Home / Chia Sẻ / Vượt Qua Cơn Cám Dỗ

Vượt Qua Cơn Cám Dỗ

VuotQua ConCamDoThánh Phaolô nói: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).

Con gái tôi là Emily, 10 tuổi, đã qua giai đoạn “cãi lại” khi phải đi ngủ sớm, ăn bánh ít, hoặc giảm giờ chơi. Mỗi lần cãi xong thì nó luôn nói: “Con đã xin Chúa Giêsu đừng cho con mở miệng để con không cãi lại, nhưng Ngài không làm vậy”. Trước tòa công lý, Emily đã có quyết định, Chúa Kitô là Đấng ngồi chờ mà không có bánh, chứ không phải nó, vì Ngài đã không làm khi nó cần. Trong ý nghĩ của nó, Ngài “thất hứa” vì không giúp nó vượt qua cơn cám dỗ phạm tội. Nó cảm thấy đó là lỗi của Chúa Giêsu chứ không phải của nó. Nó tin tưởng và phó thác, nhưng Ngài không bày tỏ.

Không chỉ riêng Emily hiểu lầm về cơn cám dỗ, về tội lỗi, và về sức mạnh Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để chiến thắng mọi thứ. Nếu chúng ta sa ngã, đó là vì chúng ta không tận dụng sức mạnh của Đức Kitô trong chúng ta để vượt qua cơn cám dỗ, chứ không phải tại Chúa không ban sức mạnh cho chúng ta.

Trong thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô, ngài dạy rằng mọi cơn cám dỗ mà chúng ta gặp trong đời sống là điều thường xảy ra với con người. Đôi khi chúng ta muốn tin rằng chúng ta đang đối mặt với điều gì đó trong cuộc sống thường nhật mà không ai có kinh nghiệm, và vì không có kinh nghiệm mà chúng ta không thể trông mong vượt qua được. Ngay trong cuộc sống cũng có nhiều lần tôi kết án Thiên Chúa để tôi chịu đựng quá sức mình. Tuy nhiên, điều đó đi ngược với những gì Thiên Chúa dạy chúng ta qua Lời Chúa.

Vì chúng ta là con người sa ngã, chúng ta rất yếu đuối. Vì yếu đuối, khi gặp cám dỗ, chúng ta thường bị thua và thất bại. Đây là tình trạng tự nhiên từ khi con người được sinh ra. Ngoài Chúa Thánh Thần, con người không đủ sức vượt qua cơn cám dỗ.

Nhưng khi chúng ta đến với Chúa Kitô, Ngài sẽ sai Thánh Linh đến với chúng ta. Lúc đó, chúng ta có đủ sức mạnh để nói “không” với tội lỗi và nói “có” với Thiên Chúa. Khi gặp cơn cám dỗ, chúng ta được Thiên Chúa hứa 2 điều: Thứ nhất, Ngài không bao giờ để chúng ta bị cám dỗ quá sức; thứ hai, Ngài sẽ giúp cách vượt qua để chúng ta không chỉ chịu đựng được mà còn vượt qua được. Cách “thoát” đó là sức mạnh của Chúa Kitô trong chúng ta giúp chúng ta tránh xa cơn cám dỗ mà không đầu hàng nó. Nếu chúng ta đầu hàng, đó là vì chúng ta không dùng sức mạnh của Chúa, chứ không phải Ngài không ban cho chúng ta.

Emily, con gái tôi, (cũng như nhiều người trong chúng ta) chỉ mong Chúa Giêsu gõ “chiếc đũa thần” trên nó để nó không bị cám dỗ cãi lại. Theo nó nghĩ, nếu nó thực sự có sức mạnh của Chúa Giêsu để vượt qua cơn cám dỗ phạm tội thì nó sẽ không phải trải qua cơn cám dỗ, Chúa Giêsu rõ ràng đã không ban cho nó những gì nó cần, thế nên nó sa ngã.

Có sức mạnh của Chúa Giêsu trong chúng ta không có nghĩa là chúng ta không phải trải qua cơn cám dỗ, mà có nghĩa là khi chúng ta thấy mình phải chống trả cơn cám dỗ, Chúa Giêsu sẽ ban sức mạnh giúp vượt qua để chúng ta không phải đầu hàng nó. Tùy chúng ta có biết đón nhận và sử dụng sức mạnh đó hay không. Chúa Giêsu sẽ không dùng sức mạnh đó thay cho chúng ta.

Nhiều người nghĩ rằng bị cám dỗ là phạm tội, nhưng không phải vậy. Chính Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ khi còn tại thế, và đó không là tội. Cơn cám dỗ trở thành tội lỗi khi chúng ta đầu hàng nó.

Điều gì làm chúng ta thất bại nhiều lần khi gặp cơn cám dỗ? Đó là vì muốn chiến thắng cơn cám dỗ, người ta phải chết hoàn toàn? Thân xác chúng ta thù địch với Thiên Chúa. Nó muốn những gì nó muốn và ghét những gì bị giới hạn. Luôn có sự giằng co giữa Thánh Thần của Chúa trong chúng ta và nhu cầu của bản chất tội lỗi nơi chúng ta. Nếu chúng ta muốn được Chúa Thánh Thần kiểm soát cuộc sống, nghĩa là xác thịt chúng ta phải biết “chết”. Nó phải bị đóng đinh vào Thập giá. Thập giá bị đau đớn. Vì chúng ta không muốn đối mặt với nỗi đau bị đóng đinh, nên chúng ta dễ đầu hàng cơn cám dỗ và dễ bỏ Chúa hơn là dám “chết” để vượt qua cơn cám dỗ. Chúng ta không đầu hàng cơn cám dỗ vì chúng ta biết dùng sức mạnh Chúa Giêsu đã ban để tránh xa nó. Chúng ta đầu hàng cơn cám dỗ vì chúng ta không dùng sức mạnh đó, và chúng ta phải chết thật!

Nếu sức mạnh của Chúa có trong chúng ta, có phải là chúng ta không bao giờ phạm tội phản nghịch Ngài? Chúng ta có thể sống hoàn hảo, không tỳ vết tội lỗi, nếu chúng ta sẵn sàng dùng sức mạnh của Chúa mỗi khi gặp cơn cám dỗ? Tôi nghĩ là không. Vấn đề không phải là Đức Kitô không ban sức mạnh đó cho chúng ta. Nguyên nhân tại bản chất yếu hèn hay sa ngã của chúng ta, ngăn cản chúng ta sử dụng sức mạnh của Chúa. Thánh sử Gioan dạy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2:1-2). Những vị lãnh đạo giáo hội sơ khai đã nhận thấy rằng vì chúng ta là phàm nhân, chúng ta vẫn sẽ quên Thiên Chúa, quên cả sức mạnh của Ngài trong chúng ta. Do đó, chúng ta mới trải nghiệm sự tha thứ bất cứ lúc nào chúng ta cần.

Nếu chúng ta muốn chiến thắng cơn cám dỗ ở đời này, chúng ta phải biết cầu nguyện. Không cầu nguyện liên lỉ thì chúng ta có thể quên chiến đấu. Khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, Ngài đã cảnh báo các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41).

Tinh thần của chúng ta luôn sẵn sàng sống theo Ý Chúa, nhưng xác thịt tội lỗi luôn đối nghịch với Thiên Chúa. Thời gian dành cho Chúa qua việc cầu nguyện sẽ làm tinh thần chúng ta mạnh mẽ. Khi tinh thần mạnh mẽ, chúng ta dễ tránh xa chước cám dỗ hơn khi chúng ta không cầu nguyện. Cầu nguyện làm chúng ta mạnh mẽ. Đó là lý do Chúa Giêsu dành nhiều thời gian để cầu nguyện khi Ngài thực hiện sứ vụ trên trần gian. Ngài nêu gương cho chúng ta và cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta muốn chiến thắng thế gian như Ngài, chúng ta phải biết cầu nguyện không ngừng.

Nếu chúng ta phải chống lại cơn cám dỗ nào đó, hãy cầu nguyện với Thiên Chúa và cho Ngài biết cơn cám dỗ đó. Hãy “thực tế” trong lời cầu nguyện, đừng che giấu bằng những ngôn từ hoa mỹ. Hãy tâm sự với Ngài về những gì bạn đang phải đối mặt, đừng ngại nói rõ từng chi tiết. Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu.

Dù tôi không tin chúng ta có thể hoàn hảo và vô tội, tôi vẫn tin rằng nhiều người trong chúng ta không chiến thắng vẻ vang vì chúng ta coi thường việc tận dụng sức mạnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta để vượt qua cơn cám dỗ. Chiến bại là điều khó tránh, vì chúng ta là phàm nhân yếu đuối, các thất bại đó không nhiều như chính chúng. Lời cầu nguyện hằng ngày có thể biến đổi nhiều thất bại thành chiến thắng.

Nhiều người thiếu cảm nghiệm về vẻ đẹp và sự thoải mái khi cầu nguyện vì khi họ cầu nguyện với Chúa, họ còn giấu giếm chứ không nói thật lòng mình. Bạn sẽ không bao giờ biết sự thân mật giữa bạn và Chúa là gì đến chừng nào bạn biết cách “trò chuyện” với Ngài tự đáy lòng. Bạn sẽ không bao giờ biết sự dịu dàng của Ngài đến chừng nào bạn biết trút lòng mình ra với Ngài. Đặc biệt là bạn sẽ không bao giờ biết thân mật với Ngài là gì đến chừng nào bạn biết “tâm sự” với Ngài mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi ngủ. Khi chúng ta song hành với Chúa, chúng ta ít có thể chọn cách làm buồn lòng Chúa. Ma quỷ biết vậy, đó là lý do nó hoạt động suốt ngày đêm để tìm mọi cách kéo bạn xa Chúa và khiến bạn không muốn cầu nguyện.

Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta, và Ngài biết rõ chúng ta chỉ là cát bụi. Thiếu Ngài, chúng ta không có sức mạnh, không có chiến thắng, và không thể biết làm vui lòng Ngài. Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, không chỉ để chúng ta được cứu độ mà còn để được che chở. Khi chúng ta khinh suất việc cầu nguyện hằng ngày, đó là vì chúng ta quên thân phận yếu đuối của mình, quên rằng chúng ta rất dễ sa ngã. Bản chất tội lỗi luôn sẵn sàng hướng về điều xấu, nó chỉ có thể bị kiềm chế nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta muốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chứ không bị bản chất tội lỗi điều khiển, chúng ta phải biết dành thời gian cầu nguyện với Thiên Chúa để Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng chúng ta, chứ không phải xác thịt.

Chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần là sự quan phòng của Thiên Chúa và là cách thoát cơn cám dỗ của chúng ta, chứ không phải “chiếc đũa thần” của Chúa Giêsu. Nếu bạn đầu hàng cơn cám dỗ, đó là vì bạn không tận dụng sức mạnh đó chứ không phải vì Thiên Chúa không ban.

Lạy Chúa, xin xót thương và tha thứ chúng con. Xin giúp chúng con biết ở trong Chúa để sinh hoa kết trái (x. Ga 15:1-4). Chúng con xấu xa và tội lỗi, nhưng luôn vững tin vào Ngài. Vâng, tất cả là hồng ân (Rm 4:16), vì con có làm được gì thì cũng là nhờ ơn Chúa (x. 1 Cr 15:10).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholic.net)

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …