(Mc 9, 38-43.45.47-48)
Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại việc các môn đệ đến gặp Chúa Giêsu và than phiền có những kẻ tuy không cùng nhóm nhưng dám nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ! Thái độ này chẳng qua chỉ là một phản ứng tự nhiên khi các ông muốn bảo vệ sự độc quyền rao giảng Tin Mừng. Bài đọc thứ nhất cũng kể lại trường hợp tương tự : Giosuê bất mãn khi thấy Thần Linh Thiên Chúa ngự trị trên hai bô lão và hai vị này nói tiên tri khi chưa được ủy nhiệm. Và Môisen, thay vì khó chịu, lại tuyên bố: “chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”. Chúa Giêsu cũng nói “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con.” (Mk 9:40). Như thế điều quan trọng trong những lời của Đức Giêsu nói ở đây phải là từ “nhân danh” Đức Giêsu và giáo huấn đầu tiên của Đức Giêsu xuất phát từ phản ứng bè phái của Gioan, con ông Giêbêđê, có biệt danh là “con của sấm sét” (3,17).
Đức Giêsu cảnh các các môn đệ về nguy cơ muốn chiến độc quyền về đức tin là Thánh linh. J.Hervieux cắt nghĩa: “Đức Giêsu không chấp nhận cho Hội thánh của người có “tinh thần kín cổng cao tường” “tinh thần pháo đài”. Lệnh của Chúa là phải mở rộng vòng tay đón tiếp hết thảy những ai không tỏ ra thù nghịch với mình. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Chắc hẳn những lời này rất quan trọng đối với một Hội thánh như cộng đoàn của thánh Máccô, vì lúc đó cuộc bách hại thúc đẩy họ co cụm lại, sống kín cổng cao tường”. (“l’Evangile de Marc” Centurion, trang 137-138).
Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng : sự trưởng thành trong đức tin của chúng ta là con cái Thiên Chúa không ở chỗ tranh giành cãi cọ hơn thua với các người khác, với các tôn giáo khác, nhưng hệ tại ở cách sống Đạo của mỗi người.
Ở đây chúng ta thấy cần phải có thái độ thận trọng khi phân biệt ai thuộc về Chúa ai không. Điều đó được chứng minh khi Chúa Giêsu nói đến việc sẽ xảy ra trong ngày chung thẩm. Khi ấy có người nói với Chúa Giêsu rằng : “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?”. Và Chúa Giêsu đã nói cách nặng nề: “Ngày phán xét, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi” (Mt 7,22-23). Họ bị từ chối vì họ đã sống giả hình. Họ đã nói rất hay: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” Họ đã lão luyện trong các chuyện thiêng thánh, nhưng họ sống một cuộc đời xấu xa : “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,22-23).
Như thế tiêu chuẩn sẽ giúp quyết định ai thuộc nhóm Chúa Giêsu không phải chỉ là tiếng kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa!” cũng không phải chỉ là làm phép lạ, xua trừ má quỉ nhân danh Chúa Giêsu, nhưng là nỗ lực tránh trở thành xấu xa.
Chúa còn đi xa hơn, nên nêu thí dụ “Ly nước lã”. Một cử chỉ nhỏ bé nhất được thi hành giúp các môn đệ Người “vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô” có giá trị trước mặt Thiên Chúa: “Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Điều đó cho thấy phải hết sức tôn trọng người nhỏ bé nhất trong số các anh em của Người.
Giọng điệu của Chúa Giêsu còn trở nên nghiêm trọng hơn khi cảnh cáo nghiêm khắc cho những người dựng nên chướng ngại vật, làm cho những “kẻ bé mọn” (tức là những tín hữu mà đức tin còn yếu) bị vấp ngã. Thánh Phaolô đã cho thấy người kitô hữu có nguy cơ làm cớ cho người khác sa ngã : “Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã… Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc” (1 Cor 8, 9-12). Thánh Phaolô còn cho biết có nhiều loại kitô hữu trong các giáo đoàn và họ ảnh hưởng lên nhau: những người có “hiểu biết” dễ trở thành cơ hội vấp ngã cho những kẻ yếu đuối muốn bắt chước họ và thánh Phaolô kết luận: “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8,12). Xác quyết này nhấn mạnh sự liên đới giữa Đức Giêsu với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu. Tính cách trầm trọng của gương xấu phát xuất từ phẩm giá của người tín hữu bị sa sút. Và sự nghiêm khắc của Đức Giêsu đủ nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư phải dành cho những người bé nhỏ và bất hạnh lớn nhất cho một người là lôi kéo một trong các kẻ nhỏ này phạm tội.
Tóm lại, Đức Kitô mời gọi điều mà các Công Đồng Vaticanô II nhắc lại : “Ước gì giữa lòng Giáo Hội, chúng ta biết phát sinh lòng quý mến, tôn trọng và hoà hiệp lẫn nhau trong sự nhận biết những khác biệt chính đáng, cũng như biết cởi mở đón nhận những người anh em không cùng tín ngưỡng, nhưng có những truyền thống tàng trữ nhiều sở trường đạo hạnh và nhân phẩm quý giá…” Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hiểu biết tính trầm trọng của gương xấu để tránh làm điều xấu.
Một lần kia, thánh Phanxicô Assidiô bị đau bao tử. Một đồ đệ của ngài là anh Giuniphêrô, lo việc y tá, chữa bệnh cho ngài bằng thịt quay. Anh bắt được một con sáo, ướp dầu ôliu rồi nướng lên đem dâng lên Phanxicô. Ăn xong ngài ray rứt khôn tả, Ngài nói :
Khốn nạn thật. Chính ta hằng ngày vẫn ra rả khuyên mọi người sống đời nghèo khó, chính ta đã từng đuổi một anh em ra khỏi dòng vì tội ham ăn ham uống, cũng chính ta đã từng từ chối không chấp nhận vào dòng một người khác vì lỗi coi trọng tiền bạc của cải hơn số phận kẻ nghèo… Thế mà vừa rồi ta lại lén lút xơi nguyên cả một con sáo! Thật là một gương xấu tầy trời!
Phanxicô gọi một đồ đệ khác là anh Giacôbê đến, bảo lấy sợi dây thắt một cái tròng. Hai người cùng đi đến đầu thành phố Assidiô, thánh Phanxicô đút đầu vào tròng, rồi bảo Giacôbê cứ thế dắt đi. Theo lệnh của Phanxicô, vừa đi, Giacôbê vừa hô : “Đây, mời bà con ra mà xem! Đây là người đã yêu cầu bà con nhịn ăn nhịn mặc, sống đơn giản, nghèo cực, nhưng tự mình lại nại cớ đau bao tử để ăn cả một con sáo nướng đây. Mời bà con ra mà xem”. Cả một đám trẻ con kéo theo vây xem cảnh người dắt người.
Câu chuyện đó mời gọi chúng ta hướng về Lời Chúa hôm nay. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa. Điều quan trọng không phải là tranh giành ảnh hưởng nhưng xin Chúa rửa chúng ta sạch những lỗi lầm để chúng ta sống hạnh phúc đời này và đời sau. Đời sống hạnh phúc trong tâm linh sẽ tỏa niềm vui cho người chung quanh.
Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng