Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 30 Thường niên, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 30 Thường niên, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Mc 10, 46-52)

 

imagesBài Phúc âm hôm nay ghi nhận khi người mù nghe biết Chúa Giêsu Nazareth đi ngang qua, anh ta la lên: “Hỡi ông Giêsu, con vua Đavit, xin thương xót tôi”. 

Câu nói đó cho thấy người mù đã đi từ lòng tin vào một con người đến đức tin. Lòng tin vào con người giống như khi chúng ta tin vào một người nào đó ở trần gian: tin vào cha mẹ, thầy, cô, tin vào bạn bè… Chính nhờ lòng tin này mà người ta có thể làm ăn với nhau, ký kết các hợp đồng làm ăn, cho mượn tiền… Thế nhưng không chỉ có thế, khi nghe biết Đức Giêsu, anh mù còn tuyên xưng: Ông Giêsu, Con Vua Đavit nghĩa là anh tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Messia mà người Do thái luôn trông đợi. 

Điều đáng ngạc nhiên là anh tuyên xưng mà không hề thấy những gì Chúa Giêsu đã làm trước đó: anh không thấy phép lạ bánh và cá ra nhiều, anh không thấy biết bao người được chữa lành khỏi bệnh,… Nói đúng ra niềm tin của anh đến từ việc nghe, nghe người ta nói về ông Giêsu, nghe người ta ca tụng những điều cao cả mà Đức Giêsu đã làm. Niềm tin của anh mù trước tiên giống như mọi niềm tin trong nhân loại, tin vào một con người, vào người khác vào người lân cận, tin vào một người uy tín. Thế nhưng niềm tin ấy nhanh chóng biến thành đức tin vì anh tin rằng Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đấng Cứu độ. Chính vì thế anh lên tiếng xin Đức Giêsu, Con Vua Đavit là Đấng Messia cứu giúp. 

Lời kêu xin của anh cho thấy rằng một khi đã tin, người ta dám làm tất cả. Ở đây anh ta dám liên hệ với Đấng bị những người Biệt phái luật sĩ, những người có thế lực thời đó, tìm cớ tiêu diệt. Anh cũng không sợ đám đông, khi nhiều người trong đám đông bảo anh ta im thì Phúc âm cho chúng ta thấy những lời ngăn cấm của người khác không làm anh mù câm miệng nhưng lại làm cho anh la còn to hơn nữa. Đức tin mời gọi người ta phải lên tiếng cho dù người khác muốn cản trở, muốn làm cho câm miệng. 

Tiếng kêu của anh chứng tỏ niềm tin vững chắc của anh vào Đức Giêsu, Đấng mà anh tin sẽ cứu chữa anh bằng cách nào đó mà anh không biết. Tiếng kêu của anh cũng cho những người chung quanh biết rằng sự ngăn cấm của họ chỉ hiệu quả đối với những người yếu đức tin, còn đối với những người có đức tin vững mạnh thì chỉ làm tăng thêm lòng tin vào Đức Giêsu, tăng lòng tin vào Thiên Chúa mà thôi. Tiếng kêu của anh cũng cho thấy rằng anh mù có thể thấy cái mà những người sáng mắt khác không thấy. Điều đó cho thấy biết mình mù hay sáng mắt không phải là dễ.

Điều đó cũng cho thấy, trong cuộc đời nhiều khi xảy ra chuyện ngược đời. Anh mù thì lại “thấy” còn người thấy thì lại “mù”. Anh mù Bartimê đi ăn xin bên vệ đường. Theo sự suy diễn bình thường của dân chúng thời đó thì tình trạng nầy cho thấy anh mù là một người tội lỗi, vì tội lỗi nên bị Chúa phạt và người ta cũng chẳng để cho anh ta phát biểu ý kiến hay là để kêu xin Chúa Giêsu trợ giúp.

Vậy mà anh ta tỏ ra thấy rõ, cái ngược đời là ở chỗ đó. Anh ta thấy cái mà người sáng mắt không thấy: Anh ta thấy Đức Giêsu là con Vua Đavit; thấy quyền lực của Đức Giêsu nên mới cầu cứu đến sự trợ giúp của Người; đặc biệt anh thấy rõ con người của anh, thấy rõ tình trạng mù lòa của mình. Người mù nhưng thấy rõ mình cần phải thoát ra khỏi cảnh mù. Người mù nhưng thấy rõ khuyết điểm của mình và ước muốn được chữa lành trong khi người sáng mắt lại không thấy sự u mê của họ.

Như thế xem ra anh mù còn thấy rõ hơn nhiều người sáng mắt trong chúng ta vì có khi chúng ta không thấy rõ chính mình, dốt mà không thấy mình dốt. Phần lớn những lục đục trong đời sống gia đình là ở chỗ người ta chỉ thấy lỗi của người khác, của vợ, của chồng mà không hề thấy rõ lỗi hay tội của mình. Trong đời sống chung cũng thế, nhiều khi chúng ta than phiền về lỗi của người khác nhưng không hề thấy lỗi của mình. Hình như chúng ta sáng mắt khi thấy lỗi của người khác, nhưng lại không thấy hay bị mù tối về lỗi của mình. Hơn nữa, đôi khi chúng ta cũng không thấy rõ Đức Giêsu, không thấy rõ quyền năng của Người; có khi chúng ta không chạy đến Đức Kitô để xin Người cứu chữa lỗi lầm thiếu sót của chính mình. 

Những suy nghĩ đó cho thấy thật khó mà nói ai mù ai không mù, vì có thể trong một số vấn đề chúng ta nhìn thấy rõ nhưng một số vấn đề khác chúng ta mù tịt. Trong đời sống đạo đức cũng thế, có khi chúng ta không thấy rõ ý nghĩa lời Chúa, không thấy rõ con dường mình đi, không thấy rõ mối dây liên hệ giữa chúng ta với Chúa. Và điều quan trọng hơn cả là chúng ta mù mà không biết mình mù, hay tệ hại hơn nữa mù mà vẫn thấy mình sáng mắt : thí dụ đời sống đạo đức thấp kém mà vẫn thấy mình đạo đức cao ; có nhiều tính xấu mà vẫn thấy mình nhiều nhân đức ; làm việc, ăn nói thì dở nhưng vẫn thấy mình hay. Vì thế, mù lòa tâm trí vẫn là một cơn bệnh đáng sợ. Chính nó sẽ làm cho chúng ta đi mãi trong tăm tối nhưng cứ tưởng rằng đi trong ánh sáng và tai hại hơn, nó làm cho chúng ta không muốn tìm đến ánh sáng nữa vì cho rằng những điều tôi làm, tôi sống đã là ánh sáng.

Chính vì thế chúng ta cần bắt chước như anh mù trong bài Phúc âm hôm nay : trước tiên là phải ý thức về tình trạng mù lòa của mình, ý thức về tình trạng thiếu sót của mình để kêu cầu Đức Giêsu, để xin Đức Giêsu tha thứ và ban cho chúng ta ánh sáng qua việc chúng ta đọc, suy niệm và sống Lời Chúa vì chính Lời Chúa mới là ánh sáng thật soi dẫn bước chân của mỗi người chúng ta; tiếp đến cần đáp lại lại tiếng gọi của Chúa bằng một hành động dứt khoát: vất áo choàng, nhảy chồm dậy, đến cùng với Đức Giêsu và theo Người lên đường.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải dứt khoát với cảnh mù lòa trong tâm trí chúng ta. Xin cho chúng ta luôn thấy được con đường mà Đức Kitô mời gọi chúng ta.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

XÉT ĐOÁN

XÉT ĐOÁN

Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7:1) Từ …