Home / Chia Sẻ / Huấn luyện tu sĩ trẻ ngày nay: niềm vui và thách đố

Huấn luyện tu sĩ trẻ ngày nay: niềm vui và thách đố

    htt-1Trong bài “Những yếu tố làm nên người tu sĩ thừa sai thời @” đã đăng trong Nội san Ra khơi số 4, có nhắc đến: căn tính thừa sai và tính cấp thiết của việc đào tạo nhà thừa sai, để trở thành một Marketing của “Lời” trong xã hội thời @ (1) .

Trong bài viết này, người viết cũng muốn tiếp tục dòng suy tư đó khi bàn đến vai trò của người huấn luyện, sứ mạng và hướng đích của nhà đào tạo.

Dẫu biết rằng, công việc đào tạo chính yếu là của Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ là những người cộng tác viên vào công trình đó mà thôi. Mặt khác, mang trong mình những yếu đuối của con người, nhiều khi chúng ta ngại nói đến, hay không dám đảm nhận vai trò cao quý này.

Khi đặt bút viết về đề tài này, chính tác giả cũng cảm thấy e ngại và xấu hổ khi biết bao điều căn bản mình chưa hoàn thiện. Kinh nghiệm chẳng là bao. Học hành còn hạn chế. Ấy vậy mà dám viết về một đề tài lẽ ra phải dành cho những vị lão luyện, có bề dày kinh nghiệm trong lãnh vực đời tu cũng như huấn luyện. Nhưng thiết nghĩ, phải chăng đây chính là dịp để đương sự cảm thông, chia sẻ với gánh nặng của những nhà đào tạo đã, đang và sẽ kề vai gánh vác công việc vừa cao quý và cũng đầy chông gai này.

1. Vai trò của người huấn luyện

Những người lãnh trách vụ đào tạo là những người được bề trên tín nhiệm trao phó cho công việc này cách thận trọng. Làm sao để việc đào tạo luôn thể hiện được sự hiệp thông và cộng tác với nhóm đào tạo. Quí ơn gọi và thương ứng sinh với con tim mục tử. Làm cho ứng sinh thấy sức hấp dẫn của ơn gọi và khích lệ ứng sinh chấp nhận những đòi hỏi của ơn gọi (2). Vì thế, họ là những người phải định hướng công cuộc đào tạo của họ cũng như những người thụ huấn theo ý muốn của Thiên Chúa, theo giáo huấn của Giáo Hội, theo đặc sủng và linh đạo riêng, cũng như sứ mệnh tông đồ mà Hội dòng, Tu đoàn, Tu hội của mình nhắm tới. Đây là một công việc rất khó khăn.

1.1. Những khó khăn của nhà đào tạo

Trong vai trò của người đào tạo, chúng ta đều cảm thấy ngèn ngẹn trong cổ họng, vì có những kết quả ngọt ngào, an ủi. Nhưng cũng có những kỷ niệm chua chát, đắng cay đến nặng lòng. Bởi vì thế hệ trẻ ngày hôm nay khác trước kia rất nhiều.

Nếu trước kia, các tu sĩ hoàn toàn phó thác mọi sự cho Chúa trong tay bề trên, luôn coi ý bề trên là ý Chúa. Sống thật thà đơn sơ với ý ngay lành. Họ luôn ý thức căn tính của mình sẽ là tu sĩ hay linh mục, đồng thời cũng chuẩn bị cho xứng đáng với những danh hiệu, địa vị mà họ sẽ đảm nhận trong tương lai. Thì, ngày nay lại không phải vậy! Dẫu vẫn có những yếu tố đó. Ngày nay, mặt bằng về tri thức có thể hơn hẳn trước kia, sự hiểu biết sâu rộng nhờ vào những phương tiện bổ trợ đã làm cho người tu sĩ trẻ hôm nay nắm bắt được những ưu thế và tinh tế trong những đổi thay của xã hội cũng như khoa học…, nhưng về chiều sâu đạo đức, kính trên nhường dưới, sống đức ái, thật thà, và ý hướng ngay lành (tức là tâm tu), thì thua xa các bậc cha anh, tiền bối của họ.

Nếu trước kia, người tu sĩ không hề đòi hỏi, thận trọng trong mọi việc, hoàn toàn sống vì Chúa, cho Chúa và trong Chúa. Chuyên lo phụng thờ Chúa và cứu các linh hồn. Coi thầy dạy như là người chỉ đường dẫn lối, họ rất đề cao tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Thì ngày nay, ngược lại, người tu sĩ luôn đòi hỏi, thiếu kinh nghiệm trưởng thành, dòn mỏng và hay bị virus của xã hội hưởng thụ, tiền bạc, tình dục cuốn hút và đánh gục. Những gợi ý của thày dạy, họ luôn coi là lỗi thời và không hiểu họ. Nhiều khi họ cho là “Tự nhiên biết” mà không cần người khác hướng dẫn. Nếu không phản đối được, họ nín thở một mạch cho qua cầu, và, khi có cơ hội, họ sẵn sàng bùng lên chống đối, hoặc qua cầu rút ván. Đây chính là điểm khó khăn cho các nhà đào tạo vì sự khoảng cách về thế hệ, mô hình và tâm thức. Hơn nữa, nhà đào tạo thời nay cảm thấy khó khăn hơn rất nhiều khi đảm nhận vai trò đồng hành, cảm thông và chia sẻ. Nói rõ ra là một phương pháp “Thương lượng”, trong khi người tu sĩ trẻ lại muốn khẳng định mình.

Nhưng điều mà các nhà đào tạo ngày nay cảm thấy “Gai góc” hơn bao giờ hết có lẽ là vấn đề luân lý của các Ứng sinh. Điển hình như: đồng tính; nghiện rượu, bia; và, không thật. Một trong ba vấn nạn trên được coi là không phù hợp với bản tính của người tu sĩ ngay từ đầu đó là đồng tính. Tâm bệnh này, nó đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa trong vấn đề thiết lập hôn nhân, cũng vậy, đương nhiên nó hoàn toàn không phù hợp với ơn gọi tu trì. Và lẽ dĩ nhiên, các ngài không thể thâu nhận những trường hợp này vào trong cộng đoàn tu trì. Còn hai vấn nạn sau là nghiện rượu, bia và không thật mới là điều đáng quan tâm. Người nghiện rượu, bia! Họ là những người bị ma men tiêu khiển, khi phải chọn lựa, họ không đủ ý thức để “Chọn sao cho trọn”. Tức là họ luôn bị lệ thuộc vào sự kích thích của rượu bia. Công việc học hành, kinh sách và các việc khác mà nhà dòng trao phó, họ không đủ tư cách và tự chủ để thi hành. Còn trường hợp không thật! Họ luôn sống như người bắt cá hai tay. Vừa muốn đi tu, lại vừa muốn yêu đương đàn đúm. Vừa cùng lúc ở dòng này lại cũng muốn ở dòng kia. Vừa muốn dòng Việt lại cũng muốn dòng Tây. Khi phải trao đổi về đời sống và tu đức, họ là những người nói hay, nhưng làm dở. Tức là, họ không thật với lương tâm và không có chọn lựa căn bản.

Khi nhà đào tạo gặp phải trên hành trình huấn luyện những trường hợp trên, các ngài một mặt luôn làm toát lên khuôn mặt của Đức Giêsu Mục Tử nhân lành: Ngài đến để cứu chữa những tâm hồn tội lỗi và sẵn lòng tha thứ khi những người tội lỗi có lòng thống hối ăn năn. Nhưng đồng thời cũng luôn là nhà lãnh đạo cương quyết, một nhà hướng đạo dẫn lối và vạch ra cho đương sự những con đường phù hợp, để họ không bị nhầm lẫn và hoang tưởng trong chính đời tu mà họ đang theo đuổi. Đức Giêsu có những lúc Ngài cũng phải quát mắng Phêrô là “Satan”, cũng bện dây thành roi để đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ. Vì tất cả những tư tưởng và hành vi đó không phù hợp với ý định và công trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì vậy, khi đã cố gắng hết sức, các ngài cũng phải cương quyết một lần để có lợi cho cả đôi bên. Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại chia sẻ của một cha giáo luân lý tại một học viện, ngài chia sẻ: “Vào dịp gặp gỡ tất cả các Bề trên, Giám đốc Chủng Viện và các cha Linh hướng của các nước Châu á tại Thái Lan, các vị đều đồng quyết những trường hợp sau là không thể đào tạo được, đó là: đồng tính, nghiện rượu, bia và không thật. Bởi vì, đồng tính là chống lại kế hoạch của Thiên Chúa. Nghiện rượu bia làm cho đời sống của tu sĩ trở nên tầm thường và không có niềm hy vọng. Còn không thật thì chẳng biết thế nào mà hướng dẫn. Vì thế, những người có trách nhiệm trong việc đào tạo phải liệu sao cho đương sự nhận ra bản chất của họ và giúp họ định hướng tương lai càng sớm càng tốt” (3) .

Như vậy, công việc đào tạo quả là một công việc quá khó khăn và phức tạp. Bởi lẽ, đây là công việc đòi hỏi nhà đào tạo phải có tính gan lì, cam đảm, trung thành và dấn thân. Bởi vì, trong công cuộc đào tạo một con người sống động, luôn đòi hỏi có tính lâu dài, trường kỳ, và phải được kết hợp từ nhiều phía và nhiều người. Như thế, trong tiến trình này, nhà đào tạo không tự mình làm việc cách đơn độc, luôn sống trong tinh thần cởi mở và thâu nhận cũng như trân quý những góp ý của các bậc đàn anh, của những anh chị em đang cùng kề vai sát cánh với mình trong vai trò đào tạo, và đôi khi chính những học trò mà mình đang có trách vụ đào tạo cũng là thầy của ta nữa, khi những chia sẻ của họ có ích cho đời sống tâm linh của ta và cộng đoàn. Tuy nhiên, công việc này trước tiên là công việc của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Và có Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đồng hành: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Chính Người mới là nhà đào tạo đích thực, hướng công việc của những người đồng hành về Đức Giêsu – Ngài là vị Tôn Sư mô phạm cho nhà đào tạo noi theo. Suốt cuộc đời của Ngài là một hành trình trở về và hướng tha. Trở về với Chúa Cha và trung thành với ý định của Cha mình. Hướng tha để đến với mọi người, nhất là người nghèo, bị bỏ rơi và bất hạnh.

1.2. Sứ mạng của nhà đào tạo

“Làm sao họ tin Đấng họ không nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10, 14). Thánh Phaolô đã nói như thế trong thư gửi Giáo đoàn Rôma. Trong việc huấn luyện đời tu cũng vậy. Nhà huấn luyện chính là người hướng dẫn, rao giảng và giới thiệu cho môn sinh của mình về một người THẦY lý tưởng là chính Đức Giêsu. Một Đức Giêsu hết lòng bao dung, nhân hậu. Một đức Giêsu sinh ra, lớn lên, giảng đạo, chết và phục sinh chỉ vì “Yêu”. Bên cạnh đó, nhà đào tạo còn hướng dẫn và giúp cho đương sự khám phá, định hướng và cảm nghiệm căn tính của họ. Làm sao để các bạn trẻ khi bước vào và dấn thân cho sứ vụ, họ phải hiểu rõ về họ, xác định thật rõ và cảm nghiệm thật thâm sâu về ơn gọi mà họ đang xây dựng cũng như theo đuổi. Ngoài ra, nhà đào tạo cũng giúp cho đương sự nhận ra ơn gọi của họ đến từ Chúa. Chính Chúa gọi và chọn họ: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân” (Gr 1, 4). Ngài cũng mời gọi “Hãy theo Thầy” và bước đi trên chính con đường mà Ngài đã đi.

Hơn nữa, nhà huấn luyện luôn thôi thúc và giúp cho họ ý thức mình là người được sai đi để nối tiếp công việc của Chúa Giêsu trong những việc tông đồ chuyên biệt, đặc thù của chính Hội dòng, Tu đoàn, Tu hội mà người trẻ đó đang theo đuổi. Được như thế, nhà huấn luyện sẽ giúp cho các ứng sinh chuyển tất cả những tư tưởng đơn sơ ban đầu tới chỗ hiện thực hóa một ơn gọi lý tưởng (4). Sứ mạng của người huấn luyện luôn nhằm cung cấp những người thợ lành nghề cho vườn nho của Chúa, những ngư phủ có khả năng ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá. Công việc này là một chuỗi mắt xích móc nối với nhau, lâu dài. Vì thế, đòi hỏi một sự nghiêm túc và một sự khổ hạnh nào đó (5).

Như vậy, người huấn luyện cần phải có một tâm hồn đào tạo yêu người và yêu nghề. Giống như Chúa Giêsu: cứu giúp người chứ không loại bỏ người, có cắt tỉa là để sinh nhiều hoa trái hơn: tha thứ lỗi lầm, nâng đỡ đứng dậy, giúp bền vững tiến lên, tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai… Nếu nhà đào tạo không có tâm thì chẳng khác gì cái phèng la inh ỏi điếc tai người nghe. Vì thế: “Một người dạy học tốt (có trình độ và bằng cấp chuyên môn cao) không hẳn là một nhà đào tạo tốt. Nhưng một nhà đào tạo dày kinh nghiệm có thể đồng thời cũng là một người dạy học tốt. Công việc đào tạo là một nghệ thuật, và là một ơn ban của Chúa, đòi hỏi những khả năng tự nhiên và những khả năng sư phạm thủ đắc nhờ kinh nghiệm và học hỏi liên tục” (6).

Như vậy, ngoài việc đi tiên phong về tri thức, đạo đức và kinh nghiệm, nhà huấn luyện còn phải lo sao cho người mà mình có trách nhiệm huấn luyện cảm thấy vui tươi và triển nở khi sống trung tín với sứ mạng họ sẽ được trao sau này (7).

Huấn luyện người tu sĩ là cộng tác với Thiên Chúa và với chính người ấy để làm một công trình lớn. Công trình đào tạo những con người sống động để họ trở nên những nhà truyền giáo trên cánh đồng của Giáo Hội và cũng có thể trở nên những người huấn luyện cho những người khác về sứ mạng này trong tương lai. Mặt khác, cũng giúp cho người được huấn luyện biết họ là ai, hầu trở thành người tu sĩ quân bình và bền vững qua mọi tình huống đời sống và sứ vụ, đồng thời xác định việc chọn lựa để trở thành tu sĩ đích thực phải hoàn toàn tự do và trung thành.

2. Đào tạo mỗi người biết tự do lựa chọn (8)

Để trở thành một tu sĩ chính hiệu, đòi hỏi một sự chọn lựa đầy cam go, đi ngược lại với những gì con người và và xã hội theo đuổi. Vì thế, cần một sự hy sinh và từ bỏ cao độ. Đồng thời khi thi hành sứ vụ, đinh sắt, lưỡi đòng, mão gai và thập giá luôn luôn là “Bạn”. Còn phần thưởng là dấm chua, mật đắng…Một cuộc sống khắc khổ như thế, không ai bắt buộc và áp đặt trên người được sai đi. Tiên vàn họ phải có sự chọn lựa trong tự do.

Quả thật, khi đã chọn, họ phải chịu trách nhiệm trên những lựa chọn của mình. Theo Karl Rahner thì: “Biết mình cách triệt để và diễn tả mình cách trọn vẹn” (9). Trong việc huấn luyện người người trẻ để trở thành nhà tu sĩ cũng vậy. Các ngài phải giúp cho Ứng sinh hiểu thật rõ về mình, đồng thời phát huy những đức tính tốt. Cũng thế, nhà đào tạo phải làm sao cho người được thụ huấn cảm nghiệm được ơn gọi và sứ mạng của họ đến từ Chúa, và sứ mạng mà họ đón nhận là lệnh truyền.

Nhưng để cho lời mời gọi hay lệnh truyền đó trở nên cao quý, người tu sĩ phải thực sự tự do đón nhận sứ mạng đó trong ý thức và trách nhiệm (10) .

Chính Đức Giêsu là mẫu gương cho sự chọn lựa trong tự do. Ngài đã ý thức rõ rệt sứ vụ cứu độ, con đường khổ giá và cái chết đau thương mà Ngài phải đảm nhận. Nhưng vì yêu thương nhân loại Ngài đã tự nguyện chấp nhận tất cả. Chúng ta không thể quên lời tuyên bố thời danh biểu lộ sự tự do tuyệt đối của Ngài trước cái chết: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh, và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10, 18).

Khi đã giúp cho họ chọn lựa trong tự do, nhà đào tạo tiếp tục giúp cho các bạn trẻ biết lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm động lực cho công cuộc này: “Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức ái mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13).

3. Nhà đào tạo được ví như người nông dân

Thiết nghĩ, nhà đào tạo thời nay được ví như bác nông dân và việc đào tạo được ví như việc gieo trồng.

Khi bắt tay vào việc, trước tiên, điều mà người nông dân cần là: “Cày”. Cày là điều mà người nông dân cần phải làm khi bắt đầu gieo trồng. Nhà tào tạo cũng vậy. Điều đầu tiên phải làm là “Cày”. Cày ở đây chính là việc đi thăm và tìm hiểu từng gia đình và hoàn cảnh của từng em mà họ sẽ có trách nhiệm thụ huấn trong tương lai. Tìm hiểu không phải để biết rồi khinh thị hay phân biệt. Nhưng tìm hiểu để biết được gia cảnh của từng em hầu biết được lịch sử hình thành tâm tính và quan điểm để cảm thông, chia sẻ và đồng hành đúng hướng. Rồi sau đó mới nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

Nhất “Nước”: để khởi sự cho việc gieo trồng, nước là yếu tố quan trọng nhất. Nếu không có nước, sẽ rất khó khăn cho việc cày bừa, và lẽ đương nhiên không thể làm những khâu tiếp theo. Nhà đào tạo cũng vậy. Như đã nói, điều đầu tiên nhà đào tạo cần làm là tìm hiểu gia cảnh của từng em để đồng hành, thì việc thứ hai là phải làm là “Cầu nguyện”. Nếu không có đời sống cầu nguyện, họ chính là những người đánh trống bỏ dùi. Nếu cá cần nước để sống; cành cây cần nhựa từ thân truyền sang thế nào, thì đời sống cầu nguyện của nhà đào tạo cũng như vậy. Suốt ngày sống của họ phải là người ngụp lặn trong đời sống cầu nguyện. Có thế, họ mới yêu thương, hy sinh và từ bỏ vì người khác. Khi cầu nguyện, họ ý thức được giới hạn của mình và cần đến ơn Chúa trợ giúp. Khi cầu nguyện, họ mới quy chiếu công việc của họ vào quyền năng của Chúa. Khi cầu nguyện, họ dâng tất cả những người được trao phó cho họ lên Chúa. Và, khi cầu nguyện, họ thấy tâm hồn an vui, thanh thoát. Sẵn sàng quy chiếu thành công, thất bại của mình lên Chúa và an vui với kết quả đạt được. Có đời sống cầu nguyện, họ sẽ sống cuộc sống thân tình với Chúa. Đón nhận được ý Chúa và chuyển tải thánh ý của Chúa cho người thụ huấn cách chính truyền. Nếu không, họ sẽ làm theo ý của họ và hướng dẫn người khác theo kiểu khôn ngoan, mánh lới thế gian.

Nhì “Phân”: phân là yếu tố quan trọng trong tiến trình sinh trưởng của cây lúa. Nhưng nếu không biết chăm bón hợp lý thì chính phân bón làm cho mất mùa. Dư thừa phân sẽ làm cho lúa “Lốp”, và, lẽ đương nhiên là mất mùa. Người nông dân giỏi là người biết phân lô, be bờ, để nước chảy đều và phân tỏa lan khắp ruộng cách đồng đều. Khi đã có nước, có ruộng và trồng được lúa. Người nông dân phải bón phân, phun thuốc để cây lúa được lớn nhanh, không bị sâu bọ rúc tỉa…cũng thế, nhà đào tạo khi đã kết hiệp với Chúa trong đời sống cầu nguyện, thì cũng cần phải có một động lực để thực thi những gì mình đã đón nhận được qua sự kết hiệp đó. Thiên Chúa đã yêu thương, tuyển chọn ngài thay mặt Người để hướng dẫn, dạy dỗ. Người cũng ban cho họ ơn khôn ngoan để thi hành tác vụ cao quý này. Vì thế, người đào tạo cũng cần phải biết tận dụng những khả năng mà Chúa ban cho mình, đồng thời cũng phải biết bài trí cách hợp lý và khoa học để không bị rơi vào tình trạng “Lốp” như lúa thừa phân. Tức là phải biết sắp xếp. Tổ chức sao cho hợp lý. Được như thế, người thụ huấn cảm thấy an vui với lý tưởng mà họ đang theo đuổi và, hạnh phúc vì đang được hưởng một nền giáo dục hợp tình hợp lý.

Tam “Cần”: khi đã có nước và bón phân cách hợp lý, khoa học, lúa đương nhiên sẽ lớn dần và hứa hẹn một mùa gặt bội thu. Tuy nhiên, ngay cả lúc này, nếu người nông dân không để ý, thì cùng lúc, cỏ dại cũng mọc lên và lấn át lúa. Như thế, thất bát cũng có thể xảy ra ngay trong lúc này. Đổ vỡ vẫn có thể xảy ra ngay trên đỉnh cao của chiến thắng. Nhà đào tạo khi đã biết tổ chức, nhưng không đôn đốc, gợi hứng thì tinh thần của các em cũng bị trai lỳ và có một chủ thuyết “Mặc bay” (tức là thụ động). Khi đó, các em sẽ rơi vào tình trạng vô cảm, dựa dẫm, sống ký sinh nhờ người khác. Nếu nhà đào tạo năng động và làm mới lại những gì sẵn có, đồng thời có tinh thần chia sẻ trong khi đào tạo, thì họ sẽ lãnh nhận được sự hợp tác chân thành từ phía những môn sinh của mình. Khi đó, ta sẽ dễ dàng đồng hành với các em cách thiết thực hơn.

Tứ “Giống”: nếu ruộng tốt, đất tơi, nước dồi dào, cộng thêm sự chuyên cần nữa, thì đây quả là dấu chỉ rất tốt cho vụ mùa sắp tới. Nhưng nếu hội đủ các điều trên mà giống không tốt: giống sâu mọt, lép, quá hạn, chẩm…thì không thể nào có một vụ mùa bội thu được. Như vậy, trong công cuộc đào tạo, nhà huấn luyện cần phải biết suy tư. Suy tư để biết chọn giống tốt. Suy tư để biết gieo trồng đúng thời vụ. Suy tư để biết chăm bón đúng quy cách. Trong đời sống thiêng liêng, khi suy tư, người hướng dẫn biết tìm ra cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Khi suy tư, nhà đào tạo dễ thông cảm cho những thiếu sót của các em, vì ý thức rằng trong lỗi lầm đó có thiếu sót của chính mình. Khi suy tư, ta biết sống chan hòa mà không phân biệt, không sử dụng quyền theo ý riêng. Khi suy tư, các ngài được một kho tàng khôn ngoan là chính Chúa Thánh Thần. Người sẽ hướng dẫn ngài biết tìm thánh ý Chúa và hướng dẫn môn sinh đi theo đúng thánh ý Chúa muốn. Suy tư chính là hạt giống gieo vào tâm hồn Ứng sinh, để nhờ mảnh đất tâm hồn tốt tươi, môi trường lành mạnh, và đời sống sinh động. Hạt giống đó được nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả dồ dào. Hạt thì 30, hạt thì 50, hạt thì 100…

Cuối cùng, khi suy tư, nhà đào tạo biết tạ ơn Chúa vì hồng ân cao cả mà Chúa đang dành cho mình. Đồng thời cũng ý thức được mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng trong chương trình toàn thể của Ngài. Mặt khác, khi suy tư nhà đào tạo luôn ý thức vai trò của người mục tử đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Đến để băng bó, chữa lành hơn là răn đe, trừng phạt.

Thay lời kết:

Tóm lại, việc đào tạo là việc rất quan trọng vì nó có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ. Nhà đào tạo không những có kiến thức, nhưng còn cần phải có một tâm hồn đào tạo. Một năng lực, và phải rất tinh tế cũng như năng động, để giúp cho người được thụ huấn đi đúng đường và an vui trong chọn lựa của họ. Khi Thiên thời, địa lợi nhân hòa, chúng ta có quyền hy vọng vào một đội ngũ lành nghề không chỉ có phẩm mà còn có cả lượng.

Thật mong thay…

Jos. Song Hành

————————————–

*Ghi chú:

1.Xc. Jos.Vinc. Ngọc Biển, Những yếu tố làm nên người tu sĩ thừa sai thời @, đăng trên: “Nội San Ra Khơi số 04”, tr. 13-17.

2.Lm. Trần Minh Huy, pss, Đào tạo các nhà đào tạo, truy cập ngày 04-01-2013, trên: http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=module3&v=chapter&ib=1&ict=4

3.Trích bài bài giảng về đề tài luân lý tại Học Viện Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình của linh mục Dom. Nguyễn Đức Thông, CSsR. kỳ I, năm 2010.

4.Xc. Charles Serrao, OCD, biện phân ơn gọi tu trì-đào tạo hướng đến sự thay đổi, Nguyễn Đức Thông, CssR. Dịch, NXB tôn giáo 2011, tr. 45.

5.Xc. Sđd. tr.81-82.

6.Lm. Trần Minh Huy, pss, Đào tạo các nhà đào tạo, truy cập ngày 04-01-2013, trên: http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=module3&v=chapter&ib=1&ict=4

7.Xc. Gioan Phao lô II, Tông huấn Vita Consecrata, ban hành ngày 25,03,1996, số 65.

8.Xc. Charles Serrao, OCD, biện phân ơn gọi tu trì-đào tạo hướng đến sự thay đổi, lm. Dom. Nguyễn Đức Thông, CssR. Dịch, NXB tôn giáo 2011, tr. 83-84.

9.Bernard Haring, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô, lm. Dom. Nguyễn Đức Thông. CSsR. dịch, tập I, (nxb Tôn Giáo) năm 2012, tr. 175.

10.Xc. Charles Serrao, OCD, biện phân ơn gọi tu trì-đào tạo hướng đến sự thay đổi, lm. Dom. Nguyễn Đức Thông, CssR. Dịch, NXB tôn giáo 2011, tr. 127-128.

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN