Home / Chia Sẻ / Mở cửa tâm hồn

Mở cửa tâm hồn

Đoạn Tin Mừng của thánh Luca kể câu chuyện: “Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Chúa Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Và kìa một người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7, 36-38).

imagesQua đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể cảm nghiệm người Pharisêu đã mở cửa nhà mình mời đón Chúa Giêsu đến dùng bữa. Nhưng người phụ nữ tội lỗi lại mở cửa tâm hồn mình đón nhận lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đúng vậy! Chúa Giêsu sau đó đã nói với người Pharisêu: “Tội của chị ta rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”(Lc 7, 47); và đích thân Ngài nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình yên”(Lc 7, 50).

Người phụ nữ tội lỗi kể trên đã mở cửa tâm hồn mình đi tìm gặp Chúa Giêsu ở nhà người Pharisêu. Chị đến đây với một tâm hồn tội lỗi, nhưng chị biết mở cửa tâm hồn mình với nỗi lòng sám hối, đứng đàng sau, sát chân Chúa Giêsu mà khóc lóc. Chị còn mở cửa tâm hồn yêu mến, thể hiện bằng cử chỉ lấy nước mắt tưới ướt chân Chúa Giêsu, lấy tóc lau, rồi hôn chân Ngài và đổ dầu thơm lên. Và hơn hết chị đã biết mở cửa tâm hồn đức tin của mình. Chị tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế, tin lòng thương xót của Ngài sẽ thứ tha mọi tội lỗi của chị. Cánh cửa tâm hồn của người phụ nữ tội lỗi mở ra để lòng thương xót của Chúa bước vào, giải cứu chị khỏi những day dứt, ám ảnh tội lỗi. Cửa tâm hồn của chị từ đó được trong lành, bình yên mãi mãi.

Năm Thánh Lòng Thương Xót đã khai mở lúc 9g30 sáng, ngày kính lễ Đức Mẹ Vô Nhễm Nguyên Tội 8/12/2015, do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô. Tiếp đến, nghi thức mở Cửa Năm Thánh được Đức Thánh Cha long trọng chủ sự ở Đền thờ Thánh Phêrô. Sau khi đọc Thánh vịnh, ngài mở cửa và bước qua. Đến ngày 13/12/2015, Cửa Thánh đã đồng loạt được mở tại các đại giáo đường trên khắp thế giới. Theo con số ước lượng của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican, trên thế giới có khoảng 2.989 giáo phận và mỗi giáo phận có từ 3 đến 9 Cửa Thánh. Ngoài ra, các Cửa Thánh còn được mở ở các giáo xứ nhỏ, ở các nhà tù, các bệnh viện. Ước lượng có khoảng 10.000 Cửa Thánh trên thế giới đã được mở cho các tín hữu Công giáo đến hành hương, cầu nguyện để nhận lãnh ơn toàn xá trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thiết nghĩ mỗi tín hữu đi hành hương đến Cửa Thánh của một giáo đường để lãnh nhận ơn toàn xá trước hết cần phải mở cửa tâm hồn của mình. Mở cửa tâm hồn để được thương xótđể thương xót.

*MỞ CỬA TÂM HỒN ĐỂ ĐƯỢC THƯƠNG XÓT. Có những người bệnh tật thể xác nhưng tâm hồn lành mạnh. Có người đôi mắt đui mù, không mở được, nhưng tâm hồn họ luôn rộng mở, sẵn sàng đón nhận niềm vui và tình thương Thiên Chúa trao ban. Tin Mừng thánh Máccô kể: “Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người hành khất mù, tên là Batimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nazareth, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: ‘Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!’… Đức Giêsu dừng lại và nói: ‘Gọi anh ta lại đây!’… Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy và đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ Anh mù đáp: ‘Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được’. Người nói: ‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!’ Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”(Mc 10, 46-52). Cũng như người phụ nữ tội lỗi kể trên, người hành khất mù đã mở cửa tâm hồn mình, tín thác và cầu xin Chúa Giêsu dủ lòng thương xót cho cặp mắt anh được sáng.

   hChị Matta Lê Thị Phúc (đứng giữa cùng chồng) hiện là hội viên Legio Mariae giáo xứ Nhân Hòa. Chị kể những năm trước chị rất tội lỗi, sống rối đạo với một người đàn ông và có một đứa con gái. Có những lần chị đến nhà thờ giáo xứ Nhân Hòa, đứng ngoài cổng nhìn vào. Chị không dám bước vào trong tham dự thánh lễ, bởi mặc cảm thân phận tội lỗi của mình. Thế rồi một ngày nọ chị vô tình làm rơi xuống đất chùm chìa khóa của một khách hàng để trên bàn máy may của chị. Chị nhặt lên và bật khóc khi nhìn thấy linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót gắn nơi xâu chìa khóa. Kể đến đây thì nước mắt chị trào ra như đang sống lại cảm xúc ngày đó. Chị thổn thức: “Em tin Lòng Chúa Thương Xót đã đánh động tâm hồn em lúc đó, thúc đẩy em trở về với Ngài”. Ngày hôm sau, người chồng bất hợp pháp của chị được gởi đi cải huấn xa, chị tìm đến một vị linh mục để xưng tội. Vài tháng sau, chị lo cho cô con gái lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy tại nhà thờ Nhân Hòa. Với một tâm hồn luôn biết cầu nguyện và tín thác vào Chúa, chị đã đón nhận một hồng ân bao la Thiên Chúa dủ thương trao ban cho chị. Sau thời gian ngắn từ trại cải huấn về, người chồng chịu học đạo và đã lãnh nhận các bí tích nhập đạo cùng bí tích Hôn Phối với chị tại nhà thờ giáo xứ Chí Hòa vào ngày 19 tháng 09 năm 2015. Cửa tâm hồn tội lỗi của chị và cửa tâm hồn chai đá của người chồng lần lượt đã được đánh động, mở ra, đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa qua các bí tích.

*MỞ CỬA TÂM HỒN ĐỂ THƯƠNG XÓT. Chủ đề ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn đặt là: Vượt Thắng Sự Thờ Ơ Để Có Hòa Bình. Hội đồng Tòa thánh Công Lý và Hòa Bình giải thích Đức Thánh Cha chọn chủ đề này vì: “Ngày nay, sự thờ ơ gắn liền với chủ nghĩa cá nhân gây ra sự cô lập, thiếu nhận thức, ích kỷ và vì thế khiến người ta từ chối dấn thân… Cần phải cởi mở lương tâm để liên đới với nhau”.

Thờ ơ, dửng dưng, lãnh đạm có thể hiểu là những từ ngữ chung diễn tả thái độ vô cảm của một người, không biết cảm thông, cảm động trước đau khổ, bất hạnh của người khác. Chúng ta có thể nhận diện thái độ vô cảm qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể về thầy tư tế và thầy Lêvi đã lạnh lùng, dửng dưng bỏ đi khi nhìn thấy một người bị đánh trọng thương nằm trên đường. Sau đó có một người Samari cũng đi ngang qua, thấy nạn nhân và chạnh lòng thương. Ông đã đến băng bó vết thương và đặt nạn nhân lên con lừa của mình, đem đến một quán trọ nhờ săn sóc tiếp (xem thêm Dụ ngôn người Samari tốt lành: Lc 10, 29-37). Qua dụ ngôn, chúng ta có thể cảm nghiệm về thái độ ích kỷ của thầy tư tế và thầy Lêvi. Họ khép kín cửa tâm hồn, không muốn dấn thân cứu giúp người bị nạn. Trong khi người Samari biết mở cửa tâm hồn bác ái, biết ra tay hào hiệp, biết cởi mở lương tâm liên đới với người bất hạnh.

Trong dụ ngôn kể trên có sự đối đáp giữa một người thông luật và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã hỏi người thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Người thông luật trả lời:“Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với người ấy”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10, 36-37).

Trong bài giảng lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà ngày 13/12/2015, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc nhấn mạnh: “Năm thánh này hướng tất cả chúng ta đến với những người nghèo, những người đau khổ. Mọi người cần sống hiền hòa, rộng rãi… siêng năng làm việc thiện… cầu nguyện liên lỉ, không ngừng đón nhận bí tích tình yêu, hành động chứ đừng chỉ thương xót bằng môi miệng…”.

Thiết nghĩ mỗi người chúng ta có thể bắt gặp những người nghèo vật chất, những người đau khổ tinh thần ở khắp nơi: trong gia đình, trong khu xóm, trong hội đoàn, nơi làm việc…Vấn đề là chúng ta có biết mở cửa tâm hồn mình, thực thi lòng thương xót trong Năm Thánh Lòng Thương Xót bằng những hành vi bác ái, từ thiện như lời Chúa Giêsu chỉ dạy: “Hãy đi và hãy làm như vậy”.

Gioan Long Vân,

giáo xứ Nhân Hòa

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN