Home / Tiêu Điểm / “Lòng thương xót Chúa đã thay đổi đời tôi”

“Lòng thương xót Chúa đã thay đổi đời tôi”

Câu chuyện của một tù nhân Trung Quốc bị giam ở Ý trong lần ra mắt sách của Đức Giáo hoàng

Đức Phanxicô tiếp anh Zhang Agostino Jianqing, diễn viên Roberto Benigni, ký giả Andrea Tornielli, các nhân vật trong nhà xuất bản Ý và các nhân vật khác tại Nhà trọ Thánh Mácta ngày 11 tháng 1-2016
Đức Phanxicô tiếp anh Zhang Agostino Jianqing, diễn viên Roberto Benigni, ký giả Andrea Tornielli, các nhân vật trong nhà xuất bản Ý và các nhân vật khác tại Nhà trọ Thánh Mácta ngày 11 tháng 1-2016

“Một hồng y người Venise, một tù nhân Trung Quốc, một diễn viên hài người Toscan”: Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, thanh niên Trung Quốc Zhang Agostino Jianqing và diễn viên Roberto Benigni ra mắt sách phỏng vấn của Đức Phanxicô và ký giả Ý Andrea Tornielli, với sự hiện diện của ký giả Tornielli, linh mục Giuseppe Costa (Nhà xuất bản Vatican), linh mục Federico Lombardi ở trụ sở Augustinianum, trung tâm nghiên cứu Các Tổ phụ Giáo hội vào ngày thứ ba 12 tháng 1-2016.

Thánh Âugutinô và các giọt nước mắt của mẹ Mônica

Sự trùng hợp thật đúng, vì Zhang Agostino Jianqing, một thanh niên Trung Quốc trẻ 30 tuổi, bị tù trong nhà tù Ý đã chọn tên thánh rửa tội của mình là Âugutinô. Những giọt nước mắt của mẹ anh đã len lỏi vào tâm hồn anh khi anh ở trong tù. Anh chỉ xin rửa tội sau khi đã tâm sự với mẹ tình yêu của mình cho Chúa Kitô, dù mẹ anh là phật tử nhưng bà khuyến khích anh đi theo con đường anh đã chọn. Anh thấy nơi Thánh Mônica hình ảnh của mẹ anh, Thánh Mônica đã khóc và đã cầu nguyện trong vòng 15 năm trời để con mình được hoán cải, sau đó Thánh Âugutinô trở lại và là vị thánh lớn của Giáo hội. Một chứng tá của niềm vui sau nhiều năm sống trong bóng tối. Và niềm vui được nhân gấp bội khi, ngày thứ hai 11 tháng 1, anh được gặp Đức Phanxicô trong dịp ra mắt sách của ngài ở Vatican.

Anh Zhang Agostino kể câu chuyện của mình. Vào đầu câu chuyện, anh cho biết chính anh cũng ngạc nhiên khi một người Trung Quốc như anh lại có tên Ý là ‘Âugutinô’.

Anh vinh danh cha mẹ mình là những người tốt, luôn hành xử tốt ở Trung Quốc và ở Ý. Cùng với cha, anh đến Ý lúc anh 12 tuổi, mẹ anh đã đến đây hai năm trước. Anh cho biết, anh rất chán khi đi học và tìm mọi cách để trốn học. Càng ngày anh càng trở nên “dữ”, dữ là chữ anh tự dùng cho mình. Anh gây với cha mẹ để đòi tiền đi chơi. Năm 16 tuổi, anh đi làm việc xa gia đình, suốt đêm anh ở trong các quán bar, anh chỉ “biết chơi, muốn có tiền, muốn có các cô”, và anh trở nên “hung bạo, sống hời hợt”. Năm anh 19 tuổi, một “lầm lỗi” làm cho anh bị kết án 20 năm tù.

Người Trung Quốc duy nhất

Ở trong tù, anh đau khổ vì không hiểu tiếng Ý, anh là người “Trung Hoa duy nhất” ở đây. Anh gặp rất nhiều khó khăn và không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu. Anh tuyệt vọng, anh viết thư cho gia đình xin gia đình tha thứ, anh rất tiếc đã làm cho gia đình buồn, đã làm cho mẹ anh phải đi 700 cây số để thăm con, để khóc. Anh thú nhận, chính những giọt nước mắt của mẹ giúp cho anh nhận ra sự dữ anh đã làm cho gia đình: “Tâm hồn tôi run rẩy, tôi cảm thấy mình bị gãy đổ, và một khao khát dấy lên trong lòng tôi, tôi không được làm cho mẹ tôi khổ nữa”.

Sau đó anh kể tình thương xót anh đã được nhận. Trước khi chuyển qua nhà tù Padoue, anh gặp một thiện nguyện viên, người mà năm 2015 là cha đỡ đầu rửa tội của anh: “Người này là món quà đầu tiên Chúa gởi đến cho tôi, cho tôi biết thế nào là lòng thương xót Chúa mà khi đó tôi chưa biết. Quan trọng đối với ông là quyển sách đầu tiên của Đức Phanxicô: ‘quyển sách này giúp tôi hiểu!’”

Sau khi biết câu chuyện của Thánh Mônica đã khóc cho con mình là Thánh Âugutinô, anh chọn Thánh Âugutinô làm thánh bổn mạng. Anh thấy mình cũng giống như Thánh Aâugutinô, với bao nhiêu dòng nước mắt người mẹ đã tuôn ra vì mình.

Anh nhắc đến ông Belluno, thiện nguyện viên người Venise: “Tôi cảm thấy quen thuộc ngay lập tức với khuôn mặt, với ánh nhìn của ông, tôi cảm thấy mình được an ủi, mình có được bình an dù lúc đó tôi không hiểu, cũng không nói được tiếng Ý.”

Anh bức bách cảm nhận mình phải thoát ra khỏi sự dữ, nhờ “cái nhìn nhân hậu của ông”: anh cảm thấy mình được “nâng đỡ, được khuyến khích”.

Cùng hợp tác và Chặng đường Thánh giá

Năm 2007, anh được chuyển qua Padoue nhờ sự giúp đỡ của anh Andrea, một người đồng hương làm việc trong một tổ chức hợp tác. Anh nhận ra những người làm việc trong tổ chức này “thương anh như một cá nhân, chứ không như một con số, một hồ sơ”. Và anh mong được rửa tội để cũng được hạnh phúc giống họ.

Anh thố lộ, các lời Phúc Âm đã cho anh một “niềm vui chưa bao giờ tôi có trước đây, giống như những lời này được soạn ra riêng” cho tôi: “Tôi sốt ruột chờ đến ngày chúa nhật! Và cùng với các bạn tù, các người trong tổ chức hợp tác, mỗi tuần tôi tham dự một cuộc họp. Tôi mong được là kitô hữu nhưng tôi không muốn làm cho mẹ tôi buồn thêm một lần nữa, vì mẹ tôi là một phật tử rất sốt sắng. Tôi xin Chúa, tôi xin các bạn để tôi thấy rõ ý của Chúa đối với tôi và với gia đình tôi.”

Anh kể tiếp: “Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2014, khi đi Đàng Thánh giá xong, các bạn tôi đến ôm hôn thánh giá; tôi cũng muốn đến hôn, nhưng nghĩ đến mẹ tôi, tôi không làm sao đến hôn được. Tôi có cảm tưởng như tôi phản mẹ tôi thêm một lần nữa. Tôi đi ra khỏi nhà nguyện và tôi khóc như chưa từng khóc. Tôi hiểu, tôi đã yêu Chúa Giêsu và không thể nào xa Ngài được, tôi gọi cho mẹ tôi và xin mẹ tôi đến gặp tôi. Mẹ tôi đến và tôi kể hết cho bà nghe, tôi không thể nào giấu bà là tôi đã yêu Chúa Giêsu. Sau khi nghe tôi kể, mẹ tôi ngồi bất động năm phút, năm phút này là những giây phút dài nhất đời tôi. Rồi mẹ tôi nói: “Nếu con thấy cái gì đúng cho con thì con phải làm, nếu không mẹ sẽ khổ thêm nữa.” Và cả hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Tôi khóc như một đứa con nít. Tôi cảm nhận tình yêu của Chúa trong tình yêu của mẹ tôi. Chúa Giêsu đã gởi các bạn của Ngài đến tìm tôi: tất cả các bạn tôi đã gặp khi tôi đi học giáo lý. Ngày 17 tháng 4-2015, tôi được rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu trong tù, không phải nơi khác nhưng là nơi Chúa Giêsu đến tìm gặp tôi và nơi tôi gặp được Chúa Giêsu.”

Anh cũng nói lên “lòng biết ơn của mình đối với Đức Phanxicô” vì anh không bao giờ tưởng tượng mình “được dự buổi ra mắt sách của Đức Giáo hoàng, cũng như được bắt tay ngài hôm qua”: “Rất nhiều người, anh nói, có quyền hơn, cần ở đây hơn tôi.” Rồi anh nói thêm: “Lòng thương xót Chúa đã thay đổi đời tôi, nhưng điều này sẽ không thực hiện được nếu không có các anh em, các bạn trong nhà tù Padoue ở đây, tất cả đều ở trong quả tim tôi, họ có mặt ở đây và những người tù trên thế giới, họ không có may mắn được ở đây. Tôi xin cám ơn lòng yêu mến và dịu dàng mà lúc nào Đức Giáo hoàng cũng đối xử với chúng tôi như thế, tôi xin cám ơn những lời trong quyển sách, những lời đi tự đáy lòng của vị chủ chăn đầy lòng thương xót. Chúng tôi luôn nhớ ngài mãi trong lời cầu nguyện của chúng tôi.”

Một chứng từ chỉ mong muốn được đem ra thực hiện những gì Đức Phanxicô yêu cầu: có một Cửa Thánh trong các nhà tù trong suốt Năm Thánh Lòng thương xót và đi thăm tù nhân để thực hiện lòng thương xót.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Nguồn: phanxico

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN