Home / Tiêu Điểm / Cúi xuống và ngước lên – Kiêu hãnh và Khiêm hạ

Cúi xuống và ngước lên – Kiêu hãnh và Khiêm hạ

 AR-310189936

Vào cuối nghi lễ phụng vụ Roma, có lời mời mọi người đón nhận phép lành trọng thể. Lời mời này như sau: Chúng ta cúi đầu và cầu nguyện xin Chúa chúc lành. Ý niệm phía sau điều này, rõ ràng là một phép lành chỉ có thể thực sự được lãnh nhận trong cung kính, khiêm nhượng, với cái đầu cúi xuống, và những kiêu căng tự hào bị gạt bỏ.

Một cái đầu cúi xuống là dấu chỉ của khiêm hạ, và hầu như khắp thế giới, đều xem đây là một tư thế đúng đắn về đường thiêng liêng. Các ngòi bút thiêng liêng hiếm khi đặt vấn đề hay cảm thấy cần phải làm rõ ý niệm rằng sự lành mạnh linh hồn nghĩa là có một cái đầu cúi xuống trong khiêm hạ. Nhưng có thật chuyện này đơn giản thế hay không?

Phải thừa nhận rằng, trong tư thế đơn giản này lại chứa đựng biết bao khôn ngoan. Một cái đầu cúi xuống trong cung kính là dấu chỉ của khiêm hạ. Hơn nữa, kiêu ngạo là tội hàng đầu trong những tội chết người. Sự kiêu ngạo của con người là bẩm tại, sâu sắc và không thể nhổ triệt được. Nó có thể được cứu chuộc và cũng có thể bị đập tan, nhưng luôn luôn còn lại trong chúng ta, và còn lại một cách cần thiết. Không có sự lành mạnh nếu không có sự kiêu hãnh, nhưng nó cũng có thể hủy hoại sự lành mạnh. Có một điều gì đó bên trong bản chất con người, cố kết trong cá tính và tự do của chúng ta, một sự không thích quỳ gối trước những gì cao cả hơn và quyền thế hơn. Chúng ta canh chừng lòng kiêu hãnh của mình một cách dữ dội, và không phải ngẫu nhiên khi hình tượng điển hình cho sự chống đối Thiên Chúa là câu nói ngoan cố bám chặt vào kiêu hãnh của Lucifer: ‘Tôi sẽ không phục vụ.’

Hơn nữa, chúng ta không thích thừa nhận mình yếu đuối, hạn chế, lệ thuộc và phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, tất cả chúng ta phải lớn lên và trưởng thành, đến một mức độ mà khi đó chúng ta không còn ngây thơ và đủ kiêu căng để tin rằng mình không cần phúc lành của Thiên Chúa nữa. Tất cả mọi linh đạo đều dựa vào sự khiêm hạ. Sự trưởng thành cả về nhân bản lẫn linh hồn, lại hiển nhiên nhất trong những người quỳ gối cầu nguyện.

Nhưng, trong khi kiêu ngạo có thể là xấu, nhưng đôi khi kiêu hãnh và kiêu căng không thành vấn đề. Đúng hơn, thì chúng ta phải đấu tranh với một tinh thần thương tích và tan vỡ, không còn biết cách đứng thẳng. Trẻ trung, khỏe khoắn, mạnh mẽ, kiêu căng và không nhận biết mình mỏng manh và hữu hạn đến thế nào (và ảo tưởng này có thể tồn tại đến tận tuổi già) là một chuyện, nhưng mang một tâm hồn tan vỡ, một tinh thần tan nát và mất đi lòng kiêu hãnh lại là chuyện khác. Khi điều này xảy đến, và nó luôn xảy đến với tất cả chúng ta nếu như chúng ta có sự nhạy cảm vừa đủ và sống đủ lâu, thì lòng kiêu hãnh bị tổn thương là một điều rất đỗi tiêu cực, nó giày vò kìm kẹp chúng ta đến nỗi không còn có thể đứng dậy, đứng thẳng, ngước đầu lên và đón nhận yêu thương cùng phúc lành.

Tôi còn nhớ thưở nhỏ, lớn lên trong nông trại, tôi từng chứng kiến chuyện thuần hóa ngựa. Người ta bắt được một con ngựa non lâu nay rong ruổi hoàn toàn tự do, và bằng một tiến trình tàn bạo, họ buộc chú ngựa non đó quy phục dây cương, bàn đạp và mệnh lệnh của con người.  Khi tiến trình đã hoàn tất, con ngựa giờ phục tùng mệnh lệnh của con người. Nhưng tiến trình bẽ gãy sự tự do và tinh thần của con người, là một việc rất không nhẹ nhàng và do đó gây nên một kết quả lẫn lộn. Con ngựa giờ phục tùng, nhưng một phần tinh thần của nó đã bị phá vỡ.

Đây là một hình ảnh tương đồng cho cuộc hành trình của chúng ta, cả về nhân bản lẫn thiêng liêng. Cuộc sống, rất không trìu mến, đến cuối cùng, bẽ gãy tinh thần của chúng ta, vì những lý do tốt và xấu, rồi chúng ta khiêm hạ, nhưng cũng là mang một thương tích và không thể đứng thẳng được. Sự khiêm hạ cưỡng bách này có một hiệu ứng kép: Một mặt, chúng ta thấy mình khụy gối một cách tự nhiên hơn trước những gì cao cả hơn, nhưng mặt khác, bởi vì nỗi đau khi bị bẽ gãy, chúng ta tập trung vào bản thân mình hơn là vào người khác, và cuối cùng trở nên tật nguyền. Bầm tím và dễ vỡ, chúng ta không thể cho và nhận cho đúng đắn được, và trở nên dè dặt ngại ngùng khi chia sẻ sự tốt đẹp và chiều sâu của mình với người khác.

Linh đạo và tôn giáo, hầu hết đều quá thiên về một mặt mà thôi. Các linh đạo và tôn giáo luôn mãi cảnh giác trước sự kiêu hãnh và tự đại (và cũng thừa nhận rằng, chúng có thật và luôn là những tội chết người.) Nhưng linh đạo và tôn giáo quá chậm trong việc đỡ người ta đứng lên. Chúng ta đều biết câu châm ngôn rằng, nhiệm vụ của linh đạo là làm đau người thoải mái, và xoa dịu cho người bị đau. Xét theo lịch sử, linh đạo và tôn giáo, dù không phải lúc nào cũng thành công với vế trước, nhưng cũng đã quá lơ đễnh với vế sau.

Kiêu hãnh và tự đại là tội nặng nề nhất trong tất cả các tính xấu. Tuy nhiên, một lòng kiêu hãnh bị tổn thương và một tinh thần vỡ nát cũng có thể làm hỏng chúng ta như thế.

Vậy nên, có lẽ khi Giáo hội chúc lành cho cộng đoàn vào cuối phụng vụ,  Thay vì nói, Chúng ta cúi đầu và cầu nguyện xin Chúa chúc lành. Thì nên đổi thành: ‘Những ai nghĩ mình không cần phúc lành này, Hãy cúi đầu và cầu nguyện xin Chúa chúc lành.  Còn những ai cảm thấy mình bị tổn thương, tan vỡ và bất xứng với phép lành này: Hãy ngước đầu lên và đón nhận tình yêu và ơn ban mà anh chị em đã từ lâu mong mỏi được đón nhận lần nữa.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN