PHI LỘ – Người Công giáo không tin dị đoan. Do đó, tam quả, tứ quả, ngũ quả, thất quả hoặc thập quả cũng không thành vấn đề. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu cho vui ngày tết mà thôi. Và đây cũng là một nét văn hóa của người Việt trong dịp tết cổ truyền.
Ngũ quả là năm loại trái cây được đặt chung một đĩa (mâm, khay) để trưng bày trong những dịp đặc biệt của gia đình, đặc biệt là trong dịp Xuân mới, dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của người Việt. Số 5 có gì đó rất đặc biệt: Bàn tay có năm ngón, người ta có năm giác quan (ngũ quan), thật lạ khi thiên nhiên cũng có Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
Mâm ngũ quả không nhất thiết phải đủ năm loại trái cây, có thể ít hơn hoặc nhiều hơn 5, nói chung là khoảng chừng vài thứ trái cây khác nhau. Các loại trái cây được trưng bày trên bàn thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi hoặc cách phát âm, màu sắc và cách sắp xếp.
Theo quan niệm người xưa, chọn năm loại quả là “ngũ hành” tương ứng với số mệnh của con người. Chọn số lẻ vì số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Mâm ngũ quả của người Bắc thường bao gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt; hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, lê-ki-ma, táo, hoặc mãng cầu. Nói chung, người Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả, hầu như các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc, cứ nhìn “bắt mắt” là được.
Mâm ngũ quả của người Nam thường bao gồm: dừa, đu đủ, mãng cầu Xiêm, xoài, sung – ngụ ý là “cầu sung túc vừa đủ xài”. Theo cách phát âm tiếng Nam, “dừa” là “vừa”. Người Nam xem chừng khắt khe hơn, họ thường kiêng kỵ trưng bày các loại trái có tên mang ý nghĩa xấu (dù đọc “trại” hoặc “chuẩn” âm miền Nam) như chuối (chúi – chúi nhủi), cam (cam chịu), lê (lê lết), sầu riêng (buồn bã), bom (táo), lựu (lựu đạn),… và người Nam không chọn các loại trái có vị đắng, cay, hoặc chát.
Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc (木), Hỏa (火), Thổ (土), Kim (金), và Thủy (水). Năm trạng thái này gọi là “ngũ hành” không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng, mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật.
Học thuyết “ngũ hành” diễn giải sự sinh hoá của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản là Sinh (生) và Khắc (克), còn gọi là “tương sinh” và “tương khắc” trong mối quan hệ tương tác của chúng.
– Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.
– Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.
Năm nguyên tố và các nguyên lý cơ bản của “ngũ hành” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Trung Hoa, kể cả một số quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore,… “Ngũ hành” ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, y học cổ truyền, quân sự,…
Ngũ hành được ứng dụng vào Kinh Dịch từ thời nhà Chu (thế kỷ XXII trước công nguyên đến khoảng năm 256 trước công nguyên). Kinh Dịch là cuốn sách được coi là tác phẩm vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa về triết học, trong đó có “bát quái cơ bản” rồi biến ra 64 quẻ của Kinh Dịch.
Kinh Dịch (giản thể: 易 经; phồn thể: 易 經, bính âm: Yì Jīng; La-tinh hóa: I Jing, Yi Ching, Yi King) là bộ sách kinh điển rất lâu đời của người Trung Hoa. Đó là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi (chuyển dịch). Lúc đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các triết gia Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông, và được coi là tinh hoa của cổ học Trung Hoa, được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh,…
Kinh Dịch là gì? Kinh (經 – jīng) nghĩa là một tác phẩm kinh điển, trong tiếng Hoa có nguồn gốc từ “quy tắc” hay “bền vững”, hàm ý tác phẩm này miêu tả “các quy luật của Tạo Hóa bất biến theo thời gian”. Dịch (易 – yì) nghĩa là “thay đổi” hoặc “chuyển động”. Khái niệm ẩn chứa những điều rất sâu sắc. Có ba ý nghĩa cơ bản quan hệ tương hỗ:
- Giản dịch:Thực chất của mọi thực thể. Quy luật nền tảng của mọi thực thể trong vũ trụ là hoàn toàn rõ ràng và đơn giản, không cần biết là biểu hiện của nó là khó hiểu hay phức tạp.
- Biến dịch:Hành vi của mọi thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là liên tục thay đổi. Nhận thức được điều này con người có thể hiểu được tầm quan trọng của sự mềm dẻo trong cuộc sống và có thể trau dồi những giá trị đích thực để có thể xử sự trong những tình huống khác nhau.
- Bất dịch:Bản chất của thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là luôn thay đổi, tuy nhiên trong những thay đổi đó luôn tồn tại nguyên lý bền vững (quy luật trung tâm), bất biến theo không gian và thời gian.
Tóm lại, vì “biến dịch” mà có sự sống, vì “bất dịch” mà có trật tự của sự sống, và vì “giản dịch” mà con người khả dĩ quy tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội khả dĩ ổn định.
TRẦM THIÊN THU