1. Đức Tổng Giám Mục Hilarion kêu gọi đoàn kết chống tai ương khủng bố
Nói chuyện trước quốc hội lưỡng viện Nga, một quan chức Nga của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa nói rằng “cộng đồng thế giới phải đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố.”
Khẳng định một cách mạnh mẽ rằng cuộc chiến chống khủng bố “không phải là một cuộc chiến tranh của một tôn giáo chống lại một tôn giáo khác” Đức Tổng Giám Mục Hilarion của giáo phận Volokolamsk, Chủ tịch Ủy Ban Quan Hệ Đối Ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nhắc nhớ rằng “công dân của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đã cùng nhau sát cánh chống lại Adolf Hitler trong thế chiến thứ hai.”
Đức Tổng Giám Mục phàn nàn rằng tâm tình bài tôn giáo đang thịnh hành ở châu Âu khiến người ta xấu hổ về nguồn gốc của mình và bản sắc tôn giáo của riêng mình đến mức về mặt ý thức hệ, châu Âu không có một lực nội tại mạnh mẽ đủ để huy động một tinh thần đoàn kết chống lại ý thức hệ cuồng tín của bọn khủng bố.
2. Đức Thánh Cha sẽ tới thăm biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ vào tháng Hai
Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận rằng ngài sẽ đến thăm Mễ Tây Cơ vào tháng Hai năm tới, và dừng chân tại biên giới Mỹ.
Trong chuyến bay từ Rôma đến Nairobi hôm 25 tháng 11, Đức Thánh Cha nói với các phóng viên rằng ngài sẽ tới Ciudad Juarez, nằm ngay bên kia Rio Grande đối diện với El Paso, Texas. Việc dừng chân của Đức Thánh Cha ở thành phố biên giới chắc chắn sẽ gây sự chú ý đến tình cảnh những người nhập cư phải đối mặt khi tìm cách nhập cảnh vào Mỹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng hồi tháng Chín vừa qua ban đầu ngài đã hy vọng có thể đến một thành phố biên giới Mexico và vào Mỹ qua con đường này. Kế hoạch đó đã bị hủy bỏ vì tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng.
3. Đức Thánh Cha đến Kenya
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp xuống phi trường quốc tế Jomo Kenyatta lúc 16:40 cùng ngày thứ Tư 25 tháng 11, tức là 20’ sớm hơn dự liệu.
An ninh rất nghiêm ngặt đến mức các Giám Mục ra đón ngài cũng phải đứng ở vòng ngoài.
82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nhóm cực đoan Hồi Giáo đã muốn biến Kenya thành một quốc gia Hồi Giáo. Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng 4, tức là thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bọn khủng bố Al-Shabaab với chủ trương nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia tại Kenya đã gây ra cuộc thảm sát tại Đại Học Garissa, cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km. 148 sinh viên bị giết chết và 79 sinh viên khác bị thương nặng.
4. Đức Thánh Cha đến Uganda
Lúc 5 giờ 15 chiều thứ Sáu 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ Kenya đến Uganda, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm của ngài tại 3 nước Phi châu.
Uganda nhỏ nhất trong số 3 quốc gia Phi châu Đức Thánh Cha viếng thăm lần này: với diện tích 241 ngàn cây số vuông, Uganda có 36 triệu 500 ngàn dân cư, trong đó có hơn 80% là tín hữu Kitô, và trong số này 17 triệu là tín hữu Công Giáo, tương đương với 47% dân số, với 540 giáo xứ, 6.900 trung tâm mục vụ, tất cả thuộc 20 giáo phận, do 32 Giám Mục coi sóc, với sự phụ giúp của 2,180 linh mục. Nhân sự của Giáo Hội tại đây cũng gồm có gần 1,450 chủng sinh, 3,700 nữ tu, 567 tu huynh, gần 15,900 giáo lý viên và 100 thừa sai giáo dân. Hồi giáo ở Uganda chỉ chiếm 12% dân số.
Phi trường quốc tế Entebe theo tiếng Luganda ở địa phương có nghĩa là “trụ sở” vì đây là trung tâm hành chánh của vị thủ lãnh truyền thống. Hiện nay Entebe có 115 ngàn dân cư tọa lạc bên bờ hồ Victoria và là thủ đô của Uganda cho đến năm 1962, nhường chỗ cho thành phố Kampala khi Uganda được độc lập khỏi người Anh. Dầu vậy Entebe vẫn tiếp tục là nơi có trụ sở của một số bộ và tòa nhà chính phủ.
Thủ đô Kampala của Uganda hiện có hơn 1 triệu 350 ngàn dân cư và tổng giáo phận tại đây có 1 triệu 700 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 42% dân cư ở địa phương.
Sau 1 giờ 20 phút bay, vượt qua 500 cây số, máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Entebe. Từ trên máy bay bước xuống, ngài đã được tổng thống Yoweri Museveni và Phu nhân cùng với một số quan chức chính quyền và các Giám mục và một nhóm tín hữu tiếp đón bài ca và vũ điệu cổ truyền. 2 em bé đã tặng hoa cho ngài.
21 phát đại bác nổ vang sau khi quốc thiều Vatican và Uganda được trổi lên.
Sau nghi thức đón tiếp đơn sơ, Đức Thánh Cha đã về tòa nhà chính phủ cách đó 7 cây số về chào thăm tổng thống và gặp gỡ chính quyền cùng với ngoại giao đoàn. Tổng thống Museveni năm nay 71 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, và đã 4 lần được tái cử, mỗi nhiệm kỳ 5 năm.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Museveni, Đức Thánh Cha cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại Uganda có mục đích trước tiên là để kỷ niệm 50 năm phong thánh cho các vị tử đạo Uganda do vị tiền nhiệm Đức Phaolô 6, cử hành. Nhưng tôi hy vọng sự hiện diện của tôi ở đây cũng là dấu chỉ tình thân hữu, lòng quí chuộng và khích lệ cho mọi người dân đại quốc này.
Các vị tử đạo, Công Giáo cũng như Anh giáo, là những vị anh hùng đích thực của quốc gia. Các vị làm chứng về những nguyên tắc chỉ đạo được diễn tả trong khẩu hiệu của Uganda là “Vì Thiên Chúa và vì đất nước tôi”. Các vị nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của đức tin, sự liêm chính và sự dấn thân cho công ích. Đó là những điều đã và đang tượng trưng trong đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của đất nước này. Ngoài ra các vị tử đạo cũng nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù có những tín ngưỡng và xác tín khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đeu được kêu gọi tìm kiếm sự thật, làm việc cho công lý và sự hòa giải, tôn trọng và bảo vệ nhau, giúp đỡ nhau như những thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất.
Những lý tưởng cao cả này là những điều đặc biệt được yêu cầu nơi những người nam nữ như quí vị là những người có nghĩa vụ đảm bảo sự cai trị tốt với những tiêu chuẩn minh bạch, đảm bảo sự phát triển nhân bản toàn diện, sự tham gia rộng rãi của dân chúng vào đời sống quốc gia, cũng như sự phân phối khôn ngoan và công bằng các tài nguyên mà Thiên Chúa rộng ban cho đất nước này”.
Đức Thánh Cha cũng ca ngợi sự dấn thân của Uganda trong việc đón tiếp người tị nạn ở miền Đông Phi châu, giúp họ tái lập cuộc sống trong an ninh, giúp họ nhận thấy phẩm giá đến từ sự mưu sinh bằng công việc lương thiện. Thế giới chúng ta với những chiến tranh, bạo lực, và những hình thức bất công khác, đang chứng kiến làn sóng di cư chưa từng có của các dân tộc. Cách thức chúng ta đối phó với hiện tượng này bằng chứng cho thấy tình nhân đạo của chúng ta, sự tôn trọng của chúng ta đối với phẩm giá con người, và tình liên đới đối với các anh chị em đang ở trong tình cảnh cần được giúp đỡ.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nói rằng tuy cuộc viếng thăm của tôi ngắn ngủi, nhưng tôi hy vọng có thể khích lệ bao nhiêu nỗ lực âm thầm đang được thực hiện để giúp đỡ những ngừơi nghèo, các bệnh nhân và những người ở trong tình cảnh khó khăn. Qua những dấu hiệu bé nhỏ đó, chúng ta có thể thấy tâm hồn đích thực của một dân tộc..
Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền Uganda, Đức Thánh Cha đã tới Munyonyo cách đó gần 40 cây số để gặp gỡ các giáo lý viên và giáo chức.
5. Đức Thánh Cha thăm nhà bác ái Nalukolongo
Lúc 5 giờ chiều thứ Bẩy 28 tháng 11, Đức Phanxicô đã tới thăm nhà bác ái ở Nalukolongo dành cho người bệnh, người khuyết tật và người thất cơ lỡ vận do các Nữ Tu Dòng Samaritanô Nhân Hậu điều hành.
Trước khi tới đó, ngài dừng chân ít phút để cầu nguyện tại Nhà Nguyện Đức Mẹ Phi Châu, sau đó được các Nữ Tu Samaritanô Nhân Hậu tháp tùng đi thăm mộ của Đức Cố Hồng Y Emmanuel Nsubuga, sáng lập viên của Nhà Bác Ái và nổi tiếng là người thẳng thắn kết án các vi phạm nhân quyền thời nhà độc tài Idi Amin. Đức Hồng Y cũng là người quan trọng trong việc tổ chức chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Uganda: đó là chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI trong ba ngày vào mùa hè năm 1969 lúc đất nước mới giành được độc lập.
Ngày nay, Nhà Bác Ái chăm sóc khoảng 100 người đủ bậc tuổi và thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau đến từ Uganda cũng như Kenya, Tanzania, Rwanda và Burundi. Bệnh nhân trẻ nhất mới có 11 tuổi trong khi bệnh nhân già nhất đã 102 tuổi.
Trong bài diễn văn ngắn của ngài, Đức Phanxicô cám ơn các nữ tu Dòng Samaritanô Nhân Hậu vì sự phục vụ âm thầm nhưng đầy hân hoan của họ. Ngài kêu gọi mọi giáo xứ và cộng đồng ở Phi Châu đừng quên người nghèo nhưng “hãy đi tới những khu ngoại vi của xã hội” để tìm Chúa Kitô giữa những người đau khổ và thiếu thốn. Ngài nói: “Buồn xiết bao khi các xã hội chúng ta để người cao niên bị vứt bỏ hay lãng quên” hay khi người trẻ bị bóc lột bởi nạn nô lệ buôn bán người thời hiện đại.
Đức Phanxicô nói rằng nhìn kỹ vào thế giới chung quanh, dường như, tại nhiều nơi, lòng vị kỷ và dửng dưng đang lan rộng. Ngài nói thêm: biết bao anh chị em ta đang là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ ngày nay, một nền văn hóa nuôi dưỡng sự khinh bỉ đối với trẻ chưa sinh, giới trẻ và giới cao niên!
Theo ngài, là Kitô hữu, chúng ta không thể đơn giản đứng bàng quan, đóng cửa và bịt tai trước tiếng kêu của người nghèo. Ngài bảo, thay vào đó, các gia đình của chúng ta phải càng ngày càng trở nên dấu chỉ hiển nhiên hơn của tình yêu Thiên Chúa, làm chứng cho sự kiện này: người ta đáng kể hơn đồ vật, chúng ta là ai quan trọng hơn chúng ta sở hữu gì.
6. Ý nghĩa việc Đức Thánh Cha mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Bangui
Nhiều người trông đợi rằng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên được mở là cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tại Thánh Đô Rôma, trung tâm của Giáo Hội Hoàn Vũ, vào ngày 08 tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên, do chính Đức Thánh Cha mở, lại là cửa thánh tại nhà thờ chính toà Thánh Giuse ở thủ đô Bangui của một nước cộng hòa mà nhiều người có lẽ cũng chẳng biết cái quốc gia ấy nằm ở đâu trên bản đồ thế giới; và biến cố này đã xảy ra hôm Chúa Nhật 29 tháng 11, trước cả ngày chính thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Giải thích với các ký giả về điều này, cha Lombardi cho biết lòng thương xót Chúa và mối quan hệ gần gũi giữa con người và Thiên Chúa là những khía cạnh trung tâm trong sứ vụ tông đồ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lý do tại sao cử chỉ quan trọng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Bangui có ý nghĩa đặc biệt. “Đức Thánh Cha muốn bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót ở một vùng đất nghèo, cần lòng thương xót, tha thứ, hòa giải, tình yêu. Đó là một thông điệp mạnh mẽ đối với châu Phi và trên thế giới”.
Dịp này, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cũng nhận xét rằng trong thời gian qua, câu hỏi thường được nhiều người đặt ra cho ngài là liệu Đức Thánh Cha có tông du Cộng hòa Trung Phi hay không. Cha Lombardi cho biết ngài “không bao giờ nghi ngờ việc Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm Cộng hòa Trung Phi”.
Bình luận về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại nhà thờ Hồi giáo trung ương ở Bangui, cha Lombardi cho biết đây là biểu tượng của việc tìm kiếm một tinh thần đối thoại giữa các tôn giáo của Đức Giáo Hoàng.
Cha Lombardi cũng nhắc lại lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hôm nay Bangui là thủ đô tinh thần của thế giới … Năm Thánh Lòng Thương Xót bắt đầu sớm hơn ở vùng đất đã phải chịu đựng trong nhiều năm những hậu quả của chiến tranh, hận thù, sự hiểu lầm và tình trạng thiếu vắng hòa bình.”
7. Đức Thánh Cha đã về tới Vatican
Lúc 18:45 chiều ngày thứ Hai 30 tháng 11, Đức Thánh Cha đã về đến phi trường Ciampino của Rôma.
Trên chuyến bay từ phi trường M’Poko của thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, về Rôma, Đức Thánh Cha đã dành ra một giờ để trả lời phỏng vấn của giới báo chí.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài nhận thức rõ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, nhưng Đức Thánh Cha đã trải qua hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác trong chuyến thăm châu Phi đầy hào hứng.
Đức Giáo Hoàng trông rất mệt mỏi, nhưng rất vui. Ngài nói với các phóng viên rằng ngài đã cầu nguyện trong một đền thờ Hồi Giáo ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, và cùng dạo quanh một khu phố Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo ngồi với ngài trong chiếc xe popemobile. Cả hai điều này đều là các sáng kiến tự phát của Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 11, ngày cuối cùng của ngài ở châu Phi.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Những đám đông, những khuôn mặt hân hoan của những người có khả năng cử mừng ngay cả với một dạ dày trống rỗng” là những ấn tượng mà ngài sẽ mang về nhà với ngài sau chuyến đi sáu ngày tới Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.
Đức Thánh Cha nói với các phóng viên sau hai năm nội chiến, người dân của nước Cộng hòa Trung Phi muốn “hòa bình, hòa giải và tha thứ.”
“Trong nhiều năm, họ đã từng sống như anh chị em,” và giờ đây Đức Thánh Cha tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo, Hồi giáo và Tin Lành địa phương đang làm hết sức mình để giúp đỡ người dân của họ trở về tình trạng hòa bình, cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau.
Các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo phải dạy bảo các tín hữu về những giá trị.
“Một trong những giá trị hiếm hoi nhất ngày nay đó là tình anh em,” một giá trị cần thiết cho hòa bình, ngài nói.
“Trào lưu tôn giáo cực đoan là một thứ bệnh tìm thấy trong tất cả các tôn giáo. Ngay cả một số người Công Giáo. Tôi dám nói điều này bởi vì đó là Giáo Hội của tôi.”
Đức Thánh Cha khẳng định với báo chí: “Trào lưu tôn giáo cực đoan không phải là tôn giáo, đó chỉ là việc thờ ngẫu tượng, trong đó người ta thay thế đức tin, tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân bởi những ý tưởng và những xác tín sai lầm”.
Trong khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến đi của ngài, đại diện của các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Paris để bàn về khả năng đạt đến một thỏa thuận quốc tế để giảm thiểu những biến đổi khí hậu.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài không biết chắc những gì sẽ xảy ra tại hội nghị “nhưng tôi có thể nói điều này, bây giờ hoặc không bao giờ.” Quá ít biện pháp đã được thực hiện trong vòng 10 đến 15 năm qua, và “mỗi năm tình hình sẽ tồi tệ hơn.”
“Chúng ta đang trên bờ vực của tự tử”, Đức Thánh Cha đã nói một cách mạnh mẽ như vậy.
8. Đức Hồng Y André Vingt-Trois nói: Môi sinh là vấn đề sinh tử
Trong một bài giảng thuyết một tuần trước khi bắt đầu Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2015, gọi tắt là COP 21, tại Paris, Đức Hồng Y André Vingt-Trois cảnh báo chống lại hai cám dỗ liên quan đến sinh thái.
Cám dỗ đầu tiên là “mơ về một vũ trụ tinh khiết”, thuần khiết đến mức không có chỗ cho nhân loại. “Đây là một thiên đường trần thế mà không có con người. Đó là hệ sinh thái chống lại loài người, nói cách khác là viễn kiến xem con người như một kẻ xâm nhập và một tên phá hoại”
Cám dỗ thứ hai, theo Đức Hồng Y Vingt-Trois là mơ về một “hệ sinh thái cục bộ” trong đó chúng ta tận dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên để “bảo vệ cách sống của chúng ta” và để “đảm bảo sự thịnh vượng của riêng chúng ta có thể được tiếp tục.”
Đề cập đến thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Vingt-Trois gọi sinh thái là một dự án toàn cầu của cuộc sống mà phải vươn tới được tất cả các lĩnh vực của đời sống con người … Sinh thái học không phải là một sự trang trí sang trọng cho các xã hội phát triển, nó là một vấn đề sinh tử mời gọi chúng ta sửa đổi cách sống của chúng ta để có thể tồn tại được.”
Ngài nói thêm, sinh thái học “không chỉ tính đến công việc của chúng ta, lợi ích của chúng ta, hy vọng của chúng ta, hệ tư tưởng của chúng ta,” nhưng là “tổng thể của vũ trụ trong đó Chúa Kitô là trung tâm”.
9. Tòa án quốc gia thành Vatican xử tội lấy trộm và phổ biến tài liệu mật của Vatican
Sáng ngày 24 tháng 11, tòa án tại Vatican đã nhóm phiên đầu tiên xét xử 5 bị can bị cáo về tội lấy trộm và phổ biến tài liệu mật của Vatican.
5 bị can là Đức Ông Angel Lucio Vallejo Balda, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Sở tài chánh Vatican và từng là tổng thư ký Ủy ban nghiên cứu các cơ cấu của Vatican cần được cải tổ, gọi tắt là Cosea. linh mục này tiếp tục bị giam tại trại Hiến binh Vatican kể từ khi bị bắt ngày 2-11 vừa qua. Tiếp đến là bà Francesca Immacolata Chaouqui, thành viên Ủy ban này, và Ông Nicola Maio, cộng tác viên của Đức Ông Vallejo. Sau cùng là hai ký giả là Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi đã dùng một phần các tài liệu đánh cắp để xuất bản thành 2 cuốn sách. Hai ký giả có luật sự biện hộ tự chọn, trong khi 3 người đầu tiên có luật sư do tòa chỉ định.
Theo thông cáo được công bố sau đó, phiên tòa đã kéo dài 1 giờ 10 phút. Sau khi Ủy viên công tố đã đọc cáo trạng, chủ tịch tòa án cho biết đã chuyển đến chủ tịch tòa kháng án đơn xin của Ông Nuzzi và Đức Ông Vallejo Balda xin bổ nhiệm thêm luật sư do đương sự chọn.
Luật sư được tòa chỉ định cho Đức Ông Vallejo là Bellardini khiếu nại vì thời gian không đủ trình bày bằng chứng và bảo vệ, còn ký giả Fittipaldi qua luật sư Musso của ông yêu cầu tuyên bố việc triệu tập để xét xử là vô hiệu lực vì thiếu chính xác về các sự kiện cáo buộc đương sự.
Giáo Sư Zannotti, Ủy viên công tố, đã trả lời cho vấn nạn thứ hai và cho biết vụ kiện này không có ý chà đạp tự do báo chí, nhưng bị cáo được yêu cầu trả lời về đường lối hành động của ông ta để kiếm tin và các tài liệu, và điều này được ghi trong cáo trạng.
Đoàn thẩm phán đã thảo luận trong 45 phút, và sau đó đã tuyên bố bác bỏ hai lời khiếu nại. Việc xét xử tiến hành với phiên tòa thứ hai lúc 9.30 phút sáng thứ hai, 30-11 tới đây, bắt đầu với các cuộc chất vấn các bị can, bắt đầu từ Đức ông Vallejo, rồi đến bà Chaouqui, sau đó là các bị can khác. Dự kiến sẽ có các phiên tòa khác trong tuần tới.
10. Đức Thánh Cha khởi hành từ phi trường Fiumicino
Lúc 7 giờ 15 phút sáng thứ Tư 25 tháng 11, Đức Thánh Cha đã đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vatican 29 cây số, để đáp máy bay đi Kenya. Rumania.
Chào đón và tiễn chân Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Cha Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino và các giới chức chính quyền Italia.
Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng vượt đoạn đường dài 5,389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.
11. Đức Thánh Cha gặp gỡ giáo lý viên và giáo chức Uganda
Đức Thánh Cha đề cao vai trò của các giáo lý viên và nhắn nhủ họ không những là thày dạy nhưng còn là những nhân chứng đức tin.
Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giáo lý viên và giáo chức Công Giáo Uganda chiều ngày 27-11 tại đền thánh Anrê Kaggwa tử đạo ở Munyonyo, cách thành phố Entebe 40 cây số.
Munyonyo là nơi nhà vua Mwanga đã quyết định tiêu diệt các tín hữu Kitô và chính tại nơi đây 4 Kitô hữu Uganda đầu tiên đã chịu tử đạo trong hai ngày 25 và 26-5 năm 1886, trong đó có thánh Anrê Kaggwa được tôn làm bổn mạng các giáo lý viên và các giáo chức. Đây là lực lượng sinh động của Giáo Hội tại Uganda. Các giáo lý viên hàng năm vẫn tụ họp tại Đền thánh này và hiện nay có dự án xây cất một nhà thờ có thể chứa được 1 ngàn người, bên ngoài có thể đón tiếp 4 ngàn người.
Đến nơi vào lúc quá 7 giờ, Đức Thánh Cha đã được các cha dòng Phanxicô Viện tu đón tiếp, các cha là những người đảm trách Đền thánh tử đạo tại đây. Ngài làm phép viên đá đầu tiên để xây thánh đường mới.
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Cyprian Lwanga của giáo phận thủ đô Kampala sở tại đã tuyên bố từ nay con đường dẫn vào Đền thánh này được gọi là “Đường Đức Giáo Hoàng Phanxicô!”. Tiếp đến, sau lời chào và chứng từ của một đại diện giáo lý viên, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nói :
“Nhân danh Chúa Giê su Kitô, Chúa và là Thầy của chúng ta, tôi thân mến chào tất cả các anh chị em. Chức vụ làm Thầy thật là đẹp biết chừng nào. Chúa Giêsu là vị thầy đầu tiên và lớn nhất.
Thánh Phaolo đã viết là Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội không chỉ các tông đồ và các chủ chăn mà thôi, nhưng còn ban cả các vị thầy nữa để xây dựng toàn bộ Thân Mình Người trong đức Tin và Tình Yêu. Cùng với các Giám Mục, linh mục và thầy sáu, là những người đã được truyền chức thánh để rao giảng Tin Mừng và chăm sóc đoàn chiên Chúa, anh chị em là các giáo lý viên cũng có phần đóng góp trổi vượt trong việc đem Tin Mừng đến trong từng làng mạc đất nước của anh chị em.
Trước hết tôi xin cám ơn anh chị em và gia đình đã hy sinh nhiều để có thể chu toàn sứ mạng quan trọng này. Anh chị em dạy lại những gì Chúa Giê su đã giảng dạy, huấn luyện người lớn và giúp đỡ các bậc cha mẹ biết dưỡng nuôi con cái lớn lên trong đức tin, trong vui mừng và trong niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu mai hậu. Công việc của anh chị em không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong sứ mệnh này.
Tôi mời gọi các giám mục và linh mục hãy cố gắng giúp đỡ anh chị em trong công cuộc thường huấn về mặt giáo lý, linh hướng và mục vụ. Ngay cả trong mọi khó khăn, xin anh chị em hãy nhớ rằng công việc của anh chị em là một việc thánh. Chúa Thánh Thần hiện diện tại bất cứ nơi nào vang lên tên Chúa Giêsu. Người ở giữa chúng ta mỗi lần chúng ta mở con tim và thần trí hướng lên Chúa trong lời cầu nguyện, ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết.
Sứ điệp của anh chị em lại càng ăn rễ sâu trong tâm lòng tha nhân nhờ chứng tá cuộc sống của anh chị em. Cộng đoàn Kitô tại Uganda đã lớn mạnh nhiều nhờ chứng tá các vị tử đạo, đã lấy mạng sống mình để làm chứng cho chân lý có sức mạnh trao ban tự do, đã đổ máu đào để minh chứng sự trung thành với những gì là chân thiện mỹ. Chúng ta đang ở Munyonyo, là nơi mà vua Mwanga đã quyết định tàn sát những người theo Chúa Kitô. Nhưng nhà vua đã thất bại, cũng như xưa kia vua Herode đã thất bại trong âm mưu giết Chúa Giê su. Ánh sáng sẽ đẩy lui bóng tối. Sau chứng tá kiên cường của thánh Anrê Kaggwa và các bạn tử đạo, các ky tô hữu Uganda sẽ xác tín hơn vào những lời hứa của Chúa Kitô.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“Xin thánh Anrê, bổn mạng của anh chị em, và các giáo lý viên Uganda tử đạo cầu bầu cho anh chị em được ơn trở thành những vị thầy khôn ngoan, biết nếu cao xác tín chân lý và niềm vui Phúc Âm, hiên ngang đi đến mọi nơi trên đất nước này để gieo vãi hạt giống Lời Chúa và vững tin vào lời Chúa hứa rằng anh chị em sẽ trở về, tay ôm bó lúa lòng mừng hân hoan. Omukama Abawe Omukisa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em
Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã cùng với vị Tổng Giám Mục chính thống giáo và vị lãnh đạo Tin Lành rảy nước thánh làm phép tượng mới của thánh Anrê Kaggwa để nói lên chiều kích đại kết của các vị tử đạo Uganda.
Sau đó ngài lên xe về tòa Sứ Thần tòa thánh cách đó 16 cây số để dùng bữa tối và qua đêm.
12. Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục tu sĩ Uganda
Lúc 7 giờ tối thứ Bẩy 28 tháng 11 , Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Uganda. Trong câu chuyện ứng khẩu, ngài nói với họ đừng nên trông vào các vinh quang thời trước mà tương lai nằm trong tay họ.
Đức Giáo Hoàng tập trung bài suy niệm của ngài vào ba ý niệm: ký ức, lòng trung thành và việc cầu nguyện. Trong nhiều dịp trước đây, ngài đã thúc giục các tín hữu luôn ghi nhớ hành động của Thiên Chúa trong đời họ, hôm nay, với các linh mục và tu sĩ, ngài lại nhấn mạnh điểm này một lần nữa.
Ngài nói: “Giáo Hội tại Uganda không bao giờ được coi thường ký ức xa xôi của các vị tử đạo. Tử đạo có nghĩa là chứng tá. Nếu Giáo Hội tại Uganda muốn trung thành với ký ức này, nó phải tiếp tục là chứng tá. Nó không thể sống kiểu ‘con heo bỏ ống’. Các huy hoàng của quá khứ chỉ là các khởi điểm nhưng anh chị em phải biến thành huy hoàng cho tương lai. Và đây là trách vụ mà Giáo Hội trao cho anh chị em. Hãy là các chứng tá, như các tử đạo đã là các chứng tá bằng cách hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng”.
Ngài nói đến điều thứ hai là lòng trung thành: “Trung thành với ký ức. Trung thành với ơn gọi của mình. Trung thành với nhiệt tình tông đồ. Trung thành nghĩa là bước theo con đường thánh thiện. Trung thành nghĩa là làm những gì các chứng tá trong quá khứ từng làm: là làm người truyền giáo”.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Uganda đã được tắm gội bằng máu các tử đạo, máu các chứng tá. Ngày nay, điều cần là tiếp tục tắm gội nó và tắm gội bằng các thách đố mới, các chứng từ mới, các sứ mệnh mới”
Đức Giáo Hoàng nói rằng nếu các tín hữu Uganda không bước theo tinh thần trên, họ “sẽ đánh mất sự phong phú lớn lao nhất hiện anh chị em đang có”.
“Và ‘hòn ngọc Phi Châu’ sẽ kết cục chỉ còn là thứ trưng bày trong viện bảo tàng. Vì ma qủy luôn tấn công kiểu đó, từng tí một”.
Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện, và về phương diện này, cần có sự trong sáng.
Ngài cho biết: các tu sĩ không thể sống hai mặt; ngài khuyến khích họ năng xưng tội. “Đừng dấu diếm những gì Thiên Chúa không muốn. Đừng giữ kín việc thiếu trung thành. Đừng khóa ký ức trong tủ kín”.
Đức Giáo Hoàng cũng có lời kêu gọi đặc biệt ngỏ cùng các linh mục. Nhận định rằng một số giáo phận Uganda có nhiều linh mục, trong khi các giáo phận khác không có đủ linh mục, Đức Giáo Hoàng khuyên các linh mục ở các giáo phận có nhiều linh mục tình nguyện xin các giám mục của mình sai tới các giáo phận đang cần linh mục.
Ngài biết điều trên không dễ, nhưng với tinh thần trên, “Ugnada sẽ tiếp tục là một xứ đi truyền giáo”.
13. Cha Raniero Cantalamessa được mời thuyết giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo
Cha Raniero Cantalamessa, linh mục dòng Capuchin Phanxicô, là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng từ năm 1980, đã được mời giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo hôm 24 tháng 11 vừa qua.
Cha Cantalamessa nói với các nhà lãnh đạo Anh giáo nhóm họp tại một tu viện ở Westminster rằng “chúng ta không bao giờ có thể để cho một vấn đề luân lý chẳng hạn như vấn đề tính dục có thể chia rẽ chúng ta đến mức là cả tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô cũng không còn có thể liên kết được chúng ta nữa.”
Ngài nói thêm:
“Chúng ta cần phải quay trở lại thời điểm các thánh Tông Đồ. Các ngài phải đối mặt với một thế giới chưa được Kitô hóa, trong khi chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới phần lớn là hậu Kitô giáo”.
“Thế giới Kitô giáo đang chuẩn bị kỷ niệm một trăm năm cuộc Cải Cách Tin Lành. Điều quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội là cơ hội này không thể bị lãng phí bởi những người vẫn tiếp tục là tù nhân của quá khứ, những kẻ cứ nằng nặc tranh biện xem ai đúng, ai sai. Thay vào đó, chúng ta hãy thực hiện một bước nhảy vọt lên phía trước về phẩm chất, tạo ra một cơ chế giống như những gì xảy ra khi các cửa cống của một con sông hay một kênh đào được đóng mở tự động ngõ hầu cho phép tàu thuyền có thể di chuyển bất kể thủy triều như thế nào.”
14. Đức Thánh Cha gặp 11 phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành và bị bắt hành nghề mại dâm
Thông cáo của Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha, do Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski đảm trách, cho biết lúc 7:15 sáng ngày 25-11, trước khi ra phi trường Fiumicino để lên đường viếng thăm mục vụ 3 nước Phi châu, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 11 phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành trong gia đình và những phụ nữ là nạn nhân nạn buôn người bị lừa gạt đưa vào vòng mại dâm, cùng với 6 người con của họ tại nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.
Các bà mẹ và những đứa con này đến từ Nhà Nương Náu dành cho các nạn nhân bị đánh đập trong gia đình và những phụ nữ bị bán làm nghề mại dâm. Các phụ nữ ấy thuộc các quốc tịch: Italia, Nigeria, Rumani và Ukraine. Họ được giúp đỡ, săn sóc và cho trú ngụ tại Nhà Nương Náu do một dòng tu đảm trách trong một làng thuộc miền Lazio, gần Rôma.
Cuộc gặp gỡ diễn ra nhân dịp Ngày Quốc Tế loại trừ nạn bạo hành phụ nữ.
Theo tổ chức Unicef của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2013, cứ 10 thiếu nữ dưới 20 tuổi thì có một cô bị hãm hiếp hoặc bị bó cuộc chịu các hành động tính dục; trong nhiều trường hợp các thiếu nữ này còn bị nhiễm HIV.
Tình trạng trên đặc biệt nghiêm trọng trong các nước có sự bất bình bẳng nam nữ trong ngành giáo dục trung học đệ nhất cấp.
15. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 12
Ý chung: Cầu cho mọi người chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ.
Ý truyền giáo: Cầu cho các gia đình, nhất là những gia đình đang gặp đau khổ, tìm ra dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn nơi việc hạ sinh của Đức Giêsu.
Nguồn: Vietcatholic News