Home / Chia Sẻ / Phù Vân

Phù Vân

Phu-VanPhù vân ở đây không phải là đỉnh Phù Vân hoặc núi Yên Tử (cao 1068 m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Đông Triều, vùng Đông Bắc Việt Nam, giáp ranh tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh). Đó là nơi mà vua Trần Nhân Tông đã tu hành, sau khi ông từ bỏ ngai vàng rồi khoác áo cà sa lên núi này vào năm 1258. Người ta gọi ông là Phật hoàng.

Phù vân muốn nói ở đây là những gì mau qua, chóng mất, như vó ngựa lướt qua song cửa. Cuộc đời không căn cứ vào số tuổi, dài hay ngắn (hưởng dương hay hưởng thọ) không thành vấn đề, mà căn cứ vào động thái sống tích cực có chiều sâu và chiều rộng. Có người “lớn” mà không “to”, nhưng có người “nhỏ” mà vẫn vĩ đại.

Mùa Chay “nổi bật” với màu tím “u sầu” và sắc tro “tê tái”. Thiên Chúa đã minh định với nhân loại: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3:19). Sinh ký, tử quy – sống gởi, chết về. Chắc chắn như vậy! Tuy nhiên, biết vậy không phải để bi quan, yếm thế, mà là để chấn chỉnh cách sống cho phù hợp với Thiên Ý.

Từ cổ chí kim, từ Á sang Âu, lịch sử đã và đang cho chúng ta thấy những gì tưởng chừng là “đệ nhất”, nhưng rồi cũng chỉ là phù vân. Tất cả đều hóa thành đất, thành cát, thành tro. Lộng lẫy nguy nga như Đền thờ Giêrusalem rồi cũng chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Tòa tháp đôi WTC tại New York (Hoa Kỳ) biến thành Zero Ground trong thoáng chốc. Quyền lực như Tần Thủy Hoàng, Hitler hoặc Stalin, rồi cũng không thể chịu nổi thời gian, đành về với cát bụi, người ta còn nhắc nhở tên tuổi họ chỉ là để nguyền rủa. Các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức,… còn mảnh xương vụn nào không? Hào nhoáng, uy lực, hống hách,… rồi còn gì và được gì?

Ca dao tục ngữ Việt Nam thật chí lý: “Dã tràng xe cát biển Đông – Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.

Ông Cô-he-lét là con của vua Đa-vít, tức là vua Sa-lô-môn, làm vua ngự tại Giêrusalem. Vua Sa-lô-môn giàu sang phú quý và đầy quyền lực, nhưng ông vẫn xác định: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2).

Vua Sa-lô-môn là người khôn ngoan bậc nhất thiên hạ, trước và sau ông không ai bằng ông, thế mà ông cho biết: “Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát” (Gv 1:14). Và ông còn cho biết thêm: “Nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu!” (Gv 2:11).

Kinh Thánh đã xác định: “Người khôn biết mở mắt nhìn, kẻ dại bước đi trong tăm tối: cả hai sẽ cùng chung một số phận” (Gv 2:14). Tương tự, người ta thường nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống”. Cái “biết” thật là khó biết bao!

Sống thọ trăm năm, tưởng dài mà ngắn, cũng chẳng là gì, sống lâu thì khổ nhiều. Chắc chắn vậy. Thế mà ai cũng sợ chết, nghe bác sĩ nói bệnh là run ngay. Cứ suy cho cùng, đúng như Thánh Phaolô nói, “chết là một mối lợi” (Pl 1:21). Mối lợi rõ ràng nhất là thoát khổ ải trần gian: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10). Kinh Thánh xác định: “Mạng người dù giá cao mấy nữa thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời” (Tv 49:9).

Chạy trời không khỏi nắng, có là ai đi nữa rồi cũng nhắm mắt xuôi tay: “Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49:11-13).

Có một thứ người ta biết rõ là phù vân mà người ta vẫn khoái, đó là sắc đẹp, là ngoại hình – nhất là đối với nữ giới. Đẹp đến “nghiêng thành, đổ nước” thì rồi cũng như hoa héo sau một cơn bệnh mà thôi. Kinh Thánh cũng đã nhắc nhở: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng” (Cn 31:30). Ấy thế mà nữ giới vẫn tốn công phí sức đi “mua chuộc” cái vẻ đẹp giả tạo ấy. Được mấy năm? Đấy là chưa nói tới tai họa nhãn tiền vì “dao, kéo” không đúng cách. Có “níu kéo” vẻ hấp dẫn được vài năm thì rồi sẽ còn tệ hơn các phụ nữ khác “tự nhiên” – dù họ không là mỹ nhân.

“Con người chẳng có gì hơn thú vật” (Gv 3:19).

Nói chung, phàm nhân có nhiều thứ ảo tưởng, từ tinh thần tới thể lý, từ trừu tượng tới cụ thể. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rất rạch ròi: “Con người chẳng có gì hơn thú vật” (Gv 3:19). Có hơn chăng là chúng ta có linh hồn, có lý trí và tự do. Chúng ta khác hẳn với động vật – những loài có giác hồn, và thảo mộc – những loài có sinh hồn.

Có lý trí và tự do nên chúng ta dễ ảo tưởng và kiêu ngạo, giành giật và chèn ép nhau đủ kiểu. Tại sao? Vì tự ái, vì coi thường chân lý và bất chấp công lý: “Trong công việc, con người chấp nhận mọi gian khổ và vận dụng hết tài năng chỉ vì muốn ganh đua với nhau. Nhưng việc đó cũng chỉ là phù vân, là công dã tràng xe cát!” (Gv 4:4). Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ.

Người ta giành giật nhau vì miếng ăn cho mình và cho gia đình (cha mẹ, vợ con), những người chỉ mình ên cũng vẫn giành giật, không chịu thua ai: “Có kẻ sống đơn chiếc, không ai ở với mình, không con cái, không anh em, thế mà cứ không ngừng chịu đựng mọi gian lao; mắt nhìn của cải, lòng không ngớt thèm muốn: Vì ai mà tôi phải làm việc cực khổ và sống không thoải mái? Điều ấy cũng chỉ là phù vân, chỉ là công việc nhọc nhằn vô bổ” (Gv 4:8).

Tiền bạc rất tệ bạc. Tiền chỉ là những mảnh giấy in hình những con số mà người ta quy ước giá trị với nhau, chứ thật ra nó chẳng là gì. Tờ tiền đó rách một chút thì mất giá trị ngay. Không phải là lỗi của tiền mà là lỗi của con người. Tiền không là gì mà lại như tất cả: “Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ; kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 5:9). Người ta coi thường nhau, khinh miệt nhau, thậm chí là sát hại nhau cũng chỉ vì tiền. Cũng chỉ vì đồng tiền mà thâm tình hoặc máu mủ ruột rà cũng bị người ta hạ thấp!

Nhìn thế gian, ngẫm thế sự, với đủ kiểu thế thái nhân tình, vua Sa-lô-môn “thở dài” ngán ngẩm: “Tôi đâm ra chán ghét cuộc đời, vì đối với tôi, dưới ánh mặt trời, mọi việc làm ra đều xấu cả : quả thế, tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát. Bấy giờ tôi đâm ra thất vọng về bao gian lao vất vả tôi đã phải chịu dưới ánh mặt trời” (Gv 2:17 và 20). Chán vì ngán sự đời, để rồi khả dĩ chân nhận Thiên Chúa là cùng đích duy nhất: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).

Kinh Thánh nói: “Bắt được mồi hơn chạy theo bóng” (Gv 6:9). Người đời cũng nói: “Đừng thả mồi mà bắt bóng”. Cái gì là MỒI và cái gì là BÓNG? Chắc hẳn ai cũng đã biết!

Trên thế gian không có gì bền vững, trường cửu hoặc bất biến. Thòi gian sẽ biến đổi tất cả. Không biết vô tình hay hữu ý mà người ta gọi thế giới này là “cõi tạm”. Nếu không “nay còn, mai mất”, tại sao không gọi trái đất này là cõi vĩnh hằng? Câu “quan nhất thời, dân vạn đại” cũng chỉ là một cách nói để răn đe những kẻ cậy quyền, ỷ thế mà hốc hách, áp bức dân lành. Chiếc ghế có “bền vững” chăng cũng chỉ được vài năm hoặc vài chục năm. Cũng chẳng nghĩa lý gì. Vinh thân phì da thì chỉ béo cho loài giòi bọ để chúng rúc rỉa!

Quả thật, tất cả mọi thứ đều chỉ hiện hữu một thời mà thôi: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3:1-8).

Nhận thức được như vậy là khôn ngoan, là đức tin được cuảng cố, và cũng là bắt đầu biết hướng về Thiên Chúa – chỉ có Ngài là “điểm đến an toàn nhất” đối với tất cả chúng ta: “Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khỏe dồi dào” (Hc 1:14 và 18).

Đây là 10 điều củng cố đức tin, rất đáng để chúng ta ghi nhớ trên đường lữ hành trần gian:

  1. THIÊN CHÚA MỞ ĐƯỜNG – Chính Đức Chúa đi phía trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi! (Đnl 31:8).
  2. THIÊN CHÚA Ở CÙNG – Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới (Gs 1:9).
  3. THIÊN CHÚA CHÚC LÀNH – Người sẽ yêu thương anh em, chúc phúc cho anh em, sẽ làm cho anh em nên đông đúc. Người sẽ chúc phúc làm cho lòng dạ và đất đai của anh em sinh hoa kết quả (Đnl 7:13).
  4. THIÊN CHÚA HƯỚNG DẪN – Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi (Is 58:11).
  5. THIÊN CHÚA ĐÁP LẠI – Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời ngươi và sẽ tỏ cho ngươi biết những điều lớn lao và bí ẩn mà ngươi không biết (Gr 33:3).
  6. THIÊN CHÚA CUNG CẤP – Thiên Chúa cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng (1 Tm 6:17).
  7. THIÊN CHÚA THÊM SỨC – Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta (Is 41:10).
  8. THIÊN CHÚA CHE CHỞ – Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi! (Dt 13:5).
  9. THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG – Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương (Gr 31:3).
  10. THIÊN CHÚA AN TOÀN – Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).

Thánh Phaolô so sánh: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Chính Thầy Chí Thánh Giêsu cũng đã minh định: “Điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16:15). Vâng, các tội nhân chúng ta hãy tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, bởi vì Ngài là Đấng từ bi và nhân hậu: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12:20).

Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Các ngươi phải nên thánhphải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11:44; Lv 19:2; Lv 20:7). Tay lỡ nhúng chàm rồi thì rửa, không sao cả, tiếp tục buông kiếm và quay về nẻo ngay đường chính, vì các thánh nhân cũng đã từng là các tội nhân.

Nào, hãy đứng dậy và theo bước Đứa Con Hoang Đàng trở về gặp Người Cha Nhân Hậu, càng sớm càng tốt, vì Mùa Chay là lúc thuận tiện và là ngày cứu độ (2 Cr 6:2).

TRẦM THIÊN THU

Mùa Chay – 2016

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN