Home / Tiêu Điểm / Mười chuyện khác đáng chú ý về Đức Phanxicô trong năm 2015

Mười chuyện khác đáng chú ý về Đức Phanxicô trong năm 2015

Còn nhiều chuyện Đức Phanxicô đã nói hay đã làm trong năm 2015 khiến mọi người phải chú ý. Trước hết, tôi muốn nói tôi sẽ không nói đến những chuyện kiểu ‘dễ thương’ nhưng là những chuyện có giá trị tin tức thực sự. Ví dụ như, ngày 21-3, Đức Phanxicô đến Napoli, và thợ làm bánh pizza tên Enzo Cacialli đã chạy theo đưa ngài một cái bánh. (Theo ghi nhận, đây là một bánh pizza theo kiểu Napoli màu vàng với dòng chữ ‘Il Papa’ trên mặt bánh, cùng với cà chua vàng để tượng trưng cho màu cờ giáo hoàng.)

Trong một bài phỏng vấn, Đức Phanxicô đã than rằng ngài không thể đi dạo và ghé tiệm ăn một cái pizza. Những hình ảnh Đức Phanxicô nhận chiếc bánh pizza, lan truyền rất nhanh, nhưng chúng không thực sự nói nhiều về nghị trình và các ưu tiên hàng đầu của ngài.

Đức Phanxicô

Còn ở đây, tôi xin đưa ra 10 mục nữa nổi bật của Đức Giáo hoàng trong năm qua.

  1. Đánh đòn cũng được

Trong buổi tiếp kiến chung hồi đầu tháng 2, Đức Phanxicô đã kể một câu chuyện: ‘Có lần trong buổi gặp với các cặp vợ chồng, tôi nghe một ông bố nói rằng, ‘Có khi tôi đánh con mình một chút, nhưng không bao giờ đánh vào mặt, vì như thế là làm nhục nó.’ Thật đẹp! Ông này biết ý nghĩa của phẩm giá! Ông phải phạt con, nhưng phạt sao cho công bằng và có tác động.’ Lời này được xem là một sự tán thành với việc dùng hình phạt thể xác với trẻ em, gây nên một tranh luận ồn ào và nhiều chỉ trích từ các nhóm bảo vệ quyền trẻ em.

  1. Mẹ Teresa

Hồi tháng 12, Đức Phanxicô đã phê chuẩn cho phép lạ thứ hai nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Teresa, mở đường để tuyên bố mẹ là thánh. Nghi thức phong thánh dự kiến tổ chức vào ngày 04-9-2016. Đây sẽ là một sự kiện lớn, bởi vị thế không thể tranh cãi của Mẹ Teresa trong Giáo hội Công giáo trong thế kỷ XX, và do đó Vatican dự kiến sẽ có đến 350.000 người tham dự thánh lễ phong thánh. Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương xót, quyết định này nghĩa là mẹ Teresa là mẫu gương hàng đầu của lòng thương xót mà Đức Phanxicô muốn vinh danh: không chỉ là đường hướng thiêng liêng, mà là một đời phục vụ.

Me Teresa

  1. Charlie Hebdo

Sau cuộc tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Pháp, vì đã đăng những hình ảnh xúc phạm tiên tri Muhammad của Hồi giáo, trên chuyến bay hồi tháng 1 từ Sri Lanka đến Phi Luật Tân, một nhà báo đã hỏi Đức Phanxicô phản ứng thế nào về chuyện này. Đức Giáo hoàng trả lời rằng, tự do báo chí có giới hạn, và bất kỳ ai nếu như xúc phạm mẹ của ngài hẳn sẽ ‘bị đấm vào mặt.’ Lời này mang hàm ý rằng, những ai chủ tâm xúc phạm những chuyện nhạy cảm của tôn giáo là đang đùa với lửa đó.

  1. Sinh con như thỏ

Chỉ vài ngày sau, trong buổi phỏng vấn trên chuyến bay từ Phi Luật Tân về Roma, Đức Phanxicô nói rằng người Công giáo nên thực hành ‘làm cha mẹ có trách nhiệm’ và không cần phải ‘sinh con như thỏ.’ Dù một vài nhà bình luận hấp tấp đã xem đây như việc Giáo hội mở cửa với kiểm soát sinh sản nhân tạo, nhưng thực sự Đức Phanxicô đang nói đến Kế hoạch Gia đình Tự nhiên truyền thống của Công giáo.

PopeFrancisInterviewAboardPlaneJuly292013AP_large

  1. Các hồng y mới

Hôm 14-02, Đức Phanxicô đã chủ trì Hội nghị Hồng y thứ hai, tấn phong các hồng y mới, qua đó khẳng định danh tiếng ‘Giáo hoàng Vùng ven’ của ngài. Đức Giáo hoàng đã bỏ qua các trung tâm quyền lực, mà trao mũ đỏ cho các vùng thường bị bỏ qua như Panama, Thái Lan, Cape Verde, New Zealand, và Đảo Tonga. Ngay cả trong những nước thường có hồng y, ngài vẫn bỏ qua các giáo phận lớn để thiên về những nơi hẻo lánh hơn. Ví dụ như, ở Ý, ngài đã chọn tòa Ancona và Agrigento, thay vì Venice và Turin.

Giáo hoàng Phanxicô nói với các tân hồng y - việc lãnh đạo phát xuất từ đức mến

  1. Một triều giáo hoàng ngắn

Trong bài phỏng vấn với đài truyền hình Mễ Tây Cơ hồi tháng 3, Đức Phanxicô dự đoán ngài sẽ chỉ có một nhiệm kỳ ngắn mà thôi. ‘Tôi có cảm giác triều giáo hoàng của tôi sẽ ngắn thôi, 4 hay 5 năm, tôi không biết, thậm chí 2 hay 3 năm. Hai năm đã qua. Đây chỉ là một cảm thức mơ hồ … tôi cảm thấy Chúa đặt tôi ở đây trong thời gian ngắn thôi, không hơn … Tôi luôn luôn để mở mọi khả năng.’ Đây không phải là tiết lộ một căn bệnh giấu kín, hay một ý định thoái vị, nhưng là cảm thức thời gian không nhiều, và điều này giúp chúng ta hiểu được sự cấp bách của Đức Phanxicô.

  1. Đức Phanxicô ở Sarajevo

Ngày 06-6, Đức Phanxicô có chuyến đi trong vòng một ngày đến Sarajevo, thủ đô Bosnia, một đất nước chia ra giữa Hồi giáo, Chính thống và Công giáo. Sarajevo là nơi bị vây hãm suốt 4 năm trong thập niên 1990, trong cuộc xung đột đẫm máu vùng Balkan, lần đầu tiên khiến thế giới kinh hoàng với khái niệm ‘thanh trừng sắc tộc.’ Đức Phanxicô đến để thúc đẩy hòa giải, một phần trong kế hoạch dùng những chuyến công du quốc tế để thăm những nơi xung đột nhằm thăng tiến con đường hòa bình. Có thể nói, Sarajevo là một lời khẳng định nữa rằng Đức Phanxicô là ‘Giáo hoàng Hòa bình.’

sarajevo tu sỹ

  1. Cuộc diệt chủng Armenia

Trong thánh lễ hồi tháng 4, tưởng niệm 100 năm biến cố đế quốc Ottoman tàn sát khoảng 1.5 triệu người Armenia trong Thế chiến I, Đức Phanxicô đã dùng từ ‘diệt chủng’ để mô tả cuộc tàn sát này, gây nên một tranh cãi ngoại giao. Người Thổ đã triệu tập đại sứ Vatican ở Ankara, và đồng thời gọi đại sứ của mình ở Vatican về, để bày tỏ sự phản đối. Vụ việc này có thể nói là nền cho sự quyết tâm của Đức Giáo hoàng khi ngài nói rằng chiến dịch của ISIS chống lại các Kitô hữu ở Syria và Irắc là ‘diệt chủng’ một lời chỉ trích mà Hoa Kỳ không dám đưa ra.

  1. Vatican và Palestine

Tháng 5 năm nay, Vatican đã ký một hiệp ước với Palestine về tình trạng con người và cơ sở của Công giáo ở Bờ Tây và Dải Gaza. Bởi văn bản dùng từ ‘Nhà nước Palestine’ nên người ta xem hiệp ước này như một sự công nhận chủ quyền của Palestine. Sự thật là Vatican đã dùng từ ‘Nhà nước Palestine’ trong tất cả mọi văn kiện ngoại giao chính thức kể từ khi cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc năm 2012 công nhận Palestine là một quốc gia quan sát viên ở LHQ. Và cộng với việc Đức Phanxicô dùng từ ‘Thiên thần Hòa bình’ trong buổi hội kiến với tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong khoảng thời gian này, hiệp ước trên đã khiến nhiều người Israel thấy mâu thuẫn về Đức Giáo Hoàng.

Giáo hoàng và tổng thống Palestine bày tỏ hi vọng về hòa bình

  1. Đức Giáo hoàng và ISIS

Đã hai lần, các phụ tá cấp cao của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trực tiếp tán thành hành động quân sự chống ISIS. Một lần hồi tháng 3, khi tổng giám mục Silvano Tomasi, tùy viên giáo hoàng ở Liên hiệp quốc, tại Geneva đã kêu gọi can thiệp: ‘Chúng ta phải ngăn chặn cuộc diệt chủng này. Nếu không chúng ta sẽ phải than khóc vì sao chúng ta đã không làm gì, tại sao chúng ta để cho bi kịch khủng khiếp thế này xảy ra.’ Lần nữa là sau cuộc tấn công Paris hồi tháng 11, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã nói rằng việc sử dụng vũ lực là chính đáng, ‘bởi bạo lực mù quáng là không thể dung thứ, dù cho nó phát xuất từ đâu đi chăng nữa.’ Trong năm qua, nhiều quan chức đã xác nhận Vatican có thể là mục tiêu của khủng bố, và sau vụ Paris, các biện pháp an ninh đã được thắt chặt. Và mới đây nhất, trong bài diễn văn Urbi et Orbi Giáng Sinh, Đức Phanxicô đã lên án ‘những hành động tàn bạo và khủng bố’ trong năm qua.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: phanxico

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN