Home / Suy Niệm Lời Chúa / Niệm Tin Mừng Lễ Hiển Linh, của Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Niệm Tin Mừng Lễ Hiển Linh, của Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

(Is 60, 1-6; Ep 3, 2-6; Mt 2, 1-12)

“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người

xuất hiện bên Phương Đông…” 

Tin mừng Matthew 2, 1-12:

Illustration of traditional Christian Christmas Nativity scene with the three wise men going to meet baby Jesus in the manger.

Khi Đức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

Suy niệm:

Lễ Hiển Linh là lễ Chúa Giêsu tỏ mình ra cho chư dân, cho thế giới dân ngoại, ba nhà đạo sĩ là những người đại diện. Bài Tin mừng hôm nay tường thuật cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Bêlem tìm gặp Hài Nhi Giêsu mới sinh và triều bái Ngài: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng ta đến bái lạy Người”.

Thánh Matthêu, khi tường thuật biến cố này đã nhấn mạnh rằng ba nhà đạo sĩ đến Giêrusalem dõi theo ngôi sao lạ đã nhận ra hài nhi là vua, là Đấng Messia mà các tiên tri đã loan báo. Nhưng khi đến Giêrusalem, thì các nhà đạo sĩ lại cần đến những chỉ dẫn của các tư tế, các luật sĩ để biết rõ nơi họ muốn đến, nghĩa là Bêlem, kinh thành của vua David (Mt 2, 5-6) (Mk 5, 1). Ngôi sao và sách thánh là hai luồng ánh sáng đã chỉ đường dẫn lối cho các nhà đạo sĩ. Đối với người tín hữu, các đạo sĩ được xem là mẫu mực cho con người tìm kiếm chân lý đích thực.

Bài tường thuật của thánh Matthêu trong nguày lễ Chúa Hiển Linh muốn trình bày cho chúng ta những chân lý mạc khải sau đây:

– Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bêlem là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái đang mong đợi từ ngàn xưa. Việc Ngài sinh hạ tại Bêlem để ứng nghiệm là sấm ngôn cổ xưa:

“Hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, người đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (x Mk 5, 1-4).

Như thế, Hài Nhi Giêsu là Đấng Messia thuộc dòng tộc David; Người là thủ lãnh của dân Israel và là mục tử dẫn đưa Israel vào đất hứa.

– Hài Nhi Giêsu là Vua muôn dân. Ba đạo sĩ tìm đến Giêrusalem không hỏi thăm về một nhân vật tôn giáo, mà lại hỏi: “Vua dân Do Thái mới sinh, hiện đang ở đâu? Vì chúng tôi thấy ngôi sao của Người ở Phương Đông và chúng tôi đến triều bái Người”. Ba đạo sĩ này đã nhận ra Hài Nhi mới sinh là vua muôn dân, nên các ngài dâng cho Chúa Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược. Theo các nhà chú giải Thánh Kinh và theo truyền thống Do Thái, dâng lễ vật vàng cho ai là chấp nhận người ấy là vua, các ngài đã dâng cho Chúa Giêsu vàng là các ngài tin nhận Chúa Giêsu là Vua muôn dân. Các ngài dâng nhũ hương là nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, và dâng mộc dược là nhìn nhận Ngài là con người như mọi người. Hơn nữa, thái độ cung kính thờ lạy của các đạo sĩ đã xác tín rằng Hài Nhi Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là Vua, và là Đấng Cứu độ nhân loại.

– Khi ghi lại việc ba đạo sĩ mang lễ vật dâng kính Hài Nhi, thánh sử Matthew ngẫm nhắc lại lời tiên tri Isaia xưa: “Này hết thảy những người Saba đem vàng và nhũ hương tới, rao truyền ngợi khen Đức Giavê”. (Is 60, 6). Matthew cũng có ý cho dân Do Thái thấy rằng lòng mong đợi của họ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế mà họ mong chờ nay đã đến: dân ngoại mang lễ vật yết bái Ngài.

Đối diện với Đức Giêsu, Đấng Cứu độ nhân loại, là Vua muôn dân và là Thiên Chúa thật, Tin mừng thánh sử Matthew ghi lại 3 thái độ:

  • Ba nhà đạo sĩ tin nhận Hài Nhi Giêsu là Đấng Messia, là Vua, là Thiên Chúa cứu độ trong niềm hân hoan và thờ lạy: dâng lễ vật cho Chúa Hài Nhi. Lễ vật biểu lộ lòng thành, niềm tin và lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu.
  • Các tư tế, luật sĩ, biệt phái thì thờ ơ lãnh đạm, không quan tâm đến biến cố giáng sinh của Hài Nhi Giêsu.
  • Vua Hêrôđê điên cuồng, bối rối lo sợ vì sợ mất ngai vàng. Ông đã tìm cách sát hại bé thơ Giêsu mới chào đời để củng cố địa vị, ngôi báu của mình. Chính vua đã ra lênh giết các hài nhi ở Bêlem và vùng phụ cận, gây đau thương, tang tóc cho nhiều gia đình tại đây.

Từ lời Chúa, chúng ta có thể rút ra những bài học thực hành cho cuộc sống người Kitô hữu:

– Xưa Chúa đã dùng ánh sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ đến gặp Chúa Hài Nhi và thờ lạy Ngài. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn cần những ánh sao để hướng dẫn mọi người đến với Thiên Chúa. Ngài mời gọi mỗi người Kitô hữu cộng tác vào công việc dẫn đưa anh em đến với Thiên Chúa. Đó là ánh sao của Lời Chúa, ánh sao của lòng bác ái, yêu thương, của hy sinh, phục vụ… Những ánh sao đó có sức tỏa sáng giúp mọi người nhận ra Thiên Chúa và tình thương của Ngài.

– Cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ đi tìm gặp Chúa Hài Đồng là cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu: khát khao tìm Chúa với tất cả lòng tin, thành tâm thiện chí… chúng ta mới có thể gặp được Thiên Chúa trong cuộc đời.

Văn sĩ Josergensen, người Đan Mạch, đã tưởng tượng ra câu chuyện “Vị vua thứ tư”. Ông vua này đến chầu Hài Nhi sau ba vua khác. Ông buồn vì không có gì dâng cho Ngài.

Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất để dâng cho Chúa. Nhưng dọc đường, gặp người nghèo khó ăn xin là ông giúp đỡ. Người thứ nhất là cụ già rét run vì lạnh. Động lòng trắc ẩn, ông đã tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn nữa, ông gặp một toán lính toan làm nhục một cô gái. Ông đành chuộc lại cô gái. Cuối cùng, khi tiến vào Bêlem, ông gặp một người lình do Hêrôđê sai đi tàn sát các hài nhi ở các làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải lấy ra viên ngọc cuối cùng để tặng người lính và thuyết phục anh ta từ bỏ ý định tàn ác.

Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay không. Ông bối rối và kể lại cuộc hành trình của mình. Nghe xong câu chuyện. Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng dệt bằng những nghĩa cử bác ái đối với tha nhân, đối với nhứng nghèo khổ.

Lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là tình yêu, những gì ta trao tặng cho tha nhân, những người nghèo: “Cho người nghèo là cho chính Chúa”.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN