựng nên Adam. Tuy sống giữa muôn thú, Adam vẫn cảm thấy cô đơn. Ăn ngủ chỉ có một mình. Đến khi Chúa rút từ xương sườn của Adam tạo thành Eva. Adam reo mừng hân hoan: “Phen này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, tưởng rằng từ nay sẽ hết cô đơn, có người ăn chung, ngủ chung, nhưng cuối cùng cô đơn vẫn hoàn cô đơn.

Sống một mình người ta cảm thấy cô đơn trống vắng. Tưởng rằng tìm người bầu bạn, chia sẻ, lấy vợ, lấy chồng sẽ hết cô đơn. Nhưng không phải vậy! Chẳng những cô đơn không hết mà còn tăng thêm.

Cùng xương cùng thịt mà khác con tim!

Cô đơn là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trong cuộc sống hiện đại: con người không còn thời gian dành cho nhau ngay trong chính gia đình do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật, hưởng thụ cá nhân, chạy theo lợi nhuận, thành tích, người ta không còn giờ để dành cho kẻ khác, ngay trong chính gia đình mình, không còn giờ để nói chuyện với vợ chồng con cái, và nếu có thì cũng rất hời hợt.

Hóa ra cô đơn không phải là vì sống một mình, độc thân mà ngay cả sống với người khác, có gia đình hẳn hoi. Cô đơn ngay trong chính gia đình mình, trong chính phòng ngủ của vợ chồng, ngay cả trong khi ái ân vì chỉ có mặt mà không hiện diện, có dục mà không có tình, rất gần mà lại rất xa. Người ta không được nhận ra, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ cảm thông bởi chính người bạn đời cùng một xương một thịt với mình nhưng lại không có cùng một con tim như mình.

Làm sao cho hết cô đơn?

Người đời có nhiều cách giải quyết nỗi cô đơn, từ những cách chính đáng (họp nhóm bạn bè, sinh hoạt câu lạc bộ, thăm viếng người thân bạn bè…) đến những cách hơi khác thường (nuôi chó, nuôi mèo làm bầu bạn…) và tiêu cực (rượu chè, cờ bạc, bia ôm, bồ bịch, tìm bạn tình mới để tâm sự…).

Điều chính yếu là phải tránh ảo tưởng nghĩ rằng có người nào đó có thể làm cho mình hết nỗi cô đơn tận căn thuộc quy luật tự nhiên cũng như sự nhàm chán. Chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy mà thôi. Ngoài ra cần ý thức rằng cô đơn là dấu hiệu cho ta thấy mình không thể sống một mình, tự mãn, mà luôn cần đến một ai đó. Vì thế khi cô đơn ta cần chia sẻ với những ai có khả năng lắng nghe và đồng thời tìm đến chia sẻ an ủi kẻ khác (consolate, nghĩa là trở nên cô đơn với họ) và đến với Chúa trong cầu nguyện.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …