Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14/04– 20/04/2016: Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14/04– 20/04/2016: Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

1. Một con người đã té xuống đất

“Khi một tâm hồn chai đá biết để mở ra với Thần Khí, Thiên Chúa sẽ luôn ban ơn sủng dồi dào và một phẩm giá được phục hồi. Điều này cần được diễn ra ngang qua sự khiêm nhường, tự hạ. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 15.04, tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta.” Bài đọc một hôm nay thuật lại cuộc hoán cải của Thánh Phao-lô.

“Có lòng nhiệt thành với những điều thánh thiêng thì không có nghĩa là sẽ có một con tim rộng mở với Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha đã minh họa điều này bằng gương của Sao-lô (Phao-lô), quê ở Tác-xô, một người đầy sốt sắng trong niềm tin tưởng và nghiêm chỉnh tuân giữ những quy tắc mà đức tin truyền dạy, nhưng lại có một con tim khép kín, hoàn toàn câm điếc trước Đức Kitô, thậm chí ông còn đồng ý tiêu diệt và bỏ tù những Kitô đang sống ở Đa-mát.

Sự khiêm nhường làm tan chảy con tim

“Ngay trên con đường thực hiện mục tiêu đã đặt ra, tất cả mọi sự đã đảo ngược so với dự định của Phao-lô. Cuộc hành trình trên con đường Đa-mát ấy đã trở thành khúc tình sử về một con người dám để cho Thiên Chúa biến đổi trái tim mình: Một luồng ánh sáng từ trới chiếu xuống bao phủ lấy Phao-lô. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông. Trong phút chốc, mắt ông hóa mù lòa, không còn thấy gì nữa. Một Phao-lô đầy mạnh mẽ và xác tín, giờ đây đã ngã xuống đất. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, ông thấu hiểu sự thật về mình: Ông đã không là một người như Thiên Chúa mong muốn, vì Thiên Chúa tạo dựng tất cả chúng ta là những con người hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất. Vì thế, tiếng nói bởi trời không chỉ tra vấn Phao-lô: ‘Tại sao ngươi bắt bớ ta?’ nhưng còn mời gọi ông đứng dậy.

‘Hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.’ Nhưng khi bắt đầu đứng dậy, Phao-lô nhận ra mình đã mù, không còn thấy gì cả. Ông để cho người ta dẫn ông đi. Và từ đó, con tim của ông bắt đầu mở ra. Như vậy, Phao-lô đã được những người bạn đồng hành cầm tay dẫn tới Đa-mát. Ông ở trong tình trạng mù lòa suốt ba ngày và cũng chẳng ăn, chẳng uống gì cả. Con người này đã bị té xuống đất và ngày lập tức nhận ra rằng cần phải chấp nhận sự nhục nhã, bẽ mặt này trong khiêm hạ. Như vậy, chính con đường tiến về Đa-mát ấy đã mở toang con tim của Phao-lô và giúp ông biết khiêm tốn hơn. Cũng thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta khiêm tốn và cho phép những nhục nhã, bẽ mặt xảy xa với chúng ta, chỉ với mục đích là giúp chúng ta trở nên ngoan ngoãn, giúp mở rộng con tim chúng ta ra với Đức Giêsu. Đó là một con tim đã hoán cải.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính

Con tim của Phao-lô đã tan chảy. Trong những ngày cô đơn và bị mù lòa ấy, cái nhìn nội tâm của Phao-lô đã biến đổi. Thiên Chúa sai Kha-na-ni-a đến đặt tay trên Phao-lô để cho mắt ông lại thấy được. Có một khía cạnh quan trọng trong tiến trình năng động này cần được để ý.

Chúng ta nhớ rằng nhân vật chính của câu chuyện không phải các thượng tế, kinh sư; cũng không phải Tê-pha-nô, cũng không phải Phi-líp-phê hay viên thái giám, và cũng không phải là Phao-lô… nhưng là chính Chúa Thánh Thần. Nhân vật chính trong Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hướng dẫn Đoàn Dân Chúa. Khi Kha-na-ni-a đặt tay trên Phao-lô, ngay lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Con tim chai đá của Phao-lô đã tan chảy và trở nên ngoan ngoãn trước Thần Khí.

Phẩm giá được phục hồi

Thật là đẹp khi chúng ta chiêm ngắm cách thức Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người, cho dù đó là những tâm hồn trai đá, ngang bướng, để trở nên mềm mại và ngoan ngoãn trước Thần Khí. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều có lòng chai dạ đá. Nếu ai trong anh chị em không có, xin vui lòng giơ tay lên xem. Ít nhiều, tất cả chúng ta đều có lòng chai đá. Bởi vậy, chúng ta hãy nài xin để được nhìn thấy những chai đá đó quật ngã chúng ta xuống đất. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng khiêm tốn xin ơn để đừng nằm mãi dưới đất nhưng biết đứng dậy, đứng dậy với phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo nên ta. Đó chính là ơn sủng của một con tim rộng mở và ngoan ngoãn trước Thần Khí.”

2. Hai loại bách hại

“Sự bách hại là lương thực hằng ngày của Giáo Hội.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 12 tháng Tư, tại Nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các Kitô hữu phải đối diện với hai loại bách hại. Loại thứ nhất, rõ ràng và dễ nhận thấy, là bách hại của các vị tử đạo, đã bị giết chết vì đức tin, giống như đã xảy ra với Thánh Tê-pha-nô, vị tử đảo tiên khởi, hay với các Thánh Anh Hài bị Hê-rô-đê sát hại. Ngày hôm nay cũng có rất nhiều Kitô hữu bị giết chết như thế, vì tin vào Đức Kitô. Loại thứ hai có vẻ lịch sự và ít bạo lực hơn, thường ẩn dưới lớp vỏ văn hóa, sự tiến bộ và tinh thần hiện đại. Nhiều Kitô hữu vẫn đang bị bách hại một cách ‘lịch sự’ như thế, vì muốn diễn tả giá trị cao cả của việc làm con Thiên Chúa.

Như vậy, vẫn còn tồn tại những cuộc bách hại đẫm máu: bị xé ra từng mảnh bởi một con dã thú để làm vui lòng khán giả đang ngồi xem trên đấu trường hay cho nổ tung một quả bom được gài sẵn ở lối ra nhà thờ. Nhưng cũng có những cuộc bách hại diễn ra cách lịch sự và có học thức dưới ‘tấm áo của văn hóa’: Họ sẽ giam lỏng bạn vào một góc tối của xã hội, đe dọa tước đi việc làm của bạn nếu bạn không tuân thủ luật lệ mà họ đặt ra là chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa.”

Các vị tử đạo của đời sống thường ngày

Khởi đi từ trình thuật về cuộc tử đạo của thánh Tê-pha-nô được mô tả trong sách Công vụ Tông Đồ, theo phụng vụ của ngày hôm nay, Đức Thánh Cha nhận thấy thực tế rằng kể từ hai ngàn năm nay các cuộc bách luôn xảy ra trong lịch sử đức tin Kitô giáo:

“Tôi muốn nói rằng bách hại là lương thực hằng ngày của Giáo Hội. Đức Giêsu cũng đã nói như thế. Khi làm một vòng tham quan Roma và đến Colosseo, chúng ta nghĩ tới các vị tử đạo đã bị những con sư tử hung hãn giết chết. Nhưng các vị tử đạo không chỉ có ở Colosseo và cũng không chỉ có vào thời điểm đó nhưng ngày hôm nay vẫn còn có các vị tử đạo. Mới ba tuần trước đây, những Kitô hữu đang cử hành lễ Phục Sinh với nhau ở Pakistan đã bị giết chết. Chắc chắn, họ được phúc tử đạo vì đang mừng mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Và như thế, Giáo Hội không ngừng bước đi với các vị tử đạo của mình.

Bách hại cách ‘lịch sự’

Cuộc tử đạo của Thánh Tê-pha-nô mở đầu cho một sự bách hại bài Kitô giáo rất khốc liệt ở Giê-ru-sa-lem. Điều ấy cũng tương tự với việc ngày hôm nay nhiều người không có tự do để tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Nhưng còn có một cuộc bách hại khác mà chúng ta ít khi nhắc đến. Đó là cuộc bách hại đội lốt văn hóa, được ngụy trang với vỏ bọc hiện đại và sự phát triển.

Tôi muốn nói cách mỉa mai rằng, đó là một cuộc bách hại có ‘giáo dục’. Cuộc bách hại ấy xảy ra không phải khi người ta tuyên xưng danh Đức Giêsu, nhưng là khi người ta muốn diễn tả giá trị của việc làm con cái Chúa. Đó là một cuộc bách hại chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nơi chính con người của những con cái Thiên Chúa. Nói cách dễ hiểu hơn, chúng ta nhận thấy rằng ngày nay, những cường quốc có quyền thiết định luật pháp để bắt buộc người khác phải đi trên con đường mà họ vạch ra. Khi một quốc gia không theo những luật pháp này, hay ít nhất không muốn có những luật pháp ấy trong hệ thống pháp luật của mình, ngay lập tức sẽ bị cô lập, bị cáo buộc và bị bách hại. Những bách hại đó tước mất đi sự tự do của con người, và ngay cả quyền chối từ của lương tâm.

Đây là sự bách hại của thế gian, tước mất tự do, trong khi Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để có thể làm chứng tá về Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên chúng ta và làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Cuộc bách hại ấy có một kẻ chủ mưu.

Đức Giêsu đã vạch mặt chỉ tên kẻ chủ mưu của loại bách hại có ‘giáo dục’ này, đó là tên thủ lĩnh thế gian. Những cường quốc muốn áp đặt những quan điểm, thái độ, luật lệ chống lại phẩm giá của con cái Thiên Chúa; bắt các tín hữu chống lại Đấng Hóa Công. Đây là cuộc chống đạo có quy mô lớn. Như thế đời sống của những Kitô hữu luôn có hai cuộc bách hại này. Nhưng Đức Giêsu đã hứa với chúng ta là sẽ không bỏ rơi chúng ta. ‘Anh em hãy cẩn thận. Đừng để rơi vào tinh thần thế gian. Hãy tỉnh thức luôn! Và hãy can đảm tiến về phía trước, vì Thầy luôn ở với các con.’”

3. Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó.

Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.

Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.

Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.

Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi”.

Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

4. Ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 14 tháng Tư, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Cần phải ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí, đừng chống lại Người.” Đức Thánh Cha cũng mạnh mẽ cảnh giác những ai biện minh tội chống lại Thần Khí với lý do là “phải trung thành với lề luật”.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Phi-líp-phê, một nhà truyền giáo, với viên thái giám, là quan chức cao cấp trong triều của nữ hoàng Canđakê, nước Êthiôpia; Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên những trang sách rất đẹp ấy và mời gọi mọi người biết sống ngoan ngùy trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đừng viện cớ là phải trung thành với lề luật để chống lại Thần Khí

Nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ, được trình bày nơi bài đọc một, không phải là ông Phi-líp-phê cũng không không là viên thái giám người Êthiôpia, nhưng là chính Chúa Thánh Thần. Và chính Thánh Thần đã giơ cánh tay uy quyền mà hành động. Chính Ngài đã làm cho Giáo Hội được nảy sinh và không ngừng triển nở. Trong quá khứ, Giáo Hội đã trưng dẫn cho chúng ta những hình ảnh minh họa về việc chống lại Thần Khí: những con tim chai đá và khép kín, ngu muội, ngăn cản Thánh Thần. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện như: Phê-rô và Gioan chữa lành cho người bại liệt nằm ở Cửa Đẹp Đền Thờ, những lời lẽ đầy tâm tình và những công việc vĩ đại mà Tê-pha-nô đã làm… Nhưng người ta vẫn đóng kín lòng mình trước những dấu chỉ này và chống lại Thần Khí. Họ tìm cách biện minh bằng cách lấy lý do là phải ‘trung thành với lề luật’, nói khác đi, là trung thành với từng con chữ của lề luật.

Hôm nay, Giáo Hội đề nghị chúng ta điều ngược lại: đừng chống lại Thần Khí, những hãy biết ngoan ngoãn và vâng nghe Người. Đó mới chính là thái độ đúng đắn của Kitô hữu. Ngoan ngoãn với Thần Khí và sự ngoan ngoãn này chính là thưa tiếng xin vâng để Thánh Thần có thể hoạt động và không ngừng xây dựng Giáo Hội. Phi-líp-phê, một trong số các Tông đồ, cũng bận rộn như bao giám mục khác và chắc chắn lúc đó, ông cũng đang vất vả với trăm công ngàn việc. Nhưng Thần Khí đã nói ông hãy bỏ lại những gì còn dang dở trong chương trình kế hoạch và đi tới Êthiôpia. Phi-líp-phê đã vâng lời. Trong cuộc gặp gỡ với viên thái giám, Phi-líp-phê đã giải thích Tin Mừng cũng như thông điệp cứu độ của Tin Mừng cho ông. Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong tâm hồn của người Êthiôpia này và ông đã biết mở lòng ra trước món quà đức tin quý giá. Sau đó, ông cảm thấy một điều gì đó thực sự mới mẻ trong tâm hồn mình. Cuối cùng, ông xin được rửa tội. Đó chính là sự ngoan ngoãn trước Thần Khí.

Ngoan ngoãn với Thần Khí mang lại cho chúng ta niềm vui

Hai con người, một là nhà truyền giáo và một là người chẳng hề biết gì về Đức Giêsu, nhưng Thần Khí đã gieo một sự tò mò tốt lành, một sự tò mò tốt lành chứ không phải tò mò nhiều chuyện. Cuối cùng, viên thái giám ấy đã bước đi trên con đường của mình với niềm vui, niềm vui của Thần Khí, khi biết ngoan ngoãn với Người.

Trong những ngày trước, chúng ta đã nghe điều mà người ta làm để chống lại Thần Khí, còn ngày hôm nay, chúng ta được xem một mẫu gương thật đẹp về hai con người đã ngoan ngoãn trước tiếng nói của Thánh Thần. Ngoan ngoãn với Thần Khí là nguồn mạch mọi hoan lạc. Tôi muốn làm điều này nhưng Thiên Chúa lại mời gọi tôi làm một điều khác; nhưng tôi sẽ tìm được niềm vui khi biết đáp trả lại lời mời gọi của Thần Khí.

Thánh Thần làm cho Giáo Hội không ngừng tiến về phía trước

Lời cầu nguyện đẹp là biết nài xin sự ngoan ngoãn. Chúng ta tìm thấy lời cầu nguyện ấy trong sách Samuen quyển thứ nhất, lời cầu nguyện của tư tế Ê-li dạy cho cậu bé Samuen trong đêm khuya khi cậu nghe thấy có tiếng người gọi: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.’

Đây là một lời cầu nguyện đẹp mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì con đang lắng tai nghe.’ Lời cầu nguyện xin ơn được ngoan ngoãn với Thần Khí và sự ngoan ngoãn này sẽ thúc đẩy Giáo Hội trở thành khí cụ của Thánh Thần. ‘Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.’ Chúng ta hãy cầu nguyện như thế và nhiều lần trong ngày: Khi chúng ta bối rối hoang mang, khi chúng ta nghi ngờ khó hiểu hay đơn giản là khi chúng ta muốn cầu nguyện. Và với lời cầu nguyện ấy, chúng ta xin ơn được ngoan ngoãn với Thần Khí.

5. Các thày thông luật đã đóng kín tâm hồn trước Lời Chúa và trước cuộc sống của tha nhân

Các thày thông luật kết án người khác đã chống lại Lời Thiên Chúa. Họ khép kín tâm hồn trước những lời loan báo của các ngôn sứ. Đối với họ, cuộc sống của tha nhân chẳng có gì đáng phải bận tâm, chỉ có khuôn khổ của lề luật và những phép tắc mới là điều quan trọng. Đây chính là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, ngày 11 tháng Tư, tại nguyện đường Thánh Marta.

Trọng tâm bài giảng được Đức Thánh Cha triển khai từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ, thuật lại việc các thày thông luật kết án ông Tê-pha-nô bằng những lời phỉ báng, vì họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Tâm hồn họ đã đóng kín trước chân lý của Thiên Chúa và chỉ bám lấy sự đúng sai theo lề luật. Nhưng khi chỉ biết đến sự chính xác của lề luật, của những con chữ, họ không tìm được lối đi nào khác ngoài sự dối trá, dựng lên chứng gian và giết chết người khác. Có lần, Đức Giêsu đã từng khiển trách họ bởi thái độ này, vì ‘cha ông họ đã giết các ngôn sứ’, còn chính họ lại là những người xây lăng cho các ngôn sứ ấy. Nhưng các thày thông luật, các tiến sĩ của chữ nghĩa này thật ra là những người hoài nghi hơn là đạo đức giả: ‘Nếu chúng tôi được sống vào thời cha ông chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ không làm việc đó.’ Và như thế, họ đã phủi sạch tay mình và tự xét mình là những người trong sạch. Nhưng tâm hồn họ lại đóng kín trước Lời Chúa, trước chân lý và trước sứ giả của Thiên Chúa, là những người thông truyền lời loan báo đến Dân Người.

Tôi cảm thấy đau buồn khi đọc một đoạn nhỏ trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thuật lại việc Giuđa hối hận, đến gặp các thượng tế và nói rằng: ‘Tôi đã phạm tội nộp người vô tội.’ Và Giuđa muốn trả lại tiền. Nhưng các thượng tế đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Trái tim họ đã thật sự khép kín trước người đàn ông đáng thương này. Giuđa đã ăn năn hối hận nhưng không biết phải làm gì để chuộc lỗi. Và điều mà anh nhận được là một câu nói lạnh nhạt: ‘Mặc xác anh!’ Giuđa đã ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. Các thượng tế đã làm gì khi Giuđa thắt cổ? Phải chăng họ đã nói: ‘Ôi, tôi nghiệp anh quá’? Không. Họ không tỏ ra thương xót nhưng ngay lập tức đề cập đến số bạc Giuđa đã bỏ lại: ‘Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.’… Theo luật thì chúng ta phải làm như thế này, như thế nọ, như thế kia…. Ôi, những vị tiến sĩ của chữ nghĩa!

Đối với các vị tiến sĩ ấy, mạng sống của một con người chẳng có nghĩa lý gì, sự ăn năn hối hận của Giuđa chẳng hề quan trọng. Điều duy nhất quan trọng với họ là khuôn khổ của lề luật, là những từ ngữ, chữ nghĩa và tất cả những gì mà họ đã xây đắp lên. Đây chính là sự chai cứng trong tâm hồn họ. Nhưng những người có con tim chai đá và mù tối ấy đã không thắng nổi chân lý mà Tê-pha-nô đang nói. Vì thế, họ tìm những nhân chứng giả để có thể kết án ông.

Kết cục của Tê-pha-nô cũng giống như bao vị ngôn sứ khác, và cũng giống như Đức Giêsu. Và đây cũng chính là điều không ngừng được lặp lại trong lịch sử của Giáo Hội. Lịch sử ấy nói với chúng ta về bao nhiêu người đã bị giết hại, bị kết án cho dẫu là hoàn toàn vô tội: bị kết án với lời của Thiên Chúa, vì bị cho rằng đã chống lại Lời Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến việc săn phù thủy hay nghĩ đến thánh Gioana thành Arc của nước Pháp, nghĩ đến rất nhiều người khác đã bị đưa lên dàn hỏa thiêu. Họ bị xử tử vì, theo các thẩm phán, không hành xử đúng với Lời Chúa. Gương của Đức Giêsu vẫn còn đó. Khi Ngài một mực trung tín và vâng phục Lời của Cha, Ngài đã phải chết treo nhục nhã trên thập giá. Với tất cả sự dịu dàng, từ tốn, Đức Giêsu đã nói với hai môn đệ trên đường Emmaus: ‘Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều các Ngôn Sứ đã nói!’ Phần chúng ta, ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy nài xin Thiên Chúa, với cùng một sự dịu dàng, từ tốn ấy, đoái xem đến những ngu muội lớn cũng như nhỏ trong tâm hồn chúng ta. Xin Chúa chăm nom, vỗ về chúng ta và nói với chúng ta rằng: ‘Ôi, kẻ khờ dại và chậm tin’ và sau đó, xin Chúa bắt đầu giải thích mọi sự cho chúng ta.”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN