Home / Tiêu Điểm / Không có gì ngăn được ngài

Không có gì ngăn được ngài

 

Không-có-gì-ngăn-ngài-lạiKhông có gì ngăn được ngài, sự cứng đơ của guồng máy Vatican, khía cạnh mờ tối của nó, sự thụ động không tranh giành với ai, thể thức nghi lễ, các đe dọa đó đây, máy vi âm, thuốc độc, bàn tay vũ trang có thể ẩn giấu đâu đó trong đám đông ngày thứ tư ở Quảng trường Thánh Phêrô, tất cả, không gì ngăn ngài được.

Ngài không sợ mafia dù bên ngoài hay bên trong, trước đây ngài cũng đã không sợ; vai trò mới, nhiệm vụ mới làm cho ngài còn gan dạ hơn nữa. Ngài sẽ không bao giờ đứng về phía các linh mục tự phụ, đạo đức giả, những người bè phái trục lợi, những luật sĩ rụt rè, những thư lại của Phúc Âm. Ngài thuộc týp người không che giấu, coi thường các mặt nạ, các áo giáp, ngài không có gì để che giấu, ngài chỉ có một chuyện để ngài chứng tỏ, đức tin của mình, hy vọng của mình. Và đó là điều quan trọng đối với ngài. Là điều rọi sáng ngài, khuôn mặt ngài rạng rỡ khi ngài gặp đám đông ở Rio, ở Rôma, ở Lampedusa. Chính đám đông đã thúc đẩy ngài, mặc cho mây xám, mặc cho bóng tối đe dọa, mặc cho nạn nghèo khổ, nạn khai thác, nạn nô lệ, nạn di dân, những vi phạm thường xuyên đến nhân phẩm.

Đức Phanxicô không phải là týp người thích vui: ngài là týp người chịu thương chịu khó, kiên trì đương đầu, người hy vọng, người biết lời và bánh của Chúa là rất lớn đối với những người khốn khổ, ngài ở trong nhóm các nông dân cày cấy, những người thợ gặt không mệt mỏi, mà miếng đất khô cằn không làm cho họ ngừng lại.

Ngài cũng không ở trong hàng ngũ của những vua-giáo hoàng, không ai với tới được: năm 1978, chính Đức Gioan-Phaolô I trong ngày đăng quang đã từ chối mang mũ giáo hoàng, thay vào đó ngài chỉ mang dây pallium bằng len đơn sơ của một mục tử. Từ bỏ thế gian và  chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa vật chất độc hại, Đức Bênêđictô XVI núp trong phụng vụ huy hoàng như ở trong cái kén, không có gì quá xa hoa, quá đẹp để chống lại cái khốn cùng của thế kỷ, và chắc chắn là ngoài ý muốn của ngài, nhưng ngài lại thường xuất hiện như một giáo hoàng trau chuốt, sang trọng. Không có gì giống như vậy đối với Đức Phanxicô: sự thanh đạm đi theo ngài trong đời sống hàng ngày cũng như trong các hành vi của ngài. Cách phục sức thì rất giản dị, mũ giáo hoàng thì giống mũ các giám mục, không cao hơn cũng không trang hoàng hơn, dây thắt lưng trắng, không thêu huy hiệu giáo hoàng và ngài vẫn mang đôi giày đen mục tử từng đi trên các đường phố ổ chuột ở Buenos Aires.

Cho đến Thánh giáo hoàng Gioan XXIII, giáo hoàng ở trong Dinh Tông đồ và lúc nào cũng ăn cơm một mình. Giáo hoàng cũng ngạc nhiên và hỏi xem có dấu vết nào trong Phúc Âm ra lệnh như vậy không. Ngài từ chối ở tầng cuối cùng của Dinh Tông đồ, ngài chỉ lên đó vào ngày chúa nhật để đọc Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô đã làm mọi người ngạc nhiên và sốc. Một vài người còn thấy đây là chuyện làm vẻ, dấu hiệu rất hời hợt của một người có quyền lực ở thời buổi hiện đại, của một người thích liên lạc. Có thể ngài như vậy. Nhưng nhất là ngài không muốn mình bị kẹt vào vỏ bọc của guồng máy, để rồi bị trói, bị dò xét, bị để qua một bên, bị ở bên lề cuộc sống. Các vị ở cấp cao thích đá cẩm thạch, thích tranh huy hoàng, thích nhà rộng mênh mông, kệ: Đức Giáo hoàng thích căn hộ bình thường, ở như ở tạm, ngài ăn ở phòng ăn chung ồn ào, buổi chiều, không nhân viên phục vụ, ngài bưng khay đi lấy đồ ăn một mình… Nguy nga và đẹp đẽ dành cho Chúa Kitô, cho Thánh Thể dưới lọng bằng đồng, cho các buổi rước kiệu Thánh Tâm ở đường Merulana. Phần còn lại là công việc tu luyện khổ hạnh và kỷ luật. Không cần phải nhắc khéo ngài các chuyện phù du của thế gian. Cả cuộc đời của ngài đều nói lên sự nghèo khó và gian khổ này, điều này thấy rõ ngay từ buổi tối đầu tiên ngài được bầu chọn, khi ngài ra ban công trong chiếc áo chùng trắng và trần trụi độc một cái tên.

Chính vì vậy mà ngài khác hẳn với các vị tiền nhiệm, nhưng không nhất thiết khác trong các công việc của Tòa Thánh. Ngài gần với những người đi giảng Phúc Âm, những người đi gieo hạt, những người đi tìm Chúa. Người ta đồn khi bắt đầu triều giáo hoàng của mình, ban đêm ngài đi trong thành phố Rôma để giúp người nghèo. Chắc chắn ngài không bao giờ làm, nhưng ngài giao tiền cho người đại diện mà bàn tay là bàn tay vô hình của ngài. Đứng trước những người trơ cứng, những người giữ địa vị, giữ giáo điều, giữ đặc quyền, ngài nhắc lại cần phải rộng lượng và phóng khoáng. Người ta đã thấy, được đặc ân với triều giáo hoàng trước, những giám chức cực kỳ bảo thủ, bị ám ảnh bởi truyền thống, bởi chính sách ngu dân trong  lãnh vực phong tục tập quán và quá lố trong cách ăn mặc: một hồng y Mỹ, thành viên của giáo triều đã mặc áo có đuôi dài cả mấy mét… Hồng y đó đã không còn làm ở Bộ Giám mục. Đó là những người sợ sệt co quắp canh giữ giáo điều mà Đức Phanxicô không cần, ngài cần các mục tử không bao giờ quên, đòi hỏi đầu tiên cho chức thánh của mình là phải có tinh thần khó nghèo, chịu đựng gian khổ, có lòng thương xót và có tình thương.

Ngài sẽ đi đến đâu trong việc đổi mới Giáo hội của mình? Một hàng rào sợ sệt, ghen tương của những đặc quyền về giáo điều canh chừng và gieo rất nhiều cản trở. Gia đình, tình trạng người ly dị và tái hôn, vấn đề độc thân của các linh mục, sự đón nhận tất cả những ai Giáo hội thường có khuynh hướng loại trừ, đặc biệt là những người đồng tính, các vấn đề vẫn chưa giải quyết, đòi hỏi có tấm lòng quảng đại hơn và sáng suốt hơn. Khuôn khổ làm việc thì hẹp, thì giờ thì không còn nhiều. Người ta thích việc cải cách của ngài có được sự hoan hỉ như khi ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài lay động các gông đeo cổ, các kháng cự, ngài lật nhào và ngài hoán cải. Đây không phải là nhà cách mạng và sự cập nhật hóa Giáo hội không trụ được trước cơn chấn động. Ngài không lật nhào tất cả. Ngài làm việc, ngài cầu nguyện, ngài viết. Ngài chuẩn bị thông điệp, ngài cảm hứng theo tinh thần Phan Sinh, về sự tôn trọng mà con người phải có với tạo dựng, phản ảnh của Chúa. Ngài biết từng người ngài bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng. Ngài biết quá nhiều về bộ mặt Giáo hội mà ngài ghét: kiêu căng, tự phụ, tự đủ, chỉ thích quy về quá khứ viển vông mà không thích hướng về tương lai. Ngài theo cách của ngài, không mạo hiểm ở Rôma, ngài đi. Và ngài bước tới. Ngài không phải là týp giáo hoàng vô công và nhu nhược, nhàn rỗi đi nghỉ hè hàng tháng ở biệt thự Castel Gandolfo huy hoàng. Ngài không sợ không khí ngột ngạt mùa hè nóng bức ở Rôma, ngài tham khảo với hội đồng G8 các hồng y của mình và âm thầm vạch đường hướng cho sự quản trị Giáo hội sau này. Ngài làm việc không mệt mỏi và ngài biết ngài không một mình. Khối đông khổng lồ tụ tập ở chân cột Bernini Quảng trường Thánh Phêrô là thành trì che chắn cho ngài và là liều ‘ma túy’ của ngài và có thể còn nhiều hơn nữa, những người không sờ được, không thấy được, tất cả những người bị bỏ rơi, những người không nơi nương tựa, những người bị thế giới toàn cầu hóa bỏ quên, những người sẽ không bao giờ thấy được ngài, tất cả những người không tên ở tận hang cùng ngõ hẻm, những người ở ngoại vi, những người ở bên lề, tất cả, ngài mang họ trong lời cầu nguyện của mình, không mệt mỏi.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …