Home / Tiêu Điểm / 7 Bài học Điều hành từ Đức Giáo hoàng Phanxicô

7 Bài học Điều hành từ Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Phanxicô

Một năm trước, Jorge Mario Bergoglio, một tu sỹ dòng Tên ở Nam Mỹ, đã có được công việc cho cả đời (và có người cho rằng, cho cả đời sau nữa). Ngài đã được bầu làm giáo hoàng.

Nhận danh hiệu Phanxicô, triều giáo hoàng của ngài ghi đậm dấu ấn khiêm nhượng, mạo hiểm và chất vấn sâu sắc về sứ mạng của Giáo hội trong thế giới. Ngài được lòng các tín hữu Công giáo và cả những người khác đạo.

Với trọng tâm là sự nghèo khổ, ngài thường hướng những bài giảng của mình về của cải và việc điều hành dòng vốn. Người ta cho rằng Đức Phanxicô chống lại cái gọi là “đồng tiền là vua” và bàn nhiều về mức độ lương thưởng trong một thế giới liên đới trách nhiệm.

Nhưng, dù thế, ngài đã thực sự cho chúng ta những hình mẫu tốt về phong cách lãnh đạo và điều hành để trở thành một nhà tư bản và lãnh đạo kinh doanh tốt lành theo kiểu cũ. Trong vòng một năm làm giáo hoàng, ngài đã có những hành động thực tiễn được xem tốt nhất dưới con mắt của các nhà điều hành kinh doanh. Và đây là bảy điểm trong đó.

1 – Ngài sống làm gương.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, có vẻ như từ nền tảng Dòng Tên, muốn một giáo hội nghiêm nhặt, chú trọng vào sự mộc mạc thay vì hoa mỹ. Ngài có câu nói nổi tiếng là “Ôi, tôi những ước mong một giáo hội nghèo khó, một giáo hội cho người nghèo.” Nghèo khổ là một chủ đề dai dẳng. Dù cả đời mình, Đức Phanxicô sống theo lời thề khó nghèo của một tu sỹ dòng Tên, nhưng không phải tu sỹ nào đã tuyên thề khó nghèo cũng sống gương mẫu được như vậy. Sau cùng, chỉ có hai điều mà Chúa cũng không biết. Có bao nhiêu dòng nữ tu, và dòng Phanxicô có bao nhiêu tiền.

Nhưng nghèo khổ, và làm việc vì những người nghèo nhất, là điều quá quan trọng đối với Đức Phanxicô và đối với Giáo hội, và với tư cách Giám mục Roma, ngài muốn sống làm gương cho mọi người. Ngài đã từ chối dọn đến sống ở căn hộ giáo hoàng xa hoa, và quyết định sống trong một cộng đoàn Vatican mở rộng hơn. Ngài tự lái xe, một chiếc Renault 4 phiên bản 1984. Buổi sáng sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài muốn làm thủ tục trả phòng và thanh toán hóa đơn khách sạn, và những người quản lý đã vô cùng ngạc nhiên trước hành động này. Không một linh mục hay giám mục – hay người bán hàng hay nhân viên nào – có thể hiểu nhầm những chỉ thị của ngài được, bởi họ có thể nhìn thấy cách sống đơn giản nhưng đầy ý nghĩa của cấp trên mình.

2 – Ngài biết giá trị của cải cách.

Vatican có một lịch sử tham nhũng khủng khiếp. Và các điều hành viên đầy sai phạm, đặc biệt là trong Giáo triều Roma, lại là người điều hành Giáo hội suốt. Trong quá khứ, các thành viên Giáo triều còn có quyền hạn hơn cả giáo hoàng nữa. Một vài người cho rằng hồng y Angelo Sodano, người giữ chức Hồng y Quốc vụ khanh suốt 16 năm dưới triều giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedicto XVI, là giám chức quyền lực nhất trong giáo hội, đặc biệt là trong giai đoạn sức khỏe của Đức Gioan Phaolô II suy sụp nghiêm trọng.

Hậu quả của nạn quan liêu là Giáo hội không lưu tâm nhiều đến công tác quản trị. Do đó, ưu tiên hàng đầu phải là cải cách cơ cấu quản trị. Đức Phanxicô đã lập một nhóm các cố vấn toàn cầu để hành động cải cách Giáo triều. Ngài đã tước bớt những quyền hạn trách nhiệm chủ chốt của Quốc vụ khanh, và chia ra cho các hồng y khác. Ngài đã chọn nhiều điều hành vốn không có dây mơ rễ má gì với Roma.

Những lãnh đạo mới mẻ đối với thể chế, biết thể chế này gay go đến mức nào. Rất khó để cải cách các thể chế. Rất khó để thay đổi một văn hóa. Khó nhưng có thể. Nếu có thể làm được như thế trong một thể chế 2000 năm tuổi, thì sẽ có thể làm được như vậy ở đâu cũng sẽ được.

3 – Ngài truyền đạt rõ ràng.

Với Đức Phanxicô, không có kiểu nói thỏa hiệp (hay trong trường hợp này là kiểu nói của Vatican). Nếu ngài điều hành Cục Dự trữ Liên bang, thì mỗi lần ngài mở lời sẽ làm dao động đến 500 chỉ số Dow Jones, đơn giản là bởi ngài không bao giờ nói quanh co lấp lửng. Ngài nói ra những gì có trong đầu. Tính chính thống có vai trò quan trọng đối với các giáo hội lẫn việc kinh doanh. Nhưng ngài lại nói thẳng thừng về việc xem lại tính chính thống, về việc đừng có tuyên bố điều gì chỉ bởi đó là điều nên nói. Dù là vấn đề tình dục đồng giới, phụ nữ, hay vai trò của giáo hội trong thế giới, ngài đều nói ra những gì ngài nghĩ. Người ta chẳng cần phải bóc tách để xem ý ngài là gì.

4 – Ngài đưa ra những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng và quyết liệt.

Ngân hàng Vatican nổi tiếng là đầy tham nhũng. Mùa hè trước, Đức ông Nunzio Scarano đã bị bắt vì cố gắng giúp các bạn bè mình rửa tiền qua ngả ngân hàng này. Đức Phanxicô đã hành động dứt khoát, thay đổi ban điều hành của ngân hàng, sa thải một vài nhân viên chủ chốt và lập một ủy ban nghiên cứu cơ cấu của ngân hàng Vatican. Như một phần trong tiến trình cải cách Giáo triều, ngài lập một ban mới, với tên gọi Văn phòng Kinh tế, đặc trách việc minh bạch tài chính của Giáo hội. Để xóa sạch các vấn đề tài chính ám muội của Giáo hội có dễ không? Các nhà quản lý có bị cám dỗ nhiều trong việc giấu nhẹm những vấn đề nghiêm trọng nhất thay vì xác minh chúng?

Dù có gì đi nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn biết chắc lúc nào cần phải hạ lưỡi dao xuống. Cuối năm ngoái, giáo hội phải bẽ mặt vì thói tiêu pha của Franz-Peter Tebartz-van Elst, giám mục Limburg, Đức quốc. Ông được gọi là “giám mục lấp lánh” bởi đã tiêu đến 42 triệu dollar cho việc tái thiết căn nhà của mình (chỉ chiếc bồn tắm đã tốn đến 20,000 dollar), và tờ báo địa phương còn chỉ trích ông vì thói quen hay du lịch xa hoa nữa. Khi thấy những xôn xao tranh cãi bắt đầu tăng lên (và thấy rằng giám mục Tebartz-van Elst đang đi ngược lại với lời hứa nghèo khó của mình), Phanxicô đã đi một bước mạnh mẽ là loại giám mục này khỏi giáo phận của mình. Những hành động công khai dứt khoát như thế hiếm có trong giáo hội, nhưng đó là một thông điệp rằng Phanxicô rất quyết tâm và nghiêm túc.

5 – Ngài cộng tác và chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau.

Đức Phanxicô muốn lắng nghe bạn. Ngài thích người ta. Và ngài thích nhiều loại người khác nhau. Dường như ngài hôn tất cả mọi đứa trẻ được đưa đến cho ngài trên Quảng trường thánh Phêrô. Trong lễ rửa chân Thánh lễ Tiệc li, Ngày thứ năm Tuần thánh năm 2013, ngài đã đến một nhà tù thanh thiếu niên thay vì đến một nhà thờ lớn, và đã rửa chân không chỉ cho đàn ông (theo truyền thống giáo hoàng), mà còn cho các phụ nữ và cả người Hồi giáo. Còn khi nỗ lực cải cách tài chính Vatican, ngài đã nhờ đến các giáo sỹ lẫn giáo dân, một việc khá hiếm khi xảy ra với các sự vụ quan trọng của Vatican. Với những lá thư khắp thế giới gởi đến mình, ngài cũng tự tay viết thư trả lời. Thậm chí ngài còn cho rằng người vô thần cũng có thể được cứu rỗi.

Và ẩn dưới những điều này có lẽ là một thôi thúc hướng về sự đa dạng tốt đẹp, một điều mà các lãnh đạo giỏi cần phải nhận thức được. Và đó là sự đa dạng về ý kiến, nền tảng, kinh nghiệm, và lý tưởng. Một giáo hoàng có thể tuyên bố một cách tuyệt đối, nghĩa là không một tín hữu nào có thể chất vấn những lời uy quyền này được. Nhưng ngược lại, Đức Phanxicô lại đi từ dưới lên, tôn trọng ý kiến của một giáo dân ở Brazil ngang với ý kiến của một hồng y đã làm việc ở Roma cả chục năm trời.

6 – Ngài biết những sai lỗi của mình.

Cho đến bây giờ, không một câu nói nào của Đức Phanxicô lại vĩ đại cho bằng câu mà ngài đã nói khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Dòng Tên, America vào tháng 9 năm ngoái. Khi được hỏi ngài là ai, ngài đã trả lời, “Tôi là một tội nhân. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Đây không phải là một cách nói, hay một kiểu văn hoa. Tôi là một tội nhân.” Trong đức tin Công giáo, tất cả mọi người đều là tội nhân, và giáo hoàng cũng không ngoại lệ. Nhưng kiểu khiêm nhượng này thật hiếm có nơi một người đội mũ sọ trắng (và còn hiếm hơn nơi những người mang mũ đỏ). Chỉ mình ngài nhận thức được nhân tính của mình, khi đang ở trên một cương vị dễ khiến người ta tin vào thánh tính của mình.

Những lãnh đạo nghiêm túc nhận biết được cái bẫy này. Thường thì chúng ta chối bỏ những khiếm khuyết của mình, bởi tin rằng chúng ta đang hoàn toàn làm việc tốt lành theo cách tốt đẹp mà thôi. Nhận biết lỗi phạm của mình, nhìn nhận sai lầm của mình, thú nhận chúng và học hỏi từ chúng là điều tiên quyết đối với một người lãnh đạo.

7 – Ngài biết là ngài không thể hành động một mình.

Ở tuổi 36, Đức Phanxicô đã được đặt làm giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina (một quyết định mà ngài gọi là “điên rồ”). Ngài nói rằng ngài đã là người độc đoán, không cần đến sự chỉ bảo và đã rồi gây nên nhiều vấn đề rắc rối. Kết quả là, ngài đã học được rằng ngài cần có những người đáng tin cậy quanh mình. “Khi tôi giao phó việc gì cho ai đó, tôi hoàn toàn tin tưởng người đó. Tôi khiển trách chỉ khi người đó gây ra một lỗi lầm thực sự lớn.”

Tin tưởng là yếu tố sống còn để lãnh đạo và điều hành tốt. Đức Phanxicô dường như tin tưởng những người trực tiếp dưới quyền mình, nhưng ngài cũng tin tưởng những khách hàng của mình, chính là các giáo dân trong Giáo hội Công giáo.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN