Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, Năm C, của P.Trần Đình Phan Tiến

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, Năm C, của P.Trần Đình Phan Tiến

ĐỨC GIÊSU NGỒI GIỮA CÁC BẬC THẦY DOTHAI

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, Lễ Thánh Gia có thể nói là Lễ Giáng Sinh kéo dài, hay là Lễ tiếp nối Giáng Sinh. Giáng Sinh là một Mầu Nhiệm Mặc Khải, nơi đó Thiên Chúa mở ra một hành trình cứu độ con người nhân thế trong một kế hoạch từ muôn thưở, sau khi loài người sa ngã.

Bởi thế, Lễ Giáng Sinh là sự mở đầu của một Mầu Nhiệm Mặc Khải từ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng muôn loài, trong đó có loài người, và là Đấng Cứu Chuộc khi loài người sa ngã. Vâng, vì thế cuộc đời Chúa Cứu Thế là một hành trình Mặc Khải bởi Thiên Chúa.

Thiên Chúa Mặc Khải chính mình vào thời gian sau hết, đó là một mầu nhiệm. Loài người tôn thờ một Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa là loài người đáp trả Mầu Nhiệm Mặc Khải bởi Thiên Chúa toàn năng.

Vâng, thưa quý vị, Hài Nhi Giêsu cũng như bao hài nhi khác, khi được sinh ra như một phàm nhân, Người hoàn toàn trút bỏ địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa, có nghĩa là tự nguyện trút bỏ, chứ không phải “chối bỏ”. Có nghĩa là: Tự nguyện hiến dâng làm giá cứu chuộc loài người.

Nhưng, khi qua thời ấu nhi, sự vâng phục và âm thầm (sống ẩn dật) tại ngôi làng Nazaret cùng với Đức Maria và Dưỡng phụ Giuse. Từ khi được sinh ra, với một Hình Hài bé nhỏ, Chúa Giêsu đã vâng phục “Cha Mẹ” Người cho đến lúc trưởng thành.

Hôm nay, Tin Mừng Lễ Thánh Gia (Lc 2, 41 -52) cho chúng ta sự thấy sự “vâng phục” hai đấng “sinh-dưỡng” của Chúa Giêsu qua hết thời “thơ ấu” của Người. Bắt đầu đến tuổi khôn lớn của Người.

Tin Mừng (Lc 2, 41-52) hôm nay, cho chúng ta suy niệm hai đoạn chính; mỗi đoạn có nhiều ý.

  • Đoạn thứ nhất: Từ câu 41 đến câu 50. Đoạn nầy có 03 ý:
  • Ý thứ nhất: Từ câu 41 – 45: Bối cảnh khi Thánh Gia trẩy hội Đền thánh Giêrusalem, và Chúa Giêsu. ở lại trong đền thờ.
  • Ý thứ hai: Từ câu 46 – 47: Hai đấng tìm gặp được Chúa Giêsu và chứng kiến cảnh Người đang giảng dạy trong đền thờ giữa các thầy Dothai.
  • Ý thứ ba: Từ câu 48 – 50: Sự đối đáp khéo léo, nhưng đầy ẩn ý, mầu nhiệm của Chúa Giêsu và hai đấng bậc của Người.
  • Đoạn thứ hai: Từ câu 51 – 52: Tuy ngắn nhưng mang nhiều ý nghĩa về Lễ Thánh Gia, tức sự “vâng phục cha mẹ” của Chúa Giêsu.

Thưa quý vị, nhưng khởi đi từ Bài đọc I hôm nay (1 Sm 1, 20-22. 24-28), chúng ta thấy tiên Tri Samuel được sinh ra, bởi người mẹ có tên là Anna, vâng, bà mẹ của Samuel là một phụ nữ đức hạnh, nhưng hiếm muộn, có lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và bà đã được toại nguyện (Samuel là một vị tiên tri lớn, thời danh, có tên trong việc liên hệ đến dòng dõi vua Đavit). Hình ảnh bà mẹ Anna của Samuel là hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng khác nhau là Đức Mẹ hoàn toàn trinh khiết vẹn tuyền, làm Mẹ Đấng Cứu Thế do bởi quyền phép hoàn toàn siêu nhiên, chứ không phải do phàm nhân.

Ý nghĩa Bài đọc I cho chúng ta thấy người mẹ trong gia đình giữ một vai trò quan trọng ,thật cần thiết đến độ không có mẹ thì không có con. Tầm quan trọng của gia đình đặt nền tảng nơi người mẹ. Từ muôn thuở và điều ấy phù hợp với mọi dân tộc, nhất là dân tộc Việt Nam của chúng ta.

Cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa, vì cha mẹ luôn là tiền bối, là thế hệ đi trước, là nơi tựa nương cho con cái. Hình ảnh cha mẹ là một điều cần thiết tối thượng và duy nhất đứng sau Thiên Chúa, bởi vì, nếu không có cha mẹ, thì cũng không có con cái, cho dù là trường hợp mồ côi, thì không có công ơn dưỡng dục, nhưng không thể không có công ơn sinh thành.

Sinh thành và được dưỡng dục là hai yếu tố quan trọng cho con người mọi thời đại, mãi mãi cho đến tận thế. Vì vậy, bộ phận làm con nếu đánh mất “chữ hiếu” có nghĩa là tâm tình “biết ơn“ cha mẹ, thì người ấy chưa xứng đáng làm người.

Bài đọc II (Cl 3, 12 -21) thánh Phaolô cho chúng ta lời khuyên tuyệt vời và chân thành đến mức tuyệt hảo. Vâng, có thể nói không còn lời khuyên nào hay hơn lời khuyên ấy. Vì là dòng dõi được tuyển chọn, tức dân thánh, dân Thiên Chúa, thì những ai được nối kết vào Đức Kitô, thì người ấy được kêu gọi nên thánh. Vì vậy, lời khuyên của thánh Phao-lô là lời khuyên nên thánh.

Vậy, Thánh Gia là Gia Đình Thánh, mỗi con người sinh ra đều có một gia đình, gia đình là những gì quan trọng đối với đời sống xã hội. Một công dân tốt, thì chắc chắn không phải là một người con xấu, ngược lại một người con không tốt trong gia đình, thì không thể nào là một công dân tốt được.

Qua gương Chúa Giêsu, chúng ta thấy sự sống làm “Con” của hai đấng là ”phàm nhân”, với Thiên Tính của một Ngôi VỊ Thiên Chúa trong Nhân Tính của Người là một sự khiêm nhường tột bậc. Ngôi VỊ Thiên Chúa tự hạ về mọi mặt, sự vâng lời không chút đảo lộn, tạo nên sự thuận lý trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Vị Thiên Chúa.

Chúng ta bước theo Chúa Giêsu là bước theo và tôn thờ cách trọn vẹn Thiên Tính và Nhân Tính của một Ngôi Vị Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha, là Chúa muôn loài. Sự khôn ngoan tuyệt đối nơi Người, đến độ tuổi mười hai thôi, mà Chúa Giêsu đã ngồi giữa các thầy Dothai để đối đáp với họ. Điều nầy minh chứng một sự thông thái từ trên cao. Đủ nói lên Thiên Tính nơi Chúa Giêsu. Thiên Tính tự hạ để hòa với phàm nhân.

Diễn biến của nội dung Tin Mừng hôn nay là quá rõ. Một sự bất ngờ cho Đức Maria và thánh Cả Giuse về hành động đi lạc và ngồi giữa các thầy Dothai là một minh chứng về Thiên Tính của Người. Nhưng, qua Thiên Tính, Người đã vâng phục Nhân Tính hầu chu toàn địa vị làm Con Thiên Chúa và “Con” phàm nhân.

Qua sự đối đáp đầy ngạc nhiên và khó hiểu về sứ mạng và vai trò Cứu Thế của Chúa Giêsu.Hai đấng không hiểu được, nhưng, vẫn biết đây là “Con Thiên Chúa”. Vì chính thánh Cả Giuse và Đức Maria biết rõ đây là ”Thánh Thai”, có nghĩa: “Đấng sẽ dùng roi sắt cai trị muôn dân“.

Nếu đọc Đoạn Tin Mừng (Lc  2, 41-51) hôm nay, hiểu theo câu chữ thì dường như “khó nghe”. Nhưng, hiểu theo điều mầu nhiệm thì đây là đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu mặc khải Thiên Tính của Người.

Chúng ta càng suy niệm, chúng ta càng thấy điều kỳ diệu nơi đoạn Tin Mừng Thánh Gia hôm nay. Bởi vì một Ngôi Vị Thiên Chúa hạ mình ở với phàm nhân, mặc lấy sứ mạng làm “Con”, chứ không phải làm “Cha” phàm nhân.

Hai đấng nhận lãnh sứ mạng làm “Cha Mẹ” của một Thiên Tính trong Nhân Tính một cách đầy “vâng phục”. Chúng ta thấy sự vâng phục không phải chỉ nơi Chúa Giêsu mà thôi, mà sự vâng phục ấy còn ở nơi Đức Mẹ và thánh Cả Giuse nữa.

Lạy Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Cả, xìn thương ban cho mỗi gia đình, mỗi con người trong mọi gia đình Công giáo được noi gương bắt chước được Thánh Gia, để chiếu tỏa ánh sáng gia đình thánh cho mọi gia dình ngoài Công giáo, hầu cho xã hội loài người được nhận biết Mầu Nhiệm Giáng Sinh, vì Mầu Nhiệm Thánh Gia chính là Mầu Nhiệm Giáng Sinh lan tỏa. Amen

27/12/2015

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

JESUS, THE KING

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ  CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ, CHÚA NHẬT TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM MINH ANH

  KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”. “Những …