Home / Chia Sẻ / Yêu Chúa Hết Lòng

Yêu Chúa Hết Lòng

 

Y_u Ch_a H_t L_ngChúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:37-40).

Yêu Chúa hết lòng là “yêu hết linh hồn và hết trí khôn”. Đó là điều quan trọng hơn mọi thứ trong đời sống, vì mối quan hệ của chúng ta với Chúa ảnh hưởng mọi thứ và mọi người. Chúng ta không thể yêu Chúa quá nhiều, nhưng lại dễ thiếu mức độ yêu Chúa hết lòng. Trong khi chân thật với chính mình, tôi đã hỏi Chúa: “Lạy Chúa, làm sao con có thể yêu Ngài nhiều hơn?”.

Chúa trả lời ngay: “Hãy tạ ơn”. Một lần khác, cũng với câu hỏi đó, trong trí tôi xuất hiện câu Kinh thánh và hiểu rằng tôi không hề nghĩ tới trước đó. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng bất kỳ thứ gì, dù quá khứ hay hiện tại, chúng ta không hề biết tạ ơn về mọi sự, chỉ tạ ơn về những gì mình được, không được thì đôi khi còn trách Chúa bất công, như vậy nghĩa là chúng ta chưa yêu Chúa hết lòng. Lúc đó tôi cũng hiểu tại sao đó là sự thật. Trong sâu thẳm linh hồn chúng ta, chúng ta biết rằng Thiên Chúa điều khiển cả vũ trụ. Nếu chúng ta có kinh nghiệm đau khổ mà không tạ ơn thì không đẹp lòng Chúa, chúng ta không hạnh phúc và vô ơn với Chúa, dù vô tình hay cố ý.

Có thể bạn không biết Chúa đang trách bạn, có thể bạn nghĩ mình đang nguyền rủa Satan hoặc trách mắng người khác. Tuy nhiên, thực tế là bạn đang trách Chúa vì bạn biết Ngài kiểm soát bạn. Chúa cho phép kinh nghiệm xảy ra với bạn. Chúa có thể ngăn cản điều đó, và bạn biết như vậy. Mỗi kỷ niệm đau thương mà bạn không biết tạ ơn là một “điểm đen” trong tâm hồn bạn mà Chúa không muốn: “Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội” (Rm 1:21).

Chúng ta được lệnh phải yêu Chúa hết lòng. Đó là vì chúng ta chỉ yêu Ngài bằng một góc trong trái tim mình thôi. Chỉ khi nào bạn tạ ơn Chúa với cả trái tim thì bạn mới thực sự yêu Ngài hết lòng. Nghĩa là bạn phải biết tạ ơn về mọi sự trong đời mình, cả quá khứ và hiện tại. Biết ơn là “tiêu chuẩn đánh giá” hoặc “thước đo” tình trạng của trái tim, nó cho thấy mọi thứ đang làm thông đường tình yêu bạn dành cho Chúa. Tạ ơn Chúa là biểu hiện của tâm hồn đang hiện diện trước mặt Chúa. Lòng biết ơn tuôn chảy nước-tình-yêu về phía Thiên Chúa – kể cả tâm tình ngợi khen, thờ kính, và vâng lời. Đó là điều kiện tốt để bạn tự vấn: “Có gì mà tôi lại không tạ ơn Chúa?”.

Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Hãy coi chừng: đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người. Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri” (1 Tx 5:15-19). Bạn vô ơn là bạn “dập tắt” Chúa Thánh Thần, và điều này không thể tha thứ – gọi là “tội phạm tới Chúa Thánh Thần”, không được tha đời này và đời sau (Mt 12:32). Chúa Thánh Thần là Tình yêu, vậy là bạn đã dập tắt lửa tình yêu.

Chúa nói rằng hãy tạ ơn Chúa trong mọi sự vì đó là Ý Ngài đối với bạn trong Đức Giêsu Kitô. Ngay bây giờ có thể bạn nói rằng bạn không thể tạ ơn về sự đau khổ hoặc tai họa xảy đến cho bạn, thậm chí có thể bạn đang gặp hoạn nạn và bế tắc. Nhưng cách chọn lựa của bạn trong mỗi hoàn cảnh tùy ở bạn, hoặc bạn tức giận Chúa hoặc bạn cảm ơn Chúa. Có thể bạn nghĩ rằng bạn yêu Chúa nhưng bạn cũng nhận rằng bạn tức giận những người đã làm bạn tổn thương: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Nếu bạn quyết định tạ ơn Chúa về hoàn cảnh đó, chân nhận đó là Ý Chúa dành cho bạn, thì sự ghen ghét và tức giận sẽ được thay thế bằng tình yêu, ngay cả đối với những người làm hại bạn: “Hãy yêu kẻ thù, cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em, và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Mt 5:1; Mt 5:44; Lc 6:27 và 35). Yêu thương luôn đem lại sự mặc khải, cho phép bạn thấy những thứ khác và người khác trong ánh sáng của Thiên Chúa.

Đau khổ là một mầu nhiệm. Tại sao Chúa để bạn gặp đau khổ? Đó là để tốt cho bạn, Ngài muốn bạn là người chiến thắng. Chúa dạy bạn tín thác vào Ngài và yêu Ngài hết lòng trong mọi hoàn cảnh để bạn còn hơn là người chiến thắng nhờ Ngài: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như Ý Ngài định” (Rm 8:28). Nếu bạn khó cảm ơn về một tình huống nào đó và bạn nghĩ mình không thấy mặt tốt trong đó thì có thể bạn đang là rào cản để điều tốt lộ ra.

Hãy nhớ rằng lời hứa trong thư Rôma 8:28 là có điều kiện, vì những người yêu mến Chúa. Nếu có phần của tâm hồn vô ơn và không yêu Chúa, có thể bạn đang ngăn cản Chúa khi Ngài muốn làm cho hoàn cảnh đó “tác dụng tốt”. Khi bạn biết tạ ơn thì Chúa có thể làm cho nghịch cảnh trở thành chứng nhân. Nếu bạn vẫn chịu đau khổ, vẫn vô ơn, điều đó không thể tác dụng tốt vì bạn không yêu Chúa hết lòng.

Bạn sẽ không thấy điều tốt nếu bạn không biết tạ ơn. Bạn phải tin Chúa và thân thưa: “Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài về hoàn cảnh này vì con biết Ngài muốn điều đó xảy ra để tốt cho con. Khi bạn biết tạ ơn thì bạn sẽ cảm nhận được tình yêu, bình an, và niềm vui về sự hiện diện của Chúa. Đó là vì chúng ta ở trước mặt Chúa qua việc tạ ơn: “Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người. Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100:4-5).

“Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 139:23-24). Trong đoạn văn này, những lời đó nói về điều xấu, nghĩa là ngẫu tượng, cũng có nghĩa là khổ đau và u sầu. Bất kỳ hoàn cảnh nào gây ra đau khổ và u sầu đều có thể là ngẫu tượng trong tâm hồn bạn nếu bạn vô ơn về điều đó. Khi nào bạn tin Chúa đủ để tạ ơn về các hoàn cảnh đó thì vẫn bị lệ thuộc chúng và vẫn không yêu Chúa hết lòng. Đôi khi các bi kịch trở nên phần quan trọng trong đời người và sự đồng nhất đó là trí lực của chúng ta. Đừng coi mình là nạn nhân, hãy coi mình là người chiến thắng: “Hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 15:57).

Vô ơn không là nguyên nhân của vấn đề về tâm hồn mà là triệu chứng của vấn đề căn nguyên. Vấn đề căn nguyên có thể là sự không được tha thứ, cơn tức giận, nỗi cay đắng, lòng ghen tương và bất kỳ tình trang tinh thần nào khác, chúng mở cửa cho Satan và đóng kín lối đến với Thiên Chúa. Vấn đề căn nguyên cần được loại bỏ ngay trước khi người ta có thể biết tạ ơn. Nếu vấn đề căn nguyên trở nên một phần trong cuộc đời bạn thì bạn cần phải đi xuyên qua giai đoạn “chết cho chính mình”. Hãy nhớ rằng bạn không là nạn nhân, và mọi thứ xảy ra với bạn là một phần của cuộc sống để giúp bạn trở nên con người mà Chúa muốn.

Luật “nhân quả” cho chúng ta biết rằng cái gì đáng giá nhất thì sẽ nhận phần thưởng cao nhất. Khi bạn biết tạ ơn Chúa ngay trong lúc đau khổ, bạn sẽ tiến bộ trong việc từ bỏ chính mình, vì bạn khước từ những gì quan trọng trong cuộc đời bạn. Bạn sẽ hy sinh lòng kiêu ngạo của mình và sống khiêm nhường trước mặt Chúa. Điều này cho phép Hồng ân Chúa chảy vào bạn và phủ đầy trình trạng đau khổ của bạn. Đây là bước quan trọng trong việc phát triển tâm linh nơi Chúa, làm cho bạn yêu Ngài và tin Ngài hơn.

Bạn không thể tạ ơn về điều bạn làm mà lại gây đau khổ cho chính bạn hoặc người khác. Tuy nhiên, bạn có thể tạ ơn về những bài học mà bạn học được: “Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người. Ngay lúc bị sửa dạy, chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12:10-11). Bạn cũng có thể tạ ơn Chúa về cách mà Ngài sẽ làm vì điều tốt. Thường thì chúng ta thấy điều tốt mà Chúa đã hoạch định. Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào chúng ta chịu đau khổ với tâm tình biết ơn, chúng ta sẽ lớn lên trong tình yêu và niềm tin nơi Thiên Chúa.

Chúng ta phải nhận biết rằng khi chúng ta chịu đau khổ, đó không phải là Chúa không yêu thương chúng ta, mà vì Ngài thực sự yêu thương chúng ta: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:35-39).

Trong đoạn văn trên, chữ “người chinh phục” được dùng đồng nghĩa với “người chiến thắng” trong các sứ điệp của Chúa Giêsu dành cho Giáo hội trong sách Khải huyền: “Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết” (Kh 12:11). Khi bạn biết tạ ơn về đau khổ, điều đó trở thành nhân chứng. Đó cũng là cách từ bỏ chính mình vì Chúa Giêsu. Điều đó chứng tỏ rằng bạn yêu mến Chúa hơn chính mình: “Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình,thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:24-25). Đó là lý do “chúng ta vì Chúa mà chết từng ngày”.

Ông Gióp là người giàu có, nhưng một ngày nọ ông mất tất cả những gì ông có, kể cả 10 đứa con cũng chết hết. Đây là phản ứng của ông Gióp: “Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: ‘Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!’. Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:20-22).

Rồi điều đó còn tện hơn đối với ông Gióp. Thiên Chúa đã để ông chịu chính những đau khổ thể lý: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42:5). Khi ông quyết định tạ ơn Chúa ngay khi chịu đau khổ, tình yêu trọn vẹn ông dành cho Chúa sẽ tăng lên và ông được mặc khải về Ngài. Sau đó Chúa chúc phúc ông Gióp hơn trước.

Thánh Phaolô và Xila bị đám đông đánh đập, sau đó họ còn bị bỏ tù. Họ ở trong tình trạng khốn khổ, đau nhức vì các vết thương, tay chân họ bị khóa rất khó chịu: “Vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Xila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra” (Cv 16:25-26).

Đêm đó, cai ngục và gia đình ông được cứu. Sáng hôm sau, thánh Phaolô vàXila được tự do. Khi bạn tạ ơn và ca tụng Chúa trong lúc đau khổ, tình yêu bạn dành cho Chúa làm cho Ngài khiến cho tình huống tác dụng tốt, vì bạn và vì người khác.

Ngay bây giờ bạn hãy hỏi Chúa làm sao có thể cảm nghiệm tình yêu dành cho Ngài. Hãy xin Ngài mặc khải những gì trong đời bạn mà bạn không biết tạ ơn, những gì ngăn cản tình yêu bạn dành cho Ngài.

Hãy nghe thánh Phaolô khuyên: “Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5:18-20).

Thánh Phaolô nói rõ: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:18).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ SeekGod.org)

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN