Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Phục Sinh (Vọng), năm C, của Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Phục Sinh (Vọng), năm C, của Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Canh thức vọng Phục sinh

(Lc 24, 1-12)

“Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết”

Tin mừng Luca 24, 1-12:

datangNgày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”.

Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

Suy niệm:

Biến cố Đức Giêsu phục sinh mà toàn thể Giáo hội mừng kính, tôn vinh trong đêm cực thánh này đã được 4 tin mừng ghi lại. Đó là một biến cố lịch sử, một sự thật hiển nhiên. Sự phục sinh của Đức Kitô không chỉ là phép lạ vĩ đại nhất minh chứng Ngài là Thiên Chúa, nhưng còn là bằng chứng quan trọng liên quan đến sự sống tương lai của toàn thể nhân loại. Đức Giêsu đã chết và đã sống lại để con người cũng được phục sinh với Ngài. Đó là thông điệp quan trọng nhất mà phụng vụ lời Chúa trong đêm thánh vọng phục sinh muốn trình bày cho chúng ta.

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại biến cố ngôi mộ trống, không có xác Chúa Giêsu. Có lẽ sau cái chết của Thầy Giêsu, chẳng ai nghĩ đến Thầy sẽ sống lại, cũng không ai nhớ lời Thầy đã tiên báo nhiều lần về cuộc tử nạn và phục sinh. Buồn sầu, sợ hãi, thất vọng, chán nản… bao trùm các tông đồ và những phụ nữ đạo đức. Các phụ nư chỉ quan tâm đến việc xức thuốc thơm xác của Thầy. Nhưng khi đến mộ, thấy ngôi mộ trống, không thấy xác Chúa Giêsu, họ phân vân và bối rối không hiểu. Các bà chẳng biết làm gì với thuốc thơm đã chuẩn bị: cửa mộ mở toang, thi hài Thầy biến mất, bị ai đánh cắp…

Nếu Thiên Thần không hiện ra giải thích, thì ngôi mộ trống vẫn là một bí ẩn: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, Người đã trỗi dậy rồi! Con Người sẽ bị nộp, bị đóng đinh vào thập giá, ngày thứ ba sống lại” (Lc 24, 5-7).

Khi các bà trở về báo tin cho nhóm Mười Một những gì đã xảy ra ngoài mộ đá. Các ông không tin, cho là chuyện đàn bà con nít, chuyện vớ vẩn… Vì lẽ các phụ nữ là những người yếu bóng vía, nhẹ dạ. Làm sao có chuyện sứ thần loan báo: “Thầy đã phục sinh”.

Dù sao đi nữa, Phêrô cũng chạy ra mộ. Ông đã thấy ngôi mộ trống như lời các bà kể lại. Nhưng ông chỉ kinh ngạc, chứ không tin “Thầy đã sống lại”. Nhiều lần Đức Giêsu đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh: “Con Người sẽ bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phêrô cũng như các tông đồ đã không tin và không chấp nhận nữa là khác. Vì thế, tin Thầy mình sống lại là điều khó hiểu, bí ẩn đối với các tông đồ.

Tin mừng Luca minh chứng Đức Giêsu đã phục sinh, đã sống lại từ cõi chết:

– Hiện tượng mồ trống, không có xác Chúa ở đó là lời chứng thầm lặng, nhưng rất mạnh mẽ và thuyết phục về Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Ngôi mộ an táng Chúa Giêsu mở toang ra, mở ra một mầu nhiệm về sự sống, mầu nhiệm phục sinh.

– Lời loan báo của sứ thần nói với các phụ nữ đầy xác tín: “Người đã sống lại rồi… Con Người sẽ bị nộp, bị giết chết, ngày thứ ba sẽ sống lại”.

– Đức Giêsu đã mở toang cửa mồ và đã phục sinh: “Xác Ngài không còn ở đây, Người đã trỗi dậy”.

Đối với người Kitô hữu, Đức Giêsu phục sinh vừa là nhân vật lịch sử, vừa là nhân vật của niềm tin. Như thánh Gioan tông đồ với tình yêu và niềm tin, chúng ta mới có thể tin nhận Đức Giêsu đã phục sinh:

  1. Đức Giêsu phục sinh đang sống, đang hiện diện giữa cộng đoàn Dân Chúa đang cử hành phụng vụ đêm thánh vọng phục sinh hôm nay. Ngài đang ở giữa chúng ta.
  2. Chúa Giêsu phục sinh đã chiến thắng sự chết để đem lại cho nhân loại sự sống muôn đời: chúng ta sẽ được sống lại với Người trong vinh quang.
  3. Chúa Giêsu phục sinh là niềm vui hy vọng cho nhân loại. Kitô giáo không kết thúc bằng thập giá và nấm mộ, mà là sự phục sinh của Đức Kitô. Thập giá đưa đến vinh quang phục sinh. Đạo Công giáo là đạo của niềm vui, của sự phục sinh.

Sống Tin mừng phục sinh trong xã hội hôm nay là:

  1. Đem tin vui bình an đến cho mọi người qua việc phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ.
  2. Tạo tương quan tốt với mọi người lương cũng như giáo bằng cuộc sống lương thiện và công bằng.
  3. Sống đức tin chân thành qua cuộc sống chứng nhân trong xã hội.
  4. Vác đỡ thánh giá cho nhau, nghĩa là chia vui xẻ buồn với anh em, giúp đỡ an ủi nhau lúc gặp khó khăn, đời nhiều đau khổ, đừng gây khổ đau cho anh em… luôn luôn nở nụ cười với mọi người. Sống đạo như thế quả là niềm vui cho đời.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …