HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN C
Is 6,1-2a.3-8 ; 1 Cr 15,1-11 ; Lc 5,1-11
HÃY RA KHƠI THẢ LƯỚI BẮT CÁ
I. HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Lc 5,1-11
(1) Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe Lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét. (2) Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lướt. (3) Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. (4) Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. (5) Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. (6) Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. (7) Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá đến gần chìm. (8) Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (9) Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. (10) Cả hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ, Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ. Từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta”. (11) Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
- Ý CHÍNH: MAU MẮN ĐÁP LẠI ƠN CHÚA KÊU GỌI LÀM TÔNG ĐỒ
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã ngồi trên thuyền của Simon mà rao gảng Tin mừng cho dân chúng, và sau đó đã cho Simon đánh bắt được một mẻ cá lạ lùng. Trước phép lạ này, Simon đã tuyên xưng đức tin: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và đã “Từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
- CHÚ THÍCH:
– C 1-2: + Bờ hồ Ghennêxarét: Đây là chiếc hồ lớn hình quả trám nằm tại miền Galilê, được thánh sử Luca gọi là hồ Ghennêxarét (x Lc 5,1), Mát-thêu gọi là biển hồ Galilê (x. Mt 4,13) Máccô gọi trống là Biển Hồ (x. Mc 4,1), còn Gioan gọi là Biển hồ Tibêria (x Ga 21,1).
– C 3-4: + Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”: Ra chỗ nước sâu hay “ra khơi”, là chỗ “nước trên vực thẳm”. Đức Giêsu ra lệnh cho thuyền Hội thánh tiến vào nơi vực thẳm của thế gian với nhiều nguy hiểm đang chờ đón (x. Lc 10,3).
– C 5-7: + Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả: Câu nói của Phêrô cho thấy sự yếu đuối bất lực của các ông. Nhưng chính sự bất lực này lại làm nổi bật quyền năng mạnh mẽ vô song của Thiên Chúa (x Ga 15,5).
– C 8-9: + Simon Phêrô: Ở đây Luca dùng biệt danh Phêrô (nghĩa là Đá) mà sau đó Đức Giêsu sẽ chính thức đặt cho ông khi chọn ông vào danh sách 12 Tông đồ (x. Lc 6,14; Mt 16,18). + Sấp mình dưới chân Đức Giêsu: Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Simon cảm thấy mình tội lỗi bất xứng và đã run sợ sấp mặt xuống đất vì không dám diện kiến thánh nhan của Chúa như Môsê (x. Xh 2,6) hay như Isaia xưa (x. Is 6,4). + “Lạy Chúa”: “Kurios” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “Chúa”, một danh hiệu dành riêng để gọi Đức Giêsu sau khi phục sinh (x. Lc 24,34-35 ; Pl 2,6-11).
– C 10-11: + “Đừng sợ”: Đây chính là một lời an ủi thường được các thiên sứ nói với những kẻ đang sững sờ khi gặp điều linh thánh (x. Lc 1,13.30; 2,10); là lời Đức Giêsu nói với các Tông đồ đang sợ hãi giữa biển khơi (x. Mt 14,27), và khi Người hiện ra vào buổi chiều ngày phục sinh (x. Mt 28,10). + Bỏ hết mọi sự mà theo Người: Các Tông đồ đã đáp trả ơn Chúa kêu gọi bằng việc quảng đại từ bỏ mọi sự mà đi theo Người và sẵn sàng cộng tác với Người chu toàn sứ vụ truyền giáo (x. Lc 5,11).
- CÂU HỎI:
1) Hồ Galilê còn được các sách Tin mừng gọi bằng những tên gì khác nữa? 2) Ra khơi có liên quan thế nào đến công việc truyền giáo được Chúa trao cho Hội thánh? 3) “Đức Giêsu” được gọi là “Chúa” từ khi nào? 4) Câu “Đừng sợ” có nghĩa là gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5).
- CÂU CHUYỆN:
1) ƠN GỌI CỦA NGÔN SỨ ISAIA:
Khi chứng kiến vinh quang của Đức Chúa nơi Đền thờ, Ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Khốn cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn!” (Is 6,5). Nhưng sau khi được một thiên thần lấy than hồng từ bàn thờ đến thanh tẩy môi miệng, ông đã tình nguyện xin lãnh nhận nhiệm vụ: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8).
2) ƠN GỌI RA KHƠI CỦA TÔNG ĐỒ SIMON PHÊRÔ:
Bài Tin mừng hôm nay cho biết ông Simon đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Ông đã khiêm tốn nói lên sự bất lực của mình với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào Lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Quả thật nhờ vâng Lời Chúa mà Simon đã đánh bắt được một mẻ cá lạ lùng. Trước kết quả lớn lao này, ông đã tin Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, ông sấp mình dưới chân Người và thưa rằng: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi!”. Kẻ tự nhận mình là tội lỗi bất xứng ấy sau này đã trở thành “đá tảng” của đức tin, mà trên đức tin đó, Hội thánh đã được xây dựng và sẽ tồn tại bền vững đến muôn đời (x. Mt 16,16-18). Từ đây, Phêrô trở thành thủ lãnh của Nhóm 12, được Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc tháo cởi (x. Mt 16,19) và được trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người là Hội thánh (x. Ga 21,15-17).
3) ƠN GỌI CỦA CHA GIOAN VIANNÂY:
Khi bị giáo sư thần học quở trách là dốt như con lừa! Thầy Viannây đã khiêm tốn thừa nhận sự dốt nát của mình, và chỉ biết trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa. Cuối cùng Vi-an-nây bất tài vô lực kia đã trở thành một vị thánh lớn trong Hội thánh, được đặt làm bổn mạng của các linh mục chăm sóc các linh hồn và nên gương mẫu cho các mục tử noi theo. Chính nhờ ơn Chúa giúp, mà cha Viannây đã làm được việc hoán cải các tâm hồn, đưa được nhiều tội nhân trở về với Chúa.
4) NHỮNG CUỘC RA KHƠI CỦA ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II:
Noi gương Chúa Giêsu, đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã liên tục ra khơi, chèo ra chỗ nước vừa sâu lại vừa nguy hiểm. Qua 26 năm của triều đại giáo hoàng, ngài đã thực hiện 146 chuyến công du bên trong nước Ý (không tính Rôma), 104 chuyến công du ra ngoài nước Ý để thăm viếng hơn 130 quốc gia trên thế giới. Tưởng cũng cần thêm rằng trong số đó, ngài đã tám lần đến thăm viếng các nước Hồi Giáo, đặc biệt là vị giáo hoàng đầu tiên bước vào một ngôi Đền thờ Hồi giáo cổ kính tại Syria vào năm 2001.
Tính ra, Thánh Gioan Phaolô II đã đi công du 1,400,607 km, tương đương 28 lần vòng quanh trái đất. Ngoài ra mỗi ngày Ngài còn làm việc đến 18 tiếng đồng hồ.
Ngài đã ‘chèo’ đến những vùng biển nhiều sóng gió: đến thăm cả những miền đất thù nghịch với Hội Thánh, vào những ‘miền đất thánh’ của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo hay Chính Thống giáo… vào cả những nơi mà một số đông dân chúng sở tại không muốn cho ngài đến, lại đòi ngài phải xin lỗi họ (như trong chuyến tông du tại Hy Lạp vào tháng 5 năm 2001), đến cả những nơi mà tính mạng bị đe doạ… Ngài là vị giáo hoàng can đảm nhất trong lịch sử, sẵn sàng ra khơi, dấn thân vào những ‘chỗ nước sâu’, những vũng xoáy, những nơi sóng gió nguy hiểm cho tính mạng… mà không hề biết sợ là gì, miễn sao Tin Mừng được loan báo.
- THẢO LUẬN:
1) Phêrô trong Tin mừng hôm nay đã thưa với Chúa Giêsu: “Dựa vào Lời Thầy con sẽ thả lưới” và sau đó ông đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Vậy để làm được những việc tông đồ vượt quá sức tự nhiên, chúng ta phải cậy dựa vào ai ?
2) Trong những ngày này tôi sẽ làm gì để ra khơi, hầu đưa được nhiều đồng bào lương dân Việt Nam về làm con cái Thiên Chúa ?
- SUY NIỆM:
Sau khi đã trải qua thử thách bị đồng hương bất tín hãm hại, Đức Giêsu vẫn tiếp tục chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay đan kết việc rao giảng của Đức Giêsu trên thuyền với phép lạ mẻ cá lạ lùng giúp đỡ ông Simon, nhằm kêu gọi ông và các bạn bè thuyền chài của ông quyết tâm từ bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ của Người, tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian.
1) Gương đáp tại ơn Chúa kêu gọi của tông đồ Phêrô:
– Đức Giêsu xuống thuyền của Simon giảng đạo và kêu gọi ông: Sau một đêm vất vả chài lưới luống công vô ích, Simôn và các bạn đã neo thuyền gần bờ để giặt lưới. Đức Giêsu đã chọn xuống thuyền của ông Simon và yêu cầu ông chèo thuyền ra xa bờ một chút, rồi Ngừơi sử dụng thuyền như một giảng đài lộ thiên để công bố Tin Mừng cho đám đông dân chúng đang đứng đầy trên bờ hồ.
– “Hãy ra khơi thả lưới bắt cá”: Giảng xong, Đức Giêsu bảo ông Simon “Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Trước lời mời gọi ấy, tuy cảm nhận được sự bất lực của mình do đã vất vả làm việc suốt đêm cách vô ích, nhưng sau khi nghe Đức Giêsu giảng đạo trên thuyền, ông Simon đã tin vào sứ vụ Thiên Sai của Chúa. Lòng tin yêu Chúa đã khiến ông mạnh dạn thưa với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Kết quả thật bất ngờ: Simon đã bắt được một mẻ cá lớn. Sự thành công này cho thấy không phải do tài sức của ông mà hòan tòan do quyền năng của lời Đức Giêsu đem lại, khiến ông xác tín Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai và tình nguyện xin đầu phục Chúa.
– “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” : Phêrô đã ý thức thân phận tội nhân yếu đuối của mình và sự cao cả khôn lường của Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, nên ông đã khiêm tốn thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Đây cũng là thái độ của các ngôn sứ như Môsê đã sấp mình xuống khi đối diện với Đức Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa bụi gai cháy mãi; như Isaia khi được Chúa gọi đã cảm thấy mình dơ bẩn bất xứng… Còn chúng ta hôm nay phải có thái độ thế nào khi lên rước lễ mỗi ngày?
– “Từ nay, anh sẽ là người cứu sống người ta”: Qua câu này, Đức Giêsu đã chọn Simon vào hàng ngũ tông đồ của Người. Thực ra Si-môn được Đức Giêsu chọn làm tông đồ không phải vì sự tài giỏi: Về văn hóa chắc Simon học không cao. Về tài năng thì ngoài nghề lưới cá cũng không có gì giỏi giang. Về tính khí thì hay nóng nảy phát ngôn bộc trực… Nhưng ông vẫn được Đức Giêsu chọn đứng đầu Hội Thánh là nhờ đức tin (x Mt 16,15-19) và lòng mến của ông dành cho Thầy (x Ga 21,15-17). Từ giây phút này tên của Simon được Đức Giêsu gắn liền với tên mới Phêrô nghĩa là Đá Tảng đức tin (x Mt 16,18). Chính ơn Chúa đã biến đổi Simon từ một người bắt cá ngoài biển trở thành kẻ chuyên đi đánh bắt các linh hồn.
2) Chúng ta phải làm gì?
– Quảng đại góp phần và khiêm tốn cậy nhờ ơn Chúa giúp: Trong Tin Mừng hôm nay, chính nhờ vâng nghe và làm theo lời Chúa mà ông Simon đã ra khơi thả lưới và đã bắt được một mẻ cá lạ lùng. Trong việc tông đồ, các tín hữu chúng ta cũng chỉ đạt kết quả nếu biết năng học sống Lời Chúa và cậy trông vào Thần Khí của Chúa trợ giúp như Người đã cho biết: “Vì không có Thầy anh em không làm được gì” (Ga 15,5).
– Bỏ hết mọi sự mà đi theo Chúa: Đức Giêsu không từ chối thiện chí của chúng ta. Bất kể chúng ta là ai, có khả năng gì, yếu đuối tội lỗi như thế nào… Người luôn mời gọi chúng ta đồng hành để loan báo Tin Mừng cho những anh em lương dân chưa biết Thiên Chúa. Chúng ta hãy mau mắn đáp lại ơn Chúa kêu gọi bằng việc năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần, quyết tâm chừa bỏ các thói hư, xin ơn Chúa biến đổi chúng ta nên hòan thiện hơn, chu tòan được sứ vụ loan báo Tin Mừng, làm chứng nhân cho Chúa, hầu giúp mọi người được hưởng ơn cứu độ.
- NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊSU. Trước đây con cứ thắc mắc không biết tại sao Chúa lại chọn ông Simon, một người thuyền chài ít học và đã có vợ con, đi theo làm môn đệ của Chúa, trở thành người đứng đầu Nhóm 12 Tông Đồ. Xem ra Chúa đã xây dựng Hội thánh trên tảng đá Phêrô không mấy vững chắc, vì ông đã từng hèn nhát chối Chúa ba lần và có nhiều khuyết điểm khiến Chúa đã phải uốn nắn, có những lời nói theo ý riêng khiến Chúa phải nặng lời quở trách là Satan! Nhưng qua bài Tin mừng hôm nay, con nhận ra rằng: Chúa thường sử dụng những gì thế gian coi thường, những con người yếu đuối, dốt nát… như các người thuyền chài, người thu thuế, gái điếm … cộng tác với Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chúa cũng chọn một Vi-an-nây bị đánh giá dốt như con lừa làm linh mục… để qua những con người yếu đuối này, Chúa biểu lộ quyền năng cao cả của Chúa.
– LẠY CHÚA. Xin dạy con biết sống quảng đại: Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng. Biết cho đi mà không cần tính toán. Biết chiến đấu mà không sợ thương tích. Biết làm việc mà không tìm an nghỉ. Biết xả thân mà không tìm một phần thưởng nào khác, ngoài việc biết mình đã thi hành thánh ý Chúa- AMEN” (Thánh Inhaxiô Loyôla).
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM