Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Thánh Lễ Giao Thừa Bính Thân 2016, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Thánh Lễ Giao Thừa Bính Thân 2016, của Trầm Thiên Thu

Giao Thừa Tâm Linh

(Lễ GIAO THỪA – Tết Nguyên Đán Việt Nam)

LeGiaoThuaTác giả William E. (“Bill”) Vaughn (1915-1977, người Mỹ, viết cho tạp chí danh tiếng Reader’s Digest) nhận xét rất tinh tế về giao thừa: “An optimist stays up until midnight to see the new year in, a pessimist stays up to make sure the old year leaves – Người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa, người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua”. Rất GIỐNG nhau mà lại rất KHÁC nhau. Có cái gì đó khó có thể diễn tả bằng phàm ngôn – và chắc hẳn khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều, đặc biệt là lúc đón giao thừa năm nay!

Theo “Hán Việt Từ Điển Giản Yếu” của tác giả Ðào Duy Anh, “giao thừa” (Hán tự: 交 承) nghĩa là “cũ giao lại, mới tiếp lấy – thời điểm năm cũ qua, năm mới đến”.

Giao thừa là khoảnh khắc rất đặc biệt, thời điểm chuyển giao năm cũ để đón nhận năm mới. Việc đón giao thừa được gọi là Lễ Giao Thừa hoặc Lễ Trừ Tịch. Thời khắc quan trọng này, người ngoại dành để cúng tổ tiên, bói Kiều,… Người Công giáo có thói quen tốt lành là tham dự Thánh lễ Giao thừa để kính thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, kính mừng Đức Mẹ và Đức Thánh Giuse, cầu nguyện cho tiền nhân, xin Thiên Chúa thương xót và chúc lành cho năm mới.

Người ta rất tâm linh, hữu thần chứ chẳng vô thần – dù miệng vẫn “mạnh bạo” nói là vô thần. Nếu vô thần thì tại sao lại cầu mong nhiều điều tốt lành cho năm mới, thể hiện qua mâm ngũ quả? Cố che mà không khéo đậy, nói dối quanh nên… lòi đuôi.

Về “niềm tin” thể hiện qua mâm ngũ quả, mỗi vùng miền có thể dùng những loại trái khác nhau. Nhưng kiêng kỵ là các loại trái có tên gọi “na ná” với từ có nghĩa xấu như cam (cam chịu), chuối (chúi đầu, chúi mũi, tức là vất vả). Ngược lại, các loại trái ở Nam bộ được ưa thích như trái thơm (dứa, ý nói thơm tho, danh thơm tiếng tốt), trái sung (sung túc). Đủ một câu thể hiện sự mong ước khiêm tốn gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài); hơn mức đầy đủ thì gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (cầu vừa đủ xài sung).

Với các Kitô hữu thì không tin dị đoan, vì chỉ có Thiên Chúa mới chính là Chúa Xuân đích thực, khogn6 có chuyện “hên, xui” hoặc “may, rủi”. Ngay từ đầu Thánh lễ, Giáo hội dùng lời Kinh Thánh để cầu chúc mọi người trong giây phút giao thừa linh thiêng: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134:3).

Chúa Giêsu xác định: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27). Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nghi thức nhằm phục vụ con người, cũng như luật là để phục vụ con người. Đừng câu nệ hình thức mà “bắt” con người phải phục vụ nghi thức hoặc luật lệ! Đức Chúa truyền cho ông Môsê phải nói với A-ha-ron và các con về “công thức” chúc lành cho con cái Ít-ra-en: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìnban bình an cho anh em!” (Ds 6:24-26). Sao lại phải chúc như vậy? Chính Thiên Chúa giải thích: “Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:24-27).

Thật tuyệt vời vì chúng ta luôn được Thiên Chúa quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, bảo vệ, chúc lành,… Tác giả Thánh vịnh đã từng thắc mắc: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? (Tv 121:1), nhưng tác giả lại xác định ngay: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:2).

Năm cũ vừa giã từ, năm mới vừa sang. Chúng ta hãy thành tâm cầu chúc nhau những điều tốt lành nhất: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:3-8). Tất cả đều nhờ ơn Chúa, điều chúng ta cho là “xui xẻo” vẫn khả dĩ là điều tốt lành cho chúng ta. Đau khổ vẫn là Hồng ân của Thiên Chúa.

Giao thừa nhắc nhở chúng ta phải biết xin lỗi Chúa và tha nhân về những lỗi lầm trong năm cũ, đồng thời cũng phải biết tạ ơn về bao ơn lành mà Thiên Chúa đã trao ban suốt năm qua và cầu xin Ngài ban thêm ân phúc cho năm mới. Thánh Phaolô mời gọi khuyến khích: “Anh em hãy vui mừng luôn mãicầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18). Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22).

Thánh Phaolô tiếp theo cầu chúc: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Tx 5:23-24 và 28). Lời cầu chúc thật tốt lành, thánh đức

Trong cuộc sống, ai cũng khao khát được tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn. Có nhiều dạng hạnh phúc theo quan niệm của mỗi người, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, có một điều phúc thật mà đôi khi chúng ta hay quên hoặc chưa thực sự lưu tâm, đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho mọi người: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Tin Mừng đêm Giao thừa là trình thuật Mt 5:1-10, đoạn nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Hiến Chương Nước Trời, Bài Giảng Trên Núi). Đây cũng là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ngắn nhất mà súc tích, đầy đủ ý nghĩa nhất, với 8 điều khoản rất dễ thuộc lòng. Đệ Nhất Tuyên Ngôn này đã được chính Chúa Giêsu công bố:

  1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
  2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
  3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
  4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
  5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
  6. Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
  7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
  8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Những người không có niềm tin vào Thiên Chúa, chắc hẳn không thể nào “chịu nổi” vì cả 8 điều mà Chúa Giêsu cho là PHÚC như vậy thì lại “nghịch nhĩ” đối với họ. Sao mà “ngược đời” quá! Để có thể sống theo kiểu “ngược đời” của Chúa Giêsu thì phải cần đến ĐỨC TIN. Và chính ĐỨC TIN chắc chắn sẽ cứu thoát chúng ta nhờ Danh Đức Giêsu Kitô.

Được trở thành Kitô hữu là một ơn gọi, là vào đời làm NHÂN CHỨNG sống đông cho Tin Mừng của Đức Kitô. Tất nhiên chúng ta có thể bị ghen ghét và bị hại – đa dạng, lắm kiểu, nhiều dạng. Thật vậy, Ngài biết trước nên Ngài căn dặn: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Con Rắn là loài vừa khôn ngoan vừa xảo quyệt nhất trong các loài động vật. Chính nó đã lừa được Bà Eva bằng lời đường mật, và rồi Ông Adam lại “chết” vì mỹ nhân kế của một phụ nữ “yếu đuối” là chính vợ mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta học cái khôn ngoan của con Rắn chứ đừng nham hiểm như nó!

Xuân về, Tết đến, ai cũng “mới lạ” từ tinh thần đến thể lý, cả trong lẫn ngoài. “Khác” tức là đổi mới, là canh tân tích cực để tốt hơn chứ không “biến chất”, và phải mãi mãi như Chúa Xuân: “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8).

Năm mới đã khởi đầu, ước gì mỗi chúng ta có những điều quyết tâm mới. Không cần nhiều, hãy cố gắng thực hành 2 điều thôi:

  1. Tâm nguyện như Chân phước Chiara Luce Badano (1971-1970): “Vì Ngài, lạy Chúa Giêsu, nếu Ngài muốn điều đó thì con cũng muốn”. Chị nói “điều đó” là chứng ung thư xương mà chị chịu đựng vì muốn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
  2. Lời khuyên của Bậc đáng kính Solanus Casey (1870-1957): “Đừng cầu xin có cuộc sống thoải mái, hãy cầu xin trở nên người mạnh mẽ. Đừng cầu xin cho trách nhiệm tương đương với năng lực, hãy cầu xin cho năng lực tương đương với trách nhiệm”.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn! Chúng con xin lỗi Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên giống Ngài hơn; xin giúp chúng con luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên quốc. Chúng con cũng xin Chúa lì xì thêm nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn năm mới, và chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin thương thánh hóa và hướng dẫn chúng con đi đúng Đường Tốt Lành, biết sống nhân từ và thương xót như Chúa Cha.

Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người đều được hưởng trọn vẹn niềm vui Xuân trong dịp Tết này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …