Home / Chia Sẻ / ĐỌC SÁCH: Bao la Lòng Chúa xót thương

ĐỌC SÁCH: Bao la Lòng Chúa xót thương

DSC_0790Tựa của bài viết cũng chính là tên một Tác phẩm mới xuất bản của Linh Mục Giuse Tạ Huy Hoàng mà người viết hân hạnh được Tác giả gửi tặng nhân dịp cuối năm 2015 vừa rồi. Vừa là món qùa Tết Nguyên đán nhưng cũng đồng thời là quà tặng với lời cầu chúc nhân Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016 của Giáo hội Công Giáo toàn cầu. Xin được giới thiệu đến quí độc giả trong thời điểm chúng ta mừng kính Lòng Chúa Thương xót trong Chúa nhật thứ hai Phục sinh.

 Cuốn sách là tập hợp 42 bài viết Cha Giuse Tạ Huy Hoàng đã cho in trong Tập san LCTX của tổng Giáo phận hơn 3 năm qua. Theo tác giả “Trước thềm Năm Thánh đặc biệt kính Lòng Chúa Thương Xót(8/12/2015 – 20/11/2016), hy vọng rằng những bài tìm hiểu này sẽ góp phần giúp ta đi vào cảm nghiệm sâu đậm hơn về tình yêu xót thương (Merciful love)của Thiên Chúa là Cha nhân từ, để rồi Tông chiếu Dung nhan lòng xót thương(Vultus Misericordiae) sẽ dẫn ta đi loan báo Tin Mừng một cách mới mẻ, sử dụng” liều thuốc thương xót thay vì dùng những võ khí ngặt nghèo“ (T 89).

      Đây là cuốn sách nhằm mục đích giới thiệu hai tác phẩm: “Chuyển ngữ Thông điệp Thiên Chúa giàu Lòng Thương xót”  và “Tìm hiểu thông điệp Thiên Chúa giàu lòngThương xót” của Ủy Ban Giáo dân Hội đồng Giám Mục Việt Nam mà Linh Mục Giuse Tạ Huy Hoàng chủ biên. Là một chuyên gia về ngôn ngữ học, tác giả đã nghiên cứu về sự xuất hiện của những từ ngữ merciless, mercies, merciful, mercy với 01 lần xuất hiện từ merciless, 05 lần sử dụng từ mercies, 29 lần sử dụng từ merciful và 218 lần sử dụng từ mercy. Việc nghiên cứu sự xuất hiện của 253 lần sử dụng các từ nói trên thực sự góp phần giúp người đọc hiểu khá đầy đủ về nội dung của Thông điệp Lòng Chúa thương xót, nhất là những độc giả muốn hiểu sâu về cách diễn đạt bằng tiếng Việt phong phú, nguyên từ merciful có thể dịch thành tính từ: thương  xót, nhân từ, khoan dung, từ bi .. ..Với danh từ: những ai xót thương người, những ai nhân từ, những ai khoan dung, những ai từ bi. . . Đơn cử câu “Blessed are the merciful” được dịch là “Phúc ai xót thương người”, hay câu “The merciful. . . shall obtain mercy” được chuyển ngữ thành “Những ai xót thương người. . . sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

    Nội dung từng bài, Tác giả nêu nội dung cốt lõi của từng đoạn sẽ học hỏi trong phần Dẫn vào, trích dẫn nguyên văn đoạn trong thông điệp bằng ba ngôn ngữ:Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Việt để người đọc đối chiếu (APV). Sau đó Cha giải thích và bình luận về các đoạn trích, chú ý đến những từ ngữ nhấn mạnh đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và sau cùng đưa ra phần kết luận (Để Kết ) thực hành trong đời sống Đạo và cuộc sống trần thế.

     Với bố cục mỗi bài như thế, anh chị em trong Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót có thể tự mình học hỏi, hay các Ban Chấp hành các Cộng đoàn địa phương (Xứ, họ đạo) có thể trích dẫn từng bài, in sao chụp cho các thành viên vào từng buổi học. Nên chú ý phần Nội dung cốt lõi Cha trình bày trong phần dẫn nhập để nắm ý chính mỗi bài và cảm nhận riêng của tác giả sẽ soi sáng nhiều hơn trong phần trao đổi, tìm hiểu. Xin trích ra đây bài số 19 trang 192, mục dẫn vào:

 Lòng thương xót Chúa

 Từ đời này trải qua đời khác

Lòng người gian ác

Sẽ thẹn thùng. . . ngơ ngẩn . . . ngượng ngùng.

Ngài làm chuyển rung

Cả những ai cứng lòng chai đá.

Mật to gan cả

Những yêng hùng. . . khùng điên. . .dại khờ

Tình ai không nhớ

Chúa vẫn nhớ. . . nhớ hoài… nhớ mãi

Lòng Thương xót (của) Ngài

Vẫn trải rộng. . . trải mãi. . .trải hoài

Để bất cứ ai

Vào thời nào, lúc nào cũng biết.

Tình thương bất diệt

rất thiệt. . .Cha yêu con . . .con yêu.

Tình yêu thương bền bỉ không đổi thay cùa Thiên Chúa dành cho con người được diễn tả tuyệt vời trong Luca 1,50 : “Đời nọ tới  đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”  và nhất là”  dụ ngôn Người Cha nhân hậu”. Trong thời đại chúng ta hôm nay, để cho đúng tên hơn, đó sẽ là tình yêu xót thương( Merciful love, amour miséricodieux ) mà Đúc Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đề cập đến cách riêng trong thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng xót thương)”. (hết trích).

      Độc giả mới tiếp cận tưởng như một cuốn sách Thần học khó đọc, nhưng khi hiểu được tôn ý của Tác giả và bố cục của mỗi bài trong toàn bộ chương III (Từ trang 89- 338), sẽ dễ dàng đón nhận và bị cuốn hút tìm hiểu. Âu cũng là ý định của người viết ?

     Chương IV Tác giả dành riêng để chia sẻ  suy tư mục vụ về Phong trào Lòng Chúa Thương Xót hiên nay, tại Tổng Giáo Phận Thành Phố, rất thực tế và thiết thực cho các anh chị em đang hoạt động trong Cộng đoàn tại cấp Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận.

 Chương V: Tình Yêu xót thương trong cái nhìn đương đại, đề cập đến những sự kiện đã diễn ra viêc Đức Thánh Cha mở Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót, những chứng từ liên quan đến việc hình thành và phổ biến Phong Trào LCTX tại Việt Nam. Tác giả cũng đặt ra vấn đề: Việc hợp nhất các Cộng đoàn LCTX để hình thành Cộng đoàn LCTX LIÊN GIÁO PHẬN có cần thiết? Hợp nhất như thế nào?. Vấn đề thiết thực mang tầm “vĩ mô” cho các vị phụ trách và những gợi ý tìm câu trả lời. (từ trang 392-442).

 Chương VI: Vài điểm nhấn từ Thông điệp Lòng Chúa Thương xót. Tác giả đối chiếu Thông điệp dẫn đến Tông chiếu Dung nhan Lòng Xót Thương của Đức Thánh Cha Phanxicô minh chứng điều các vị Thánh Giáo Hoàng GioanPhaoLô II, Benedictô XVI và Phanxicô là một sự xuyên suốt, tính thống nhất cao rao Lòng xót thương của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót đang diễn ra.

      Ngoài ra sách còn có phần phụ lục: Gợi ý cho một Qui chế Hội Đồng Mục Vụ các Giáo xứ (Phụ trương 1), Những điểm phác thảo chính hướng đến một qui chế chung cho các Cộng đoàn LCTX (Phụ trương 2), Gợi ý cho Khóa Huấn luyện và nghi thức gia nhập tuyên hứa (cho các Công đoàn LCTX cơ sở).

     Cuốn BAO LA LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG TẬP I, khổ 14,5x 20,5 dày 567 trang, in trên giấy tốt, bìa màu rất đẹp của nhà xuất bản Tôn Giáo, xứng đáng là tài liệu học tập của từng cá nhân và cần có cho các Cộng đoàn LCTX từ Giáo xứ, Giáo hạt đến khắp các Giáo phận.

Fx Đỗ Công Minh

      

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN