Home / Chia Sẻ / Đệ Nhất Hàn Vương

Đệ Nhất Hàn Vương

imagesĐệ nhất Hàn vương là nói cho có vẻ “văn chương” một chút, vì người ta vẫn cho rằng dùng Hán Việt thì “sang” hơn Việt ngữ thuần túy, chứ nói toạc móng heo ra thì chỉ là Vua Nghèo. Vua mà lại nghèo! Vô lý hết sức. Vì xưa nay có thấy ông vua nào hoặc nữ hoàng nào nghèo đâu chứ? Vua vừa giàu vừa sang, tổng thống ngày nay cũng chẳng thấy ông bà nào nghèo. Không cần là vua chúa hoặc đứng đầu một quốc gia, những người có chút địa vị hoặc chức tước (cả đời và đạo) đều được người ta “lưu tâm” và cung phụng nhiều thứ – tất nhiên vấn đề “quan trọng” nhất vẫn là… “cái phong bì”!

Nghèo không là “tội”, nhưng là… “vạ”. Người nghèo không ai muốn quen, không ai thích gần, không ai thèm hỏi, thậm chí là không ai thèm nhìn: “Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm”. Ca dao Việt Nam cũng nói: “Cây khô tưới nước cũng khô, người nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo”. Đâu phải họ lười, thế nhưng họ vẫn lận đận đến chết vẫn chưa “ngóc đầu” lên được. Họ nghèo rớt mồng tơi (thậm chí có người cũng chẳng có mồng tơi mà rớt), nghèo ho ra máu, nghèo lụi vô bờ, nghèo trơ mắt ếch, nghèo lệch ba sườn, nghèo trườn lê lết, nghèo mạt rệp (tức là rệp cũng không thèm ở nhà người nghèo)… Quả thật, họ nghèo tới tận cùng bảng số và nghèo trên từng cây số!

Thế mà có người lại sung sướng từ nhỏ, chẳng phải lo gì, muốn chi được nấy, thậm chí họ vung tiền qua cửa sổ hơn cả Công tử Bạc Liêu, vung tay quá trán mà vẫn “vô tư”, ăn chơi xả láng mà sáng không phải về sớm. Cuộc đời của người giàu được gọi là “đẻ bọc điều”.

Chuyện may rủi, chuyện hên xui, chuyện giàu nghèo đều là ẩn số. Thật không hiểu nổi! Vì thế, người ta gọi cuộc đời những người nghèo là “mạng cùi”, là “số kiếp”, duy tâm hơn thì nói là “tiền định”.

Việt ngữ thật hay: Nghèo khổ, hoặc nghèo khó. Cái “nghèo” thường đi đôi với cái “khổ” và cái “khó”. Ai có từng sống thiếu thốn mới khả dĩ cảm nhận cái nghèo là thế nào. Thật thê thảm, te tua, tơi tả, trầy trụa,… coi như là “tiêu tùng”. Mắt nhìn đâu cũng thấy “tối tăm”, cuộc sống thì “tồi tệ”. Toàn là chữ T, cứ đọc nhiều những chữ T như thế thì tự dưng cũng thấy “tê tái”, thậm chí cũng “tê tê” đầu lưỡi. Thế thì tiêu! Nói theo kiểu văn chương “hiện đại” (dạng “ba xu”, đại bình dân) thì là “thúi hẻo”.

Nhưng ai có nghèo cỡ nào thì chắc hẳn cũng chưa nghèo bằng Chúa Giêsu. Kinh thánh cho chúng ta biết: “Khi các đạo sĩ tới điểm mà ánh sao dừng lại, họ gặp Bác gái Maria, Bác trai Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Chắc không ai nghèo đến thế. Ngày nay người ta gọi cảnh đó là “nghèo mạt rệp”!

Ngài đúng là Đệ nhất Hàn vương, nói bình dân là Vua Nghèo, nói khôi hài theo ngôn ngữ Hán Việt thì Chúa Giêsu là người “đại hàn”. Chữ “đại hàn” ở đây không phải là nước Đại Hàn (Hàn quốc, Korea), mà là “cực kỳ nghèo”, vì chữ “hàn” ở đây hiểu theo nghĩa là “nghèo” chứ không theo nghĩa là “lạnh”.

Trước đó, thật tội nghiệp hai Bác Maria và Giuse. Tiền thì chẳng có bao nhiêu, nhưng hai Bác cũng ráng cắn răng mà đi thuê phòng trọ, nhưng khốn thay lại chẳng chỗ nào cho trú qua đêm. Chủ nhà trọ nào cũng nói không còn phòng. Chắc là họ thấy vợ chồng này nghèo te tua nên họ đuổi khéo thôi, có thể họ nghĩ là vợ chồng nhà quê này nghèo thế thì chẳng có tiền mà trả tiền phòng, rồi sáng hôm sau lại quỵt tiền thôi!

Thế là hai Bác nhà ta đành lủi thủi ra đi trong đêm tối đen như mực. Nghĩ mà thương Bác Giuse hết sức. Đêm hôm, đường sá xa xôi hiểm trở, núi đồi gập ghềnh, trời tối thui, con lừa như cũng mỏi gối chùn chân vì mệt, chắc nó cũng buồn ngủ, thế mà Bà xã lại chuyển dạ mới chết chứ! Triệt buộc. Thế là Bác Giuse đành đưa vợ vào “nhà hộ sinh dã chiến” là hang chiên lừa để Bà xã lâm bồn. Cũng còn may là “mẹ tròn, con vuông”. Có lũ mục đồng chuyện trò thâu đêm cũng quên hết gian nan. Thấy mấy con bê và lừa con dễ thương hết sức. Chúng cứ nhìn Bé Giêsu. Còn Bé Giêsu hình như cũng khoái chí, chẳng khóc tí nào. Tạ ơn Chúa!

Rồi tất cả vui buồn gì cũng đều qua. Cậu Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Khi bắt đầu sứ vụ, ngay trong bài giảng đầu tiên, Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3; Lc 6:20).

Ngài sinh ra trong cảnh nghèo để làm gương, là muốn đề cao nhân đức khó nghèo. Đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối, Ngài luôn sống khó nghèo – nghèo thật, nghèo đúng theo nghĩa đen chứ chẳng bóng gió chi cả. Ngài từng dạy Nhóm Mười Hai: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10:4). Tức là Ngài bảo phải sống khó nghèo.

Một thanh niên thấy Chúa Giêsu tốt lành nên ngỏ ý muốn làm đệ tử. Ngài nói với anh ta: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19:21; Mc 10:21). Nói gì thì nói, rồi Ngài cũng nhắc tới “người nghèo”.

Một lần vào Đền Thờ, Chúa Giêsu ngồi nhìn người ta dâng cúng tiền vào thùng. Có nhiều người bỏ tiền vào thùng, nhưng Ngài lại đặc biệt chú ý tới một bà góa. Bà góa này chỉ bỏ vào thùng từ thiện 2 đồng xu quèn mà lại được Chúa Giêsu khen là “nhiều” (x. Mc 12:40; Lc 21:1-4). Lạ thật!

Trong lời ngợi khen (magnificat), Đức Maria nói: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:53). Chính Đức Mẹ cũng biết rõ Chúa “khoái” người nghèo chứ không “phe” với người giàu. Thế nhưng chúng ta lại không “khoái” kiểu của Chúa, chỉ nói hay mà làm không hay. Vậy thì “căng” đấy!

Chưa hết, khi nói về việc đãi tiệc, Chúa Giêsu lại bảo người ta “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14:11). Chắc hẳn ai cũng phải “lắc đầu”. Người hiểu một chút thì cho đó là “kỳ lạ”, còn người không hiểu thì cho đó là “kỳ cục”.

Tóm lại, Chúa Giêsu là Đệ nhất Hàn vương nên Ngài đề cao sự khó nghèo. Đối với Chúa, khó nghèo là một nhân đức, nhưng chúng ta lại thường sống “khó mà nghèo” – ngay cả những người sống lời khấn thanh bần, một trong ba lời khấn của những người sống theo “Lời Khuyên Phúc Âm”.

Tác giả Thánh vịnh cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đứng dậy ra tay, xin đừng quên những người nghèo khổ” (Tv 10:12), Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ, để bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức, khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng bố ai” (Tv 10:17-18).

Với đức tin, người nghèo biết Chúa Giêsu là Vua Nghèo và rất yêu thương người nghèo thì cũng được an ủi, có thể tiếp tục hành-trình-nghèo của mình – dù trong mắt người đời, người nghèo chỉ là “cái gai” làm xốn mắt họ.

Chắc hẳn chẳng ai “ngược đời” như Đức Giêsu. Ngài “ngược đời” tới mức “hết nước nói”, ai cũng phải “bó tay”. Không hiểu sao Ngài lại khoái nghèo và thích người nghèo đến thế nhỉ? Đó là điều bí ẩn mà còn là điều mầu nhiệm. Ngài mê cái sự nghèo khó và nghèo khổ đến nỗi chấp nhận hòa nhập với loài người để chia sẻ mọi thứ (trừ tội lỗi): “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).

Như vậy, Chúa Giêsu có “xúi dại” chúng ta không?

Chắc chắn là KHÔNG. Ngài vô cùng yêu thương chúng ta đến nỗi hiến cả mạng sống mình ngay khi chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, hoàn toàn bất xứng. Vả lại, Ngài là Đấng Nhân Lành và giàu Lòng Thương Xót, thì không thể có ý đồ như chúng ta. Chúa Giêsu đã sinh nghèo, sống nghèo, và chết nghèo, nhưng Ngài đã chiến thắng và phục sinh vinh quang sau khi chịu cảnh nghèo hèn và đau khổ.

Điều gì loài người ham mê thì Thiên Chúa làm ngơ, còn điều gì loài người khinh miệt thì Thiên Chúa lại đề cao. Chúng ta có thấy mình đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa? Nếu đi ngược thì sao? Chắc hẳn ai cũng tự trả lời được. Trả lời được, nhưng có dám “ngược đời” như Ngài hay không thì lại là chuyện khác. Nhiều người đã từng từ khước tất cả mọi sự thoải mái trong cuộc sống để chấp nhận làm “kiếp mạng cùi”, bị người đời liếc mắt khinh bỉ và bĩu môi nguyền rủa, nhưng rồi họ lại được Giáo hội tôn kính trên bàn thờ. Đó là những người như Phanxicô Assisi, Teresa Calcutta, Piô X,… Khi còn sinh thời, Thánh Giáo hoàng Piô X xác quyết: “Tôi sinh nghèo, tôi sống nghèo, và tôi sẽ chết nghèo”.

Còn Thánh GH Gioan XXIII, con thứ tư trong 14 người con của một gia đình nông dân nghèo ở Sotto il Monte (Ý), chia sẻ về người mẹ: “Nghèo thế, nhưng mỗi khi có người hành khất đến trước cửa bếp, dù trong bếp đã có đến 20 đứa trẻ háu ăn đang chờ dĩa súp, bao giờ mẹ tôi cũng tìm được chỗ cho ông hành khất và mau mắn mời người lạ đến ngồi gần”. Và ngài chia sẻ về chức vụ: “Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo… Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo. Sinh nghèo, do cha mẹ nghèo nhưng khả kính, tôi đặc biệt sung sướng được chết nghèo”.

Nhắc đến chữ “nghèo” là người ta thấy “xui xẻo”, người nghèo bị coi là “hãm tài”. Thậm chí có những dòng khổ hạnh, luật dòng nghiêm ngặt, ăn chay và sống khắc khổ, thế nhưng ngày nay đã khác xưa nhiều, không còn “tinh chất”, vì thấy cuộc sống của họ “khó mà nghèo”. Chúa buồn lắm!

Trong con mắt người đời thì họ là những người khờ dại, thậm chí còn bị coi là ngu xuẩn, nhưng họ lại hoàn toàn khôn ngoan trong cách nhìn của Thiên Chúa, vì họ là những người đã dám “ngược đời” như Vua Nghèo Giêsu. Quả thật, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22).

Gương các Thánh đã và đang chứng minh cho chúng ta biết chính xác. Gần gũi với chúng ta nhất là 118 vị Anh hùng Tử đạo Việt Nam, các ngài cũng như chúng ta nhưng đã tín thác vào Chúa và liều mạng sống vì Chúa – dù vị Chúa đó là Vua Nghèo, là Đệ nhất Hàn vương!

Chúa Giêsu là Thiên Vương nhưng cả đời nghèo, nghèo từ Belem tới Can-vê. Ngài sinh ở hang đá nơi đồng vắng, sống ở ngoài đường, và chết trên đồi hoang! Còn chúng ta, chúng ta trả lời thế nào với Ngài khi Ngài giáng lâm và xét hỏi chúng ta đây?

TRẦM THIÊN THU

Giáng Sinh 2012

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN