Home / Tiêu Điểm / Video: Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên đã được mở tại Bangui

Video: Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên đã được mở tại Bangui

 

Tối Chúa Nhật, 29 tháng 11, các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và giới trẻ đã cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành nghi thức mở cửa thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Giuse tại Bangui, Thủ Đô Cộng Hòa Trung Phi Châu. 

Năm Thánh sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 tới đây nhưng Đức Thánh Cha đã muốn mở cửa Năm Thánh tại ngôi giáo đường này trước vì một biến cố bi thảm đã diễn ra tại đây.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em.

Ngay chính tại ngôi nhà thờ mà quý vị và anh chị em thấy đây lúc 3h chiều ngày 7 tháng 7 năm 2014, tức là chỉ mới hơn một năm, 4 tháng trước đây, quân khủng bố Hồi Giáo Seneka đã tấn công vào ngôi nhà thờ này nơi đang có 6000 dân thường tạm trú. Chúng tàn sát hàng trăm người trong khuôn viên nhà thờ, và cả những người đã chạy vào trú ẩn bên trong ngôi thánh đường này.

Trong nghi thức mở cửa Thánh, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại xứ sở này và tại mọi quốc gia đang khốn khổ vì chiến tranh và tranh chấp. Khi ngài vừa mở toang hai cánh cửa bằng gỗ, cộng đoàn đã vỗ tay vang dội và ca hát tưng bừng trước khi Đức Giáo Hoàng bắt đầu cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.

Trong bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng nói về ơn gọi Kitô hữu là yêu thương kẻ thù của chúng ta, điều này bảo vệ chúng ta “khỏi chước cám dỗ tìm cách trả thù và khỏi vòng xoắn ốc của những cuộc trả thù trả oán bất tận.” 

Đức Thánh Cha nói: (Bản dịch của Vũ Văn An)

Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay, mùa phụng vụ của hân hoan mong chờ Đấng Cứu Rỗi và là biểu tượng của niềm hy vọng Kitô Giáo, Thiên Chúa đã đem tôi tới đây giữa anh chị em, tại lãnh thổ này, trong khi Giáo Hội hoàn vũ đang chuẩn bị mở Năm Thánh Thương Xót. Tôi đặc biệt vui mừng thấy chuyến viếng thăm mục vụ của tôi trùng với việc mở Năm Thánh ở xứ sở của anh chị em. Từ ngôi nhà thờ chính tòa này, tôi hết tâm hết trí và với tình âu yếm lớn lao vươn tới mọi linh mục, mọi tu sĩ nam nữ, mọi nhân viên mục vụ của quốc gia này, những người đang hợp nhất một cách thiêng liêng với chúng ta trong giây phút này. Qua anh chị em, tôi muốn chào hỏi mọi người dân của Cộng Hòa Trung Phi: người bệnh, người già cả, những ai từng trải nghiệm các thương tích của đời sống. Một số những người này có lẽ đang chán chường và mất sinh khí, chỉ muốn được bố thí, bố thí cơm bánh, bố thí công lý, bố thí lưu tâm và tốt bụng.

Nhưng, cũng như các Tông Đồ Phêrô và Gioan trên đường tới Đền Thờ, những người không có vàng có bạc để tặng người bất toại túng thiếu, tôi đến đây đem lại sức mạnh và quyền lực của Thiên Chúa; vì những thứ này đem hàn gắn lại cho chúng ta, giúp chúng ta đứng dậy bằng đôi chân và bước vào một cuộc sống mới, “qua tới bờ bên kia” (xem Lc 8:22).

Chúa Giêsu không bảo chúng ta qua bờ bên kia một mình; thay vào đó, Người yêu cầu chúng ta cùng qua với Người, khi mỗi người chúng ta đáp lại ơn gọi chuyên biệt của mình. Chúng ta cần hiểu rằng ta chỉ có thể qua bờ bên kia với Người mà thôi, nhờ biết tự giải thoát mình khỏi những ý niệm chia rẽ về gia đình và dòng máu để xây dựng một Giáo Hội như là gia đình Thiên Chúa, mở cửa chào đón mọi người, biết quan tâm tới những người thiếu thốn hơn cả. Điều này đòi ta phải gần gũi với các anh chị em của ta; nó hàm ngụ một tinh thần hiệp thông. Đây chủ yếu không phải là vấn đề tài chánh; mà là dự phần vào đời sống của dân Chúa, vào việc giải thích lý do niềm hy vọng của chúng ta (xem 1Pr 3:15), vào việc chứng thực lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Đấng “tốt lành [và] dạy dỗ các kẻ tội lỗi đang đi đường” như Thánh Vịnh Đáp Ca của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay từng viết (Tv 24:8). Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Cha của chúng ta ở trên trời “làm mặt trời mọc lên cho cả người xấu lẫn người tốt” (Mt 5:45). Chính mình đã cảm nghiệm được sự tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác. Đây là ơn gọi nền tảng của ta: “do đó, các con phải hoàn thiện như Cha các con ở trên trời hoàn thiện vậy” (Mt 5:48).

Một trong các đặc điểm chủ yếu của ơn gọi nên hoàn thiện nói trên là yêu thương kẻ thù của chúng ta; điều này sẽ bảo bệ chúng ta khỏi cơn cam dỗ tìm cách trả thù và cái vòng luẩn quẩn trả đũa không thôi. Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh tới khía cạnh này trong chứng từ Kitô Giáo (xem Mt 5:46-47). Do đó, những ai rao giảng Tin Mừng đều phải là những người trước nhất và trên hết thực hành sự tha thứ, phải là các chuyên viên hòa giải, chuyên viên thương xót. Đó là cách chúng ta giúp các anh chị em ta “qua bờ bên kia”, bằng cách chỉ cho họ thấy bí quyết sức mạnh, niềm hy vọng và niềm vui của ta, tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì chúng đặt cơ sở trên xác tín rằng Người ở trong thuyền với chúng ta. Như Người đã làm với các tông đồ lúc làm bánh hóa nhiều thế nào, Chúa cũng ủy thác ơn phúc của Người cho chúng ta như vậy, để ta ra đi và phân phối chúng khắp nơi, bằng cách công bố những lời trấn an của Người rằng: “Này, ngày giờ đã đến để Ta làm nên trọn các lời hứa Ta đã ngỏ với Nhà Israel và Nhà Giuđa” (Gr 33:14).

Trong các bài đọc của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay, ta có thể thấy các khía cạnh khác nhau của ơn cứu rỗi được Thiên Chúa công bố ở trên; chúng là những cột mốc để hướng dẫn ta trên đường sứ mệnh. Trước nhất, hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban được trình bầy như là công lý. Mùa Vọng là một thời kỳ để ta cố gắng mở rộng trái tim mình ra tiếp nhận Chúa Cứu Thế, Đấng chỉ có Người mới công chính và là Quan Án duy nhất có thể ban cho mỗi người chúng ta phần của mình. Ở đây cũng như ở những nơi khác, biết bao con người nam nữ đang khao khát được tôn trọng, có công lý, được bình đẳng, ấy thế nhưng chưa thấy được dấu hiệu tích cực nào ở chân trời. Đây là những người được Chúa đem ơn phúc công lý của Người tới cho (x3m Gr 33:15). Người tới làm phong phú cho lịch sử bản thân và lịch sử tập thể của chúng ta, làm phong phú các niềm hy vọng đã vỡ và các khát vọng vô dụng của ta. Và Người sai ta đi để công bố đặc biệt với những ai đang bị áp bức bởi những kẻ quyền thế của thế gian hay đang bị oằn lưng dưới gánh nặng của tội lỗi, rằng “Giuđa sẽ được cứu vớt và Giêrusalem sẽ được an toàn. Và đây là tên nó sẽ được gọi ‘Chúa là sự công chính của ta’” (Gr 33:16). Đúng, Thiên Chúa là sự công chính; Thiên Chúa là công lý. Do đó, đây là lý do tại sao các Kitô hữu trên thế giới được kêu gọi phải làm việc cho hòa bình xây dựng trên công lý.

Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa mà chúng ta mong đợi cũng đượm mùi yêu thương. Trong lúc chuẩn bị mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta làm sống lại cuộc hành trình từng chuẩn bị cho dân Chúa đón nhận Chúa Con, Đấng đã tới để mạc khải điều này: Thiên Chúa không những chỉ là sự công chính, mà còn là và trước hết là tình yêu nữa (xem 1Ga 4:8). Ở khắp nơi, nhất là tại những nơi bạo lực, hận thù, bất công và bách hại đang hoành hành, các Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho vị Thiên Chúa vốn là tình yêu này. Khi khuyến khích các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và các giáo dân dấn thân, những người, trong xứ sở này, đang sống các nhân đức Kitô Giáo, đôi lúc đến độ anh hùng, tôi hiểu rõ điều này: khoảng cách giữa lý tưởng nhiều đòi hỏi này và chứng tá thực sự của các Kitô hữu đôi lúc rất lớn lao. Vì lý do này, tôi xin lặp lại lời cầu nguyện của Thánh Phaolô: “Thưa anh chị em, xin Chúa làm anh chị em gia tăng và dồi dào trong tình yêu thương lẫn nhau và yêu thương mọi người nam nữ” (1 Tx 3:12). Nhờ thế, điều mà người ngoại giáo từng nói về các Kitô hữu tiên khởi mãi sẽ ở trước mắt ta như một hải đăng: “Xem kìa họ yêu thương nhau, họ thực sự yêu thương nhau xiết bao” (Tertullian, Apology, 39, 7).

Cuối cùng, ơn cứu rỗi do Thiên Chúa công bố có một sức mạnh vô địch; sức mạnh này cuối cùng sẽ làm ơn cứu rỗi kia chiến thắng. Sau khi nói cho các môn đệ biết các dấu hiệu khủng khiếp trước ngày Người đến, Chúa Giêsu kết luận: “Khi những điều này bắt đầu diễn ra, các con hãy nhìn lên và hãy ngẩng cao đầu, vì ơn cứu chuộc của các con đã gần kề” (Lc 21:28). Nếu Thánh Phaolô có thể nói tới một tình yêu “lớn lên và tràn ngập”, thì đó là vì chứng tá Kitô hữu đã phản ảnh sức mạnh vô địch được nói tới trong Tin Mừng. Chính trong sự tàn phá vô tiền khoáng hậu, Chúa Giêsu muốn tỏ quyền lực vĩ đại của Người, vinh quang khôn sánh của Người (xem Lc 21:27) và sức mạnh của tình yêu ấy không dừng lại trước bất cứ điều gì, dù là trước sự sụp đổ của các tầng trời, đại họa của thế giới hay náo động của biển khơi. Thiên Chúa mạnh hơn bất cứ điều gì khác. Xác tín này đem lại cho tín hữu sự thanh thản, lòng can đảm và sức mạnh để kiên trì trong điều thiện giữa những thử thách cam go nhất. Dù cả lúc mọi sức mạnh của Hỏa Ngục đều được xổ lồng, các Kitô hữu cũng phải đứng lên đáp lại lời réo gọi, ngẩng cao đầu và sẵn sàng coi thường các đánh đấm trong trận chiến này, một trận chiến mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng. Và lời cuối cùng đó chính là tình yêu!

Với tất cả những ai đang sử dụng bất chính các vũ khí trên thế giới, tôi xin có lời kêu gọi này: hãy hạ các dụng cụ giết người đó xuống! Thay vào đó, hãy trang bị cho các bạn bằng công chính, bằng tình yêu và lòng thương xót, chỉ có chúng mới bảo đảm được hòa bình. Các linh mục, tu sĩ và nhân viên mục vụ giáo dân thân mến, là các môn đệ của Chúa Kitô ở đây trên đất nước này, như tên của nó đã gợi ý, tọa lạc giữa trung tâm Phi Châu và được mời gọi khám phá ra Thiên Chúa như trung tâm đích thực của tất cả những gì tốt đẹp, ơn gọi của anh chị em là nhập thể chính trái tim Thiên Chúa giữa đồng bào của anh chị em. Xin Chúa đoái thương “củng cố trái tim anh chị em trong sự thánh thiện, để anh chị em trở nên vô tì tích trước mặt Thiên Chúa và là Cha chúng ta vào lúc Chúa Giêsu Kitô lại đến cùng với mọi vị thánh của ngài” (1Tx 3:13). Amen.

Nguồn: Vietcatholic News

h3

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …